Công Cha Nghĩa Mẹ … Ơn Thầy Cô

Lê văn Truyển

(Nguồn: Giai phẩm Xuân Mậu Tuất 2018 – Petrus Ký 1966-73)

Cơm cha áo mẹ chữ thầy

Biết bao công khó ơn này khắc ghi

Tôi viết bài này để tưởng nhớ công ơn các thầy cô dạy dỗ. 7 năm trung học mài đũng quần trên nhiều bang ghế, tôi đa thụ hưởng công ơn của nhiều thầy cô. Có người để nhiều ấn tượng trong tôi, có người làm tôi vui thích khi đến lớp, có người làm tôi ngần ngại, nói chung, sung sướng hay ngần ngại là tình cảm của một học trò thích được thầy cô để ý đến khả năng học của mình.

Nhờ có bạn gửi cho chúng ta danh sách các thầy cô (kèm theo đây), tôi sẽ cố gắng nhắc lại những gì tôi còn nhớ hơn bốn mươi năm sau, trí nhớ có thể sai, nhưng tình cảm trong tôi với các thầy cô vẫn đậm đà.

Tôi không thể nói về từng người vì dài quá, tôi chỉ xin phép nhắc lại những thầy cô đa ghi đậm vào trí nhớ của tôi trong 7 năm theo học. Trong cuộc đời của tôi cũng có lúc làm thầy giáo để sống lúc còn đi học, cũng có lúc đi dạy thiện nguyện, khi gặp lại các em, lòng tôi cũng vui khi thấy các em còn nhớ đến mình.

Các bạn nhà giáo trong chúng ta xin tha thứ cho tôi, không viết hết về các thầy cô mà chỉ viết về vài vị. Sức tôi không còn minh mẫn để làm chuyện đó. Tôi xin lắng nghe các bạn cùng viết về các thầy khác để chia sẽ với anh em.

Pháp văn. Bỡ ngỡ vào lớp đệ thất trường trung học Petrus Trương Vĩnh ký hay gọn hơn là Petrus, tâm hồn tôi giống như tín đồ bước vào đất thánh (Thầy Trần Thành Minh hay nhắc chúng tôi tên thánh Petrus của ông không có dấu sắc) . Cái gì cũng sang cũng đẹp. Sân trường xanh mướt cỏ, cây cao bóng mát khắp nơi, lớp học sạch sẽ với những bàn viết ngay ngắn. Thật tình tôi không nhớ buổi chiều nhập học đầu tiên như thế nào, nhưng hình ảnh thầy Túc dạy Pháp văn làm tôi « ngán» nhất. Dáng thầy giống như một ông tây với đôi kính trắng gọng đen dầy.

Thầy không cao mà khá « đô », lúc nào ăn mặc cũng gilet cà vạt. Tiếng thầy nói oang oang giọng Bắc và nhất là khi thầy xổ tiếng tây thì tôi khâm phục sát đất… vì tôi chẳng hiểu gì cả. Thầy Túc bắt chúng tôi phải ghi danh lớp đàm thoại với một ông Tây vào buổi sáng. Ông này nói năng hung hãn và la lối như … tây. Khi ông chỉ tay cho đứng dậy, thằng bé mặt xanh lè phọt ướt cả quần thì còn hiểu gì để trả lời.

Cũng may đây chỉ là môn phụ (option) không lấy điểm, từ từ anh em ai cũng chạy lui. Cô Loan dạy chúng tôi năm đệ lục. Giọng cô nhẹ nhàng mà cô cũng không khó với đám con trai. Giờ cô hay làm chính tả, học giữa chừng thì nghỉ luôn vì chiến tranh nên tôi không nhớ nhiều những kỷ niệm trong lớp về cô. Thầy Tiễn dạy năm đệ ngũ môn Pháp văn, thầy hiền lành ít khi phạt học trò. Khi bạn Lê Phùng Minh dang tay ra đấm bạn Nguyễn Tấn Hùng ngay trong giờ thầy giảng, lúc đó chúng tôi đang học văn phạm complément d’objet direct, thầy không can thiệp nhưng cũng có một cách nữa trách nữa diễu cợt «c’est un coup direct» (một cái đấm thẳng). Thầy nói năng nhỏ nhẹ với chúng tôi và cho điểm không gắt gao. Thầy kể cho chúng tôi nghe tại sao xe hơi Pháp đèn vàng chứ không đèn trắng như các xe khác (bây giờ đèn vàng đa bỏ rồi). Tiếng Pháp bốn hay năm giờ một tuần, nhờ đó cũng qua đi nhẹ nhàng. Năm đệ tứ Pháp văn do thầy Hồ văn Thái đảm nhận, về sau tôi biết thầy còn là kiến trúc sư và tôi có học với thầy luyện thi kiến trúc hậu tú tài phần hai. Năm này tôi học rất chăm vì ngồi bên cạnh « thằng tây con » (tên đặt ghẹo chơi cho bạn Trần Thế Hiển mới vào năm đó). Câu nào cả lớp bí thầy đều nhìn qua Hiển.

Năm đệ tứ cũng lộn xộn vì sinh viên học sinh xuống đường chống « cáp duồn » và Nixon lan rộng chiến tranh sang Cam Bu Chia. Trường đóng cửa nhiều ngày nên sự học cũng gián đoạn nhiều lần. Tết 1970 quân cộng sản cũng đánh vào thành phố, lại một phen chạy loạn tứ tán. Bên ngoài ra sao trong học đường cũng vậy. Treo cờ giải phóng miền Nam, biểu tình, trò và thầy nhìn nhau nghi ngại. Rõ chán. Lớp 10 do Cô Trương Thị Thanh Vân, cô rất « đầm » và cô cũng tự hào như thế. Giọng tiếng Pháp của cô nghe rất hay. Dạy thể impératif (thể ra lệnh), cô kể chuyện một người Pháp đến nhà, cô mời vào bằng câu « Veuillez entrer SVP », ông ta khen cô rất giỏi cách xử sự. Qua năm lớp 11, Cô Đặng Thị Thiên Chi và chúng tôi như chị và các em. Tính cô cởi mở, ai có chuyện gì cũng nói với cô. Thất tình, cua bạn gái, học vất vả quá, cô lắng nghe và cho chúng tôi những lời khuyên rất ôn tồn, không cứng nhắc. Giờ học cô rất vui và qua mau, đến lớp nghe như nghe bà chị lớn nói chuyện, dù là năm thi tú tài phần một. Lệnh tổng động viên cho những ai sinh năm 54 và trước đó ban ra, anh em học cuống cuồng để còn được cái bằng vào trường sĩ quan thay vì đeo cánh gà. Cô dạy them cho những ai muốn tranh thủ giờ. Không hiểu tại sao tôi thấy phong cách của cô giống như một phụ nữ trí thức tây phương,. Nụ cười hiền dịu của cô làm chúng tôi yêu thích và chăm chỉ nghe môn Pháp văn vốn khó khăn. Thầy Nguyễn Minh Đức là hiệu trưởng kiêm giáo sư Pháp vân năm 12. Thầy soạn giáo án rõ ràng, hoặc đọc bài hoặc dịch ra tiếng Pháp những bài Việt văn hóc búa. Năm lớp 12 ai cũng chăm chỉ vì sửa soạn ra trường.

Lý Hóa. Cô Lâm thị Cúc dạy Lý Hóa hai năm liên tiếp, đệ thất và đệ lục. Cô mặc áo dài rất đẹp và rất … nói sao đây, rất «femme». Cô rất nghiêm trong lớp, khi giảng bài, cô nói giọng Nam, cô đi lên đi xuống qua các dãy ghế, nhà ngói cũng như nhà tranh. Tôi không có điểm tốt với cô nên thật thà mà nói, giờ cô tôi không vui cho lắm, nhưng Lý và Hóa là hai môn quan trọng, tôi không được phép lơ là. Lên năm đệ ngũ tôi học khá hơn với thầy Đặng văn Hiền, thầy người Bắc. Mùa hè năm đó, tôi nhặt ở đâu được một quyển giải bài tập Lý nên liên tiếp được nhiều điểm tốt. Loại bài : cho một lít nước nóng ở 30 độ C vào một bình nước đá hai lít, nhiệt độ sau cùng sẽ là bao nhiêu ? Ai nói cho tôi biết là thầy Hiền còn là giáo sư võ (Judo hay Taekwondo?), thảo nào người thầy coi rất rắn chắc. Qua lớp 9, cô Nguyễn thị Đoan Trang dạy Lý Hóa và cả Vạn Vật. Giọng cô người Huế nghe rất thanh tao. Cô Trang còn hướng dẫn chúng tôi làm thí nghiệm trong lớp nhiều lần. Thầy Đỗ Ngọc Châu mà chúng tôi gọi đùa là «Trâu Điên» tính tình vui vẻ. Vật Lý năm đó học lực Newton, đánh vật với lực và phản lực mà vẫn vui vẻ học với thầy. Miệng rộng giọng bắc kỳ, ông hay nói đùa làm học trò gần gũi ông hơn. Sang năm 11B2 thầy Lưu Chấn Thành là giáo sư hướng dẫn và cũng là giáo sư môn Lý Hóa. Năm thi, học trò học gần chết, thầy cũng ra công giảng dạy. Một lần anh trưởng lớp (Trương Minh Hạnh) lên trình bày chương trình thể thao cho lớp, anh nói đi nói lại là còn thiếu một chút để mua trái bóng chuyền bằng da. Cuối cùng thầy móc túi ra cho. Nhớ ngày cuối năm gần đi thi, ông chúc chúng tôi gặp nhiều may mắn bằng một giọng rầu rầu. Năm 12 thầy Phan Ngọc dậy môn Lý. Thầy người Trung, cao và rất trẻ, chắc lúc đó mới ra trường, dạy dỗ tận tình và nhất là thầy ở lại giờ cho ai có thắc mắc gì thì hỏi. Áo trắng dài tay quần đen hơi mốt, thầy có vẻ sinh viên hơn là ông giáo Petrus Ký. Tôi không đi học thêm toán lý hóa bên ngoài nên chăm chỉ nghe thầy dạy. Trước khi sang Pháp năm 1973, tôi ghé thăm thầy ở nhà, thầy cho tôi địa chỉ một người anh em họ ở Paris, nếu cần thì liên lạc xin giúp đỡ. Tôi sang Bordeaux nên không ghé được, sau làm mất địa chỉ nên cũng không nhớ là ai. Thầy Lê Hồng Đức dạy hóa hữu cơ, toàn rượu và các chất ôn – ôn (ethanol, alcoho….), món này rất khó nhai.

Vạn Vật. Thầy Hoàng Kim Tháp dạy vạn vật thì tôi nhớ, ông người Bắc, rất trẻ và bảnh trai. Những buổi học đầu tiên thầy dạy về con ếch. Than ôi, ông mất vì tai nạn xe hơi, thầy Hoàng Ngọc Quỳ là anh ông cho chúng tôi biết. Thầy mất giữa năm đệ lục và thầy Lê Tấn Đạt dạy thế. Thầy Đạt mặt trí thức đeo kính cận rất dầy, giọng Bắc kỳ, lúc nào cũng mang theo một cặp da nặng trĩu. Học thầy chưa được bao lâu thì hết năm 1968, gặp lại thầy năm lớp mười với những viên đá hoa cương, thạch nhũ,… vẫn cần cù vớí lối giảng bài của một người đam mê môn địa chất học của mình.

Qua lớp đệ ngũ thầy Nguyễn Ngọc Nam dạy về những động vật không xương sống. Thầy vẽ những con vật rất ngoằn ngoèo và rất tượng hình như lối ăn mặc của thầy : áo trắng rộng với quần ống cũng rộng mà không alamốt. Ông bơi trong quần áo của mình. Gặp lại thầy hai năm mười một và mười hai cũng thế. Tụi tôi nói đùa, đưa cho ông cây gậy, ông giống Charlot. Nhưng phải công nhận bài của thầy tóm tắt gọn gàng, hình vẽ chủ yếu vào điểm chính nên rất dễ học đi thi.

Cô Võ thị Bạch Mai dạy năm lớp chín, tôi có nhớ mang máng về cô và cũng không có nhiều kỷ niệm trong lớp đáng ghi. Lớp chín lớp mười là hai năm tôi bị xáo trộn rất nhiều về tâm tư, học hành bết bát đi nhiều, nếu không có lệnh tổng động viên chắc tôi sa sút lắm !!!

Công Dân. Đệ thất, 1966. Cô Tuyến rất đẹp và sang, giọng nhỏ nhẹ nhưng nghiêm và hơi … chảnh. Có nghe bạn nói cô là nha sĩ, trong lúc còn đang đi học cô dạy môn Công Dân. Cô Nguyễn Thu Hà cũng thế, hình như các cô dạy luật đều xinh đẹp, học trò con trai hay phá lại hay nhìn cô nên lúc nào các cô cũng phải giữ mặt nghiêm. Thầy Nguyễn Bá Kim thay đổi cách nhìn môn Công Dân với những bài về môn kinh tế. Nhờ thầy dạy mà chúng tôi biết được rằng Kinh Tế là do chữ Kinh Bang Tế Thế của chữ nho ra, thầy dạy về nguồn gốc của luật Hồng Đức, luật ở Âu châu. Giọng Bắc rất trẻ, thầy đem lại một lối nhìn về môn Công Dân khác với môn từ chương như anh em chúng tôi vẫn nghĩ. Thầy Mạch Tứ Hải gần gủi với học trò hơn, giọng vui vẻ Nam kỳ. Tôi nhớ hoài lúc đó thầy mới cưới vợ, vào lớp anh em chúc thầy tram năm hạnh phúc. Bùi Đức Khánh hỏi thầy có mỏi đầu gối không thầy, ông kéo đầu gối lên ôm lấy và nói « mới mà, chưa sao !!! » làm cả lớp cười ồ. Thực sự với thầy Đỗ văn Dzĩnh mới làm tôi thích môn Công Dân qua những bài học về Hiến Pháp, cách tổ chức quốc gia trong các thể chế cộng hòa dân chủ và Cộng Sản. Ông nói thao thao bằng giọng Bắc không cần ai nghe. Thầy lúc ấy phải trên dưới năm mươi, nhưng niềm đam mê của ông truyền sang tôi rất mạnh. Ông chỉ trích hiến pháp VNCH, ông đem hiến pháp Mỹ Pháp ra xem. Ông nói về chế độ cộng sản bên Nga, với những sovkhoz (số khổ), kolkhoz (khốn khổ) hay goulag ở Siberia. Nhờ ông tôi mới biết những Jean-Jacques Rousseau, Montesquieu và bao nhiêu nữa. Ôm cái cặp da trong tay, ông bất cần đời như một nghệ sĩ hơn là nhà giáo. Thầy Bùi Trọng Chương thì điềm đạm hơn, ban B nên môn này lấy điểm dễ dàng, mỗi tuần chỉ một giờ nên ít có dịp gần thầy.

Quốc Văn. Người gây ấn tượng trong tôi (và tôi nghĩ nhiều bạn cũng trong trường hợp đó) là cô Phạm Thị Ngọc Dung dạy Việt văn hai năm đệ thất và đệ ngũ. Trước hết là vì môn mới đối với chúng tôi mới từ tiểu học lên, học bình giảng văn chương nghe trí thức hơn là làm bài luận tả con mèo con chó. Lại nữa cô có lối giảng bài linh động vô cùng. Cô truyền cảm hứng cho chúng tôi bằng những câu hỏi ra ngoài đề và đôi khi cô đi cả vào vấn đề thời sự. Dáng cô nhẹ nhàng, vào lớp học cô nói như nói với đám em chứ không phải học trò. Năm 66, tôi nghĩ chắc cô hơn chúng tôi chừng một con giáp là cùng. Cổ văn với ca dao tục ngữ… rồi Kim văn, chúng tôi đi suốt con đường xuyên Việt với cô, dừng lại trên cánh đồng bát ngát của Sơn Nam, trên những chái nhà Bắc Việt với đàn chim gi đá (Tô Hoài) hay những bài ca dao Nam Bộ rất quê hương. Cổ văn nếu tôi nhớ không lầm là Nhị Thập Tứ Hiếu, những bài thơ này còn phảng phất chút truyện thần kỳ dành cho trẻ em. Cô Dung thực sự đa đánh thức trong tôi tình yêu Việt ngữ nhờ những giờ trần thuyết. Tôi nhớ bài trần thuyết trên quyển Đêm Dài Một Đời của Lê Tất Điều, lần đầu tiên khám phá ra tác giả này và cũng là lần đầu lên giữa lớp với Võ Thanh Tú để cùng … cãi nhau với cả lớp. Tôi còn được cái hân hạnh ở gần nhà cô, gần trường Bàn Cờ, tôi có len lén đi qua đi lại vài lần nhưng không dám gõ cửa nhà cô. Cô Trần Thị Ngọc Dung hay chúng tôi còn gọi là cô Dung Trần dạy năm đệ lục, cô rất điềm đạm. Cái sôi nổi ở cô là trong những chữ nói chậm và ngừng lại một chút cho học trò thấm trước khi đi qua ý khác. Giờ học của cô cũng hào hứng và linh động vì cô làm tất cả cùng tham dự. Mỗi lần trả bài kiểm, cô thường lấy những bài hay nhất ra bình luận cho cả lớp cùng nghe.

Thường thì bài của Trần Quốc Hùng hay Võ Thanh Tú là hay được đọc nhất (tôi đa viết về bài tả người ăn mày của Hùng trong bài Ngày Tháng Học Trò trong báo Xuân 2013). Về cổ văn chúng tôi chỉ đủ thì giờ học xong Bích Câu Kỳ Ngộ với những câu « Cỏ lan lối mọc rêu xanh dấu tiều, một vùng quang cảnh điu hiu », nghe rất thơ mộng và huyền bí. Năm đệ lục không kéo dài vì tết Mậu Thân nên rất tiếc, chúng tôi chỉ thụ giáo cô chưa được năm tháng thì chấm dứt, nhưng trong tôi, những giờ Việt văn cô dạy vẫn để lại nhiều kỷ niệm. Lên đệ tứ với thầy Đinh văn Vĩnh thì tôi bết bát. Học Kiều và làm bình luận rất nhiều. Tính tôi hay cương ra nên nhiều khi bị hố. Thi đệ nhất lục cá nguyệt, thầy ra bài : « Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác ». Câu này lấy từ câu Kỷ Sở Bất Dục Vật Thi Ư Nhân, tôi lại nói là « một nhà tư tưởng Âu Châu đa nói… ». Thế là chết tốt vì lạc đề sau đó. Mất điểm kỳ thi lục cá nguyệt là mọi thứ đi xuống, tôi nản chí và buông luôn. Đó là năm mà điểm Việt văn của tôi xuống thấp nhất. Thầy vui vẻ, giọng Bắc khá nặng, hay kể chuyện với học trò.

Giờ trần thuyết thầy can thiệp cho cả lớp cùng tham dự. Thầy Lê văn Chương dạy lớp mười với Cung Oán ngâm khúc và truyện Kiều, tôi không nhớ lắm vì thời gian này tôi làm biếng học. Năm mười một đi thi gặp thầy Vũ Ký dạy Việt văn, xem như trúng tủ. Quyển sách của thầy soạn là sách gối đầu giường của tôi, tiếc là tôi đánh mất và không tìm đâu ra được nữa. Đó là năm Nguyễn công Trứ, Trần Tế Xương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến và thơ mới. Thực tình chưa bao giờ học « đa » như vậy. Thầy người đen, giọng Trung, ông giảng bài rất say mê. Hôm thi tú tài một rơi nhằm hai câu tủ. Một là viết một bài thơ mới với các câu năm chữ và luận đề về Kẽ Sĩ của Nguyễn Công Trứ. Trúng mánh cho học trò Petrus ! Lúc thi ra, hỏi các bạn, đứa nào cũng nhớ bài « Em không nghe mùa thu, dưới trăng mờ thổn thức … » . Chúng em cám ơn thầy.

Triết.Thầy Nguyễn Xuân Hoàng lại là một « hiện tuợng » khác. Ông nổi tiếng trong giới văn chương và báo chí lúc bấy giờ. Môn Triết nghe thôi cũng thấy sang, lại được dạy bởi thầy Hoàng là cả một hạnh phúc đối với chúng tôi, chưa kể ông thuộc giới giáo sư trẻ và .. đẹp trai. Ông cao ráo, nói năng giọng Trung nghe rất hay. Giới nữ sinh bên các trường tư hay công đều biết đến tên ông. Nhớ hôm đầu tiên vào lớp, học trò ngồi xuống rồi mà ông vẫn chưa bắt đầu lên tiếng. Lớp 12B1 bên cạnh không có thầy, trong lúc chờ đợi có vào lớp hay không, anh em ồn như chợ vỡ. Ông khó chịu, chống tay trên bàn, nhíu long mày nhìn ra cửa lớp. Mãi ông mới phán ra một câu: « Những tiếng động vô nghĩa ». Câu này và câu «Lá Rụng Về Cội» cùng « Chà láng » là những câu sau đó chúng tôi thường nghe nhất. Giờ của ông là giờ đối thoại, ông hay nói với học trò: «Các anh nghĩ sao ?». Sau đó là chuyện quân trường, chuyện ông thầy không được ăn hủ tiếu dưới cây trứng cá (một phụ huynh ở Thủ Đức phàn nàn sao ông thầy lại đi ăn hủ tiếu ngoài đường với phu phen hay học trò như vậy?).

Một lần có ai nói quyển « Kẻ Tà Đạo » được dịch ra ba mươi hai thứ tiếng, ông quay qua quay lại hỏi anh nào nói gì vậy (hình như ông có chứng lãng tai), anh em nín thinh ! Quyển sách Triết màu nâu của thầy Hoàng là kinh gối đầu giường. Học thuộc lòng các câu để đi thi, ít nhất cũng được điểm trung bình.

Hội Họa và Âm nhạc. Năm đệ thất, thầy Đặng Công Hầu dạy vẽ. Trông thầy đi chiếc vespa đội nón nâu những hôm mưa gió làm tôi hay nghĩ đến một ông họa sĩ thành Paris. Giờ vẽ của thầy ai muốn ngồi đâu thì ngồi, miễn vẽ. Những tay họa sĩ cừ khôi trong lớp là Nguyễn Quang Minh, Lê Quý Bình, Võ văn Tiến.

Thầy đến từng trò để cho ý kiến, bảo thêm màu này bớt mầu kia. Thầy nói, muốn vẽ đẹp phải đi ra ngoài lề của lời thầy dạy, không nên đi vào khuôn mẫu, mà tôi là con đẻ của sự quy củ nên không cách gì có thể thành họa sĩ. Nhưng tôi yêu giờ vẽ dù chỉ ngắn ngủi đúng bốn mươi lăm phút, chừng ấy phút thôi mà ngồi chung quanh thầy, nhìn ra hàng cây sao bên cửa sổ rung rinh trong gió, cảm thấy như mình đang ngồi vẽ bên dòng sông Seine. Qua đệ lục, thầy Trần Tứ Hải dạy vẽ là một style khác. Thầy cho những đề tài rất rộng, ai muốn vẽ sao thì vẽ, miễn đem bài đến cho thầy xem. Thế là Trăm Hoa Đua Nở trong lớp. Hoa hippy, tranh trừu tượng đến độ rất là … trừu tượng, nghĩa là giấy trắng, tranh lập thể và chưa kể bôi bác cho lấy có. Có đứa còn nói «má em biểu dành thời giờ học toán, toán còn chưa xong thì học dzẽ làm chi …». Tinh thần vị nghệ thuật trong dân gian nhiều khi rất đáng buồn, các thầy đa cho chúng tôi một ít khái niệm về hội họa âm nhạc, nhờ vậy tôi tiếp tục được để thuởng thức cái hay cái đẹp của những bảo tang nghệ thuật nước ngoài. Lớp đệ lục ngắn ngủi quá và nhiều lo âu nên tôi không nhớ nhiều về các thầy cô.

Âm nhạc là môn tôi sợ nếu không muốn nói là ghét thậm tệ vì tôi không có giọng để hát. Dù ghét cũng phải học, hát không ra hát, đánh nhịp sai lên sai xuống. Chỉ có bảy nốt mà học hoài không thuộc.

Thầy Nguyễn Hữu Ba là một nhà nhạc học (musicologue) nổi tiếng ở Việt Nam mà chúng tôi không biết, được học thầy là một hạnh phúc cho ai chứ không phải cho tôi. Tôi hay nói bạn Võ Minh Châu là nạn nhân của Âm nhạc vì anh ít giọng để hát nên đánh nhịp sai, chúng tôi cùng trong một « trường phái » nhạc, nghĩa là nhịp ra nhịp, giọng ra giọng, không cái gì đi với nhau. Hai bạn rất được thầy cưng là Võ Thanh Tú và Lê Quý Bình vì cả hai đều tốt giọng. Cả năm chúng tôi học dân ca, «trèo lên quán dốc …» hay « dô ta là hò dô ta …», chứ không phải nhạc trên radio mà Hoàng Oanh hay Chế Linh hay hát !!! Thỉnh thoảng thầy làm tiếng ngựa chạy rầm rập cho chúng tôi nghe. Để cái cặp dầy cộm đằng trước, mười ngón tay thầy gõ lên mặt bàn nghe như một đàn chiến mã phi vó từ xa chạy ngang qua rồi mất hút. Chỉ khoảng nửa phút thôi mà tiếng ngựa phi tôi không bao giờ quên được. Thời sinh viên sau này tôi tự học và viết nhạc, tôi không ngờ là mớ vốn liếng âm nhạc của thầy cho tôi đủ làm căn bản để học thêm với bạn bè.

Con cám ơn thầy lắm.

Sử Địa. Giờ sử địa là giờ tương đối nhàn. Vào đệ thất, giáo sư Sử Địa Nguyễn Trí Minh cũng là giáo sư hướng dẫn. Hai giờ một tuần, tôi chỉ nhớ khi nói về Bà Triệu, ông dặn chúng tôi đừng thêm chữ Ẩu vào tên Bà. Qua năm đệ lục, năm học quá ngắn ngủi và đầy âu lo để tôi nhớ nhiều kỷ niệm với thầy Dương Ngọc Sum, chỉ nhớ là chúng tôi học về thời vua Lê Chúa Trịnh. Tụi tôi còn nhớ có lần thầy nói về đạo quân thần, thầy nói sử hiện kim có tướng Bảy Viễn theo chầu vua Bảo Đại, khi Bảo Đại nhắc đến việc dẹp mầm phiến loạn trong nước, Bảy Viễn rất thẳng, nói liền: ĐM Hoàng thượng để tui, tui trị tụi nó, cả lớp cười rần, có lẽ vì giọng nói và vẻ mặt của ông rất kịch tính giống như Tướng Bảy Viễn chăng? Cô Phạm Thị Thiên Hương là một… hiện tượng trong giới học trò đệ nhất cấp. Cô « nổi cơn tam bành » lên là cả lớp im thin thít. Chưa học cô mà chỉ nghe đàn anh nói thôi là đa đủ sợ rồi. Ngày diện kiến cô, nghe cô giáo đầu là im khe cả lũ, ngay cả mấy tên cứng đầu trong lớp. Một lần cô ném quyển vỡ của ai đó nghe vút một cái ra ngoài sân, bay nhanh như một hòn tên, nạn nhân vừa ôm đầu chạy theo vừa khóc. Lối giảng bài của cô dù vậy rất hay, cô không viết bài và cũng không cho cua in ronéo, học trò phải viết cua lấy. Tính hài hước của cô cũng rất ngầm. Các thành phố như Sa Cà Đéc, Sóc Cà Trăng là cô nhại tiếng địa phương ra. Nói về người Ấn tắm sông Hằng, cô them « lâu lâu cá sấu quẫy cái đùng mọi người bỏ chạy …», chữ « đùng » của cô làm tôi cười bò ra. Sự la lối của cô làm anh em đặt cho cô biệt hiệu … Thiên Lôi.

Học với cô gần đến cuối năm mới thấy Thiên Lôi đổi lốt. Gần tới ngày nghĩ mới thấy tình thương đám học trò trong lòng của cô. Cô nói bằng tâm hồn người cô hay người mẹ nói với con, đám học trò thấy gần gũi và thuơng cô hơn. Có những thầy cô tưởng nghiêm khắc mà rất thương học trò, cô là những người như thế. Thầy Ngô văn Lắm dạy hai năm, đệ tứ và đệ nhị, tận tụy vẽ bản đồ Việt Nam và đánh dấu những tỉnh, làng trên khắp ba miền, vẽ ngay trong lớp. Nhờ học kỹ đi thi tú tài I tôi được điểm rất tốt. Thầy còn rất trẻ, có vẻ như còn sinh viên, từ 9/2 lên lớp 11/2 chẳng thấy thầy thay đổi gì nhiều. Thầy thuộc người ít nói, Nam bộ, nói từng câu ngắn gọn chứ không kiểu cách. Cô Lâm Thị Dung hiền hòa mà học trò gọi là « Bà Già Trầu » vì cô lúc nào cũng mặc áo dài trắng lụa như những Bà Hội Đồng ở miền Nam thời Pháp thuộc. Năm ấy có người cựu học sinh Petrus bên Pháp tặng trường một lô những địa đồ kẹp bằng plastic rất đẹp, mỗi lần vào lớp cô cho người xuống thư viện mượn lên cho chúng tôi xem. Lên 12B2, diễm phúc được học thầy Lê Trọng Phỏng. Thầy dạy sử bằng lửa. Thầy nhóm vào lòng chúng tôi ngọn lửa yêu quê hương bằng những câu hoa mỹ. Những ngày đầu tiên thầy kiểm bài bằng vấn đáp làm chúng tôi hoảng sợ. Thầy gọi một anh trong sổ điểm danh đứng lên, trả lời đúng hay sai là ngồi xuống, không biết thì ăn hai trứng ngay. Nhưng dần dần sự khủng bố đó hạ xuống và thay bằng những lời tâm sự rất chân tình. Thầy dạy trường nữ Nguyễn Bá Tòng. Hôm viết thư Xuân cho các anh chiến sĩ, thầy đọc những bài thơ bên ấy viết cho chúng tôi nghe. Mà hay thật, các cô viết rất thơ hoặc làm thơ rất tài tình cho các anh ngoài chiến tuyến, chả bù lối viết dùi cui của lũ con trai. Gần cuối năm, khi có giờ trống mà lớp B3 có thầy, tụi tôi tràn sang bên ấy, ngồi cả lên cửa sổ để nghe thầy giảng. Phải công nhận thầy rất bảnh trai, trán cao tóc chải vuốt về sau rất tài tử, tôi cũng tự hỏi thầy có lai hay không mà mũi cao, mặt trắng hồng và giọng oang oang có lửa, nửa Bắc nửa Trung. Nói không phải để khoe, tôi hạng nhất sử địa năm 12, quyển Kỷ Yếu 1973 ghi rành rành ra đó. Khi đang viết bài này thì thầy mới mất được vài hôm. Xin kính dâng thầy những dòng này.

Anh văn. Sinh ngữ phụ cho lớp Pháp văn chúng tôi kể từ lớp mười, nhưng từ khi Mỹ vào, Anh văn trở nên quan trọng. Hầu hết các bạn đều đi học them bên ngoài hoặc Hội Việt Mỹ. Lớp mười thầy Phạm văn Ngôn dạy chúng tôi. Thầy hay mặc áo trắng cổ cồn dầy như áo vét, mặt lúc nào cũng tươi cười (hình như thầy có đi học bên Mỹ trước đó), thầy đặt tên Mỹ cho chúng tôi, tôi còn nhớ hai bạn được thầy chiếu cố là bạn Đàm Hiếu Du với cái tên Playboy và bạn Rớt tên Fall. Tên tôi không có nghĩa gì hết nên được « tha ». Thầy bảo thầy là bạn đồng học với cô Đào Kim Phụng cũng đang dạy Petrus, chúng tôi đùa giỡn hay ‘ghép’ thầy với cô Phụng nhưng thầy vẫn cười xoà.

Giữa năm không hiểu vì lý do gì thầy Dư Cao Cường thay thế. Tóc thầy để dợn sóng ít chải, giọng Bắc, mặt thầy lúc nào cũng nhăn nhó như đang giận ai, ông có vẻ mệt vì có thể ông cũng dạy học bên ngoài (thời đó Anh văn rất thịnh hành). Lớp mười một Anh văn do thầy Trần Châu Hồ đảm nhận, thầy người Bắc, ngăm ngăm ít nói. Theo tôi biết thầy là một nhà văn có viết truyện xuất bản, không nhớ đó là truyện thầy dịch hay sáng tác. Cô Nguyễn Thị Liên dạy chúng tôi Anh văn lớp mười hai. Đi thi học trò phải trả lời cách nhấn giọng trong danh từ Anh ngữ, phần này chiếm nhiều điểm và rất khó. Cô Liên trẻ và đẹp, lắm khi chúng tôi trân trối nhìn lên cô làm cô bẽn lẻn, cô đẹp quá cô ơi!

Toán. Đối với phần lớn học sinh Petrus Ký Toán là môn tối quan trọng. Chín mươi phần trăm học sinh đi ban toán về sau (lớp 10B2 bắt đầu chia ban). Vào lớp đệ thất bỡ ngỡ với chương trình toán lạ hoắc lạ huơ so với năm tiểu học. Góc, cạnh, tam giác, đường thẳng song song. Thầy Trần văn Thuởng giúp chúng tôi khám phá môn trừu tượng, khởi đầu một hành trình về hình học và triết học rắc rối về sau. Học với thầy hai năm liên tiếp, đệ thất và đệ lục, tôi cố gắng theo cho kịp và dần dần thấy ham học môn này. Tôi còn nhớ thầy nói người Hy Lạp truyền lại cho đời sau sự chứng minh. Nói khơi khơi không đủ, phải thuyết phục và phải nghiêm chỉnh chứng tỏ bằng biện luận. Bởi thế, bài làm theo lối « tranh không lời » không được điểm tốt, phải viết ra rành mạch. Thầy người Bắc, hay kể chuyện xứ này xứ nọ cho học trò nghe.

Năm đệ ngũ học toán với thầy Huỳnh văn Lắm. Tôi nhớ không lầm thầy trẻ lắm, người Nam, xem đám học trò như mấy đứa em út. Chương trình đệ ngũ không nặng nhưng thầy dạy rất cao, ngoài những phương trình bật nhất hai ẩn số thầy còn dạy cách tìm quỹ tích các điểm M di động, cái này « khó chết cha luôn ». Thầy hay nói, làm đàn ông phải biết ba chuyện là lái xe, bắn súng (hình như ông là sĩ quan biệt phái), còn chuyện thứ ba tôi không nhớ. Nhưng nhớ nhất là thầy cho kể chuyện cười lúc cuối giờ. Trò Nguyễn văn Tới (không biết có ai còn nhớ trò này không ?) kể chuyện ông thầy bắt tên học trò tính năm cộng năm là mấy, trò tính bằng ngón tay, thầy bắt bỏ hai bàn tay vào túi, nhâm nhi một lúc trò trả lời là mười một. Cả thầy lẫn trò té ra cười. Còn Lê Quý Bình lấy truyện cười bằng tiếng Pháp, một ông không giỏi ngoại ngữ nhưng nhất định chơi chữ, thế là ông giới thiệu với mọi người vợ ông bằng cách nói « Voici ma maison » (đây là cái nhà của tôi !!! ). Thầy Đặng Quốc Khánh dáng người đẫy đà so vớí đàn ông Việt Nam, cười tươi và nói lớn. Hình như thầy có dạy bên ngoài ở các trường tư thục nữa. Thầy hỏi, trung bình của trừ mười và cộng mười là bao nhiêu ? anh em nhanh nhẩu trả lời zê rô, thế sao khi tôi cho zê rô các em lại khóc ? Đệ tứ hay lớp chín (đầu năm học là đệ tứ, cuối năm học trở thành lớp chín) chương trình cũng nặng, nhất là về hình học. Tam giác đồng dạng, vòng tròn ngoại nội tiếp, toàn những thứ khó nhai cho trí óc non nớt chúng tôi. Nhờ thầy mọi sự cũng xong. Lớp 10 đi học buổi sáng, thầy Hoàng Ngọc Quì tiếp nối chương trình lại nặng hơn nữa trong khi học trò con trai đến tuổi dậy thì. Tôi lơi chuyện học hành năm đó, cho đến cuối năm mới hoàn tỉnh để bắt kịp chương trình. Chỉ với phương trình bậc hai mà bao nhiêu biến đổi với thông số này thông số nọ, hay những hàng điểm điều hòa, chín điểm Euler trong tam giác, …. Nhức đầu ! Thầy Trần văn Thử dạy chúng tôi năm lớp mười một nhưng được vài tháng thì thầy mất. Một đời tận tụy với nghề dạy trẻ của mình rồi mất trong khi còn đi dạy ! Hình như cái nghề godautre (không phải tiếng tây đâu mà là gõ đầu trẻ) đa mang vào rồi không cách gì ra được. Cả lớp đi đám tang thầy, một đoàn người dài lũ lượt theo xe tang đi tới nghĩa trang. Sau đó lớp tôi học với ba thầy (vì không có thầy thay thế, quân dịch đa bắt đi nhiều thầy rồi). Thầy Trần Thành Minh dạy chúng tôi về hình học và cùng lúc thầy dạy một lớp khác kiêm giám học trường. Thầy Nguyễn Minh Dân và Nguyễn Minh Lương về đại số. Nhớ lúc gần thi, học trò đồn là thầy Minh cho đề toán, các lớp khác chạy sang xin tập bài tập quay ronéo thầy cho về làm, dĩ nhiên là không trúng tủ, nhưng nếu làm được tất cả các bài trong đó thì dư trình độ để đi thi. Cũng buồn có vài bạn thi rớt năm đó, cuộc chia tay nào không buồn bã!

Có nhiều bạn thân phải bỏ trường vì trễ tuổi, cuộc chiến đa cướp đi tuổi thơ của chúng tôi. Thầy Minh đa để lại cho học trò niềm thuơng yêu kính mến! Tôi nhớ lúc gần đi thi, thầy bỏ ra cả giờ để khuyên chúng tôi cách làm bài. Lớp mười hai đón gần nửa lớp bên ngoài vào (lệnh tổng động viên liếm hơn nửa lớp), việc học nhờ vậy rất tranh đua và toán là môn quyết liệt nhất. Thầy Phan Lưu Biên vừa là giáo sư toán vừa là thầy hướng dẫn. Tiếng thầy nói hơi có giọng Trung. Chương trình thi càng ngày càng nặng, nhất là thầy chuẩn bị cho chúng tôi sau đó thi vào đại học.

Thầy khuyến khích chúng tôi tranh đua. Mấy đứa nói tôi trông giống thầy Biên, hình như tôi cũng có nét của thầy !!! Một năm với thầy cả về hình học giải tích và đại số học, chưa bao giờ chúng tôi làm việc nhiều như vậy !

Dĩ nhiên còn cả trăm thầy cô khác có dịp nào đó chúng ta có thụ giáo các người, như thầy Cam Duy Lễ, điều chắc chắn là thầy hay đến viếng lớp để phát bảng danh dự về hạnh kiểm và học lực ngay từ năm lớp đệ thất…. Thầy Nguyễn văn Lộc dạy mình môn Hóa nhưng không nhớ là lớp 9 hay lớp 10. Chưa kể còn các thầy dạy ta thể dục thể thao để đi thi mà chúng ta đa quên tên !

Ngoài ban giảng huấn còn các thầy giám thị mà tôi chỉ nhớ tên thầy Tổng Giám Thị Tăn văn Chương. Và hình ảnh ông tùy phái cầm sổ điểm danh mỗi ngày qua lại hành lang trong 7 năm trời ghi đậm trong trí nhớ non nớt của tôi.

Xã hội chiến tranh nhiễu nhương, dĩ nhiên các thầy cô cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Cảnh học trò đánh thầy đăng trên báo nhan nhãn, làm các người cũng chùn tay không dám phạt học trò. Vật giá leo thang, đồng lương công chức cố định thì chắc chắn đời sống vật chất của các thầy cô cũng khó khăn theo nhưng có đứa học trò nào biết đến đâu ? Chiến tranh kéo các thầy ra chiến trường, có người được về biệt phái, có người không. Cũng có thể các cô cũng cùng chung số phận của những người đàn bà Việt Nam có chồng lính tráng. Nói chung lúc đó đầu óc chúng tôi không ý thức rằng các thầy cô cũng gặp khó khăn như cha mẹ mình.

Tôi nhớ những chiều mưa tầm tã, lá rụng ào ạt trên những mái tôn nhà xe, những chiều nắng nhẹ lúc tan trường, cây dầu thả những cánh hoa như những cánh dù quay trong gió, rớt vung vải trên đám cỏ xanh.

Nhớ hành lang danh dự nghiêm trang như Tử Cấm Thành, mỗi lần đi ngang cũng rảo bước cho mau, sợ thầy giám thị chặn đường hỏi đi đâu.

Nhớ những buổi sáng tinh sương trên sân vận động Lam Sơn hay những sáng tập thể dục trước cổng trường những năm mười một mười hai vì sân Lam Sơn trở thành khu gia cư cho người tị nạn Mậu Thân.

Nhớ những ngày Quân Sự Học Đường ngồi dưới hàng me vàng với bạn bè đùa giỡn vô tư chơi trò chơi người lớn mà thấy vui như tết !

Nhớ những ngày chính biến, học trò xao xác trong lớp học. Những vụ biểu tình đinh công bãi khóa mà chẳng hiểu gì, chỉ vì ham đập phá một cái gì đó cho hả dạ ở tuổi liều lĩnh ngu xuẩn («đám đông ngu xuẩn» như lời thầy Nguyễn Xuân Hoàng).

Bố tôi thường ví các Thầy Cô giống như những chiếc cầu bắc qua sông Kiến Thức, mà học trò nhờ đó đi qua. Có đứa nhanh nhẹn, có đứa tàng tàng phơ phất giữa cầu. Nhưng điều chắc chắn là mai hậu về sau, mớ kiến thức học được ở trường cũng đem ra làm vốn sống với đời. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, nữa là bẩy năm học với từng thầy cô, tôi muốn nhân đây tỏ lòng tri ân với từng thầy, từng cô dù đa muộn. Lúc trẻ hăm hở vào đời, hứa rằng sẽ có một ngày trở lại trường xưa, ngồi trong lớp cũ để nhớ lại bóng dáng từng thầy cô đa đứng đó, nhìn xuống đám học trò, và sẽ như Carnot*, tôi sẽ nói, thưa thầy con đa về đây, về cám ơn thầy đa đào tạo ra con thời niên thiếu. Bao nhiêu năm qua tôi vẫn chưa làm được, thời thế cơm áo công danh kéo mình đi xa quá. Nhiều thầy cô bây giờ đa trên dưới bát tuần, nhiều vị đa ra người thiên cổ. Dù còn sống hay đa mất, em xin các thầy nhận tấm chân tình của chúng em, thành thật tri ân các thầy cô.

Không thầy đố mày làm nên.

Đến bây giờ tôi mới thấm câu nói đó, lúc đa quá lục tuần, nhưng thà trễ còn hơn không.

Tôi muốn viết bài này từ lâu nhưng chưa có dịp, hôm nay viết xong lòng tôi thấy nhẹ nhõm như trút đi gánh nặng nghìn cân đè lên mình bấy lâu nay.

Lê văn Truyển

(Với sự góp ý của Trần Quốc Hùng)

Thất 2 – 12B2 (1966-1973)

Sỡ dĩ tôi phải nói các thầy người Trung, Bắc hay Nam là để cho các bạn nhớ lại cách nói của các thầy cô trong lớp khi giảng dạy.

*Sadi Carnot, nhà vật lý học Pháp, thế kỷ thứ 19.