Con Trâu Bắc Úc

Tiền Lạc Quan

Thông thường hằng năm, hễ đến con giáp nào thì người ta lại viết về con thú biểu trưng cho con giáp đó. Vậy năm nay, năm Kỷ Sửu 2009 tức là năm con trâu, tôi cũng xin viết về con trâu ở Bắc Úc hầu quý đồng hương xem chơi.

Có lẽ chúng ta chẳng xa lạ gì với con trâu, đã từng thấy tận mắt và cũng ít nhiều biết về con trâu ở quê nhà. Ấy vậy mà có một số người Úc, từ nhỏ tới lớn chỉ được thấy con trâu trong hình hoặc trong phim ảnh chớ chưa từng được thấy tận mắt con trâu bao giờ. Họ đã bay hàng ngàn cây số, chi tiêu hàng ngàn đô-la để đi đến tận miền Bắc Úc xa xôi nóng bức này để được nhìn tận mắt coi con trâu nó ra làm sao!

 Những con trâu trong các sở thú gần Darwin Crocodylus Park và Territory Wildlife Park

Hai sở thú gần Darwin có nuôi trâu là Crocodylus Park và Territory Wildlife Park. Crocodylus Park chủ yếu nuôi cá sấu để lấy thịt và da, nhưng cũng có beo, cọp, sư tử, khỉ, trâu, đà điểu, cùng nhiều loài chim thú khác để thu hút du khách. Mấy con trâu nuôi trong các sở thú, ngoài cỏ rơm còn được cho ăn dưa hấu, táo (apple), xà-lách cùng nhiều loại rau cải và trái cây khác.

Có thể nói hình bóng quê nhà là hình ảnh đàn trâu trên những đồng ruộng bao la mà tôi đã từng ngắm nhìn từ thuở nhỏ trong những dịp về Trà Vinh trên những chuyến xe đò về miền Tây, Lục tỉnh … Không ngờ trên đất khách, ở vùng cực Bắc Úc Châu xa xôi, tôi đã thấy lại hình bóng quê nhà qua những đàn trâu trên những cánh đồng khô cằn hoặc những cánh rừng ngập nước của Bắc Úc đầy lau sậy và cỏ năng. Ra ngoại ô thành phố Palmerston (cách thủ phủ Darwin khoảng 30 km – 18.6 miles về phía Nam) là có thể nhìn thấy những đàn trâu trên cánh đồng xa xa hai bên đường, những con trâu khoan thai nhơi cỏ hoặc quậy bùn …

Đàn trâu: Hình bóng quê nhà trên đất khách

Khi mới qua đây tôi tưởng là con trâu đã được du nhập vào Úc do người Hoa đi tìm vàng trong những thế kỷ trước, dùng để cày ruộng. Nhưng không phải như vậy. Theo nhiều tài liệu thì người da trắng (Người Anh – British) đã du nhập con trâu vào Úc, mục đích chính là để cung cấp thịt cho những vùng định cư xa xôi hẻo lánh ở miền Bắc Úc. Té ra là dân Tây Phương đã biết ăn thịt trâu từ lâu nên đã phải đem con trâu theo khi mới đặt chân lên lục địa Úc Châu. Sau này người thổ dân (Aborigines, người Việt ta gọi là “Úc Đen”) miền Bắc Úc mới bắt đầu biết ăn thịt trâu, sau người da trắng.

Nói đến việc ăn thịt trâu, tôi nhớ đến một chuyện vui về chơi chữ. Nếu trong một câu mà thay đổi vị trí dấu phảy (,) tức thay đổi vị trí ngắt câu, thì câu đó có thể có ý nghĩa trái ngược.

Ở một hợp tác xã nông nghiệp nọ, nhân dịp Tết bà con muốn ngả một con trâu để làm tiệc tất niên. Bèn làm đơn xin phép “đồng chí chủ tịch”. “Đồng chí chủ tịch” nhà ta không cho, bèn phê bên lề tờ đơn rằng: “Trâu cày không được cho mổ thịt!” (Không có dấu phảy). Đến bữa tất niên thì mọi người liên hoan thịt trâu, nhậu nhẹt tưng bừng. Dĩ nhiên “đồng chí chủ tịch” nhà ta cũng có phần xôi thịt, nhưng nghĩ lại là đã không cho phép làm thịt trâu vì là trâu dùng để cày ruộng chớ đâu phải để nhậu! Bèn “dũa thê thảm” rằng: “Ai cho các anh làm thịt trâu để nhậu? Đã bảo là ‘Trâu cày, không được cho mổ thịt!’ (vị trí ngắt câu sau chữ ‘Trâu cày’), sao lại dám cả gan cãi lệnh trên?” Trí tuệ của “nhân dân ta” trong hợp tác xã cũng không kém gì. Có người đã thêm một dấu phảy (,) vào lời phê, bèn lấy tờ đơn ra để chứng minh: “Đồng chí chủ tịch có cho phép rồi, chúng em mới dám mổ trâu ạ! Rõ ràng là đồng chí chủ tịch đã phán rằng:‘Trâu cày không được, cho mổ thịt!’ ” Tội nghiệp, chỉ có thêm một dấu phảy (,) ở một vị trí ngắt câu khác thì mạng con trâu đi đứt!

Nói đến chơi chữ, tôi lại nghĩ đến nói lái, một lối chơi chữ đặc biệt trong tiếng Việt. Có một trường hợp nói lái dùng tiếng Hán Việt diễn nghĩa ra tiếng Nôm có liên quan đến con trâu và con bò, xin chép lại ở đây cho vui: Để tả tướng một “người đẹp” có hai hàm răng “Tu Nguyệt” và đôi chân “Thảo Bình”. Diễn nghĩa nôm na như sau: “Tu” là “râu”, “Nguyệt” là “trăng”, “râu trăng” là “răng trâu”. “Thảo” là “cỏ”, “Bình” là “bằng”, “cỏ bằng” là “cẳng bò”. Vậy, hàm răng “Tu Nguyệt” là hàm “răng trâu”, còn đôi chân “Thảo Bình” là đôi chân giống như “cẳng bò”!

Nãy giờ nói lạc đề lảng quẻ sang chuyện chơi chữ, vậy xin trở lại chuyện con trâu ở Bắc Úc.

Như đã nói, con trâu đã được người Anh du nhập từ Nam Dương (Indonesia) vào Úc từ khoảng năm 1825. Đầu tiên là vào vùng Melville Island, cực Bắc nước Úc (Top End), sau đó là vùng Port Wellington (1828) và vùng định cư Victoria ở Cobourg Peninsula vào khoảng từ năm 1836 đến 1849. Vào khoảng giữa Thập Niên 1900 thì những vùng định cư của người Anh bị bỏ hoang (Tôi chưa có dịp tìm hiểu xem tại sao?), do đó những con trâu trở thành trâu hoang dã. Từ đó, những đàn trâu hoang bắt đầu phát triển và chiếm cứ những vùng đầm lầy ngập nước và những vùng có nguồn nước ngọt của vùng cực Bắc nước Úc. Những vùng này có lượng mưa hằng năm rất dồi dào, khoảng từ 1000 mm đến 1500 mm (39-59 inches) và có nhiều lau sậy, lúa hoang và những loài thực vật thủy sinh khác.

Nếu như con kangaroo là biểu tượng của nước Úc, thì có thể nói con trâu và con cá sấu là biểu tượng của miền Bắc Úc. Hầu như tất cả các sông rạch, các bãi biển và các khu rừng nước mặn ven biển ở Bắc Úc đều đặc lềnh cá sấu. Còn những đàn trâu hoang thì chỉ tập trung ở vùng cực Bắc nước Úc, phía trên Nam vĩ tuyến 16 (gọi là “Top End” hay “N.T. Outback Australia”). Trong tất cả các loài thú hoang dã ăn cỏ ở Bắc Úc thì con trâu chiếm đa số. Năm 1985, người ta ước lượng trung bình có khoảng 340.000 con trâu được phân bố trên một diện tích 220,000 km2 (85,000 sq. miles).

Con trâu và con cá sấu: biểu tượng của miền Bắc Úc

Nhiều bưu thiếp bày bán ở bưu điện hay các tiệm bán đồ lưu niệm có hình con trâu và hình con cá sấu. Những vật lưu niệm cũng bao gồm các con sấu bằng nhựa, những hình con trâu và sừng trâu, v.v… Du khách cũng thích mua những sticker có hình con trâu, con cá sấu hoặc những hình ảnh tiêu biểu của miền Bắc Úc để dán vào xe chơi.

Biểu tượng con trâu trong các thương hiệu ở Bắc Úc

Nhiều thương hiệu hay công ty lấy biểu tượng (logo) là hình một cái đầu trâu hay một cặp sừng trâu, như Hãng Bảo Hiểm Automobile Association of the Northern Territory Inc. (AANT), Lees Building Contractor, N.T. Springs Works, Territory Stock Feed, The Buff Club, Adelaide River Inn, Bark Hut Inn, Humpty Doo Hotel, v.v…

Biểu tượng con trâu trong các thương hiệu ở Bắc Úc

Trên nóc nhà nghỉ và quán rượu Humpty Doo Hotel có sơn hình một cặp sừng trâu lớn. Một car yard bán xe cũ ở Darwin có dựng trong sân nơi chưng bày xe hơi một tượng con trâu thật lớn, màu hồng để tạo sự chú ý của khách qua đường.

Hình cặp sừng trâu trên nóc Humpty Doo Hotel

Tượng con trâu màu hồng trong một car yard bán xe cũ tại Darwin

Nhiều trạm chờ xe bus có vẽ phong cảnh hoặc một số loài chim thú tiêu biểu của Bắc Úc, trong số đó có cảnh một đàn trâu trên cánh đồng ngập nước, bên bờ một dòng sông …

Một trạm chờ xe bus có vẽ cảnh một đàn trâu

Thành phố Darwin còn có hai con đường mang tên “Trâu” là đường “Buffalo Court”, gần trung tâm thành phố và đường “Buffalo Creek Road” ở phía Đông Bắc ngoại ô Darwin. Đường “Buffalo Creek Road” này dẫn đến một nơi gọi là “Buffalo Creek”, nơi một nhánh sông nhỏ đổ ra biển. Địa danh này mang tên “Trâu” mà không có một con trâu nào, chỉ có toàn là cá sấu thôi! Vào những ngày cuối tuần hoặc ngày nghỉ, dân Úc thường thích đem tàu xuống đây câu cá và đặt bẫy bắt cua, họ không có ngán cá sấu chút nào!

Những con đường mang tên … “Trâu” ở Darwin

Địa danh mang tên “Trâu” – “Buffalo Creek” ở Darwin, Bắc Úc. Đến đó không có một con trâu nào, chỉ có cá sấu thôi!

Xem lại thì bên Mỹ cũng có nhiều địa danh mang tên “Trâu” ở nhiều tiểu bang, như thành phố Buffalo ở New York, Viện Đại Học Buffalo (University at Buffalo, The State University of New York), … Nhưng có lẽ từ ngữ “Buffalo” này chẳng có liên quan gì đến con trâu nước (Water buffalo) của ta, có lẽ là có liên quan đến con “Bison”, một loại bò ở Mỹ cũng được gọi là “Buffalo”?

Nói đến những địa danh ở Mỹ có tên “Buffalo”, tôi tìm thấy trong tiếng Mỹ có một câu dùng toàn từ ngữ “Buffalo”, xin chép ở đây chơi. Câu này có tất cả 8 từ, được các nhà ngôn ngữ học xem là hoàn toàn đúng văn phạm (xin chú ý những từ “Buffalo” viết hoa trong câu chỉ địa danh hay tên các thành phố Buffalo ở Mỹ): “Buffalo buffalo Buffalo buffalo buffalo buffalo Buffalo buffalo.” Câu này được Giáo Sư William J. Rapaport thuộc University at Buffalo đưa ra năm 1972. Để cho rõ nghĩa hơn, có thể viết lại câu này như sau : “THE buffalo FROM Buffalo WHO ARE buffaloed BY buffalo FROM Buffalo ALSO buffalo THE buffalo FROM Buffalo. Xin tạm dic̣h là: “Những con trâu (hay bò bison) ở thành phố Buffalo, mà đã bị hăm dọa bởi những con trâu (hay bò bison) ở thành phố Buffalo, lại hăm dọa những con trâu (hay bò bison) ở thành phố Buffalo.”  Động từ “buffalo” (có gạch dưới trong câu trên) trong tiếng lóng có nghĩa là “bully”, “intimidate”: hăm dọa, dọa nạt … Quý vị có máy computer, xin xem website sau để tìm hiểu thêm chơi về câu chơi chữ bằng tiếng Mỹ trên:

http://en.wikipedia.org/wiki/Buffalo_buffalo_Buffalo_buffalo_buffalo_buffalo_Buffalo_buffalo

Con trâu “tài tử điện ảnh” Bắc Úc

Nãy giờ lại nói lạc đề qua con trâu (hay con bò) ở bên Mỹ. Vậy xin trở lại chuyện con trâu ở Bắc Úc.

Khi nói đến miền Bắc Úc, cũng nên nhắc đến con trâu Charlie the Buffalo nổi tiếng là “tài tử điện ảnh”, là một “ngưu vật”! đã xuất hiện trong 2 bộ phim Crocodile Dundee 1 và 2, được quay tại Bắc Úc và New York năm 1986. Con trâu “tài tử điện ảnh” này còn có tên là Nick, sanh năm 1970 tại Bắc Úc. Charlie cân nặng đến 1 tấn (1000 kg – 2200 pounds), có cặp sừng rất lớn, bề ngang của cặp sừng đến 2,25 m (7 ft. 6 in.). Sau khi “về hưu”, Charlie the Buffalo “dưỡng già” ở một trang trại thuộc vùng Adelaide River, Bắc Úc, cách Darwin khoảng 100 km (62 miles) về phía Nam. Du khách khi ghé qua vùng này thường đến thăm Charlie. Trẻ em cũng rất thích ngồi trên lưng Charlie để chụp hình. Charlie the Buffalo đã qua đời ngày 24 tháng 10 năm 2000. Xác của Charlie được ướp và nhồi bông. Phương pháp bảo quản này gọi là “Taxidermy”- thật ra không phải là ướp xác và nhồi bông – bộ da của con thú, sau khi đã tẩm các chất bảo quản, được độn bằng chất mốp xốp (Polystyrene foam), thường có màu trắng, cùng loại với các loại mốp dùng để độn trong các thùng máy móc, đồ dùng điện tử như tivi, máy hát, v.v… Nghe nói chi phí ướp xác con trâu Charlie the Buffalo lên đến khoảng 15.000 Úc kim. Charlie the Buffalo hiện đang được trưng bày cùng với một số đồ lưu niệm tại một quày bán rượu (Bar) trong khu vực Adelaide River Inn.

Khi đến Bắc Úc, du khách thường ghé qua đây để viếng thăm Charlie the Buffalo và mua một vài đồ lưu niệm của vùng Adelaide River, trong đó có những bưu thiếp, những áo T-shirt, hoặc những cái nón có in hình con trâu Charlie. Con trâu “tài tử điện ảnh” Charlie the Buffalo cũng đã được nhắc đến trong nhiều website quảng cáo du lịch, cũng như những website của nhiều du khách khắp nơi đã từng ghé qua vùng Adelaide River.

Charlie the Buffalo (1970 – 2000)
Con trâu “tài tử điện ảnh” trong bộ phim Crocodile Dundee
Adelaide River Inn, Bắc Úc

Hình con trâu Charlie the Buffalo trên những đồ lưu niệm ở Adelaide River Inn

Có lẽ nhờ con trâu “tài tử điện ảnh” này mà vùng Adelaide River, Bắc Úc được coi như là “Quê hương của loài trâu” (“Adelaide River – Home of the Buffalo”).

Đây là nói về một con trâu nổi tiếng nhờ đóng phim, khi chết mới được ướp xác. Còn hầu hết các con trâu “vô danh tiểu tốt” đều bị xuất cảng hoặc bị làm thịt, chỉ có một số ít đầu lâu xương sọ hoặc một ít bào thai trâu được lưu giữ ở các Viện Đại Học, các Viện nghiên cứu … để được “hy sinh cho khoa học”. Xin in theo đây hình đầu lâu xương sọ và bào thai trâu dùng trong việc giảng dạy Động Vật Học để quý vị xem chơi.

Đầu lâu, xương sọ trâu dùng trong việc giảng dạy Động Vật Học

Bào thai trâu (88 và 66 ngày tuổi) được bảo quản trong hóa chất gồm 100% Glycerol + Thymol, dùng để giảng dạy Động Vật Học

Sinh hoạt của những đàn trâu hoang ở  Bắc Úc.

Trâu hoang miền Bắc Úc sống theo từng đàn. Những đàn trâu từ 50 đến 250 con có thể nhập lại thành một đàn lên đến hơn 500 con. Trong điều kiện thuận lợi, những đàn trâu có thể chiếm cứ cùng một vùng đất rộng từ 200 đến 1000 mẫu tây trong nhiều năm.

Khi xưa ở quê nhà, tôi chỉ biết rằng các con trâu được nuôi để cày ruộng chớ không để ý gì đến sự sinh hoạt của chúng khi ở trong đàn, nhất là những đàn trâu hoang.

Trước tiên, xin giới thiệu về khí hậu của vùng cực Bắc nước Úc (Top End), vì khí hậu có ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh hoạt của những đàn trâu hoang. Miền Bắc Úc có hai mùa mưa nắng. Mùa mưa, khoảng từ tháng Mười đến tháng Ba, mùa nắng hay mùa khô, khoảng từ tháng Tư đến tháng Chín. Vào mùa mưa, khi nước và thực phẩm dồi dào, cây cỏ xanh tươi thì những đàn trâu nghỉ đêm trong những khu rừng thưa (đa số gồm các loại cây khuynh diệp), đến khi gần sáng thì chúng di chuyển đến những vùng thấp có nhiều cây cỏ để “ăn sáng” cho đến gần trưa thì chúng lội xuống những vũng nước, trước là để uống nước, sau là để tắm và “quậy bùn”. Vào khoảng xế chiều thì chúng đi ăn lần nữa rồi trở về chỗ ngủ lúc trời vừa chập tối. Vào mùa nắng hay mùa khô thì những đàn trâu chỉ tập trung ở những vùng đầm lầy có nước còn đọng lại. Có những lúc mùa khô kéo dài hơn tám tháng thì chúng đi ăn luôn cả ban đêm và suốt cả ngày chúng ngâm mình và quậy bùn trong những vũng nước, một là để cho mát mẻ, vì trong mùa khô có khi trời nóng đến 39oC (102oF), hai là để tránh bị muỗi mòng chích. Vào mùa khô thì dân số những đàn trâu có thể giảm nhiều, vì một số lượng lớn có thể bị chết vì thời gian khô hạn kéo dài. (Mấy con trâu hoang này sướng thiệt! Cả ngày chỉ nhởn nhơ chơi, khỏi phải “đi cày” như mình!)

Trâu hoang miền Bắc Úc lại sống theo từng đàn trâu nái và trâu đực riêng biệt. Đàn trâu nái chỉ bao gồm toàn những “bà”, những “cô” trâu và các con nghé, con của các “bà”, các “cô”. Đàn trâu nái được lãnh đạo bởi một “bà” trâu lớn tuổi nhất. Khi đàn trâu nái đi ăn cỏ ngoài những cánh đồng trống thì những con nghé được ở lại những cánh rừng có bóng mát và có một “chị” trâu ở lại để “giữ trẻ”. Vào những mùa khô thì những đàn trâu nái này chiếm lĩnh những cánh đồng cao ráo nhưng có nhiều vũng nước đọng, có nhiều cây cỏ xanh tươi và có những rừng cây cao che bóng mát. Còn các “ông” trâu thì sống theo từng đàn rời rạc hơn, bị đẩy ra những vùng tuy có nước nhưng chỉ có đa số là cỏ khô và không có những bóng cây che mát. (Cho thấy thiên nhiên cũng đối xử bất công đối với giống đực!)

Vào mùa mưa tức mùa sinh sản thì các “anh chàng” trâu mới được đến những vùng có những đàn trâu nái sinh sống để “bắt cặp” với các “bà” và các “cô” trâu. Cũng vào mùa này thì các “cậu” trâu đã trưởng thành (khoảng từ 2 đến 3 năm tuổi) sẽ bị tách rời khỏi đàn trâu nái và không còn liên hệ mật thiết với các “bà” trâu mẹ của chúng nữa. Thời gian sinh sản của trâu kéo dài khoảng 8 đến 10 tháng, cao điểm nhất là vào tháng Ba. Một “ông” trâu có thể “bắt cặp” với nhiều “bà” hay “cô” trâu trong đàn. Thời gian thụ thai của trâu khoảng 312 đến 334 ngày. Tuổi thọ trung bình của trâu hoang khoảng 20 năm. Trong thời gian 20 năm này, một “bà” trâu có thể đẻ được tới 12 con nghé.

Trâu hoang, một trong những loài thú được coi như là có hại cho môi trường thiên nhiên

Trâu hoang cũng như heo rừng và một số loài động vật ăn cỏ khác như lạc đà, ngựa hoang, bò, … đã được du nhập vào Úc bị coi là những loài thú đã góp phần rất lớn trong sự hủy hoại sinh cảnh thực vật và môi trường thiên nhiên của miền Bắc Úc.

Trâu là loài động vật ăn cỏ nhai lại, chúng ăn bất cứ các loại cây cỏ gặp phải, từ cỏ dại, những loài thực vật thủy sinh cho tới những lá cây rừng. Vào mùa khô, chúng có thể ăn luôn cả các loại dứa dại (Pandanus), thân cứng, lá đầy gai, cao đến 2-3 m (6-9 ft.) và các loại cây rừng khác của miền Bắc Úc. Chúng lại có thói quen cạ thân mình to tướng vào những thân cây để gãi ngứa! và như vậy làm hư hại những cây này. Với thân hình to lớn, nặng từ 450 kg đến 1.200 kg (990-2,600 pounds) và thói quen quậy bùn, trâu cũng góp phần phá hoại đất đai. Chúng làm cho mặt đất dẻ lại, cây cỏ không thể mọc được. Ở những vùng đầm lầy ngập nước, đàn trâu hoang di chuyển theo những lối đi gọi là “swim channels”. Vì sự di chuyển này mà những đàn trâu đã làm hủy hoại sinh cảnh thực vật thiên nhiên, làm đất đai bị xói mòn và tạo ra nhiều kênh nước trong những vùng đầm lầy. Những kênh nước này đã tạo điều kiện cho nước mặn từ biển tràn vào vùng đồng bằng, làm tiêu hủy những vùng rừng tràm (Paperbark forests) và những loài thực vật có tự nhiên của vùng. Trong một cuộc khảo cứu về những đàn trâu hoang và bò rừng ở vùng Arafura Swamp thuộc Arnhem Land, cách Darwin khoảng 550 km (342 miles) về phía Đông, người ta ước lượng nước mặn đã xâm nhập vùng này với vận tốc khoảng 200 m (0.13 miles) mỗi năm.

Những đàn trâu hoang còn góp phần phát tán hột cây dại Mimosa pigra, vì hột cây này có nhiều lông có móc bám vào lông thú. Hột cây này có thể có sẵn trong đất bùn bám vào lông những con trâu. Hột cây này lại nổi trên mặt nước nên có thể được phát tán khắp nơi rất nhanh. Mimosa pigra là một loại cây cùng giống với cây mắc cở, các lá cây xếp lại khi bị chạm đến. Cây này mọc thành bụi rậm dày đặc, có thể cao đến 6 m (18 ft.), thân cây và các cành cây đều có gai bén nhọn, gai ở thân cây có thể dài từ 5 mm đến 10 mm (0.2-0.4 in.). Ở miền Bắc Úc, người ta rất sợ loại cây dại này vì rất khó tiêu diệt chúng.

Trâu lại còn là một loài thú có thể gây nhiều bệnh truyền nhiễm cho các trang trại nuôi bò và các loại gia súc khác, và cũng có thể gây bệnh truyền nhiễm cho người. Hai loại bệnh truyền nhiễm chính ở trâu bò là bệnh lao (Tuberculosis) và bệnh Brucellosis. Có năm tỷ lệ các con trâu bị nhiễm bệnh lao trong những đàn trâu hoang lên đến 25,5%.

Từ năm 1985 đến 1995 chính phủ cho phát động chiến dịch bài trừ bệnh lao và bệnh Brucellosis ở những đàn trâu hoang miền Bắc Úc (Chiến dịch BTEC: Brucellosis and Tuberculosis Eradication Campaign). Phương cách tiêu diệt những đàn trâu hoang bị dịch bệnh là bắn từ trên trực thăng. Trong chiến dịch này hàng ngàn con trâu hoang đã bị tiêu diệt, chủ yếu là những đàn trâu ở những vùng đồng bằng ngập nước thuộc châu thổ hai dòng sông Adelaide River và Mary River và vùng đầm lầy phía Tây vùng đất Arnhem Land (Đông Bắc Darwin).

Chiến dịch BTEC đã làm giảm dân số đàn trâu hoang rất đáng kể, nhất là ở những vùng thuộc Arnhem Land. Năm 1997 người ta ước lượng có khoảng 20.000 đến 30.000 con trâu trong những đàn trâu hoang không bị nhiễm bệnh lao.

Thịt trâu, sữa trâu và những sản phẩm từ con trâu ở Úc

Từ lâu người ta đã săn bắn trâu hoang để giết thịt và lấy da. Từ năm 1939 về sau, muốn săn bắn trâu hoang cần phải có giấy phép. Trong Thập Niên 1960, phương pháp “sản xuất” thịt trâu chủ yếu là săn bắn trâu hoang và chuyên chở đến những lò thịt để chế biến và cung cấp cho người tiêu thụ. Lúc đó chỉ có 3 lò thịt sản xuất thịt trâu để xuất cảng. Trong năm 1980-1981, miền Bắc Úc đã thu nhập khoảng 7 triệu Úc kim từ việc xuất cảng thịt trâu hoang.

Công nghiệp sản xuất da trâu bắt đầu từ Thập Niên 1880, nhưng đã ngưng hoạt động năm 1956 khi người ta đã chế tạo được những vật liệu tổng hợp nhân tạo để thay thế da, hơn nữa cũng vì giá thành sản xuất da trâu tại các nước Đông Nam Á thấp hơn tại Úc.

Hiện nay việc khai thác đàn trâu hoang và các loại thú rừng khác được giao cho người thổ dân (Aborigines, người Úc đen) quản lý, hầu tạo công ăn việc làm cho họ.

Người ta cũng đã thuần hóa một số đàn trâu hoang để lập nhiều trang trại nuôi trâu. Từ cuối Thập Niên 1980 cho đến nay, số lượng trâu được thuần hóa khoảng 15.000 đến 20.000 con.

Hiện nay, những trang trại nuôi trâu và công nghiệp sản xuất thịt và những sản phẩm từ con trâu không chỉ giới hạn ở miền Bắc Úc mà đã phát triển sang nhiều tiểu bang khác của Úc. Có thể kể một số trang trại lớn như Adelaide River Farm và Beatrice Hill Farm gần Darwin – Bắc Úc, trang trại Kitty Crawford Estate thuộc Tiểu Bang New South Wales, trang trại Lake Hume Buffalo ở  Albury-Wodonga thuộc Tiểu Bang Victoria, Australian Buffalo Diary Company ở vùng Millaa Millaa, Tiểu Bang Queensland, …

Trâu được chăn nuôi có nhiều loại:

            1- Loại được nuôi để lấy thịt và những sản phẩm khác. Nói chung thịt trâu có tỷ lệ nạc cao hơn thịt bò, nhưng thịt trâu dai hơn. Bắc Úc có thương hiệu “Northern Territory Tenderbuff” được ưa chuộng trên thị trường thế giới.

            2- Loại trâu nuôi để lấy sữa. Nói chung, sữa trâu có thành phần dinh dưỡng tương tự như sữa bò. Nhưng hàm lượng Cholesterol trong sữa trâu thấp hơn, thành phần chất đạm (Protein) và các chất khoáng chủ yếu (Important Minerals) như Calcium, sắt, chất lân (Phosphorus), … trong sữa trâu cũng nhiều hơn so với sữa bò. Theo một bản phân chất thành phần dinh dưỡng có trong sữa các loại gia súc thì có lẽ sữa trâu tốt hơn sữa bò!

Thành phầnSữa trâuSữa bòSữa dêSữa trừu
Nước81,1 %87,8 %88,9 %83,0 %
Chất đạm (Protein)4,5 %3,2 %3,1 %5,4 %
Chất béo8,0 %3,9 %3,5 %6,0 %
Chất xơ (Carbohydrate)4,9 %4,8 %4,4 %5,1 %
Đường Lactose4,9 %4,8 %4,4 %5,1 %
Cholesterol0,008%0,014%0,010%0,011%
Calcium (Trong 100g hay 3.5oz. sữa)195 iu120 iu100 iu170 iu

(http://www.northwalesbuffalo.co.uk/milk_analysis.htm)

 (Theo bài viết “Domestic water buffalo

 http://en.wikipedia.org/wiki/Domestic_buffalo)

Sữa trâu có hàm lượng nước thấp hơn và thành phần chất béo cao hơn sữa bò. Hơn nữa, kích thước những hạt chất béo trong sữa trâu nhỏ hơn kích thước những hạt chất béo trong sữa bò, nên sữa trâu rất thích hợp cho việc chế biến những sản phẩm từ sữa, như sữa bột, bơ, yaourt (yoghurt), phó mát (Cheese), … Sữa trâu sản xuất tại vùng Cains thuộc Tiểu Bang Queensland có thành phần chất béo cao từ 7,5% đến 8%, có khi đến 9,8%, nên được xem là tốt nhất cho việc chế biến loại phó mát “Mozzarella cheese” nổi tiếng đặc biệt theo truyền thống của Ý.

Phó mát Mozzarella cheese chế biến từ sữa trâu

Từ ngữ “mozzarella” do động từ “mozzare”, trong tiếng Ý có nghĩa là “cắt”, một công đoạn trong quá trình chế biến phó mát từ sữa. Từ ngữ này được bắt đầu dùng từ Thế Kỷ thứ 16 (năm 1570) trong một cuốn sách dạy nấu ăn của Bartolomeo Scappi ở Ý. Có nhiều loại Mozzarella cheese, trong đó loại phó mát được chế biến từ sữa trâu có tên là “Mozzarella di bufala”, tiếng Ý nghĩa là loại Mozzarella cheese chế biến từ sữa trâu nước (Water buffalo). Có lẽ loại Mozzarella cheese này được bán tại hầu hết các siêu thị trên toàn thế giới?

Ngoài ra còn có loại phó mát “Ricotta cheese” cũng được chế biến từ sữa trâu. Vừa rồi loại Ricotta cheese được chế biến từ sữa trâu lấy từ Bắc Úc đã đoạt được cả hai giải quán quân về kỹ nghệ sản xuất phó mát tại Tân Tây Lan (New Zealand): “Champion Fresh Unripened Cheese Award” và “Champion New Cheese Award”.

            3- Loại trâu nuôi thuần chủng để nhân giống. Có hai giống chính là giống “Pure Swamp” hay “Swamp Buffalo” và giống “Pure River”  hay “Riverine”, ngoài ra còn có nhiều giống trâu được lai giống khác. Giống “Swamp Buffalo” hay còn gọi là “Indian Buffalo” hay “Water Buffalo” tức giống trâu từ Châu Á quen thuộc với chúng ta, có cặp sừng cong ngược về phía sau, được du nhập vào Úc trong những thế kỷ trước (Xem hình con trâu trong các sở thú gần Darwin). Còn giống “Riverine” có cặp sừng mọc ngang và cong lên trên (Xem hình con trâu Charlie the Bufallo). Giống trâu Riverine được nhập cảng từ Mỹ vào Úc vào năm 1990 – 1994 để lai giống với giống trâu hoang hiện có ở Bắc Úc. Giống Riverine thuần chủng cũng đã được nhập cảng từ Ý và Bulgaria vào tiểu bang Victoria để sản suất sữa và những sản phẩm từ sữa trâu như loại phó mát Mozzarella cheese.

Đã có nhiều nghiên cứu về thụ tinh nhân tạo, di truyền học và lai giống, tạo ra những giống trâu ưu thế. Thế hệ trâu lai giống giữa “Pure Swamp” và “Riverine” có tỷ lệ tăng trưởng gấp đôi và cho sản lượng sữa gấp ba lần. Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo thực hiện tại miền Bắc Úc được xem là có tỷ lệ thành công cao nhất: 41,7%, nếu được thực hiện trong thời gian tháng Tư trong năm.     

Ở Bắc Úc có hội đồng “Northern Territory Buffalo Industry Council Inc.” (NT BIC), đại diện cho các trang trại nuôi trâu và các nhà sản xuất những sản phẩm từ con trâu ở miền Bắc Úc. Hội đồng này có mục đích giúp hội viên tìm thị trường tiêu thụ thịt trâu và những sản phẩm từ con trâu.

Toàn nước Úc thì có hội đồng “Australian Buffalo Industry Council” (ABIC), có trang mạng cung cấp những tin tức cập nhật về công nghiệp chăn nuôi trâu. Đại biểu của ABIC đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế về con trâu và những sản phẩm từ con trâu, thí dụ như hội nghị quốc tế lần thứ 8 về con trâu (8th World Buffalo Congress) tại Caserta, Ý Đại Lợi tháng 10/2007 vừa qua. Tại hội nghị này, người ta báo cáo và thảo luận về nhiều đề tài có liên quan đến công nghiệp chăn nuôi trâu như dinh dưỡng, di truyền, lai giống, kỹ thuật sinh học, kiểm soát môi trường, phòng chống dịch bệnh, sản xuất thịt trâu, sữa và những sản phẩm chế biến từ sữa trâu, v.v…  Các đại biểu của ABIC đã báo cáo về quy trình chế biến những sản phẩm có chất lượng cao từ sữa trâu, đặc biệt là quy trình chế biến loại phó mát Mozzarella cheese.

Miền Bắc Úc đã xuất cảng con trâu (con trâu sống) và những sản phẩm từ con trâu sang các nước Á Châu, trong đó có Nam Dương, Brunei, Mã Lai, v.v… Trong năm 2007, tổng cộng có 3.905 con trâu được xuất cảng từ Darwin. Riêng tháng 7/2008 vừa qua đã có 584 con trâu được xuất cảng sang Nam Dương, nâng số trâu xuất cảng sang nước này là 2.218 con, trong tổng số 2.418 con được xuất cảng sang các nước Á Châu, tính từ đầu năm 2008. Do vậy, Nam Dương được xem là thị trường tiêu thụ trâu mạnh nhất của Bắc Úc.

Hiện nay, miền Bắc Úc không có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trâu của thị trường thế giới. Theo một bản tin trong Buffalo News số tháng 8/2008 của ABIC thì trong sáu tháng qua, số quốc gia có nhu cầu nhập cảng trâu từ Bắc Úc đang tiếp tục gia tăng, trong đó có Argentina, Nam Phi, Nhật, Thái Lan. Gần đây Trung Quốc cũng có nhu cầu nhập cảng trâu sữa tơ từ Bắc Úc.

Đoàn xe Road Train đặc trưng của miền Bắc Úc chuyên dùng để vận chuyển trâu bò xuất cảng

Công nghiệp chăn nuôi trâu ở Bắc Úc đang phát triển mạnh, hầu hết là để xuất cảng. Tại Darwin thịt trâu và những thức ăn chế biến từ thịt trâu và sữa trâu đều có bán tại các siêu thị, nhà hàng, quán ăn cùng những loại thịt rừng khác như cá sấu, lạc đà, kangaroo, … đặc biệt của miền Bắc Úc.

Một số tài liệu tham khảo chính

– The Australian Buffalo Industry Council “Buffalo News” Vol.7No. 4 – March2008, Vol.8No.1 –  May2008, Vol.8 No.2 August2008

http://buffaloaustralia.org/media/buffnews0803.pdf

http://buffaloaustralia.org/media/buffnews0805.pdf

http://buffaloaustralia.org/media/buffnews0808.pdf

– Department of the Environment and Heritage (2004) The feral water buffalo (Bubalus bubalis) – Invasive species fact sheet

http://www.environment.gov.au/biodiversity/invasive/publications/buffalo/index.html

http://www.nt.gov.au/nreta/wildlife/animals/exotic/buffalo.html

– Freeland, W.J. and Boulton, W.J. (1990)“Feral Water Buffalo (Bubalus bubalis) in the Major Floodplains of the ‘Top End’, Northern Territory, Australia: Population Growth and the Brucellosis and Tuberculosis Eradication Campaign”. Australian Wildlife Research 17, 411-420

– Lemcke, Barry (1997)“Water Buffalo – The New Rural Industries – A handbook for Farmers and Investors. Rural Industries Research & Development Corporation

http://www.rirdc.gov.au/pub/handbook/waterbuff.html

http://www.rirdc.gov.au/programs/buffalo.html

– Rural Industries Research & Development Corporation  “Buffalo Produce Research Program”

http://www.buffaloaustralia.org/pages/nt.html

http://www.buffaloaustralia.org/media

Strahan, Ronald Ed. (1983). “Complete Book of Australian Mammals”. Angus & Robertson Publishers

Wikipedia (2008) “Domestic water buffalo”

 http://en.wikipedia.org/wiki/Domestic_buffalohttp://www.abc.net.au/creaturefeatures/facts/buffalo.htm