Con ốc gạo xa lắc xa lơ

Lâm Thụy Phong

Tôi sanh ra ở miền quê.  Bên ngoại tôi gốc Tân An .  Kỷ niệm ở đây rất ít, chỉ còn nhớ một cách mơ hồ nhà tôi bên cạnh một giòng sông nhỏ. Mỗi chiều thứ bảy, cậu Út cõng tôi ra ga xe lửa Tân An đón má đi làm bưu điện Saigon về.

Sau Hiệp Định Geneve,  ba anh em trai tôi theo cha về quê nội Hà Tiên. Tôi học vỡ lòng tại trường Thái Lập Thành. Chỉ vài năm sau, tôi rời nơi đây để về Saigon tiếp tục chấm mực tím, viết cây viết với ngòi lá tre.

Tôi có máu phèn của miền thôn dã. Chốn phồn hoa đô thị không thu hút tôi bằng ruộng lúa đồng xanh. Ai biểu chăn trâu là cực – Chăn trâu sướng lắm chứ – Ngồi lưng trâu, ta rờ tai trâu rồi ta vuốt đuôi trâu.

Học ở Saigon, thỉnh thoảng khi nghỉ hè, ba má cho chúng tôi trở về Hà Tiên, Long Xuyên “đổi gió”. Lúc đó là những năm đầu của thập niên 60.

Trên chuyến xe thơ “Liên Trung”, khởi hành giữa đêm khuya từ bến xe An Đông, tôi mơ màng nhìn “Trăng Thanh Bình” của nhạc sĩ Lam Phương trải dài trên cánh đồng lúa, nhấp nhô theo từng nhịp gió đêm.

Ánh trăng thanh bình thật đẹp chìm dần trong mây đen vần vũ, theo tin tức chiến sự đăng trên báo. Rạch Giá – Hà Tiên mất an ninh. Con đường xưa tôi đi, người ta kéo dây chì, thế là tôi hết đi!

Bù lại, chúng tôi về Long Xuyên, qua hai các bắc Mỹ Thuận và Vàm Cống. Vùng sông nước, gạo trắng nước trong nhưng phù sa đục ngầu, trù phú bên sông Hậu.

Những ngày hè thật hạnh phúc, êm đềm bên bác Hai, anh của ba tôi. Chúng tôi vô tư vui đùa, ngày xem chớp bóng ở hai rạp “Thanh Liêm”, “Tây Đô”. Tối xem cải lương ở rạp “Minh Hiển” bên kia công trường Trưng Nữ Vương, đối diện với nhà của bác Hai. Cả ba rạp nầy đều cho anh em tôi “coi cọp” vì là “cháu của cô Bảy”. Ngon lành! Vui lòng khách ké, vừa lòng khách ra!

Khi tôi về Long Xuyên, có dịp đúng ngày Tết Đoan Ngọ. Tôi nhớ những đêm trăng sáng, như có hẹn, người ta lủ lượt chèo xuồng ra sông hay ruộng để bắt ốc gạo. Vui như ngày hội, đong đầy chất thôn dã của miền Tây sông nước, đáng yêu vô cùng, như lời kể của Tuyết Vân:

“Khi con nước ròng khô cạn, những bãi bồi trải dài ra tận xa xa, lòng sông như hẹp lại thì đó là thời khắc lý tưởng để những người đàn ông, thanh niên trong xóm cắm sào, neo xuồng, lặn sâu tìm ốc.

Tiếng nói cười rôm rả hòa lẫn tiếng khuấy nước. Tiếng va đập vào nhau của những con ốc mập ú lù như vang vọng trong màn đêm tĩnh lặng.

Hàng chục lần lặn sâu, những đôi tay nhăn gộp vì nước và đêm khuya lạnh buốt. Đổi lại là những thau ốc và những nụ cười tươi rói vui mừng mãn nguyện.

Nụ cười chân chất ấy cũng giống như vị thơm bùn của những món ăn từ ốc gạo. Một chút mộc mạc, một chút quê mùa, dân dã không thể lẫn lộn vào đâu.

Những con ốc gạo mập ú nu, ú nần, no tròn đem về ngâm trong nước cho “nhả cát”. Đơn giản luộc chín với sả đượm mùi thơm, lể bằng gai dài của cành cây quít, hoặc bằng cọng lá dừa chuốc nhọn.

Chắm nước mắm tỏi chanh ớt, pha theo kiểu ngọt dịu của “Nam Kỳ Quốc”. Con ốc gạo béo ngậy, mùi bùn pha lẫn mùi nước mắm. Không có chữ nào chê!

Có người thích chế biến ẩm thực hơn, ốc ăn với bún và rau không thiếu để phải thèm.

Lần sau cùng tôi về Long Xuyên vào năm 1969. Kỳ đó, chúng tôi qua Châu Đốc thăm núi Sam, núi Sập, vùng Thất Sơn. Và chỉ hai năm sau, tôi rời quê hương thật lâu. Ngàn trùng xa cách, xa lắc, xa lơ!

Mở ngoặc, nơi đây ( Pháp ) cũng có một loài ốc cùng loại với ốc gạo, người Pháp và Gia Nả Đại gọi là bigorneau , tên khoa học Littorina Littorea. Bigorneau có nguồn gốc từ chữ bigorne, nghĩa là cái đe.

Le bigorneau

Loại ốc nầy sống ở vùng ven biển, nhiều nhứt ở vùng Gironde (Bordeaux). Ăn để nhớ quê hương bỏ lại bên kia bờ đại dương, không thơm mùi bùn đặc thù. Uống với Cognac Napoleon, Whisky nước trà Ái Nhỉ Lan hay rượu chát Tây cho quên buồn xa xứ:

Ngâm rằng :

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Rượu ngon không uống, để riết sẽ hư!

Những con ốc gạo Long Xuyên miệt Hậu Giang, của cù lao Tân Phong ngập nước sông Tiền (Cai Lậy) đã theo tôi suốt những năm dài viễn xứ. Trong giấc ngủ bất chợt ngửi lại mùi béo pha mùi bùn của loài thủy sản.

Mùi hương của tiềm thức chôn kín tưởng chừng đã quên, chợt sống dậy như con ngựa Hồ đánh được hơi gió Bắc Hồ mã hí Bắc phong.

Kính dâng hương linh của bác Hai LVQ
Gởi TV cho tôi hứng thú để viết hoài niệm nầy.


Lâm Thụy Phong
Petrus Ký 1964 – 1971
Argenteuil 17/3/ 2023