Con gà trống trong Quốc-Văn Giáo-Khoa Thư

Tiền Lạc Quan

(Nguồn: Đại học Khoa Học Sài gòn – Xuân Đinh Dậu 2017)

Quốc-Văn Giáo-Khoa Thư là một bộ sách tập đọc và tập viết chữ Quốc ngữ do các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn, được Việt-Nam Tiểu-Học Tùng-Thư, Nha Học-Chính Đông-Pháp xuất bản năm 1935.

Bộ sách Quốc-Văn Giáo-Khoa Thư gồm 3 quyển, soạn cho trình độ các lớp Dự-bị (Cours préparatoires), Sơ-Đẳng (Cours élémentaire) và Đồng- Ấu (Cours enfantin).

Ba mẹ tôi cùng nhiều vị thuộc thế hệ cha ông đã từng học những bài tập đọc trong bộ sách này, đã công nhận nội dung giáo dục và đào luyện nhân cách của Quốc-Văn Giáo-Khoa Thư hơn hẳn những bộ sách tập đọc sau này.

Nhiều bài tập đọc nói đến một số gia súc, gia cầm cùng những thú nuôi quen thuộc, như chó, mèo, ngựa, gà, …

Riêng con gà, tôi tìm thấy hai bài:

“Con gà sống (trống)”, bài số 32, Lớp Dự Bị, trang 70
“Con hồ (chồn) và con gà trống”, bài số 10, Lớp Sơ Đẳng, trang 14 và 15

Nhân năm Con Gà, xin chép lại hai bài này để quý độc giả thưởng thức lối hành văn trong một bộ sách tập đọc thuở xưa..

CON GÀ SỐNG (TRỐNG)

Ở nhà-quê, nhà nào cũng nuôi một đàn gà (bầy gà) năm bảy con. Trong một đàn gà như thế, ít ra cũng có một con gà sống (trống).

Con gà sống (trống) trông ra mạnh-mẽ, oai-vệ hơn cả. Mào đỏ và cao, đuôi dài, chân to và có cựa sắc. Khi nó ăn một mình thì xem ra bộ dịu-dàng êm-ái. Bới đất tìm được cái gì, thì hay gọi những gà mái lại ăn. Nhưng khi nào có con gà sống (trống) khác đến, thì hung-hăng đuổi đánh. Có khi đá nhau cả ngày, trụi cả lông, trầy cả cổ mà không thôi. Thật là một giòng bạo-dạn không sợ kẻ khỏe.

Gà trống trông mạnh mẽ oai vệ

Con hồ (chồn) và con gà trống.

Một hôm, con hồ gặp con gà trống ở bụi tre. Gà sợ, kêu rối-rít. Hồ cũng sợ chủ nhà họ bắt được, thì họ đập chết. Hồ bèn lấy lời ngon-ngọt dỗ gà rằng: “Sao bác lại gắt-gỏng như vậy? Tôi với bác là họ-hàng bà con với nhau cả đấy mà.” Gà thấy hồ nói dễ nghe, cất tiếng gáy vui-vẻ lắm. Hồ khen nức-nở: “Ôi chao! Bác gáy sao mà hay như thế! Song tôi còn nhớ xưa ông nhà ta gáy còn hay hơn mấy, vì lúc cụ gáy cụ cứ nhắm mắt lại.” Gà lại gáy, nhưng vẫn còn ngờ-vực, chỉ nhắm có một mắt mà thôi. Hồ ở dưới làm như gõ nhịp, vừa cười vừa nói: “Ôi chao ôi hay! Hay quá! Nhưng nếu bác nhắm cả hai mắt lại mà gáy, thì tôi chắc bao nhiêu gà ở xung-quanh đây nghe tiếng chỉ những nổi cơn ghen lên mà chết!” Gà đắc ý, nhắm tít cả hai mắt lại, định gáy cho thật hay, nhưng vừa há mỏ, hồ đã nhẩy chồm lên cắn cổ mà tha về tổ để ăn thịt.

Ôi! Mật ngọt chết ruồi! Hay ưa nịnh hót có khi hại đến thân.

-oOo-

Xem ra con gà trống trong bài ngụ ngôn này không khôn lanh, thua con gà trống trong bài thơ ngụ ngôn cùng tựa “Le coq et le renard” (Con gà trống và con cáo) của La Fontaine.

Có lẽ vì chồn hay cáo thường hay bắt gà, nên trong văn học Tây phương và Việt Nam chồn cáo là kẻ thù của gà, khi gà thấy cáo thì sợ hãi, rụt rè …: “Sĩ khí rụt rè gà phải cáo”.

Nên chi trong bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine, con cáo cũng muốn bắt gà ăn thịt, cũng dùng lời lẽ ngon ngọt dụ dỗ con gà, giả bộ giảng hòa và kết bạn với gà, khi gà xuống cho cáo ôm hôn thì cáo sẽ bắt gà. Cáo không ngờ con gà trống này khôn ngoan, lanh trí đánh lừa lại con cáo. Gà nói rằng thấy có hai con chó săn đang chạy tới, chắc hẳn đã biết tin cáo với gà giảng hòa, đề nghị để khi hai bạn chó đến thì tất cả sẽ cùng kết bạn và ôm hôn nhau luôn thể.

Cáo sợ chó săn phải mau mau cáo từ lẩn trốn. Gà rất vui mừng vì chẳng những không mắc mưu của cáo mà còn đánh lừa lại được cáo.

Xin chép nguyên văn bài thơ ngụ ngôn “Le coq et le renard” của La Fontaine và bản dịch (văn xuôi) tìm thấy trong Website truyenthieunhi.net.

Le coq et le renard (Fable de la Fontaine)

Sur la branche d’un arbre était en sentinelle
Un vieux Coq adroit et matois.
Frère, dit un Renard adoucissant sa voix,
Nous ne sommes plus en querelle :
Paix générale cette fois.
Je viens te l’annoncer ; descends que je t’embrasse ;
Ne me retarde point, de grâce :
Je dois faire aujourd’hui vingt postes sans manquer .
Les tiens et toi pouvez vaquer,
Sans nulle crainte à vos affaires :
Nous vous y servirons en frères.
Faites-en les feux dès ce soir.
Et cependant, viens recevoir
Le baiser d’amour fraternelle.
Ami, reprit le Coq, je ne pouvais jamais
Apprendre une plus douce et meilleure nouvelle
Que celle
De cette paix.
Et ce m’est une double joie
De la tenir de toi. Je vois deux Lévriers,
Qui, je m’assure, sont courriers
Que pour ce sujet on envoie.
Ils vont vite, et seront dans un moment à nous.
Je descends : nous pourrons nous entre-baiser tous.
Adieu, dit le Renard, ma traite est longue à faire,
Nous nous réjouirons du succès de l’affaire
Une autre fois. Le Galand aussitôt
Tire ses grègues , gagne au haut,
Mal content de son stratagème ;
Et notre vieux Coq en soi-même
Se mit à rire de sa peur
Car c’est double plaisir de tromper le trompeur.

http://www.la-fontaine-ch-thierry.net/coqrena.htm

Bản dịch trong Website truyenthieunhi.net

http://truyenthieunhi.net/Truyen/481/8/truyen-ngu-ngon-la-fontaine-ga-trong-va-cao.html

Truyện ngụ ngôn La Fontaine: Gà trống và Cáo

Có một chú gà trống già khéo léo và khôn ngoan đang đứng gác trên cành cây thì một con cáo bước tới giọng giả lả ngọt ngào:

– Hỡi người anh em, tôi đến để thông báo cho anh biết, giờ đây chúng ta không nên gây chiến với nhau nữa mà hãy dàn hòa với nhau. Hãy xuống đây, để tôi ôm hôn bạn nào. Xin bạn đừng chậm trễ vì hôm nay tôi còn phải dàn hòa với hai người nữa. Thế là từ nay họ Gà nhà anh và cả anh nữa tha hồ sung sướng, chẳng còn lo sợ gì nữa vì chúng ta sẽ đối đãi với nhau như anh em. Anh hãy về mà lo mở tiệc, bắn pháo hoa ngay tối nay đi. Tuy vậy cũng hãy đến đây để nhận nụ hôn huynh đệ giao hảo nào.

Gà trống đáp lời:

– Hỡi người bạn hữu, quả tôi không thể ngờ có ngày lại nhận được tin tốt đẹp như là tin về sự hòa bình này. Niềm vui trong tôi còn nhân lên gấp đôi khi chính anh đến báo tin lành. Nhưng tôi nhìn thấy hai con chó săn đang chạy như bay lại đây. Chắc cũng vì tin này mà chúng đi nhanh như thế, chẳng mấy nữa sẽ đến đây lúc ấy tôi sẽ xuống và tất cả chúng ta có thể ôm hôn giao hảo được rồi.

Cáo vội nói:

– Xin cáo từ vì hành trình của tôi còn dài lắm. Thôi để lần khác chúng ta ăn mừng hỉ sự này cũng được.

Nói rồi cáo ta cúp đuôi đi miết trong lòng buồn bực vì mưu kế đi tong. Còn chú gà trống già khoái trá cười nhạo sự sợ hãi của cáo. Niềm vui của chú ta nhân lên gấp đôi khi chính quân lừa đảo lại bị mắc lừa.