Con gà trống Gaulois (Le Coq Gaulois)

GS Trần Hữu Chí

(Nguồn: Đại học Khoa Học Sài gòn – Xuân Đinh Dậu)

Nước Pháp khi xưa có tên là GAULE và dân xứ Gaule được gọi là GAULOIS. Tên bằng tiếng Latin của xứ GAULE là GALLIA. Thời Pháp thuộc, trẻ con Việt Nam phải học Sử Pháp và lải nhải mãi câu « Nos ancêtres les GAULOIS » (Tổ Tiên chúng ta là người GAULOIS !!).

Trong lúc đó tên con gà trống viết bằng chữ Latin là GALLUS cho nên dân Ý thường gọi đùa dân Pháp là GALLUS, con gà trống, và dân Gaulois cũng hãnh diện vói tên gọi đó mặc dù các xứ chung quanh như Đức, Áo, … lấy con ó (aigle – eagle) hay Anh Quốc lấy con beo (leopard) làm biểu tượng cho quốc gia mình. Mỗi khi có một tin vui, như thắng một trận bóng đá hoặc đoạt một giải thưởng Quốc Tế thì dân Pháp thường nháy tiếng con gà trống gáy « cocorico, cocorico ! » để biểu lộ sự vui mừng.

Lý do làm dân Pháp chấp nhận con gà trống là biểu tượng cho quốc gia vì con gà trống được xem như vua của chuồng gà ! Một mình một chợ, ngẩng đầu vỗ cánh gáy « cocorico » (ò ó o o o o theo kiểu gà trống Việt Nam) được cả bầy gà mái phục tùng.

Sau Cách Mạng 1789, TỰ DO (LIBERTÉ) được tượng trưng bằng một phụ nữ mang tên Marianne, xem như đã lãnh đạo cuộc nổi dậy đó và Marianne được chọn làm biểu tượng chính thức của Cộng Hòa Pháp. Đầu của Marianne được vẽ trên phần nền trắng của lá cờ Pháp xanh trắng đỏ. Biểu hiệu được in trên đầu trang của các văn kiện chính thức của chính phủ Pháp.

Nhưng con gà trống vẫn tiếp tục được dùng làm biểu tượng bán chính thức của các hội đoàn như các liên đoàn thể thao Pháp.

Fédération Française de FOOTBALL

Liên Đoàn Bóng Đá Pháp

TIẾNG GÀ GÁY

Giữa tháng Sáu năm 2013, vào đầu mùa hè mặt trời mọc rất sớm. Trong một làng nhỏ ở miền đông nước Pháp, một ông cụ hưu trí đã bị khó ngủ lúc đầu hôm. Ông cứ bị đánh thức từ lúc 5 giờ sáng bởi tiếng gáy liên hồi cứ mỗi 5, 10 phút của một con gà trống của bà láng diềng. Cho nên ông đã ra Tòa Thị Xã thưa, đòi ông Xã Trưởng can thiệp làm im tiếng gáy của con gà trống đó.

Ông Xã Trưởng Luc Monnet đến tận chỗ quan sát chuồng gà và gặp riêng ông cụ hưu trí và bà Marie Dedeuxville, chủ con gà trống, tên Maurice. Ông đề nghị là hai bên đến gặp nhau tại Tòa Thị Xã để giải quyết êm đẹp, tránh làm sứt mẻ tình láng diềng. Trong buổi họp ông Xã Trưởng đề ra hai biện pháp:

– Thứ nhất: Bà chủ con gà trống nên dùng một tấm plastic đen đủ lớn để phủ kín toàn bộ cái chuồng của con gà trống mỗi chiều tối khi gà vào chuồng ngủ, không cho ánh sáng lọt vào, và chỉ mở tấm plastic ra từ 7 giờ sáng mỗi ngày, vì ông Xã Trưởng nghĩ rằng con gà trống gáy để báo hừng đông khi thấy bên ngoài trời ửng sáng.

– Thứ hai: Thiến con gà trống để nó hết còn gáy được và bà chủ con gà sẽ có một con gà trống thiến nhồi thịt ăn mừng năm mới trong đêm Giao Thừa cuối năm 2013.

Bà chủ con gà trống từ chối cả hai giải pháp.

Hôm sau ông Xã Trưởng dậy thật sớm trước 5 giờ sáng. Ông đi đến nhà bà Marie Dedeuxville. Từ xa ông đã nghe tiếng con gà trống gáy liên hồi. Khi đến nơi thì ông thấy trong ánh sáng yếu ớt của ban mai, con gà trống đang chạy dài theo hàng rào ngăn hai khu vườn sau nhà của ông cụ hưu trí và bà Marie. Cùng lúc đó, bên phía vườn của ông cụ, một con gà mái cũng đang chạy song song với con gà trống. Mỗi khi con gà mái dừng lại thì con gà trống vỗ cánh, ngẩng cổ, cất tiếng gáy. Thế là ông hiểu ra nguyên nhân tiếng gáy liên hồi của con gà trống: vì nó muốn « đạp » con gà mái của ông cụ. Nhưng ông tự hỏi con gà trống đã có một con gà mái cùng chuồng với nó, đi quanh quẩn bên nó, tại sao nó không « đạp » mà lại chạy theo con gà mái của ông cụ hưu trí ? Trưa hôm đó ông Xã Trưởng đã mời hai bên láng diềng tới trụ sở xã. Ông thuật lại những gì ông thấy buổi sáng trong vườn của hai người, và đề nghị là chiều tối ông cụ cho thả con gà mái của ông cụ qua bên vườn của bà láng diềng để coi sáng ngày hôm sau con gà trống phản ứng ra sao.

Kết quả là khi hừng đông, con gà trống chỉ gáy có một hai lần, mỗi lần sau khi đã « đạp » con gà mái của ông cụ. Ông cụ đã tặng bà láng diềng con gà mái của mình để được yên tĩnh, không còn bị quấy rầy bởi tiếng gáy liên hồi của con gà trống của bà ta nữa.

Từ đó các trứng gà do hai con gà mái đẻ được bà Marie chia cho ông cụ phân nửa.

HAPPY ENDING ! !

Gà trống thiến nhồi thịt

(chapon farci)

(Các hình ảnh trích trên màn TV, kênh TF1)