Con Chuột Túi!

Đoàn Xuân Thu

Dao phuc sinh 08Năm 2020, Tết Âm lịch, năm Canh Tý, năm nay rơi ngay chóc vào ngày 25, tháng Giêng. So với năm rồi, 2019 mùng Một Tết rơi vào ngày mùng 5, tháng Hai, năm 2019. Như vậy Tết âm lịch năm nay đến sớm hơn cả chục ngày. Chính vì vậy, mới cuối tháng Chín, dẫu còn 3 tháng nữa mới tới Tết, mà mấy ông Chủ bút đã thúc vô ‘đít’ tụi tui rồi hè.
Năm Canh Tý là năm của con Chuột, là con giáp đứng đầu trong 12 con giáp. Và theo thông lệ năm Tý nói chuyện Chuột thì các ông nhà văn nhà báo khác chắc viết hay, hấp dẩn độc giả hơn tui nhiều.
Biết cái thân bèo bọt nên tui rót ra ly rượu đỏ, ngồi vò đầu bứt tóc mà ráng tìm ra một đề tài vừa truyền thống ‘Chuột’ mà vừa cách tân nữa để không đụng hàng.
Và tui đã tìm ra: đó là ‘Con Chuột Túi!’

***

con chuot tui 01Luận rằng: Mỗi quốc gia đều có khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau nên động vật tất phải khác nhau. Như nước Tàu của mấy chú, thím Ba có con Gấu Trúc, vì nó chuyên môn ăn cây trúc.
Gấu Trúc, tức Panda mập ục ịch như con vịt, như Tập Chủ tịch. Lông trắng như tuyết nhưng hai con mắt đen thùi lùi giống mấy ông chồng trốn đi nhậu về bị con vợ nhà thoi vô mắt vậy.
Cái mình có mà thiên hạ không có thì đem đi khoe! Chú Ba tặng cho mấy Sở Thú ở Úc Châu một cặp Gấu Trúc.
Úc vốn là một dân tộc đầy lòng thương yêu thú vật nên cưng mấy con Gấu Trúc nầy thôi hết biết hè!
Bù lại, Úc cũng tặng cho Sở thú của chú Ba mấy con ‘Kangaroo’ trước là để khoe ‘ngộ có mà nị không có!’
Nhưng mấy con ‘Kangaroo’ nầy phần số xui xẻo quá vì trao duyên nhầm tướng cướp.
Mới đây nè ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Nam Trung Quốc, chú, thím Ba đi Sở thú chơi cho vui mà nỡ lòng nào dùng gạch đá để chọi mấy con ‘Kangaroo’ hầu bắt mấy con Chuột Túi nầy phải nhảy lên để coi chơi.
Hành động tàn ác đó làm là một con ‘Kangaroo’ cái, 12 tuổi, bị què giò rồi từ giã cõi đời vài ngày sau sau đó.
Dân Úc đọc tin, xem cái ‘video clip’ đối xử tàn ác với súc vật nầy xong, giận lắm: Thề từ rày về sau không cho Tàu Cộng một con ‘Kangaroo’ nào nữa cả.

***

Rồi dân Úc còn đặt chuyện xỏ xiên chú Ba do chưa hết giận và cũng để trả hận cho con ‘Kangaroo’, đang tuổi xuân thì mà phải tiêu diêu mìền cực lạc.
Chuyện rằng: “Một du khách từ Trung Quốc đến cửa sông ở lãnh thổ Bắc Úc, mướn thuyền đi câu cá! Chẳng may thuyền bị lật. Biết lội, nhưng sợ Cá Sấu, nên chú Ba cứ bám riết vào chiếc thuyền đã bị lật chổng khu lên, đang bập bềnh theo sóng nước.
Thấy một ông già thổ dân đi dạo trên bờ, chú Ba hét lên: “Có Cá Sấu ở đây không ông già?” “Hồi xưa có nhiều lắm; giờ không có được một con!”
Nghe vậy, chú Ba an tâm, thong thả lội vào bờ. Được nửa chừng, thấy ông lão thổ dân trố mắt nhìn mình có vẻ kinh hoàng. Chú Ba hỏi: “Mấy ông đã làm gì với bầy Cá Sấu đó vậy?”
Ông già thổ dân trả lời: “Tụi tao đâu có làm gì đám Cá Sấu. Tụi Cá Mập đó!”

***

cu da song phi 03Qua câu chuyện trên đây cho thấy: Úc Châu dẫu là một đại lục khổng lồ nhưng rất còn hoang dã, thưa thớt dân cư. Một cây số vuông chỉ có 2 người. Trên cái đất nước rộng gần bằng Hoa Kỳ, mà dân Úc chỉ có vỏn vẹn 24 triệu nam phụ lảo ấu mà thôi. Ít đến nỗi số ‘Kangaroo’ còn nhiều gấp đôi dân số Úc nữa đó! Xác xuất bà con mình từ xa qua Úc gặp được con ‘Kangaroo’ nhiều gấp đôi là gặp dân Úc!
Cách đây gần 250 năm, những nhà thám hiểm từ Âu Châu xa xôi lần đầu tiên giong thuyền đến Australia, và cũng lần đầu tiên trong đời họ thấy những con vật rất lạ lùng, nhảy choi choi trên trảng cỏ. Bèn hỏi thổ dân đó là con gì? Những người dân bản địa trả lời là: ‘Kangaroo’ có nghĩa là “Tui không biết ông hỏi cái giống gì?”
Nhưng nhà thám hiểm cực kỳ thông minh nầy lại tưởng con đó tên là ‘Kangaroo’.
Riêng mấy chú Ba từ đại lục, vốn xài chữ Hán, thì gọi con ‘Kangaroo’ là ‘Đại thử’ tức con chuột lớn; vì nhìn mặt nó quả giống y chang như con chuột nhưng bự con hơn gấp cả ngàn nhiều lần. Còn người Việt mình thì gọi ‘Kangaroo’ là Chuột Túi vì trước ngực nó có cái túi để địu con.
‘Kangaroo’ còn bé thì gọi là ‘Joey’, nằm trong túi suốt gần cả năm, cái túi đó gọi là ‘Pouch’.
Thế nên một tay Úc tò mò bắt con ‘Joey’, Chuột Túi con từ trong túi một con ‘Kangaroo’ cái ra để xem thì bị Cảnh sát bắt rồi truy tố ra Tòa về tội móc túi.
Bà con mình có ra ‘city’ chơi hay thấy mấy ông chồng Úc bị vợ nó bắt địu con mình trước bụng trong cái ‘Pouch’ thấy thương người sợ vợ.
Chớ thực ra chỉ con ‘Kangaroo’ cái mới có cái túi còn con ‘Kangaroo’ đực thì không. Thế mới biết làm chồng ‘Kangaroo’ đôi khi sướng hơn là làm chồng em Úc!

***

Dao phuc sinh 02Rồi cách đây hơn một thế kỷ, nước Úc được thành lập, tất phải có quốc kỳ, quốc ca và quốc huy.
Quốc huy là huy hiệu, là biểu tượng của nước Úc được chọn năm 1912 là con ‘Kangaroo’ và con ‘Emu’ tức là Đà Điểu.
Muốn hiểu dân tộc tính của người Úc nó ra làm sao; bà con mình chỉ cần tìm hiếu về cái tánh cách của con Đà Điểu và con Chuột Túi là đã đủ.
Đà Điểu mỗi lần gặp rắc rối là nó vùi đầu trong cát; chừng nào êm êm mới ló đầu lên.
Chồng Úc cũng vậy, lúc nào thấy em yêu dằn mâm xáng chén là vọt ra sau nhà để xe với một xâu ‘beer’. Để không nghe, không thấy, không biết, không dám cãi lại em yêu một tiếng (4 không) thì chẳng bao lâu sau sóng yên bể lặn! Quất sụm một xâu ‘beer’, sừng sừng, đã đã thì mình lại chui vô nhà, leo lên lầu quánh cho mầy một giấc cho nó ‘phẻ’!
Nhưng với đối thủ, Úc không bao giờ chạy xịt; mà cứ tiến lên về phía trước như con ‘Kangaroo’ không biết hề ‘de’, thụt lùi bao giờ!
Nịnh Úc, ca tụng lòng thà chết không lui của tụi nó cho vui thôi! Chớ thực ra ‘Kangaroo’ không bao giờ đi thụt lùi vì hai chân sau của nó rất dài, không duỗi thẳng được, phải gấp lại để bò hay để nhảy.

***

Cách đây đúng 20 năm nè! Năm 2000, bắt đầu thiên kỷ mới, Thế vận hội tổ chức tại thủ phủ Sydney, tiểu bang NSW, Úc Châu bà con mình quá khoái khi thấy em Cathy Freeman đoạt huy chương vàng môn chạy 400 mét.
Nhìn em lực sĩ thổ dân nầy phóng, phóng tới đích giống hệt như con ‘Kangaroo’ đó bà con ơi!

***

Dao phuc sinh 04‘Kangaroo’ là con vật độc nhất vô nhị chỉ Úc mới có, nên rất ăn khách, rất thu hút bà con trên toàn thế giới đến Úc du lịch, một nền kỷ nghệ không khói, giúp ngân sách Úc bớt thâm thủng rất nhiều.
Cũng chính vì vậy mà hãng hàng không Qantas của Úc dùng cái huy hiệu con ‘Kangaroo’ cách điệu, màu trắng nền đỏ sơn trên đuôi máy bay để quảng cáo cho mình.
Để chiêu dụ và giựt khách của hãng không Singapore của Lý Hiển Long, Qantas vừa mới bay thử nghiệm một chuyến ‘non-stop flight’, bay không ngừng suốt 19 tiếng đồng hồ, hơn 10 ngàn dặm, từ thành phố New York, USA tới thủ phủ Sydney, tiểu bang NSW của Australia.
Bà con độc giả thân mến của tui bên Mỹ sẽ tha hồ leo lên máy bay, ngủ một giấc, thức dậy là tới Úc để xem con ‘Kangaroo’ nhé!

***

Chuột Túi, ‘Kangaroo’ có mặt ở Úc hơn trăm triệu năm, từ khi địa cầu mới được hình thành. ‘Kangaroo’ đỏ, và ‘Kangaroo’ xám có con cao tới 2 mét và nặng tới 85 kí lô.
‘Kangaroo’ bàn chân dài và hẹp, bắp chân rất khỏe. Hai chân trước ngắn ngủn, hai chân sau dài. Bò tà tà thì ‘Kangaroo’ dùng cả bốn chân. Còn gặp chuyện dầu sôi lửa bỏng, phải vọt cho nhanh thì ‘Kangaroo’ dùng hai chân sau búng lên để nhẩy. Đuôi ‘Kangaroo’cứng có tác dụng như cái bánh lái để giữ thăng bằng.
Khi đánh nhau với những con ‘Kangaroo’ đực khác để giành gái, nó đứng trên cái đuôi, hai tay ngắn kẹp lấy cổ đối thủ và chơi ‘kick boxing’ giống như võ ‘Muay’ của Thái Lan, để đá tình địch.
Dao phuc sinh 03Mới đây nè, một tay kiểm lâm người Úc thấy con chó cưng của mình thập phần nguy cấp vì bị một con ‘Kangaroo’ dùng hai chân trước kẹp chặt cổ con chó làm nó vô phương nhúc nhích.
Sợ người bạn thân nhứt của mình nghẹt thở, đi chầu ông bà ông vải nên chàng kiểm lâm nầy phải xài tới võ quyền Anh, thoi vô mặt con ‘Kangaroo’ một cái. Con chó thoát ra được, chạy cong đuôi, kêu ‘cẳng cẳng’; hình như để nhắc ông chủ của mình coi chừng cái ‘cẳng’ của nó; nó đá vô mặt là không còn một cái răng mà ăn cá lăn bột chiên với khoai tây chiên (tức ‘fish and chip’ kiểu Úc).
Chớ thực ra ‘Kangaroo’ vốn ăn chay, chỉ ăn cỏ, cây lá cây, nấm…và nhai lại giống như Bò, nên tánh nó cũng hiền. Hiền và lè phè như Úc vậy.
Trời mát, ban đêm hoặc ban ngày thì ‘Kangaroo’ mò vòng vòng kiếm ăn. Trời nóng thì kiếm bóng râm nào đó mà phè cánh nhạn.

***

Chuyện rằng: Một chú Sam, Cao bồi, dân miền Viễn Tây Hoa Kỳ, từ tiểu bang Texas đến Úc đi chơi ở miền quê . Chú Aussie khoe với đại ca ‘Donald Trump’ cánh đồng lúa mì của mình chạy dài, mút mắt tới tận chân trời.
“Bên Texas, tụi tao có những cánh đồng lúa mì lớn ít nhất gấp hai lần của chú mầy”.
Sau đó, họ đi dạo quanh trang trại, chú Aussie lại khoe đàn bò của mình mập ú nu có tới cả chục ngàn con.
“Bên Texas, tụi tao có những con bò nặng gấp đôi, sừng dài gấp đôi. cái gì cũng gấp đôi của chú mầy!”
Đột nhiên chú Sam nhìn thấy một bầy ‘Kangaroo’ có tới cả trăm con, nối đuôi nhau phóng ào ào trên trảng cỏ: “Úy con gì vậy chú em?!”
Chú Aussie chụp ngay cơ hội chơi lại đại ca Donald Trump, bèn cười khè khè nghe rất đểu, hỏi: “Bộ bên Texas, đại ca hổng có con ‘Cào Cào’ hay sao?”.
Bài học rút ra là; Khi không có gì để khoe với đời thì mình đặt dóc!

***

Thưa Bà con! Năm nay là năm Canh Tý, năm Chuột!
Tác giả cũng xin kêu ‘chút chít’ như Chuột túi mà kính chúc quý độc giả tình thương mến thương, năm mới ăn nên làm ra, có đủ tiền mua được chừng vài trăm con Chuột Túi bằng vàng ròng, 24 cara!
Để Tết năm sau, rủng rỉnh tiền đầy túi, xin bà con nhớ ‘hú’ người viết đi nhậu Tết Tân Sửu với nhe!
“Cung Chúc Tân Xuân!”

Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.