CON BÚP BÊ TRONG NÔI LÁ DỪA

Lâm Thụy Phong

Chú bảy dọn về kế nhà tôi. Tôi chỉ nhớ là một buổi trưa đi rong chơi về ăn cơm trưa, tôi đã thấy chú thím dọn  va -li, giỏ vô nhà rồi. Đồ  đạc khiêm nhường, không nhiều bàn ghế. Tài sản có giá nhứt là một bầy gà chừng hơn chục con, đang  thả ngoài sân nhỏ, đào đất kiếm ăn.
Giá đình vỏn vẹn 4 người: hai vợ chồng chú, đứa con trai tên Trường, lớn hơn tôi 3 tuổi. Đứa em gái tên Vân, nhỏ hơn tôi chỉ vài tháng tuổi. Căn nhà mướn, nhỏ, chỉ một phòng ngủ dành cho cả gia đình. Phía sau là nhà bếp, vừa đủ để hai cái lò đốt bằng than và diện tích còn lại để trải chiếc chiếu ăn cơm.
Nhà lợp tole, có nơi đã rỉ sét, vách là những tấm ván không lành lặn. Có chỗ vá bằng miếng cây không cùng màu, hay  là tấm cạc-tông sơn một cách cẩu thả.

Chú bảy làm nghề vá sửa xe đạp. Thím nuôi bán gà. Trường phụ mẹ săn sóc, dọn chuồng gà, đem gà ra chợ bán buổi sớm và dọn về buổi chiều. Vân lo chuyện cơm nước, dọn dẹp và làm những chuyện lặt vặt trong nhà. Có khi nó ra chợ bán trái cây theo mùa để kiếm thêm huê lợi cho gia đình.
Bé Vân bán trái trâm, có khi là trái cốc, và tới mùa bắp hay chuối nếp. Nó ngồi quạt than nướng. Mặt đỏ bừng, gò má ngang dọc lọ lem, lấm tấm mồ hôi dính những sợi tóc mai.


Thằng Trường với tôi thân nhau qua năm tháng, vì  có cùng một đam mê: đá cá lia thia. Khi  dọn về đây, nó khoe có 5 con cá Xiêm nuôi trong chai xá xị. Đẹp lắm!  Hai con màu tím và ba con màu xanh mun, rất sung! Nó hãnh diện với tôi, tất cả đều đã có thành tích thắng trận, con nào cũng từ 5 nước trở lên. Xin nói thêm, tiếng trong nghề ” đá cá “, “một nước” là để chỉ hai con cá cắn mõ, ” trấn nước ” địch thủ. Một con cá thắng sau nhiều lần kẹp mõ như thế, được xem như giỏi và lì lợm.

Đối với Trường, tôi là lính mới trong trò chơi nuôi cá Xiêm. Nó bán cho tôi, giá 2 đồng, một con cá Xiêm đã đá thắng 3 nước. Tôi nuôi trong cái hủ khá lớn, nước chỉ độ 3 phần 4, thêm vài cọng rong cho đẹp mắt. Tất cả được đậy lại bằng cái nắp có đục nhiều lỗ để thay đổi dưỡng khí.

Tôi ra vào thường xuyên trong nhà của Trường. Bé Vân lẩn quẩn lo việc giúp gia đình, lúc  thì đi ra chợ phụ mẹ buôn bán, khi thì lặt rau, rửa chén. Cứ độ hai ngày, nó ra sân kế bên nhà lượm trứng để thím bảy đem ra chợ bán.
Cuộc sống thiếu thốn. Công việc làm ăn của gia đình không dư dả. Có nhiều buổi chiều đã xế bóng,  chú bảy cùng Trường và bé Vân xách lưới đi câu. Con bé lúp xúp chạy theo sau, mái tóc dài tung bay trong gió. Tôi nhìn theo bóng ba cha con đổ dài trên con đường đất đá lỏm chỏm, dưới ánh chiều tà sắp tắt. Lòng tôi chùn lại, một nỗi buồn nhẹ không biết vì sao?  

Bé Vân rất khéo tay. Nó thường chuốt, cắt lá dừa dể đan thành các món đồ chơi, nào chim, cào cào, cá và ngay cả những cái rỗ chén nhỏ thật xinh xắn.
Nó đan một cái nôi khá lớn, trang trí chung quanh là những con chim nhỏ. Trong đó, một con búp bê tóc vàng mịn óng ánh mà nó thích nhứt . Con búp bê có đôi mắt xanh da trời, nhắm và mở được, tay chưn có thể cử động.
Nó cưng con búp bê vô cùng, nhứt định không cho ai đụng tới. Những khi ra chợ bán, nó đều cất dấu ở một góc nào đó trong nhà.
Một thú vui thật dễ thương của đứa con nít nhà nghèo.
Cho đến một hôm, tôi qua nhà chơi với Trường. Bé Vân vừa đi bán về, nó ngồi trong góc nhà khóc thút thít, mặt buồn so. Nước mắt chảy dài trên khuôn mặt đẫm mồ hôi. Nó lấy tay quệt mũi, mắt, lại khóc tiếc rẻ không dứt.
Trường giải thích lý do là vì con chó mực nuôi trong nhà đã cắn nát búp bê của bé Vân, không ai dỗ nó được.
Con nhỏ nhìn tôi qua ngấn lệ, nửa muốn phân trần,  nửa muốn tìm một cảm thông nào đó của tôi. Con mắt bé Vân đen láy, lanh lợi. Vần trán cao và phẳng thấy rõ bởi mái tóc dài bới lọn cao ở phía sau.
Tôi đến gần, vuốt nhẹ lên tóc và nói thật nhỏ: ” Nín đi, mai mốt có con búp bê khác “. Nó nhìn tôi, cám ơn bằng con mắt long lanh giọt lệ lưng tròng.

Ngày qua ngày. Bé Vân vẫn ngồi bán hàng rong đầu chợ, trong chiếc áo bà ba vá sau lưng, quạt đống than cháy đỏ bằng cái mo cau dài hơn cánh tay của nó.
Tôi hay mua hàng của Vân để ăn vặt, trong lòng vẫn mang một ý tưởng mình là người may mắn.
Một hôm, gặp nó ngoài chợ, bỗng nhiên nó nói:
” Mai mốt em có con búp bê khác.  Em xin má mỗi ngày để dành tiền “
Lúc đó,  tự nhiên tôi nói: ” Anh sẽ cho em con búp bê biết khóc như em “.
Con nhỏ bẻn lẻn, hiểu tôi đang chọc ghẹo cái ” cơn ” khóc nhè kỳ rồi:
“Anh nói thiệt hông? Đừng nói gạt em nha “

Vài tháng sau, Trường báo cho tôi hay sẽ dọn đi xa. Hai đứa chúng tôi ngồi thật lâu bên nhau, nói ít nhưng nghĩ mông lung thật nhiều. Từ nay dòng đời như những giòng sông trước mặt. Chảy mãi, chảy hoài, ra cửa biển để rồi mất hút trong đại dương.

Con ” bé Vân ” ngày nào, bán bắp nướng thoa mỡ hành, tóc bới một lọn trên đầu, con mắt đen sáng rực thông minh, xin từng tờ giấy trắng để may lại làm tập đi học,  mơ một ngày ” học cao để khỏi ra chợ ngồi bán “. Và khóc nức nở vì con búp bê bị con chó mực cắn nát.
Giọt nước mắt tuổi thơ, vô tư, trong trắng. Nhưng vẫn là giọt nước mắt, muối mặn lưng tròng của những đứa trẻ đáng lẽ phải có cái quyền được hưởng trọn vẹn thú vui của tuổi trẻ,  như mọi đứa trẻ khác.

Tôi vẫn nhớ mãi nợ em con búp bê biết khóc như ngày đó đã hứa  nhé em !

Lâm Thụy Phong
PK 1964 – 1971
TVTP 11 /11/2021 ( Armistice 1918 )