Con Bà “Soeur

Vưu Văn Tâm

Thằng nhóc tay xách, nách mang bước vô nhà và mang theo luôn hơi hướm lạnh lẽo của mùa đông. Năm nay nhằm mùa dịch bệnh, hãng xưởng thất thu và đóng cửa sớm hơn so với mọi năm nên thằng nhỏ được nghỉ cả tháng trước mùa lễ giáng sinh. Nó mới chia tay với mối tình chợt đến, chợt đi nên sẵn dịp này có được chút thời gian cùng đón giáng sinh với gia đình, cha mẹ. Ừa, con cái về thì cả nhà vui, ăn nhiều chứ ở có bao nhiêu đâu mà lo. Những ngày cuối năm như vầy, phút giây sum họp vẫn là điều thiêng liêng nhất. Có nó về thăm, tuy bận rộn nhiều hơn, mẹ nó bày biện, nấu nướng thêm món này, món nọ nhưng bù lại gia đình có những phút giây đầm ấm bên nhau và quên đi cái buốt giá đang tràn về bên ngoài cánh cửa.

Sóng đời xuôi ngược, ai nấy cũng phải có một nơi chốn để dừng chân sau những lần phiêu du tám phương, mười hướng và nhất là sau những ngày bôn ba kiếm tìm miếng cơm, manh áo. Con cái mình bây giờ có được nhiều may mắn hơn thế hệ cha mẹ của chúng. Chúng nó được đủ đầy, không lo chuyện “thóc cao, gạo kém” và  hơn hết là không phải sống trong hoàn cảnh chiến tranh, chia cách.

Ngược dòng thời gian của mấy chục năm về trước, thuở chân ướt chân ráo đặt chân lên xứ này. Rời trường lớp, bước chân non nớt xa luôn ngưỡng cửa gia đình và xuống tàu đi vượt biển. Phước đức ông bà để lại, may mắn đến được bến bờ bình an mà không phải làm mồi cho cá mập hay tụi hải tặc Thái-Lan. Ngày đó, đám học trò cùng một tuổi lớn, chung một nỗi niềm đi tị nạn, chia sớt buồn vui trong mái trường nội trú, ráng khuyên bảo nhau học hành dăm ba chữ để dễ dàng hội nhập và nuôi thân sau này. Ngày cuối tuần thường lê thê nhưng cũng không thể nào so sánh được với sự trống trải khủng khiếp khi những mùa lễ lớn như phục sinh hay giáng sinh ngấp nghé. Đứa nào may mắn có gia đình bên này thì thấp thỏm khăn gói về với mẹ cha để vui vầy ngày đoàn tụ. Mấy đứa đi vượt biển một thân, một mình thì coi như mồ côi, mồ cút hay còn được gọi là cháu bà phước, con bà “soeur” !

Để được cái lễ giáng sinh vui vẻ như mọi người, mấy đứa chùm nhum lại, góp gạo thổi cơm chung và sớt chia cùng nhau kỷ niệm của những tháng ngày gió xóa. Dù hột cơm khô cứng, chén canh mặn đắng, món cá chiên cháy xém nhưng cũng đủ no lòng chiến sĩ. Bên ngoài ô cửa kính, tuyết rơi mỗi lúc một dày hơn và đọng lại thành từng mảng lớn trên con dốc hẹp. Trong phòng, máy sưởi đã mở lớn “hết ga” mà sao vẫn nghe lạnh buốt, hình như không phải cái lạnh từ bên ngoài len vào, hay vì tiết trời trở sang đông giá mà lạnh nhiều vì nỗi nhớ nhà, nhớ quê với niềm cô đơn hiu hắt. Chiếc máy cassette nhỏ xíu đặt khiêm tốn ở góc giường đang phát ra những âm thanh vô vàn trìu mến “mùa giáng xưa, anh hẹn anh sẽ về, ngày đó Noel bên hội sao trần thế” .. Mấy đứa ngừng ăn, bùi ngùi nhìn nhau rồi cúi mặt xuống và cứ để mặc cho những giọt nước mắt nhớ ba, nhớ má cứ tuôn trào như sông, như suối ..

Mấy chục mùa giáng sinh đã theo thời gian đi về như không hẹn. Những sợi tóc xanh cũng âm thầm từ biệt, và những dấu chân chim mỗi ngày hằn thêm nét nữa trên khuôn mặt héo tàn, mỏi mệt. Bao nhiêu mơ ước thời trai trẻ đã tan vèo theo ngày nắng vội. Ở tuổi này chỉ còn vui với con cái, với những phút giây sum vầy ngắn ngủi. Mùa giáng sinh lại về và đong đầy thêm những nỗi xót xa. Ôi, thời gian sao mà trôi nhanh quá. Mấy đứa con bà “soeur” năm xưa, đứa hạnh phúc, đứa khổ đau, cũng hiếm khi còn dịp để gặp nhau mà sẻ chia những vui buồn năm cũ. Cuộc đời vô thường kẻ hợp, người tan. Lợi danh và bạc tiền đã cuốn trôi đi những mùa lễ giáng sinh đơn sơ với mấy món ăn lạnh tanh, dở ẹt. Những giọt lệ thông cảm hay những dòng nước mắt tủi buồn năm xưa hình như cũng âm thầm trôi xa theo mưa nguồn, biển lớn.

02.12.2020