Ở Melbourne, giai cấp thượng lưu, con nhà giàu học trường tư. Geelong Grammar School lớp 12 học phí lên tới 46,344 đô một niên khóa. Melbourne con nhà nghèo phải gian nan ráng thi đậu vô trường công lập The Mac. Robertson Girls’ High School gọi tắt Mac.Rob và Melbourne High School dành cho nam sinh thành lập năm 1905. Hai trường nầy thầy, cô giáo đều dạy giỏi.

Sài Gòn quê mình: Trường Nữ Trung học Gia Long thành lập năm 1913. Mac. Rob trẻ hơn vì thành lập năm 1934. Còn Trường Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký, (Petrus viết theo Tây nên có dấu sắc) thành lập ngày 11 tháng 8 năm 1928 trẻ hơn vì Melbourne High School thành lập năm 1905. Học trò của các trường thi tuyển nầy con nhà nghèo nhưng học giỏi.

Niên khóa 1963-1964, đậu kỳ thi tuyển vào trường Petrus Trương Vĩnh Ký mà bà con mình thường gọi tắt là: ‘Petrus Ký’, tui được xếp vào lớp Ðệ thất 5.

Thời dụng biểu thời đó tùy theo môn chính hoặc môn phụ mà xếp số giờ. Quốc văn hay Anh văn mỗi tuần tới 6 giờ. Môn phụ như Nhạc, Vẽ, Thể dục tuần chỉ một giờ. (Giờ chớ không phải gọi là tiết như CS)

Riêng môn Sử, Địa, sau nầy già rồi tui thấy nó cực kỳ quan trọng, mà chỉ được xếp như môn phụ. Sử một giờ. Địa một giờ.

Cô Phạm Thị Thiên Hương  

Tại sao tui nói môn Sử, Địa là quan trọng? Vì Sử, nó nói chuyện của ông bà mình. Địa, nó nói về vùng đất mình sinh ra và lớn lên. Có kính trọng ông bà; có thương yêu vùng đất quê hương, nơi cuống nhau chôn vùi trong quê đất thì mình mới biết thương nước, thương người mà không đi theo CS để tàn hại quê hương, đất nước của mình.

Năm Ðệ Lục và Đệ Ngũ dạy Sử Địa cho lớp tui học là Cô Phạm Thị Thiên Hương. Đám thứ ba học trò thường gọi cô là bà trong khi gọi quý nữ giáo sư dạy các môn khác là cô! Không phải vì các cô khác còn trẻ hơn Bà Phạm Thị Thiên Hương mà vì Giáo sư Phạm Thị Thiên Hương khá là nghiêm khắc nên đứa nào cũng ngán. Ngán thì tụi nó gọi là bà hè! Còn tui nghĩ như tiếng thầy là phái nam; cô là phái nữ, thầy cô là với người dạy dỗ tui, tui không phân biệt theo tuổi tác.

Mở đầu giờ dạy của cô, hổng đứa nào dám hó hé, giỡn hớt gì ráo trọi. Tim đập thình thịch khi thấy cô giở sổ điểm danh ra. Nhứt là những đứa có tên (xếp theo bảng chữ cái ABC) đứng chần vần trên đầu sổ. Giở ra, rồi cô xếp lại (chắc bữa đó bài học khá dài). Đứa nào cũng thở phào ra cái khì nhẹ nhõm! Vì nếu xui rủi bị cô kêu lên trả bài mà không thuộc đành đứng cạnh bàn giáo sư mà đực mặt, cúi gằm xuống như tử tội sắp lên đoạn đầu đài hay lên giàn hỏa! Cô đâu có nhéo lỗ tai hay kí đầu nghe ‘cốc cốc’ gì. Cô chỉ rầy rà, chì chiết, cằn nhằn, cửi nhửi chút đỉnh mà thôi! Chút đỉnh nhiêu đó nghe đã nhức hai cái lỗ tai rồi, nên đứa nào cũng ngán, cũng xin thời gian hãy qua mau cho con nhờ!

Về môn Sử Địa, tui chỉ khoái những bài đọc thêm trong sách Địa Lý của ông bà Tăng Xuân An để thỏa mãn cái óc tò mò của con nít. Tui muốn coi trên thế giới thiên hạ sống ra sao và làm cái giống gì?

Khi đi gần hết cuộc đời, nhìn lại thì té ra có những chuyện tui tưởng vậy mà không phải vậy. Môn Sử Địa nó rất quan trọng, nếu không hơn thì cũng không thua gì so với các môn chính khác.

Ôi cái thuở 12, 13 tuổi, học Ðệ Lục, Đệ Ngũ thầy cô rót vào đầu cái gì thì mình nhận cái đó. Học từ chương trình ra rả, nhét vào đầu cho nó đầy. Đôi khi chỉ hiểu sơ sơ nhưng không dám hỏi nên hiểu hổng được bao nhiêu. Sau nầy mất nước, thầy trò phiêu bạt 4 phương trời. Tui vẫn ao ước phải chi mình gặp lại được các thầy cô ngày cũ. Dạy môn gì cũng được để tui có dịp hỏi vài ba câu, mà hồi xưa thuở đi học vì sợ quá, mà mình không dám hỏi?

Nếu gặp lại Cô Phạm Thị Thiên Hương thì câu hỏi của tui sẽ là: “Em là dân Sài Gòn mà trong sách Sử Địa em học lại không được các thầy cô soạn sách giáo khoa chỉ cho em Sài Gòn, dân nó ra làm sao, sống như thế nào hết trơn hết trọi vậy cô?” “Vì trước khi yêu con đầm hay á xẩm nào đó thì em phải biết rồi yêu con nhỏ hàng xóm, dân Sài Gòn mới phải chớ?” Xa trường Petrus Ký, vào đời lưu lạc rồi phiêu dạt tận quê người, tui mang câu hỏi đó đi cùng Trời cuối đất!

Tang lễ Cô Phạm Thị Thiên Hương

Và tiếc thay khi Miền Nam thân yêu của chúng ta sụp đổ vì lọt vào tay CS, thầy trò sẻ đàn tan nghé, thất lạc, tứ tán khắp 4 phương trời nên khó tìm nhau! Thì làm sao trò xưa gặp lại thầy cũ để hỏi vài câu cho đặng chớ?

Gần 60 năm trời đằng đẵng đã trôi qua trong cơn mộng dữ! Rồi năm kia, tui nhận được ‘emails’ của mấy thằng bạn học đồng song, đồng môn trường Petrus Ký năm cũ bên Hoa Kỳ khấp báo là: Cô Phạm Thị Thiên Hương, giáo sư Sử Địa Petrus Trương Vĩnh Ký, vừa đã qua đời rất đơn chiếc tại thành phố Montpellier miền Nam nước Pháp!” Người thầy từng dạy tôi những bài Sử Địa gần 60 năm về trước xác thân đã trở về cát bụi! Chợt bùng lên trong tiềm thức, kỷ niệm xưa trở về rõ mồn một! Nhớ cô dạy rằng vẽ bản đồ đất liền và biển phải lấy viết chì màu tô cái rìa màu xanh dương để người ta biết đây là biển.

Hạng Võ Sở Bá Vương có tới 9000 đệ tử qua Ô Giang mong làm nghiệp lớn. Khi thất bại trở về dòng sông cũ còn có được Ngu Cơ. Còn người thầy cũ của tôi, suốt một đời đi dạy (chắc số đệ tử còn nhiều hơn Hạng Võ Sở Bá Vương) đã lặng lẽ ra đi một mình, bỏ lại một đời giông bão. Cô đi, mang theo cả một mảnh đời thơ ấu của tui, của bè bạn cùng lớp, cùng trường năm cũ.

Đêm quê người, Melbourne, Victoria, Australia nghe tin dữ, tui buồn biết bao trong tấc dạ. “Xin Vĩnh biệt người thầy cũ của tui, Cô Phạm Thị Thiên Hương Giáo Sư Sử Địa trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký!”