Cô Thiên Chi

Vưu Văn Tâm

Co Thien Chi 01

Lớp 7/4 học môn Pháp văn với cô Loan được nửa năm thì nhà trường chuyển cô đến những lớp trên đang thiếu giáo sư. Cô Thiên Chi được chọn thay thế cô Loan cho đến hết niên học 1975-1976.

Cô Thiên Chi mảnh mai, quý phái và thường đến lớp với những chiếc áo dài thật đẹp. Cô dạy giỏi và rất cầu toàn. Một hôm, trên quãng đường về, tôi tình cờ được đi chung một đoạn đường với cô. Cô ân cần hỏi han chuyện học hành của tôi ở các môn học khác và cũng “thẳng thắn” phê bình các bạn trong lớp :
– Lớp các em ồn ào quá. Em “trưởng ban trật tự” cũng không làm gương cho các bạn !
Cô hướng mắt nhìn qua tôi và nói luôn :
– Em cũng nói chuyện nhiều lắm và không tập trung trong giờ học !
Và cô cũng tiếp :
– Chỉ có em Lê Duy Chính là chịu học và ngoan nhất lớp !

Cô đã nhìn không sai. Mấy mươi năm trôi qua, em Chính bây giờ đã thành ông “đốc-tờ” và có một mái gia đình êm ấm. Chính vẫn kính trọng thầy cô như những ngày còn đi học, và yêu thương, quý mến bè bạn như thuở chung trường.

Một số bè bạn trong lớp đã biết cô Thiên Chi từ niên học trước trong kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt .. Lớp 6/4 năm đó được chia ra hai phòng cho các trò ngồi làm bài được “thoải mái” hơn ! Phòng thứ nhất dành cho những bạn có tên vần A đến L và phòng còn lại từ vần M đến hết. Cô Thiên Chi có nhiệm vụ coi sóc các học sinh ở phòng số hai hôm thi môn Pháp văn. Tôi vẫn còn nhớ chiếc áo dài “soie phi” cô mặc hôm đó thật đẹp, những hình tròn màu đen lớn nhỏ được in trên nền trắng thật sang trọng.

dang-thi-thien-chiLâu quá rồi, tôi cũng không biết tại sao mình lại nhớ rõ chiếc áo dài của cô mà hoàn toàn không còn nhớ được đề thi hôm đó ra sao nữa. Tôi chỉ nhớ hết bạn này đến bạn khác thay phiên nhau đưa tay lên thắc mắc. Cô đứng trước tấm bảng và hết lòng cắt nghĩa từng bước một cho đến khi không còn câu hỏi nào đặt ra nữa từ các thí sinh. Chúng tôi hân hoan đặt bút làm bài chưa được bao lâu thì tiếng loa phóng thanh từ văn phòng hiệu trưởng cho phép các học sinh ra về vì tình hình chiến sự căng thẳng. Lúc đó, Nguyễn Thành Trung vừa ném bom Dinh Độc Lập ! Những chú cá con chưa kịp lớn, chưa vượt vũ môn mà biển khơi đã trùng trùng sóng dữ ! Năm học đầu tiên của tôi ở ngôi trường mang tên Petrus Ký chấm dứt từ hôm đó.

Mấy đứa “con út” ông Trương Vĩnh Ký vừa ra đời năm Quý Mão (1963) thì nền Đệ Nhất Cộng Hòa bị phế. Khi chúng chưa kịp kết thúc năm đầu tiên của bậc trung học thì nền Đệ Nhị Cộng Hòa cũng tàn vào mùa xuân Ất Mão (1975). Tôi nhớ lời ông bà ngày xưa hay nói “nam Nhâm, nữ Quý” ! Thì ra lứa tuổi tụi tôi “khắc tinh” ! Nếu được sanh ra nhằm cái năm nào có chữ Nhâm hay vào một cái “Can” nào khác, ngoài “Quý” và “Canh” (*) .. có lẽ cuộc đời chúng tôi sẽ được suông sẻ hơn nhiều. Cơn bão mùa xuân năm đó làm đổi thay nhiều thứ, đổi thay đến nổi không thể ngờ được. Gia đình ly tán, trường lớp xôn xao, thầy trò bỡ ngỡ !

Những năm sau này, nhờ phương tiện thông tin hiện đại, tôi đã có dịp nhìn lại hình ảnh thầy cô mình tham dự những buổi tiệc liên hoan hay tất niên được tổ chức tại trường. Tôi đã được “gặp lại” cô Thiên Chi. Hơn bốn mươi năm, tóc cô giờ bạc trắng, nhưng cô vẫn giữ đươc vẻ xinh đẹp và nét đoan trang ngày nào. Không chỉ riêng cô mà tất cả thầy cô của tôi ngày xưa đã già yếu lắm rồi. Có nhiều thầy cô đã giã từ cái cõi tạm này từ lâu. Trong mỗi cuộc đời, hợp rồi tan đã là một định luật bất biến. Tôi cầu mong cho cô Thiên Chi cũng như các thầy cô khác được nhiều sức khỏe, được sống vui bên cạnh gia đình và những tình thân.

14.01.2018

(*) Lịch tử vi tính tuổi tác có 10 “Can” (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm và Quý) và 12 “Chi” (Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi)