Có những người anh

Vưu Văn Tâm (PK 1974-81)

Có những người anh tôi chưa biết tên
Tha thiết cuộc đời đôi môi thắm duyên
Quê hương trong khói lửa mùa chinh chiến
Quên tình yêu riêng xông pha chiến tuyến (*)

Đầu thập niên 70, cuộc sống của người dân Sài-Gòn thường bị xáo trộn. Tôi thấy đủ mọi giới xuống đường, biểu tình, rồi liệng lựu đạn cay. Cái tuổi mới vào tiểu học, chưa hiểu chuyện đời, nhưng tôi đã bắt đầu biết sợ. Trước nhất là sợ lựu đạn cay, mắt mũi bị cay nồng, nghẹt thở. Một cảm giác vô cùng khó chịu với đứa con nít vừa lên 7 tuổi. Những ngày đó trường học phải đóng cửa. Nhà không xa chợ Vườn Chuối nhưng má cũng không thể nào đến đó được để mua thức ăn như mọi hôm. Kế nữa là tôi sợ chia ly ..

lien-doan-chung-su-4Bác Hai Tân Thành là hàng xóm thân thiện sát vách. Gia đình bác đã theo làn sóng người di cư vào Nam năm 1954. Một hôm, hai bác nhận được tin dữ. Anh Định, người con trai đầu lòng của bác tử trận. Bác gái kêu khóc thảm thiết, rồi ngã lăn trên nền nhà và bất tỉnh. Đôi mắt bác trai đỏ au và không nói được lời nào. Hai bác không được vuốt mặt con, cũng không nhìn được anh một lần sau cuối. Anh đã được tẩn liệm và quàn tại Viện Hoá Đạo trên đường Trần Quốc Toản. Các anh chị trong nhà thay phiên hai bác túc trực ngày đêm nơi đó. Anh Quý, em út của anh Định, không đến trường Petrus Ký vì tang gia bối rối. Hai bác dựng cái bàn thờ nho nhỏ trong nhà. Bác gái lúc nào cũng ngồi bên cạnh thắp nhang, châm trà và “nói chuyện” với anh. Nhin lên di ảnh, anh Định với gương mặt khôi ngô, tuấn tú trong bộ quân phục oai hùng và cái mũ sĩ quan thật đẹp. Anh được thăng cấp bậc “đại úy”. Anh ra đi để lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ.

Những năm tháng ấy, khá nhiều gia đình sống trên đường Phan Đình Phùng cũng như trên khắp nẻo đường hay trong các hẻm hóc ở thủ đô Sài-Gòn có con ra trận thường nhận được tin không vui như vậy !
Nhà tôi cũng không ngoại lệ ..

lien-doan-chung-su-1Sau cái chết của anh Định không lâu, gia đình tôi nhận được tin báo tử của người anh thứ sáu. Anh hy sinh trong trận tái chiếm cổ thành Quảng Trị. Sau này tìm đọc trong sách báo, tôi mới biết đó là mùa hè đỏ lửa năm 1972 .. Ít ngày sau, người ta chở đến một cái quan tài thật to, bên trên được phủ lá cờ tổ quốc. Cũng như bên nhà bác Hai, gia đình tôi cũng không được vuốt mặt anh lần cuối. Nhiều người trong bà con ngỏ ý muốn được nhìn mặt và cũng muốn xác định, người nằm trong đó có phải là anh không .. Ba tôi lặng người và nghẹn ngào nói “dù gì nó cũng đi rồi. Nhà nào cũng có con hy sinh. Đứa nào cũng là con. Mình lo cho con người ta thì thì con mình cũng được ấm êm mồ mả” .. Anh sáu chết trận khi mới tròn 18 tuổi.

Co nhung nguoi anh 01Một buổi trưa hanh nắng, tôi theo ba má vào thăm người cậu họ đang nằm điều trị tại y viện Cộng Hòa. Trời ơi, tôi không thể nào nhận ra cậu Tuôl đẹp trai ngày nào. Cậu tôi nằm thiêm thiếp trên giường bệnh. Từ đầu đến chân được quấn bông băng trắng xóa. Tôi nhận ra cậu còn sống khi đôi mắt cậu chớp nhẹ và đôi môi mấp máy khi thấy ba má vào thăm. Nhìn cậu giống như hình ảnh “Mummy” mình được thấy trong “ciné” những năm gần đây. Cậu thương má như người chị ruột. Cậu được má lo lắng và dìu dắt từ những ngày chân ướt chân ráo từ Bạc-Liêu lên Sài-Gòn đi học.
Tôi oà lên khóc vì sợ hãi làm ai nấy cũng se lòng. Căn phòng rộng lớn đó không chỉ mình cậu mà còn khá nhiều những thương binh khác. Giường kề giường, vết thương liền vết thương, nước mắt hoà trong nước mắt .. Tôi nói với má “chừng con lớn lên chắc đất nước hoà bình rồi” ..

Rồi ngày “hoà bình” cũng đến. Những binh lính của chế độ trước bị trả thù, bị đưa tới những nơi rừng thiêng nước độc và không hẹn ngày về. Người người vượt biên, nhà nhà vượt biển ..

Co nhung nguoi anh 02Tôi chỉ biết một vài trường hợp người chiến sĩ hy sinh và được biết tên. Nhưng chiến tranh, bom đạn vốn dĩ vô tình và tàn nhẫn. Còn biết bao người chiến sĩ khác đã âm thầm chiến đấu cho độc lập, tự do. Các anh đã đổ máu xương hay ít nhiều đã hy sinh một phần thân thể trên mảnh đất triền miên chinh chiến này. Tên tuổi đã không được khắc trên “bảng vàng” hay ghi trong sách sử. Các anh là những chiến sĩ vô danh ..

Cho dù vô danh hay hữu danh, các anh đã sống đúng nghĩa của người trai thời loạn. Tôi yêu thương và quý trọng các anh, những người con tuấn tú của quê hương, đất nước. Tôi nhớ hoài bài ca tân cổ giao duyên “Người ở lại Charlie” do chị Kim Tuyến viết lời cổ nhạc. Chị đã chấp thêm đôi cánh phượng hoàng cho bài hát được bay xa hơn trong những lần lưu diễn ở các tiểu bang nước Mỹ, Canada, Úc Châu và Âu Châu ..
“Nếu muôn người đều đã sống như anh
Và đã chết để làm vinh danh cho chiến sử
Việt-Nam đau thương đã không có những đoàn người ly xứ
Cũng không có tháng tư buồn bức tử một mùa xuân”.

14.11.2017

Vưu Văn Tâm

(*) ca khúc “Có những người anh” của nhạc sĩ Võ Ðức Hảo