Có những cuộc tình không là trăm năm

Vưu Văn Tâm

Giáng Hương và Lĩnh Nam là đôi “tiên đồng ngọc nữ” của gánh hát Con Tằm. Đêm từng đêm, những vai tuồng của họ trên sân khấu đã thấm sâu vào tim óc của biết bao khán giả mộ điệu. Tánh tình phóng đãng, thói trăng hoa của Nam đã đẩy đưa cái nợ duyên đi vào ngõ cụt. Đứa con gái duy nhất phải chứng kiến cảnh tan đàn, xẻ nghé của cha mẹ ở tuổi mười bốn. Bên ngoài cánh màn nhung, người phụ nữ kém nhan sắc nhưng lắm bạc, nhiều tiền là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa cho Nam lao vào những cuộc truy hoan.

Còn lại một mình, Giáng Hương như mất đi một chỗ dựa tinh thần cần thiết. Giữa những tấm màn treo nửa giùn nửa thẳng, nàng loay hoay tìm cho gánh hát cũng như cho nàng một ngã rẽ, một hướng đi. Sân khấu đã cho nàng cái nhà, cái xe và cái tên Giáng Hương thần tượng, nàng không thể quên ơn khán giả, phản bội sân khấu. Bán đi ngôi nhà một thời hạnh phúc, nàng gom góp bạc tiền, tư trang về náu nương nơi hí viện để mong làm sống lại kiếp ca cầm. Cho dù đêm hát này có thể là lần sau chót, nàng muốn đưa cánh tay lên để tạ tình với khán giả tri âm đã hằng mấy mươi năm mến mộ.

Đó là nội dung sơ lược của vở tuồng cải lương vang bóng một thời của tác giả Nguyễn Thành Châu. Ít ai biết được vở tuồng này được phóng tác từ quyển tiểu thuyết “Theater” của nhà văn William Somerset Maugham ở Anh quốc và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Pháp ngữ, Đức ngữ .. Đã hơn nửa thế kỷ đi qua mà “Sân khấu về khuya” vẫn sống mãi trong lòng nhiều thế hệ nghệ sĩ cũng như khán giả gần xa. Người ta hay nhắc đi, nhắc lại những câu đối thoại mang tính triết lý sâu xa của các nhân vật hay ngâm nga theo những lời ca, điệu đàn bi ai, thống thiết.

Ngoài đời thật, Lĩnh Nam và Giáng Hương cũng là đôi uyên ương một thời gắn bó. Những vở tuồng, những vai diễn và ánh đèn sân khấu muôn màu đã se duyên cho họ cảm mến và đến với nhau. Tài năng và sắc vóc đã khiến họ rực rỡ trong những vai tuồng và đẹp đôi trong cuộc sống vợ chồng. Nhưng cuộc đời có bao giờ mãi đẹp như giấc mơ, chàng ham mê bóng sắc giai nhân, bị xa hoa quyến rũ và để lại cho nàng một khối u tình. Giống như soạn giả Nguyễn Thành Châu dù quý yêu nghề nghiệp của mình đến mấy, nhưng vẫn lên án cái xã hội nghề hát, vui đó buồn đây và đổi thay nhân tình như thay áo lót.

Với sự phát triển vượt bậc của công kỹ nghệ, xã hội ngày nay đã đổi khác khá nhiều và ảnh hưởng sâu rộng đến nếp sống cũng như suy nghĩ trong nhân sinh. Trong chuyện tình cảm người ta có quyền chọn lựa và nếu chẳng tròn duyên thì tìm cách để giải thoát cho nhau khỏi mọi buộc ràng. Cái định kiến nhập nhằng của xã hội thời phong kiến đã đã trở nên lỗi thời, lạc hậu. Kiếp con người ngắn ngủi, có tình có cảm cứ đem cho, cho mãi cho mãi đến khi mắt khô hết lệ thì đời buồn tênh. Chẳng lẽ phải cam chịu và đợi chờ cho đến hết cuộc đời. Ngẫm ra, cái khoảng cách từ sàn diễn cho đến đời thật có lẽ cũng không xa lắm. Sân khấu ước lệ chính là cuộc đời muôn màu bên ngoài được thu hẹp. Mỗi người trong chúng ta đều mang trên người một vai diễn và phải sống với vai tuồng đó cho đến hết cuộc đời mình. Muốn có được cái mới thì phải mạnh dạn bỏ đi cái cũ. Nhưng dường như tất cả vẫn còn ở phía trước, người ta vẫn say sưa kiếm tìm hạnh phúc như hoa hướng dương thèm vươn tới ánh mặt trời, như bướm tìm hoa, như ong đi tìm mật. Thời gian hữu hạn, cuộc sống lại vô tình, làm gì có trăm năm, cũng không hề có kiếp sau để chờ để đợi.

03.05.2021