Cố nhân xa rồi

Vưu Văn Tâm

Người về lòng có buồn, vui ?
Áo chưa phai sắc, ngày xanh mau tàn
Bến xưa sông vắng đò sang
Thầm thì khẽ gọi, cố nhân xa rồi !

Cách nay mấy hôm, tôi đọc được một mẫu nhắn tin trên facebook của bè bạn, mới biết được nhạc sĩ Song Ngọc vừa qua đời sau một thời gian dài lâm trọng bệnh. Ông là một nhạc sĩ tên tuổi và có bề dày hoạt động âm nhạc hơn sáu thập kỷ, với hằng trăm bài hát nổi tiếng. Tin buồn ấy cũng lần lượt được lan truyền trên đài phát thanh, đài truyền hình và đặc biệt là qua hệ thống Internet, tôi được đọc rất nhiều bài viết về ông cùng với gia tài âm nhạc đồ sộ trên 300 nhạc phẩm. Một điều thích thú hơn nữa, tác giả những bài viết ấy là những phóng viên, ký giả tên tuổi của những tờ nhật báo ngày xưa ở Sài-Gòn mà mấy chục năm nay tôi ngỡ họ đã gác kiếm giang hồ. Những ngòi bút lão thành đó vô tình hay hữu duyên đã đưa tôi về lại khung cảnh Sài-Gòn của gần nửa thế kỷ trước.

Co nhan xa roi 01
Ca sỉ Phương Đại

Thuở đó, tôi còn nhỏ xíu, hay theo mấy đứa bạn cùng xóm lang thang hết con đường này đến ngõ hẻm nọ. Một hôm có dịp đi ngang lớp dạy nhạc của nhạc sĩ Thanh Vũ trên đường Phan Đình Phùng, bên cạnh nhà thuốc bắc Kim-Điền, tôi đứng lại và nhìn vào trong để xem các anh chị tập hát. Và những hôm sau, ngày nào cũng vậy, tôi đều cố tình đi ngang nơi đó và dừng lại hằng giờ chỉ để nhìn vào lớp học. Có lần thầy Thanh Vũ gọi một anh học trò đứng lên hát bài “Xin gọi nhau là cố nhân” cho các bạn nghe và sau đó không lâu tôi được thưởng thức trọn vẹn bài hát này trong một chương trình Đại Nhạc Hội do nghệ sĩ Duy Ngọc tổ chức vào buổi sáng chủ nhật tại rạp Quốc Thanh qua tiếng hát của anh Phương Đại. Anh Đại đẹp trai, lịch lãm trong bộ veston và hát thật hay. Khi anh hát hết bài thì khán giả vỗ tay rần rần và còn yêu cầu “bis bis” liên hồi ! Nhân dịp hãng dĩa Việt-Nam thu thanh vở tuồng cải lương xã hội “Lấy chồng xứ lạ”, cô Sáu Liên đã mời anh Đại góp tiếng với bài hát này của nhạc sĩ Hàn Sinh.
Nhạc phẩm “Thư cho vợ hiền” của nhạc sĩ Song Ngọc và tiếng hát Phương Đại được phát đi phát đi phát lại nhiều lần trên làn sóng điện và được hãng dĩa Việt-Nam phát hành với số bán kỷ lục. Bài hát đượm nhiều nét u buồn khiến tâm tư mình chùng xuống nhưng đó là tâm tình của những người lính xa nhà vì nghĩa vụ và trách nhiệm của người trai lớn lên trong thời loạn.

Co nhan xa roi 02Ngày ấy, Hàn Sinh, Song Ngọc hay gì gì đó, tôi có biết chi mô mà để ý, miễn được nghe nhạc hay được đi coi hát là tôi sướng tê người rồi. Mãi đến sau này tôi mới biết Song Ngọc là Hàn Sinh, là Hoàng Ngọc Anh, là Nguyên Hà .. với những Gặp lại cố nhân, Nó và tôi, Chiều thương đô thị, Tiễn đưa, v.v..

Sau một cơn tai biến hơn 30 năm về trước, anh Phương Đại đã thôi không còn ca hát cho đời vui nữa và sau hơn 60 năm rong chơi cùng âm nhạc, ngọn đèn đêm cũng đứng im cúi đầu để tiễn đưa tác giả Song Ngọc chìm vào một chuyến bay đêm !

Kẻ ở người đi từ lâu đã là định luật khắt khe của đất trời, của tạo hóa. Tre tàn thì măng mọc, nhưng ở những xứ sở xa lạ và lạnh lẽo như vầy, măng cũng thôi không còn cơ hội để đâm chồi nẩy lộc nữa. Nước mất nhà cũng tan, biết bao con thuyền trốn chạy ra khơi để thoát khỏi bàn tay của loài quỷ dữ. Từ phương xa, tôi nhìn về quê nhà, tiếc thương bao kỷ niệm và còn sót lại đâu đây chút ray rứt, ngậm ngùi.

18.10.2018

Vưu Văn Tâm


MỘT KỶ NIỆM KHÓ QUÊN ĐẦU NĂM 2018 CỦA NHẠC SĨ SONG NGỌC, THI SĨ TRẠCH GẦM, CA SĨ THÁI XUÂN VÀ 2 TUẦN BÁO VIỆT TIDE – THẾ GIỚI NGHỆ SĨ 

Co nhan xa roi 03
Nhà thơ Trạch Gầm (trái) và nhạc sĩ Song Ngọc (phải) 

Sáng mùng 2 Tết, nhạc sĩ Song Ngọc từ Houston gọi đến tòa soạn với giọng reo vui: “Happy New Year em trai… Anh có tin vui báo em”, “Dạ, thưa tin gì vậy anh?”, “Hôm qua mùng 1 Tết, anh nhận được giai phẩm Xuân Thế Giới Nghệ Sĩ – Việt Tide em gửi sang, vui nhất là nhận quà ngay mùng 1 Tết. Cuốn báo Xuân đẹp quá.. Từ hình thức cho đến nội dung… Anh lật từng trang, đọc kỹ, bất ngờ thấy trang Thơ của thằng bạn cũ, ngày xưa đi học nó có tên Nguyễn Đức Trạch, bây giờ là Trạch Gầm. Đọc mấy bài thơ của Trạch anh xúc động, cảm hứng dâng lên lai láng tràn đầy, Anh cầm đàn, cầm bút viết ngay một mạch.. chỉ một tiếng là hoàn tất, nên hôm nay anh gọi báo cho em biết tin vui này”. Chưa nói hết, bên kia đầy dây đã vang lên tiếng đàn thùng tưng tửng.. “Em nghe anh hát vài câu nhé…” và Song Ngọc cất giọng ngay:

“Kể em nghe thằng lính nào không thiếu nợ
Không biết sao em lại bảo ta thiếu một nụ cười
Một nụ cười thiếu em là chuyện nhỏ
Trả lúc nào chuyện nhỏ dễ như chơi…
Ta sinh ra đụng đầu thời tao loạn
Tình Mẹ nghĩa Cha chẳng chút đáp đền
Sách vở học trò trả nợ ngày nợ tháng
Đường phố Saigon nợ bước chân đêm…”…

Bài thơ phổ nhạc còn dài, tự nhiên Song Ngọc ngưng hát, buông đàn và nói: Thôi: “Thôi, bài hát thì hay mà anh hát dở quá, sợ em nghe rồi không thích ..”. Câu này nghe quen quen, hình như Phương Hồng Quế có kể lại. Thỉnh thoảng có bài hát bolero nào mới, Song Ngọc từ Houston gọi cho Quế khoe ngay.. Lần nào cũng vậy, giọng chàng không “ngọt” nhưng sáng tác mới mà tác giả nhắm người gửi đến, đều có kết quả thành công, chẳng hạn như ca khúc Đàn Ông, Thương Quá Mẹ Ơi .. từng viết riêng cho Phương Hồng Quế ..

Một tiếng sau, Song Ngọc gửi email đến tòa soạn tặng bài hát Thiếu Em Một Nụ Cười phổ từ thơ Trạch Gầm với lời chú thích phía cuối bài hát:

“Thái Xuân và Trần Quốc Bảo gửi tặng báo Xuân Mậu Tuất. Đọc bài thơ Thiếu Em Một Nụ Cười của Trạch Gầm. Rung cảm tình thơ. Khai bút đầu Xuân ghi kỷ niệm.
Song Ngọc
Mùng 2 Tết
2-17-18”

Trưa mùng 2 Tết, người viết gọi đến thi sĩ Trạch Gầm, trước là chúc Tết, sau kể lại câu chuyện nhạc sĩ Song Ngọc mà thời đi học có tên Nguyễn Ngọc Thương. Tác giả “Bên Lề Cuộc Chiến” nhớ ra ngay người bạn thuở ấu thời học chung ở trường Tân Thịnh cuối thập niên 50. “Nhớ sao không nhớ.. Hồi đó nó đi học mà cứ bỏ trong cặp táp bộ đồ võ, thỉnh thoảng lấy ra khoe, rồi hình như cũng đụng nhau mấy lần ..”. Kể xong nhà thơ cười ha hả.. “Chuyện con nít ngày đó mà.. Rồi sau này đi lính, lúc bị thương vào nằm trong Tổng Y Viện Cộng Hòa có gặp nhau. Lúc sang Mỹ, có biết Song Ngọc sống ở Houston nhưng thấy thành công, nổi tiếng quá, không muốn gọi đến làm phiền .. Chứ còn bạn bè cũ, sao mà không nhớ, không quý”.

Số báo đầu năm, khi ghi lại câu chuyện này, hy vọng hai ông anh không buồn người viết. Tuy có chút riêng tư nhưng lại thuộc về một thuở tuổi thơ dễ yêu vô ngần. Xuân Mậu Tuất, cầu mong sẽ không còn nhiều thiên tai, đói kém mà lại rất tràn đầy những nụ cười bởi những câu chuyện của một thời tuổi nhỏ.

(trích bài Trần Quốc Bảo trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 159 phát hành ngày 23 tháng 2 năm 2018)