Cô Nghĩa “vườn trầu”

Vưu Văn Tâm

Niên khóa 1978-1979, lớp 10C2 học môn Chính trị với cô Nghĩa. Vóc người cô thon nhỏ với mái tóc dài quá lưng được kẹp vắt cẩn thận bởi vài ba chiếc “kẹp ba lá”. Không rõ cô là dân “tập kết” ra Bắc ngày ấy hay từ trong chiến khu về thành mà trang phục và giọng nói như đến từ một cõi xa. Cái tên “Nghĩa vườn trầu” do đám học trò tinh nghịch đặt cho cô. Tên này đến từ nhân vật nữ tên Nghĩa trong một vở kịch của đoàn kịch Nam Bộ thường được phát đi, phát lại trên ti-vi sau ngày Sài-Gòn đổi chủ. Cô không mặc áo dài như những nữ đồng nghiệp khác mà luôn vận chiếc áo sơ mi màu nhạt “cổ cánh sen” hay “cổ bẻ” và chiếc quần đen mỗi khi đến lớp.

Hai thằng học trò kháo nhau :

– Gần nhà tao có xe bánh mì mới khai trương, có bán bánh mì kẹp nem chua ngon lắm. Để mai tao đem cho mày một khúc !

– Ừa, mà nhớ đừng có chan nước mắm nha !

Bữa sáng hôm đó, cả lớp có hai giờ đầu là giờ học Chính trị. Chuông reo báo giờ chơi, cô Nghĩa còn nấn ná, “ăn gian” giờ và tiếp tục bài giảng hãy còn dang dở. Không quên lời hứa của ngày hôm trước, thằng bạn dễ thương gói theo trong cặp hai khúc bánh mì kẹp nem chua. Hai đứa chịu không nổi cơn đói, bèn lôi ra hai khúc bánh mì thơm phức, cắn một phát và vội vã cúi mặt xuống bàn.

Đôi mắt cô vốn đã sắc sảo bỗng trở nên tinh ranh lạ thường khi “phát hiện” hai tên học trò “phản động” và cô lên giọng chì chiết :

– Hai em đi ngược chiều bánh xe lịch sử, bánh xe lịch sử sẽ nghiền nát hai em !

Chất giọng the thé, đôi mắt cáo dữ dằn, lời mắng nhiếc cay độc và ác tâm kia theo chân thằng học trò xuống tàu đi vượt biển và hơn 40 năm sau, giờ học môn Chính trị với cô Nghĩa vẫn mới như ngày hôm qua. Câu chuyện học trò tuy nhỏ bé nhưng khó quên, chỉ xin được nhắc lại nơi này và sẽ không bao giờ được đưa vào kỷ yếu 40 năm xa trường với những hình ảnh đẹp đẽ của xác phượng rơi rơi hay đám học trò bùi ngùi trao nhau dòng lưu bút.

01.11.2021