Cô Nana

Vưu Văn Tâm

Sau biến cố tháng tư năm 1975, danh từ “giáo sư” được thay thế bởi danh gọi “giáo viên” cho tất cả các thầy cô từ bậc tiểu học cho đến hết bậc trung học. Bước sang năm học thứ nhì, nhà trường tiếp nhận thêm nhiều thầy cô còn rất trẻ, như cô Nguyệt dạy môn Vật lý, thầy Thụy dạy môn Việt văn và cô Bùi Thị Năng dạy môn Hóa học.

Môn Hoá học được giảng dạy từ năm lớp sáu của bậc trung học nhưng không rõ vì sao khi lên lớp bảy, cũng là niên học đầu tiên sau năm 1975, lại không có môn này trong thời khóa biểu. Mãi đến khi lên lớp tám, học trò mới được tiếp tục ở môn này và lại càng thích thú hơn khi được học cùng cô giáo trẻ với nét dịu dàng, đằm thắm. Trong chiếc áo dài đơn giản, gương mặt xinh xắn, hai bờ vai nhỏ nhắn và mái tóc xõa dài đến nửa lưng ngó cô đẹp như Thánh nữ. 

Không giống như những thầy cô khác thường giới thiệu ít nhiều về mình hay ít ra là cái tên cho học trò nhận biết, giờ học đầu tiên của cô Năng trực tiếp đi vào bài học thứ nhất. Cô giảng giải cặn kẽ và ghi chép đầy đủ trên tấm bảng đen cho đến khi giờ học ngắn ngủi trôi qua. Có lẽ vì mới bước lên bục giảng, cô ngại ngần sợ bị trêu chọc nên không bao giờ mỉm cười với đám học trò ngồi dưới lớp. Ở phút cuối, cô ghi vội vài dòng trong quyển sổ dành cho thầy cô (teachers diary) rồi lặng lẽ rời lớp học.

Đám học trò tò mò chạy lên bàn dành cho thầy cô, giở cuốn sổ xem cô ghi chú những gì trong đó và thấy được chữ ký “Nana” bên cạnh. Từ đó, cái tên “Nana” là lạ, vui tai thường được gọi trên môi của đám trò nhỏ nghịch ngợm, phá phách.

Trong lớp, bạn Trịnh Chánh Đức lớn tuổi hơn hết và cao hơn đám trẻ trâu gần một cái đầu. Đức thuộc gia đình khá giả nên thường đến lớp với áo quần hợp thời trang và mái tóc cũng được cắt chải bềnh bồng chứ không rẽ mái “bảy ba” hay cắt kiểu “móng lừa” như các bạn cùng lớp. Đức luôn ngồi ở bàn cuối và thường đến lớp muộn nhưng ở mỗi giờ Hóa học, Đức lại chọn ngồi nơi cái bàn đầu tiên, sát bên cạnh bàn của thầy cô. Một hôm, Đức mang vào giờ Hóa học chiếc máy chụp hình và liên tục bấm máy mỗi khi cô đứng, ngồi hay hiện diện trước tấm bảng. Giờ học vẫn trôi bình thường như mọi bữa và khi chuông reo báo hiệu giờ ra chơi, cô “Nana” mượn Đức cái máy ảnh, nhanh tay tịch thu cuốn phim và bước ra khỏi lớp.

Suốt một niên học, cô cũng không để lại nhiều kỷ niệm với lớp nhưng vì gương mặt cô đẹp và “lạnh lùng như băng giá” nên rất nhiều học trò cùng trang lứa vẫn nhớ đến cô, nhất là giọng nói miền Nam ấm áp, cái vóc dáng xinh đẹp trên chiếc xe đạp mini, mái tóc buông lơi trên chiếc áo dài đơn sơ, dẫu không phải hàng lụa Hà-Đông nhưng vẫn làm dịu được cái nóng bức trên con đường Hồng Thập Tự. Rất cảm ơn bạn Nguyễn Vũ Tuệ đã nhắc nhở đến cô trong một hồi ức vô cùng dễ thương vừa được lên khuôn trong quyển kỷ yếu 40 năm xa trường. Tuệ ơi, hình như đâu đó còn vấn vương trong bạn bè tụi mình những hình ảnh dễ thương của một thời trẻ trung, ngây dại nơi sân trường hay dưới ngàn bóng lá xôn xao, dù thời gian đã phủ trên lối cũ một lớp bụi mờ.

19.01.2022