Cô Kỳ Nữ Kim Cương và tôi

Kinh Bồng (Trần công Bình)

Kiểu viết cái tựa như trên, người khó tính sẽ bắt lỗi tôi là hạng người “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Bởi lẽ cô Kim Cương, một nghệ sĩ quá nổi tiếng lại là con nhà nòi  về hoạt động sân khấu; nói đến tên cô, cả  miền Nam trước kia và cả nước sau này ai ai  cũng biết, ai ai cũng ngưỡng mộ. Còn tôi là một anh vô danh tiểu tốt, thế mà đứng nép kế bên trên cái tựa, ý muốn gì đây?!

Tôi biết đến cô Kim Cương từ năm tôi 11 tuổi, nhưng ở trên …radio ! Những năm ấy (1963) Sài gòn chưa có Ti Vi và đài truyền hình. Chiếc radio tôi nghe là của cậu tôi, nó to đùng bằng cái vali của phụ nữ vì chạy bằng đèn cathode. Huyền Vũ bình luận bóng đá và kịch nói Kim Cương là hai món hấp dẫn nhất của xóm Cây Dông chúng tôi.

Năm đó tôi đang học lớp Nhất, chuẩn bị thi đệ Thất nên mọi thời gian phải tập trung cho bài vỡ. Để giải trí, ba tôi cho phép tôi đến tối thứ bảy, có kịch Kim Cương, tôi mới được  qua nhà cậu xúm xít cùng mấy cô chú ngồi đầy dưới nền gạch bông, ngóng cổ lên chiếc radio đặt cao trên đầu tủ lạnh để …nghe (!). Ấy vậy mà tôi, rồi mấy cô đều sụt sịt khóc khi nghe câu nói mũi lòng của  Kim Cương, vừa nói vừa khóc sụt sùi, (âm thanh trong radio nghe rõ mồn một tiếng sịt mũi):

–         Hồi ba má mình còn sống, mình có làm lỡ điều gì đó làm ba má mình buồn, mình đâu có biết !. Đến khi ba má mình mất rồi, nhớ lại mình mới thấy thật hối hận, ăn năn, thì không còn cơ hội để chuộc lỗi nữa …!!!

Không biết cái xúc cảm khi chỉ nghe, không thấy, nên trí tưởng tượng của thính giả tập trung cao độ làm cảm xúc nó hơn hẵn hay thực sự chính sự diễn xuất, dù chỉ qua lời nói, âm thanh, kịch bản quá tuyệt vời làm thính giả có thể khóc được ?!. Tôi khoái kịch bản “Bông hồng cài áo” này nên để tâm tìm hiểu và biết tên kịch tác gia là Hoàng Dũng, nhưng không biết ông đó là ai. Mãi về sau mới biết người đó lại chính là cô Kim Cương. Đúng là một kỳ tài. Chính vì vậy mà tôi, do thích quá, muốn tìm hiểu nhiều về cô Kim Cương, đọc trên báo Tiếng Chuông trang kịch trường thì biết thêm được cái mỹ danh do ký giả Nguyễn Ang Ca đặt cho cô là “kỳ nữ Kim Cương”.

(Ghi chú hình ảnh: 1. Kim Cương 2.Kim Cương và mẹ là nghệ sĩ Bảy Nam trong Lá Sầu Riêng 3.Hồi ký Kim Cương 4.Kịch Bông Hồng Cài Áo 5.Kim Cương-Vân Hùng trong Lá Sầu Riêng.)

Sau khi đậu vào đệ Thất trường Petrus Ký, tôi được ba tôi ưu ái  thưởng cho tôi một món quà đúng với niềm mong ước bấy lâu nay: đi xem kịch Kim Cương. Hôm đó lần đầu tiên trong đời, tôi được thấy tận mắt kỳ nữ Kim Cương bằng xương bằng thịt, không phải chỉ nghe bằng lỗ tai như truyền thanh nhiều kỳ ở Radio.

Một sân khấu ngoài trời được dựng phía sau khoảng đất trống của Sở Thú, gần  chân cầu Thị Nghè. Phía hông sân khấu, khán giả còn thấy bờ sông ngăn cách dãy trại khu nhà Chiêu Hồi và Sở Thú. Tôi và ba tôi ngồi ở hàng ghế hạng 3, ở khoảng giữa rạp nên hơi xa sân khấu. Nhưng, không hề gì, dầu sao đó là lần đầu tiên tôi được thấy tận mắt một người kịch sĩ tôi từng hâm mộ. Hôm ấy cô Kim Cương diễn vở “Trà hoa nữ” phóng tác theo quyển tiểu thuyết Pháp Dame aux Camelia của Alexandre Dumas con. Nghệ sĩ đóng cặp với Kim Cương là Vân Hùng, người om ốm. Một ấn tượng rất xa xưa, nhưng lại mang đậm dấu ấn của sân khấu thập niên 60 đó là hai chiếc micro treo lũng lẵng, chạy tới, chạy lui trên đầu diễn viên (theo sự điều khiển của một người kéo dây sau cánh gà bên hông sân khấu). Lúc cô Kim Cương thủ vai gái kỹ nữ, bị hộc máu vì bệnh lao, té nằm  xuống sàn diễn, Vân Hùng quỳ gối  ôm lấy cô thì cái micro từ trên cao chạy tụt xuống chen vô giữa hai người để diễn viên nói thều thào, khán giả mới nghe được !!! Lúc đó, tôi ngồi ghế không thấy, phải đứng hẳn lên để nhìn màu đỏ tươi của máu hộc ra từ miệng diễn viên xuống chiếc áo bà ba trắng. Sự xúc động cao độ làm tôi bật khóc, thương cho số phận trớ trêu của người kỹ nữ !

Diễn xuất của kỳ nữ Kim Cương thật kỳ tài. Nói đến kịch Kim Cương, ai cũng thích và  trong rạp đến đoạn “bi ai” thể nào cũng có người khóc, nhất là phụ nữ và mấy bà già. Tôi còn nhớ  Thanh Việt, với giọng Bắc, lấy sự kiện đó diễn lại trên sân khấu hề đã nói làm mọi người bật cười :

–         Cô ấy diễn khóc thật, …xịt nước mắt nước mũi ra đàng hoàng …!

Mấy năm sau, khi có truyền hình đen trắng thì tôi mới mãn nhãn để xem kịch Kim Cương. Nhưng, cái thấm đẫm vào tâm hồn tôi ở kỳ nữ này là sự giáo dục về chữ hiếu, về tình mẹ con, về nghĩa đạo lý ở đời. Các bài học tập đọc, công dân trong trường xem thế nhưng không dễ thâm nhập vào tình cảm bằng thông qua kịch nghệ, tưởng là chỉ giải trí mà  lại rất bổ ích. Ba tôi biết rõ điều ấy nên cho và khuyến khích tôi xem kịch Kim Cương.

Dần dà, không dừng ở mức độ giải trí, mà chính tôi lại đam mê với công việc diễn kịch và viết kịch. Với dấu ấn kịch Kim Cương, năm 1977, tôi đã gia nhập câu lạc bộ phim ảnh, học kịch với cô Tường Trân, người từng dạy Thành Lộc, viết kịch và đạo diễn một vở kịch cho văn nghệ quần chúng… Nhưng, có lẽ chưa có duyên với Tổ nghiệp nên tôi không theo nghề này.

May mắn thay, khi về hưu, tôi được dịp  làm điều mình ưa thích. Chẳng phải bị bó buộc vì bất cứ lý do nào, tôi quay trở lại viết truyện và chuyển những truyện được nhiều đọc giả yêu thích thành  kịch. Kế tiếp bài viết này, tôi sẽ đăng bài “Nụ hôn dưới chân tháp Eiffel “ đã được chuyển thành kịch bản phim, để đọc giả thưởng lãm.