Cô giáo Lan

Vưu Văn Tâm

Vở hát Tuyệt Tình Ca (tức Người đối diện lương tâm hay Ông cò quận 9) với nội dung thật gần gũi và lời đối thoại, lời ca được trau chuốt bởi hai soạn giả Hoa Phượng và Ngọc Điệp ra đời vào cuối thập niên 60. Tính đến nay đã ngót nửa thế kỷ nhưng giá trị nhân văn và nghệ thuật của vở tuồng đã in sâu vào lòng công chúng yêu chuộng cải lương thật và đẹp của miền Nam tự do thân yêu ngày nào. Nhờ hãng đĩa Continental và nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã cất công thu thanh vở tuồng này vào đầu thập niên 70 mà vở hát được lưu truyền cho đến hôm nay. Bài viết dưới đây xin được ghi lại tâm tình của cô giáo Lan, nhân vậtchính của vở tuồng, cùng với số phận của người phụ nữ Việt-Nam trong thời chinh chiến ..

co giao Lan

Thời gian dạy học ở trường làng Tân-Ngãi, tỉnh Long-Hồ (Vĩnh-Long), thầy Nguyễn Văn Hương quen biết với cô giáo Lê Thị Lan trong tình đồng nghiệp. Cô Lan xinh xắn, tánh tình đoan trang, hiền hậu đã chiếm trọn cảm tình của một người đàn ông đã có vợ con ở quê nhà. Hai trái tim cô đơn đã đến gần nhau hơn, rồi hòa chung thành một nhịp. Hai con, một gái một trai, lần lượt chào đời đã tô đậm thêm cái nghĩa vợ chồng gắn bó suốt sáu, bảy năm trường. Chiến cuộc tràn lan, thầy Hương phải tạm chia tay cô Lan để về Mỹ-Tho thăm vợ con bị kẹt trong vùng địch tạm chiếm. Ai có ngờ đâu lần chia tay đó đã kéo dài hơn hai mươi năm !

Khi giặc giã tạm yên, thầy có về Tân-Ngãi mấy lần để tìm lại vợ con, chợ Trường-An vẫn còn đó nhưng tung tích của người thương vẫn mịt mù như bóng chim tăm cá. Ngày hồi cư, cô Lan dắt díu hai con trở về chốn cũ nhưng cũng không liên lạc được với thầy ở Mỹ-Tho. Cô không được phép trở lại trường cũ vì lý do không chồng mà lại có con ! Cô Lan một lần nữa phải lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rún, buôn tảo bán tần để nuôi dạy hai con khôn lớn. Dù cực nhọc, lam lũ nhưng tâm tư cô không nguôi thương nhớ người xưa. Bao nhiêu năm đã trôi qua mà cô vẫn nhớ như in cái ngày chia tay mùa xuân năm đó. Cô chống xuồng đưa chồng ra bến Mỹ-Thuận để về lại Mỹ-Tho giữa buổi hoàng hôn nhạt phai màu nắng. Chiều xuống đã lâu mà thầy Hương vẫn còn bịn-rịn trên bến sông và dõi mắt nhìn theo cái bóng dáng gầy gò, nhỏ bé của người thương còn lẩn khuất trên dòng sông mênh mông nước lớn. Nước mắt cô Lan rơi dài theo từng nhịp chèo trên đường về lại với hai con. Trước lúc ra đi, thầy đã nhờ cô mua vài thước vải để làm quà cho má con tụi nó. Cô rơi nước mắt vì tủi phận khi nghĩ đến thầy Hương đã có vợ con rồi mà không để ý tâm tánh người phụ nữ, đàn bà nào mà không có chút ganh tị, thị hiềm. Chồng mình nay đã trở về với vợ lớn và để lạị cô bơ vơ giữa dòng đời xuôi ngược.

Tuy đã trở về chung sống với người vợ trước nhưng trong lòng thầy Hương vẫn luôn ray rứt và vương vấn nơi xa. Chiếc nhẫn khắc hai chữ H&L vẫn thường khiến thầy bồi hồi, thương nhớ người ở Vĩnh-Long. Mỗi năm khi bông ô-môi điểm hồng trong gió chướng, khi mọi nhà quết bánh phồng vui mừng chuẩn bị đón tết, lòng thầy se sắt và nhớ lại lần chia tay năm xưa vào mùa xuân binh lửa.

Bong nguoi thuong 04Hai mươi năm sau, thầy Hương đã trở thành trưởng ty cảnh sát (ông cò) của một quận hạt trong đô thành Sài-Gòn. Ông và cấp dưới đã theo dõi và bắt được một trường hợp phạm gian của cô thư ký văn phòng có cái tên thật đẹp, Lê Thị Trường An. Đến lúc lấy khẩu cung, ông mới nhận ra được Trường An chính là đứa con gái của mình và cô giáo Lan đã thất lạc suốt hai mươi năm qua. Nốt ruồi thương phu trích lệ dưới mí mắt trái của Trường An có lẽ đã sớm báo hiệu những giông bão sẽ xảy đến trong cuộc đời nàng. Một bên là công lý, một bên là tình cảm gia đình, ông đau đớn ngã quỵ giữa ngã ba đường. Khi đối diện với lương tâm ông cảm thấy mình là kẻ phạm tội vì đã xô đẩy đứa con gái mình đã tưng tiu như ngọc như vàng sớm ra đời tìm kế mưu sinh.

Ông tìm thăm lại người xưa trong gian nhà tồi tàn, cũ kỹ ở một xóm lao động khổ nghèo. Cô Lan xinh đẹp của ông – mà ngày trước ông vẫn thường âu yếm gọi bằng ba tiếng má con An, nay đã trở thành một người đàn bà gầy yếu, bệnh hoạn sau những tháng năm ngược xuôi tần tảo, thay ông nuôi nấng hai con khôn lớn. Lê Long Hồ, em trai của Trường An, cũng bùi ngùi như mẹ khi gặp được cha mình nhưng anh đã ngỏ lời xin cha đừng lui tới viếng thăm nữa. Trong thâm tâm, anh rất vui mừng vì đã biết được mặt cha, nhưng anh sợ phải nhìn cặp mắt rẻ khinh của người vợ trước của cha, hay những lời đay nghiến, ghen hờn sẽ làm tổn thương những ngày còn lại của mẹ con anh. Anh nguyện làm loài chim từ-ô để tha mồi nuôi mẹ, hòng đáp đền công ơn nuôi dạy bao năm của mẹ mình. Thầy giáo Hương lại càng đau khổ nhiều hơn khi nghe con trai thốt lên những lời nói ấy. Dẫu đã gặp lại người xưa, nhưng trái tim bao giờ cũng có lý lẽ riêng của nó, cô Lan đã chọn cho mình cuộc đời còn lại, sống bên cạnh người con trai hiếu thảo và mong sao tâm hồn mình từ nay sẽ được bình yên sau bao năm khổ lụy vì một chữ tình.

16.10.2018