Cô Bé Bán Bánh Trước Cổng Nhà Thương

Lâm Thụy Phong

Chiếc xe đò rời bến xe Miền Tây từ sáng sớm, khi nắng chưa lên, sau hơn một giờ chạy trên xa lộ, với vận tốc không quá 100 Km/ giờ.
Xe đưa tôi đến trước cổng bệnh viện quân y 120, gần cầu Rạch Miễu, bên này địa phận Tiền Giang. Trên cổng bảng đỏ, ghi rõ hậu cần quân khu 9.
Đây là lần đầu tiên tôi đi một mình, có hẹn với TV từ Cai Lậy ra rước.
Nắng chỉ vừa lên cao, trời mát, rất thích hợp với tôi.

Chiếc điện thoại “cảm ứng” reo. Từ bên kia đầu dây, TV báo cho tôi biết phải ghé chợ Cai Lậy mua một ít trái cây cho tôi. Mùa nầy còn ít chôm chôm, “đại tràng” là sầu riêng, mận, ổi, chuối sáp, sapotier. Ôi thôi, đủ món ăn chơi, kể không hết nơi đây sông nước. Chỉ sợ không có sức, thiếu đức để ăn cho hết, chơi cho đã mà thôi.

Đảo mắt quanh cổng bệnh viện, một dàn xe ôm khá đông đang đứng ngồi chờ đợi khách lên đường, bên hàng cà phê, nước ngọt, bánh mì “ăn khẩn trương”, bánh khọt,  bánh bèo lủ khủ được trưng bày khéo léo “bắt mắt”.
Bên nầy một xe nước mía, nước trái cây ép, mía ghim, và một mâm bánh cam, bánh còng chưng trong lồng kiếng chống ruồi, bụi đường.
Cô bán hàng còn rất trẻ, hai tay thoăn thoắt “thao tác” lau chùi, dọn hàng mới buổi sáng.
Cô có mái tóc dài, dầy, đen tuyền, được bới lên cao và cột nhanh lại phía sau. Đơn giản, làm tăng thêm nét duyên dáng của nụ cười thật tươi, thân thiện.
Vầng trán cao, ướt nhẹ một chút mồ hôi làm dính vài sợi tóc rối chảy dài xuống má. Chiếc mũi dọc dừa, giữa đôi mắt đen lánh lộ nét thông minh, lanh lợi. Tia mắt nhìn nửa đùa cợt, nửa trang nghiêm.
Cái miệng nhỏ, có duyên, giọng nói mang âm hưởng “con cá gô nhảy gột ghẹt gớt xuống guộng”, dễ làm chùn bước lính pháo binh, đêm đêm anh pháo gung ghinh cá gô mề !

Thấy tôi đứng nhìn vô tủ kiếng có mâm bánh cam bánh còng, cô bé nhỏ nhẹ mời tôi mua. Những cái bánh thật bình dị đến nỗi tầm thường đã mang tất cả tuổi thơ của tôi từ mấy chục năm về trước. Bên kia, cũng có, nhưng tìm mua được bánh còn mới, không hôi mùi dầu chiên lại là chuyện hên xui.

Cô bé bật lửa lò gaz trên chiếc bàn nhỏ để hâm lại bánh. Những ngón tay nhỏ nhắn, hơi cong tự bẩm sinh, cầm đôi đũa trở đều từng cái bánh đang bơi trong dầu bắt đầu lên tim sôi.
Khi đủ nóng, bánh được vớt lên cái rổ cho ráo dầu.
-“Chú ăn thử, nếu ngon mua mở hàng giùm con”.
Đã lâu lắm rồi tôi mới ăn được cái bánh cam mới làm, còn thơm mùi vỏ bánh vừa chín, điểm mè và cái nhưn đậu xanh béo. Đúng khẩu vị.

TV tới trên chiếc Honda, tắp lại bên tôi.
Tôi nói đùa:
-“Anh mua một chục bánh cam ăn trừ cơm để ủng hộ đồng nghiệp của em”.
TV cười, chào cô bé và hỏi xã giao:
-“Con bán ở đây lâu chưa ?”
-“Dạ gần bốn năm rồi, nhưng nghỉ hai năm vì Covid”.
Cô bé mời TV ăn. Khách vừa đến khen ngon.

Tôi chợt nhìn xuống cái ghế bố gần đó làm chỗ nghỉ lưng khi cần, thấy ba cuốn sách mà tôi còn nhớ: “20.000 Dặm Dưới Đáy Biển” (dịch từ nguyên tác của nhà văn Pháp Jules Verne), “Khám Phá Kỳ Quan của Thế Giới”, ” Nghệ Thuật Ăn Uống Của Pháp”. Jules Verne, một nhà văn thiên tài, có óc tưởng tượng vô cùng phong phú, đi trước thế kỷ của ông hàng mấy trăm năm. Cuốn sách trên đã chở tôi về với tuổi thơ “đọc cọp” sách của ông Hùng Trương, đàn anh Petrus Ký (nhà sách Khai Trí). Hậu bối vẫn còn nợ tiên sanh !

Thấy vậy, chúng tôi làm thân với cô bé và hỏi về thân thế gia đình cùng con đường học vấn của em.
Em vui vẻ trả lời, giọng trầm xuống, nét buồn tiếc nuối hiện ra trong mắt: gia đình nghèo, làm đủ nghề từ lúc còn nhỏ để giúp cha mẹ mưu sinh, bà nội bệnh nặng phải bỏ học ở nhà săn sóc cho bà, và dòng đời đưa đẩy đến nơi đây.
Ước vọng của em: đi học, càng cao càng tốt, thích đọc sách, tìm hiểu mọi đề tài thế sự.

Chúng tôi trả tiền và biếu em thêm. Cầu mong một tương lai gần, khả quan hơn sẽ đến cùng em. Cô bé lộ vẻ cảm động, đôi mắt hơi ướt rưng rưng, nói cám ơn thật nhỏ.

Nắng thật sự đã lên, mặt trời hơn tầm mắt. Thẳng đường đi Mõ Cày, quẹo mặt theo “vòng xoay” về Mỹ Tho. Chúng tôi ghé khu du thuyền Mỹ Tho uống cà phê buổi sáng. Nhìn sóng nước, bên kia là cù lao. ăn bánh cam vẫn còn ấm.
Bâng khuâng nhớ lời tâm sự của “Cô Bé Bán Bánh Trước Cổng Nhà Thương”. Trong ánh mắt buồn, tiếc nuối vẫn lóe lên ý chí phấn đấu cho ngày mai.

Lâm Thụy Phong
Petrus Ký 1964-1971
Saint Valentin 2023
Gởi Minou