Chuyến vượt biên – Đầu tháng 8, 1978

Lê Phước Hải

Đầu tháng 8, 1978 

Lúc đang làm đồ án đập thủy điện năm cuối, còn 2 tháng nữa là trình và bảo vệ đồ án ra trường, thì ông anh họ H. đang dạy học ở Bạc Liêu lên bảo chuẩn bị vượt biên. Tàu đánh cá, lương thực, nước uống và dầu máy đủ chạy 2 tuần đã chuẩn bị sẵn. Việc tổ chức phần lớn do công của anh N. bạn thân của anh H., dân gốc Bạc Liêu, người cao khỏe mạnh, lanh lợi, và quen biết nhiều, kể cả những CA địa phương. Anh N. chơi thân với một ông chủ tàu và bàn tính với ông nầy sửa chữa ghe, chờ cơ hội thuận tiện để đi xa. Phần anh N. đảm trách khâu mua xăng dầu cho chuyến đi. Anh thuê người cùng thôn đáng tin cậy, dấu những thùng dầu 20 lít dọc ven biển trước, đợi tới lúc tàu sắp sửa khởi hành mới đào lên và đem lên tàu. Thời điểm ấy, CA đia phương kiễm soát gắt gao, nếu trên tàu đem nhiều xăng dầu có thể bị nghi ngờ, điều tra và theo dõi.

Nhưng tại sao tôi có ý định vượt biên?

***

Chiều 29 tháng 4, 1975.
Anh H. từ Bạc Liêu lên SG chơi. Hình như đang nghỉ hè. Hay lý do gì khác. Lúc đó tôi đang học giữa năm thứ 3 Đại Học Nông Nghiệp Sài Gòn. Tối đó, hai anh em đèo Honda ra chợ SG uống cafe. 11:30pm vội vã về nhà vì 12 giờ đêm giới nghiêm.

Trưa ngày 30, nghe radio chính phủ Dương Văn Minh ra lệnh các chiến sĩ Quân Lực VNCH hãy bỏ súng xuống, ai về nhà nấy. Ông mời chính phủ Lâm Thời Giải Phóng Miền Nam đến dinh Độc Lập bàn giao chính phủ. Nước mắt tôi tự dưng lăn dài nóng hổi trên gò má. Không hiểu tại sao. Vậy là cả miền Nam hiền hòa và yêu thương của tôi đã mất đi. Một dải giang sơn với quá khứ huy hoàng. Dễ dàng vậy sao? Có biết bao người lính đã anh dũng cầm súng chiến đấu tới hơi thở cuối cùng để bảo vệ đất nước VNCH – cho Tự Do Dân Chủ. Bao nhiêu hoài bảo riêng tư của tôi đã tiêu tan…

Ngày 1 tháng 5 tôi trở lại trường- Số 45 đường Cường Để – để xem giờ mình phải làm gì. Tiếp tục năm học dang dở. Hay bỏ đi làm chuyện gì khác để sống qua ngày. Gặp lại hơn phân nửa bạn học của trường, xúm xít từng nhúm nhỏ. Gặp lại cô bạn học năm thứ nhất vắng bóng trước đó nửa năm. Mặc áo đen, quần đen. Đội nón tai mèo. Quàng khăn sọc đỏ. “Chào mừng các bạn sinh viên ĐHNN. Giờ chúng ta đã dành được độc lập. Không còn chiến tranh. Không còn chết chóc. Non nước một nhà. Chúng ta đều là sinh viên kỹ thuật. Hãy cố gắng học tập tốt, và phục vụ tốt cho đất nước mình….”. Và chuyền nhau danh sách tên đăng ký nghĩa vụ lao động khu kênh tế mới. Có 2 danh sách. Một đi Định Quán- trên đường đi Đà Lạt. Một đi Lê Minh Xuân. Kéo dài 1 tháng. Đem theo vài bộ quần áo. Gạo tự túc.

Tôi đăng ký đi lao động Định Quán. 

Đoàn khoảng 80 người. Sáng sớm toán tôi có 10 người vào rừng đốn củi mang về. Toán khác mang về những lá tranh lợp nhà. Vừa đi vừa hồ hỡi ca hát:
“…
Cúc cu! Cúc cu! Chim rừng ca trong nắng
Im nghe! Im nghe! Ve rừng kêu liên miên
Rừng hát gió lay trên cành biếc
Lao xao! Rì rào! Dòng suối uốn quanh làn nước trôi trong xanh
…”
Tối lại, nhiều nhóm mỗi nhóm khoảng 12 người tập trung lại, có một toán trưởng vắn tắc những việc xảy ra trong ngày, và yêu cầu mọi người tuần tự, tự kiểm điểm và tự phê. Tới phiên tôi, tôi phát biểu “Tôi cảm thấy mình đã thực hiện công tác tốt, cùng các tổ viên vào rừng sáng sớm – lúc trời còn hơi sương, đốn cây, chặt các bẹ lá, khiên cây, mang lá về, và dựng được 1 mái nhà có thể che nắng che mưa trong những ngày tới …Tôi cảm thấy mình không còn điều gì thiếu sót cần được khắc phục.”. Tới phiên anh tổ trưởng dõng dạc tuyên bố và chắc nịt (anh nói về tôi) “… khuyến điểm lớn của anh – là anh không thấy cái khuyết điểm của mình.”. Tối trước khi ngủ, gác tay trên trán tôi thầm nghĩ số mình nếu ở lại ráng phấn đấu “học tốt lao động tốt” lắm cũng không đi đến đâu. 

Phải vượt biên bằng mọi phương tiện.

Một năm sau ngày mất nước, chúng tôi trở lại trường học tiếp. Khoa Thủy Nông năm thứ 3 của chúng tôi, vỏn vẹn có 4 sinh viên, bị đóng cửa và toàn thể nhập vào khoa Thủy Lợi của Đại Học Bách Khoa Phú Thọ. Lớp nầy hiện có 55 sinh viên. Lớp học chuyên môn và nặng về kỹ thuật như tính toán về bê tông cốt thép, độ thẩm thấu, đập thủy điện, thi công, vật liệu xây dựng… Nhưng dễ chịu hơn về mặt tinh thần. Suốt 2 năm học ở đây, đúng là học thật sự và thi 2 kỳ trong năm. Không phải tham gia lao động nông trường. Không phải dự những buổi tự kiểm điểm chính trị như lúc ở ĐHNN.

Lúc học cũng có nhiều điều đáng nhớ. Nhớ môn học Bê Tông Cốt Thép do ông GS tốt nghiệp phó TS Liên Xô dạy. Bài thi cuối năm, chỉ có 2 câu hỏi, mỗi câu đáng 5 điểm. Ông thầy tuyên bố “ai làm trúng cả 2 câu sẽ được 11 điểm”. Tôi làm được đúng hoàn toàn 1 câu, được 5 điểm và đậu môn nầy. Chỉ có 2 anh xuất sắc nhất lớp được 7 điểm. Gần 1/3 lớp phải thi lại. Sinh viên ai cũng “rét” môn nầy. Còn môn Thủy Lợi Công Trình do một ông GS TS Liên Xô khác, Trưởng Khoa Thủy Lợi dạy, dễ chịu hơn, ra đề 10 câu, mỗi câu 1 điểm. Cả lớp đậu hết. Trái lại, lúc học ở ĐHNN, đề thi bao giờ cũng gồm nhiều câu hỏi nhỏ, nếu không làm được câu nầy cũng làm được câu kia, dễ đậu hơn, và hầu như cả lớp không ai rớt. Mấy ông tốt nghiệp Liên Xô về thì khác, có lẽ muốn đánh rớt nhiều sinh viên để lấy uy.

*** 

Ngày vượt biên đã đến. 

Đúng ngày thứ bảy ông anh H. và tôi đón xe đò về Bạc Liêu. 

Sáng hôm sau, ra quán nhậu với 1 người bạn học cũ T. đang dạy một trường trung học ở Bạc Liêu. Nhưng không đá động gì về chuyện vượt biên. Có lẻ mấy năm sống dưới chế độ mới đào tạo con người trở nên dè dặt với mọi người kể cả bạn thân thời trung học của mình? Trưa hôm ấy, đúng 3 giờ chiều đi xe ôm xuống làng Vĩnh Trạch cách thị xã Bạc Liêu 4 cây số. Ở tạm nhà người quen của anh N. Đúng 8 giờ tối bắt đầu lội bộ dọc theo con đường làng về hướng bờ biển. Cùng đi có 5 người gia đình người chủ tàu. Đến 10 giờ đêm là tới ven biển. Lội mãi trên bải đất sình ngập gần tới đầu gối, mất luôn đôi dép, băng qua những vườn nhản, thêm 2 tiếng nữa mới tới bờ biển vừa đủ sâu cho ghe nhỏ chở người ra tàu lớn đang đậu chờ ngoài khơi.

Đêm lặng êm. Trời tối đen không ánh trăng. Không nghe tiếng chó sủa. Chỉ có tiếng gió nhẹ đu đưa những nhánh nhản kêu xào xạc. Và những bước chân, những tiếng lội nước ủn ỉn. Cuối cùng cũng đến tàu lớn. Giữa đêm. Gọi là tàu lớn nhưng dài chỉ có 14 mét, rộng 2.5 mét. 2 đầu máy. Gọi là ghe có lẻ đúng hơn. Chở 49 người. Quá tải. Dự định ban đầu của nhóm tổ chức là 28 người. Đêm đó có một số người núp sẳn ở bờ biển và “vô tư” chạy theo lên tàu. Có người mang theo người nhà nên hơn mức thỏa thuận ban đầu. (Do sợ bị bại lộ và mối bận tâm lớn nhất lúc nầy của nhóm tổ chức là nhổ neo đi càng sớm càng tốt, nên không ai dám lên tiếng). Trước đó 1 giờ, anh N. và vài thanh niên đào lên những thùng xăng dầu chôn ven biển theo ghe nhỏ để đưa lên tàu lớn. Lúc ấy sóng biển dồn dặp. Đứng trên sườn ghe chụp lấy thùng dầu người đứng bên dưới đưa lên, anh N. bị hụt chân té rớt xuống biển, bị sóng cuốn trôi ra xa khỏi chiếc tàu. Trên tàu, anh tàu công nhanh trí quăng ra 1 dây với cái phao về hướng anh N. Anh chụp hụt bị trôi xa hơn. Phao quăng ra lần thứ nhì theo sóng nhồi về phía anh, anh bắt được và được kéo vào. Sau nầy kể lại, anh tưởng đã bỏ xác trước khi chuyến vượt biên khởi hành. Được trời cứu!

Khoảng 2 giờ sáng, ghe bắt đầu ra khơi. Trên ghe chen chút người lớn, trẻ em. Ông chủ ghe trạc 40 tuổi. Người vạm vỡ. Mặt rộng, tóc và chân mài thưa. Hai cái răng trước hàm trên và cái răng trước hàm dưới đã rụng mất. Những cái răng còn lại úa vàng. Môi thâm đen của thuốc hút. Khi ông cười, trông có vẻ gian ác và thiếu chân thật. Ông đi dẫn theo đứa con trai 16 tuổi và cô em vợ. VN từ khi đổi sang chế độ mới, lối suy nghĩ của người ta có lẻ cũng thay đổi theo. Cho ăn khớp với trào lưu của xả hội mới hay chăng? Tội nghiệp cho bà vợ hắn ở lại quê nhà với đàn con nhỏ. Trên ghe có 2 đứa con nít dưới 5 tuổi và một em bé 9 tháng. Cả 3 là con của cặp vợ chồng trẻ bác sĩ người Việt. Có 1 cặp tình nhân trẻ người Tàu khoảng 30 và 1 cặp vợ chồng lớn hơn trên 40, cũng người Tàu. Nghe nói ông ta mất cả trăm lượng vàng, do bị gạt, hoặc bị bại lộ phút cuối, vàng mất nhưng không đi được. Cũng may không bị bắt. Có 4 thanh niên khoảng 14 – 17 tuổi cũng người Tàu. Hầu như đa số trên ghe là Tàu. Nhiều người khác ngồi xa hơn nên tôi không rõ. Ghe đi rồi, trừ chủ ghe, tài công và mấy thanh niên theo nghề đánh cá trước đây, mấy hôm đầu, ai cũng bị say sóng biển, ói mữa đầy sàn ghe.

Thế là chiếc ghe đánh cá vượt biên đi được 5 ngày, 4 đêm. Có lẻ đang trong hải phận quốc tế. Yên tỉnh. Lạnh lùng. Ngoại trừ tiếng sóng biển. Thỉnh thoảng có tiếng khóc ré của đứa bé 9 tháng. Không thấy bóng một chiếc máy bay hay con tàu nào đi ngang. Bầu trời trong xanh. Nước biển trong xanh. Những mảnh sóng nhỏ lượn lăn tăn, nhấp nhô theo cơn gió nhẹ. Nhìn mút chân trời xa cũng chỉ một vệt trắng nằm ngang. Không thấy bờ. Không thấy bến. Chung quanh là biển. Bao la và buồn tênh. Theo dự tính, hôm nay ghe sẽ tới bờ tây Mã Lai. Thầm nghĩ ghe đã đi lạc. Nhưng không ai lên tiếng hỏi. Nước trong thùng phi đem theo đã cạn gần tới đáy. Nước biển theo những kẻ hở chui vào lòng ghe. Mỗi thanh niên thay phiên nhau dùng thùng xăng rỗng xúc nước đổ ra biển. Đi thêm 1 ngày nữa. Bụng đói meo. Ghe 2 máy, chết 1 máy, vẫn tiếp tục chạy … Mọi người trên ghe mệt lả, nằm lăn ra. Tôi lẩm bẩm khấn nguyện Trời, Phật, Bồ Tác, Ông Bà phù hộ giúp ghe đi đúng hướng và sẽ đến bờ.

Đang phút tuyệt vọng, sáng sớm nhìn mút phương trời xa xa có 1 chấm đen. Không biết đó là chiếc tàu lớn hay là cái gì, nhưng tài công cứ cho ghe còn 1 máy chậm chạp hướng thẳng về phía đó. Ghe đi cả ngày mới nhận ra là giàn khoan dầu. Tới sát chân giàn khoan là chiều tối. Mọi người reo lên vui mừng. Cảm ơn Trời Phật phù hộ. Có người từ giàn khoan leo xuống ghe, nói chuyện với chủ tàu qua lời thông dịch của ông bác sĩ, mới biết đây là thuyền chở người tị nạn. Được phép, mọi người lục tục leo theo cầu thang lên sàn khoan cao khoảng 30m so với mặt nước biển. Ngủ 1 đêm ngon giấc. 

Sáng hôm sau, mọi người được đưa lên chiếc tàu sắt của giàn khoan chạy vào bờ cách đó 100 cây số.

Đây là một làng quê của nước Mã Lai. Đường phố vắng tanh. Trước phòng tạm trú, bên kia con đường là sân golf lớn cỏ xanh mướt. Ở đó được 5 ngày dưới sự bảo trợ của Hội Hồng Thập Tự Mã Lai. Sau đó lên máy bay đi tới đảo tị nạn Kuching cách đó hơn 1 giờ bay. Đảo nầy hiện có trên 300 người tị nạn đến trước đây.

Một tuần sau, có phái đoàn của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đến viếng, cứ sau 3 tháng. Ngày đầu được phái đoàn Mỹ gọi lên phỏng vấn, tôi xin được định cư ở Mỹ. Nhưng bị từ chối vì không có phục vụ trong quân lực VNCH. Hôm sau, được phái đoàn Úc chấp thuận. 3 tuần sau, những người có trong danh sách đi Úc thu gọn hành trang (riêng tôi, không có gì ngoài vài bộ quần áo cũ của Hội từ thiện cho) lên máy bay đi thủ đô Kuala Lumpur cách Kuching gần 2 giờ bay, để khám sức khỏe tổng quát chuẩn bị đi Úc. Sức khỏe không có vấn đề, một tuần sau, tôi bay qua Sydney, ở tạm Villawood Migrant Hostel (sau nầy trở thành Villawood Immigration Detention Centre). Còn anh H., sức khỏe kém, có lẻ do 3 năm sống kham khổ sau 1975, phải ở lại Kuala Lumpur thêm 4 tuần dưỡng bệnh mới bay qua Sydney. Riêng anh N. ở lại đảo thêm 1 năm nữa, định cư ở Mỹ, quận Cam, tiểu bang California. Anh hiện vẫn ở đấy đến nay.

Một chuyến vượt biên may mắn, kết thúc êm đẹp.

***

Những năm kế tiếp, 4 em trai của tôi cũng lần lượt vượt biên an toàn và định cư ở Sydney. Trừ một đứa em xuống Melbourne học lại ngành Công Chánh được miễn 2 năm, lấy TS, làm việc và lập nghiệp luôn ở đây.
Năm 1989, tôi bảo lãnh Bố Mẹ và 3 đứa em nhỏ đến Úc, Sydney. 5 năm sau, đứa em gái và 2 con cũng được bảo lãnh tới Úc. Đại gia đình đoàn tụ.

Cảm ơn Trời Phật đã phù hộ cho gia đình chúng tôi.

Lê Phước Hải
Sydney, Oct 2021