Chuyến tàu “283+2”

Vưu Văn Tâm

(được chấp bút từ lời kể của một thuyền nhân trên chuyến đi định mệnh ấy)

Chuyen tau 283 2 01
Thuyền trưởng Wangnick

Tháng tư năm 1982, sau đợt cứu vớt người vượt biển, tàu Cap Anamur quay về Palawan như đã hẹn từ trước. Lần đó, ông Wangnick – vị thuyền trưởng gặp ít nhiều trở ngại, vì trại đã quá đông thuyền nhân .. Nhưng cuối cùng, chính quyền trên đảo vẫn cho phép số người của năm chiếc ghe được vớt đầu tiên và một số hoàn cảnh đặc biệt như già yếu, bệnh tật và trẻ nhỏ được nhập trại. Sau đó, ông cho tàu rời bến để có thể tiếp tục cuộc hành trình. Thời tiết lúc ấy sóng yên biển lặng nên số người vượt biển gia tăng và cũng được cứu nguy kịp thời. Tổng cộng số người cũ và mới : 283 người !

Khi trở lại Palawan lần thứ hai, ông phải đối phó với cái khó khăn còn hơn lần trước nữa. Chính quyền sở tại không cho thuyền nhân nhập trại vì họ chưa nhận được tiền từ Cao Ủy Tị Nạn. Sau cuộc thương thuyết không mang lại kết quả khả quan nào, tàu âm thầm nhổ neo và chuyển hướng Singapore. Khi đến nơi, thuyền nhân cũng không được phép lên bờ vì trại không còn chỗ .. Ông Wangnick phải đích thân bay từ Singapore về Tây Đức để xin phép chính quyền bên ấy. Một tuần sau, ông quay trở lại cũng là lúc tàu rời hải cảng Singapore.

Sau ba ngày đêm rong ruổi, ông mới thông báo cho các thuyền nhân được biết :

– Chúng ta đang trên đường về Tây Đức. Như mọi người đã thấy, không còn một trại tị nạn Đông Nam Á nào chịu nhận thêm thuyền nhân Việt-Nam nữa. Đây là giải pháp cuối cùng của tôi sau khi đã bàn bạc với các y bác sĩ cũng như sau khi xin được phép từ chính quyền bên Tây Đức !

Ngay sau đó, không khí trên tàu “nổi sóng”. Rất nhiều các thuyền nhân đã lớn tiếng và nặng lời chê trách :

– Chúng tôi không muốn đi Tây Đức, chúng tôi chỉ muốn đi Mỹ !
– Chúng tôi thà chết chứ không đi Tây Đức !
– Hãy thả chúng tôi xuống một hòn đảo nào đó trong vùng Đông Nam Á hay một hoang đảo để chúng tôi được đi Mỹ !

Họ là những sĩ quan trong chính phủ VNCH, họ là vị bác sĩ thuyền nhân tự nguyện làm thông dịch trên tàu, họ đã từng có thời gian đi du học trên xứ người .. Họ dùng Anh ngữ cũng như Pháp ngữ để “chất vấn” vị thuyền trưởng và phái đoàn y bác sĩ với thái độ thiếu lịch sự và những ngôn từ kém nhã nhặn. Những người không biết sinh ngữ cũng hăm hở góp tiếng và la ó bằng .. tiếng Việt để góp tiếng chung với các vị kia :
– Hãy dừng tàu lại cho chúng tôi nhảy xuống !

Trước đó không bao lâu, họ mới vừa được cứu vớt từ cõi chết và giờ đây, họ quay lại đay nghiến và khó dễ những ân nhân của mình ! Tôi bùi ngùi nhớ đến câu ngạn ngữ đã được học từ lớp vỡ lòng : “cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán” !

Hơn 30 năm đã trôi qua, nhưng trong tôi vẫn chưa hề quên được đôi mắt đỏ ngầu của vị thuyền trưởng cũng như gương mặt buồn bã và thất vọng tột cùng của phái đoàn y bác sĩ và thủy thủ trên tàu ngày ấy .. Một đại diện trong họ đã ôn tồn nói :

– Chúng tôi đã cứu vớt được hằng trăm chiếc ghe vượt biển từ Việt-Nam. Chúng tôi đã giành lại trong tay thần chết chín, mười ngàn sinh mạng, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp phải hoàn cảnh “trái ngang” này ! Theo luật hàng hải quốc tế cũng như tình đồng loại, chúng tôi không thể nào trả quý vị về một đảo hoang nào đó, sau khi đã khó công cứu được quý vị thoát khỏi ranh giới giữa hai bờ sanh tử. Chúng tôi không làm được như vậy, mong quý vị hiểu và thông cảm cho. Khó khăn lắm ngài thuyền trưởng mới xin được chính quyền bên ấy cho phép đưa một lượt mấy trăm người về Tây Đức !

Dọc đường, hai em bé sơ sinh được chào đời khỏe mạnh trong sự ân cần chăm sóc của các y bác sĩ trên tàu. Sỉ số thuyền nhân tăng lên 285 người. Lúc đi ngang kinh đào Suez chúng tôi không được phép ở trên boong vì nơi đó đang xảy ra “chiến tranh vùng vịnh”. Nằm dưới sàn tàu mà tôi hồi tưởng lại những giờ học Địa Lý năm xưa. Tôi cũng không ngờ được rằng trong cuộc đời mình lại có cơ hội đi ngang chốn này, giống như một giấc mơ bước ra từ trong sách vở. Ngày xưa, tôi chỉ có thể tưởng tượng nơi này qua tấm bản đồ thế giới treo trong lớp học cũng như qua những lời giảng dạy của các thầy cô. Ngày nay, tôi được hồi sinh từ lòng nhân đạo của hội Cap Anamur và tấm lòng bác ái của nước Tây Đức và các nước phương Tây.

Trên đường từ hải cảng Singapore về Tây Đức, chúng tôi lênh đênh trên biển đúng một tháng trời. Tháng 7 năm 1982, tàu cập bến cảng Hamburg. 285 người được chia đều ra trên 12 tiểu bang nước Tây Đức. (*)

Đó cũng là chuyến ra khơi cuối cùng của con tàu Cap Anamur I (**)

Chuyen tau 283 2 02

36 năm lặng lẽ trôi nhanh, tóc tôi đã phôi phai màu sương khói. Con cái tôi đã học hành thành tài và trở thành người hữu ích trong xã hội. Tôi mang ơn đất nước này đã cho gia đình tôi một cuộc sống tự do, hạnh phúc. Tôi nhớ đến mấy tháng trời tạm dung trên chiếc tàu cứu mạng Cap Anamur. Tôi nhớ lắm những chuyện vui buồn, cười ra nước mắt, giống như chỉ mới hôm qua, như chỉ mới hôm nào. Tôi bùi ngùi nhớ đến vị thuyền trưởng tốt bụng năm xưa – cho dù ông đã đi xa lắm rồi, cũng như phái đoàn y bác sĩ ngày ấy đã cứu vớt và hết lòng chăm sóc chúng tôi thoát khỏi lưỡi hái tử thần cũng như bàn tay bọn hải tặc tàn hung. Tôi biết, dù có dùng lời lẽ hoa mỹ nào tôi cũng không thể nói hết tấm lòng biết ơn vô hạn này. Trong cuộc sống, tôi chỉ biết cố gắng để làm người tử tế, giống như ngày ra đi, ba tôi đã bảo :
– Dù đi đến đâu, con cũng phải ráng sống cho tử tế …

28.05.2018


(*) Vì phải tiếp nhận 285 người một lúc nên chính phủ Đức đã hoãn lại những chuyến định cư của tất cả các thuyền nhân đã được tàu Cap Anamur cứu vớt trước đó và đang sống nơi trại tạm cư Palawan và Bataan. Họ phải chờ từ 14 đến 18 tháng mới đến lượt lên đường đi Tây Đức !

(**) Sau đó ít lâu, tàu Cap Anamur II được ra đời và hoạt động trong một thời gian khá ngắn ngủi ..