Ca dao là từ Hán Việt. Ca là bài hát có giai điệu, có chương khúc. Dao là bài hát ngắn, không có giai điệu, không có chương khúc. Ca dao thường theo thể thơ lục bát cho dễ nhớ, dễ thuộc, dùng để ru em. Về hình thức, câu ca dao rất hiệp vận, đa số là ngắn, không thừa, không thiếu một chữ. Còn về nội dung, ca dao của ông bà mình truyền lại, thâm trầm lắm, sâu xa lắm. Chẳng hạn như câu: “Lầu nào cao bằng lầu ông Chánh. Bánh nào trắng cho bằng bánh bò bông. Đôi ta gá nghĩa vợ chồng. Nằm đêm nghĩ lại, nước mắt hồng tuôn rơi”.

Muốn hiểu tường tận câu ca dao nầy không phải là dễ như ăn cơm sườn không bị mắc xương. Tối leo lên giường nằm nghe cải lương đâu! Muốn hiểu tận tường đôi khi phải trầy vi, tróc vảy. Mình phải rành sử ký. Phải biết ông chánh là ông nào? Tại sao lầu ông chánh lại cao?

Theo lịch sử cho biết, năm 1868, sau khi chiếm được toàn bộ Lục tỉnh Nam Kỳ, hệ thống hành chánh của thực dân Pháp chỉ giữ lại tổng, xã, thôn nhưng bỏ phủ, huyện để thành lập các hạt tham biện. Đứng đầu hạt tham biện là quan lớn chánh tham biện, một ông Tây mũi lõ từ Pháp qua cai trị dân ta. Quan lớn thời nào cũng vậy phải ở nhà lầu cao. Sau khi Tây về Pháp, cái lầu cao nầy đi theo không được đành ở lại làm Dinh tỉnh trưởng.

Còn bánh bò làm bằng bột gạo, nước, đường, nước cốt dừa và men. Có người cắt nghĩa miệng nở ra như hình cánh bông nên gọi là bánh bò bông. Nhưng tui lại cho rằng: bánh bò bông là vì nó có màu trắng phích. Vì ca dao cũng có câu: “Trắng như bông, lòng anh không chuộng. Đen như cục than hầm, lòng muốn dạ ưa”. Còn gá nghĩa vợ chồng có nghĩa là lấy nhau.

Như vậy câu ca dao nầy là của Lục tỉnh Nam Kỳ. Nó diễn tả người vợ với tấm lòng cao rộng như lầu ông Chánh và trinh bạch như bánh bò bông. Nhưng có thể em bị oan Thị Kính, nên cái tâm sự u uất buồn khổ đến tột cùng, khóc đến chảy máu mắt. Nước mắt hồng cũng xuất hiện trong câu ca dao: “Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc. Gió nào độc cho bằng gió Gò Công. Thổi ngọn gió đông lạc vợ xa chồng. Nằm đêm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi”. Câu ca dao nầy nói về trận bão lụt kinh khiếp năm Thìn, năm 1904. “Bến Thành nóc chợ cũng bay. Đèn khí nó ngã nằm ngay cùng đường…”. “Gặp em đây mới biết em còn. Hồi năm Thìn bão lụt anh khóc mòn con ngươi”.

Gia đình ông bà Ngô Đình Nhu – nguồn Flickr.com

o O o

Rồi câu ca dao “Anh buồn còn chỗ thở than. Em buồn như cọng nhang tàn thắp khuya”. Muốn hiểu câu ca dao nầy một cách tường tận cũng không phải dễ. Phải biết cọng nhang làm bằng ruột tre. Bột nhang là bột trái cây bồ lời và bột cam cưa. Nhang có màu vàng của bột cây huỳnh đàn và cây trầm gió. Nhang thơm do nhiều vị thuốc Bắc, như mộc hương, đại hoàng, địa liên, nhục đầu, bạch chỉ, trầm hương.

Nhang cho việc thờ cúng. Nhưng nhang cũng tính thời khắc cho một độ đá gà ban ngày hay trong đêm tối gọi là “đồng hồ nhang”. Mấy chú ba đốt mỗi đêm một khoanh nhang duy nhất.

Đây là tâm sự của một người vợ bé lúc đêm về phòng không chiếc bóng, thui thủi một mình!

Trước năm 1954, chuyện đàn ông hai vợ là chuyện thường ngày ở huyện. Trong giấy khai sanh, còn có mục phải khai là vợ chánh hay vợ thứ? Thứ chớ hổng phải bé. Vợ thứ là trong giấy tờ. Vợ bé là trong cõi nhân gian.

Năm 1955 ông Ngô Đình Diệm làm Tổng thống thời Đệ nhứt Cộng Hoà (1955-1963). Ông Ngô Đình Nhu là em và cũng là cố vấn thân cận nhất của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Bà Trần Lệ Xuân (1924-2011), gọi tắt theo tên chồng là bà Nhu (tiếng Anh: Madame Nhu) là em dâu. Bà Trần Lệ Xuân còn được gọi là Đệ nhứt Phu nhân vì Tổng thống Ngô Đình Diệm không có vợ, sống độc thân. Bà Trần Lệ Xuân cũng là: Chủ tịch Phong trào Liên đới Phụ nữ trực thuộc Đảng Cần lao Nhân vị. Chánh sách về gia đình của bà Trần Lệ Xuân (chịu ảnh hưởng của Tây học) là: “Ai lỡ có vợ bé thì thôi. Ở đâu yên đó! Không được rước thêm bà nào nữa”. Ai chưa có, nhứt là quân nhân công chức, không được phép lập phòng nhì. Có thì ráng mà giấu. Bị phát hiện thì bị thi hành kỷ luật.

Thế nên câu ca dao: “Anh buồn còn chỗ thở than. Em buồn như cọng nhang tàn thắp khuya.” Nó phải có trước năm 1955 rất lâu. Tại sao vậy? Vì đó là thời trai năm thê bảy thiếp là thường.

“Anh buồn còn chỗ thở than” Anh đây là người chồng. Chỗ (chớ không phải chốn) chỉ người vợ lớn. “Em buồn như cọng nhang tàn thắp khuya”

Phận em làm bé khi buồn không biết thở than với ai ráo trọi? Chỉ một thân, em thức tới khuya lơ, khuya lắc, trằn trọc tới nhang tàn luôn chỉ còn cái cọng. Cái buồn không nói ra được, nó là cái buồn dai dẳng, cái buồn lẻ loi, nó gặm nhấm lòng em như nhang tàn thắp khuya sáng đêm. Rồi đời em tàn lụi như một ‘cọng nhang’

Vậy mà có tên Ba ke hai nút bố láo, dám tam sao thất bổn, hỗn hào sửa bậy bạ, sửa tùm lum, sửa tà la chữ của ông bà mình. Nó dám viết là: “Đó buồn có chốn thở than. Đây buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya”?

Rồi một đứa Bake 75 hai nút khác dám viết là: “Anh buồn có chốn thở than. Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya.” Thắp khuya, nhang cháy hết còn cái cọng. Chớ ngọn nhang là đầu cây nhang thì nó có ý nghĩa gì?

Viết ẩu xị, vụt chạc, bừa bãi, không cân nhắc, đắn đo, suy xét gì hết ráo.  Chỉ quen thói kiêu ngạo CS, làm tài khôn mà sửa bậy bạ, sửa tùm lum chi cho chúng nó khi, nó cười vô mặt.

Tệ hại hơn nữa là những câu vè tuyên truyền chánh trị nhứt thời cũng ráng mặc cho nó chiếc áo gấm ca dao. Như: “Cầm dao em vót mũi chông, Nghe súng ta nổ là lòng thêm vui. Căm thù giặc Mỹ không nguôi. Thằng cu nó cũng học đòi vót chông”. Gì mà có ‘cu’ ở đây vậy mấy bố? Thiệt là chuyện tào lao!