Chuyện Phủ Quốc Kỳ

Vưu Văn Tâm

Lớn lên giữa cuộc chiến nhập nhằng và mang sẵn trong người trọng trách của người trai thời loạn, anh Sáu khai tuổi giả và tình nguyện đi đăng lính. Sau mấy tháng luyện rèn ở Quang Trung, anh được sánh vai với các đồng đội trong đoàn Thủy Quân Lục Chiến và ngược hướng ra miền Trung gió cát, bụi mù. Từ Huế, anh đi tiếp ra Quảng-Trị rồi hy sinh trong trận tái chiếm cổ thành vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Thân xác anh được tẩn liệm trong quan tài đậy nắp kín mít và trên đó phủ lá quốc kỳ với bốn chữ “Tổ quốc ghi ơn”. Ngày di quan, hai vị sĩ quan nghiêm chỉnh xếp lại lá quốc kỳ từng nếp phẳng phiu và ân cần trao lại gia đình như một lời cảm ơn cũng như sớt chia nỗi đau buồn cùng tang quyến. Anh Sáu hy sinh khi tuổi vừa tròn mười tám.

Không lâu sau đó, cậu út của Tám với thương tích đầy mình từ miền hỏa tuyến xa xôi được chuyển về y viện Cộng Hòa. Hơn một năm trời chữa trị, cậu đã trải qua biết bao lần phẫu thuật và khi được mạnh lành cũng là lúc cậu nhận được tin phải vĩnh viễn giã từ quân ngũ và được thăng chức trung úy. Cậu may mắn sống sót giữa sa trường lằn tên mũi đạn nhưng qua đời ba năm sau đó vì một tai nạn giao thông lãng nhách. Buổi sáng ở Tăng Nghi Quán thật lặng lẽ, cấp trên và đồng đội ngày trước đến chia tay với cậu lần cuối thật trang trọng và ấm áp trong tình chiến hữu, huynh đệ chi binh. Vì không thấy lá quốc kỳ phủ trên quan tài như ở đám tang anh Sáu, Tám mới cất tiếng hỏi ba và được nghe giải thích như vầy :

– Những người chiến binh chết trận mới được phủ lên quan tài lá cờ tổ quốc, còn cậu mày tuy là thương binh hạng nặng nhưng ra đi vì tai nạn chứ không phải hy sinh vì đất nước thì không được phủ cờ!

Hình ảnh hai cái đám tang u buồn và quạnh quẽ đó cũng như lời nói của ba từ thuở ấu thơ đã theo Tám suốt bao năm dài cho đến khi mái tóc đã lấm lem màu sương khói cuộc đời. Ở một nơi xa xôi, không phải là quê nhà và cũng không còn màu nắng lụa lung linh như những ngày còn sống với gia đình ở Sài-Gòn êm ả. Tám được chứng kiến những điều gai mắt, trái tai và không thể nào chấp nhận được!

Cơn bão tháng tư gây ra cảnh xảy đàn, tan nghé và người người di tản trên những chuyến bay vội vã hay tìm cách vượt biển, vượt biên vì không thể chấp nhận chế độ phi nhân. Trên quê hương mới, dù là sĩ quan cao cấp, người lính hay người dân thường, ai nấy cũng được thu nhận trong tình nhân ái, lòng nhân đạo của chính quyền sở tại và bắt tay làm lại cuộc đời. Thời gian thấm thoát thoi đưa với biết bao chuyện vật đổi sao dời, những mái tóc xanh ngày xưa đã âm thầm điểm trắng và gương mặt đã in hằn những dấu chân chim. Tuổi trẻ mạnh giỏi, tuổi già đau yếu, bệnh tật và chịu đựng cho đến khi giã từ cuộc chơi trên vùng đất lạ. Có những ông tướng, ông tá ngày xưa “hét ra lửa, mửa ra khói” đi tị nạn nơi xứ người đã bao năm và khi lìa trần lại có nguyện vọng, ước ao được phủ quốc kỳ như những anh hùng hay những đồng đội đã hy sinh ngoài trận mạc!

Thiệt là ngộ nghĩnh, sao ở đời này lại có những suy nghĩ lạ lùng, thiếu tự trọng cũng như những ước nguyện dị hợm dễ làm xót xa và tủi lòng vong linh của những chiến sĩ đã hy sinh nơi sa trường “da ngựa bọc thây”! Sai bét rồi! Câu chuyện phủ cờ vô tội vạ đã đi quá xa, dần dà trở nên kệch cỡm, không giống ai và sẽ là căn bệnh thế kỷ không có thuốc chạy chữa. Người biết chuyện, người hiểu biết lịch sử và người chính danh không bao giờ làm ra chuyện nực cười đó. Không hy sinh ngoài chiến trận mà đòi phủ quốc kỳ giống như chuyện “trộm long, tráo phụng” và dễ bị coi thường hay khinh rẻ và thậm chí còn bị miệt thị suốt cả cuộc đời. Chết là hết, nếu không làm được người phi thường, xin hãy chọn cho mình một cuộc sống bình thường và đừng bao giờ trở thành người khác thường hay dị thường trong ánh mắt xốn xang, khó chịu và những suy nghĩ hằn học của nhân gian.

Để kết thúc bài viết này, xin được phép nhắc lại di nguyện “không có nghi thức phủ quốc kỳ trong tang lễ” của cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, cựu tư lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh QLVNCH, “người hùng Xuân-Lộc” và cũng là người chịu đựng 17 năm trong lao tù việt cộng: “Trong tang lễ xin miễn lễ nghi quân đội, không có lễ phủ quốc kỳ trên linh cữu vì người quá cố không được vinh dự hy sinh cho tổ quốc trên bãi chiến trường. Các bằng hữu đã tuẫn tiết, các chiến sĩ anh hùng, quý vị quân dân cán chính VNCH đã hy sinh vào những giờ phút cuối trong tháng tư 1975, đều không có dịp, mà cũng chẳng còn ai phủ quốc kỳ trong tang lễ”.

TV, 15.01.2023