Chuyện phím mà thâm sâu: Huynh đệ

Kinh Bồng (Trần công Bình)

Tôi có ông anh bà con tên 3 S. vốn là Tổng Thư Ký trường Cao Thắng bị động viên nhưng được tuyển sang không quân, đi học lái khu trục ở Mỹ. Trong gia đình có đàm tiếu mầy học lái máy bay nữa sau về ném bom nhà ông già mầy (?!). Lúc đó bên Mỹ sinh viên biểu tình chống chiến tranh Việt nam dữ lắm, anh đang bay mà đầu óc nghĩ lung tung, nên bị “out” (lái chệch hướng) suýt rơi máy bay. Thầy Mỹ ngồi kế điều chỉnh kịp. Sau đó bị trả về Việt Nam ra bộ binh.

Gần 3 năm sau anh mới trở ra mặt trận với chức vụ thiếu úy Ban 3 hành quân. Khi ra trận bên bộ binh và không quân thường phối hợp tác chiến. Dưới đất trung tá Trung đoàn trưởng có nhiệm vụ gọi điện trực tiếp với máy bay trên trời phối hợp tác chiến. Lúc này các khóa không quân đàn em của anh 3 S . đã ra trường và đôi lúc tình cờ bay trong chiến trận. Lúc đó, khi nghe điện đài của anh 3 S. chỉ cần xưng khóa học là khóa đàn em nhận diện đàn anh và dễ dàng phối hợp tác chiến hơn là khi nghe lệnh từ trung đoàn trưởng bộ binh. Một quy luật bất thành văn trong quân đội lúc đó là khóa đàn em luôn kính nể khóa đàn anh, xem đó là bậc huynh trưởng.

Bạn tôi một bác sĩ nay đã về hưu nghe câu chuyện trên nói trong ngành y của tao cũng vậy. Hồi trước năm 1975, chỉ cần nói khóa học của nhau là đàn em ra đàn em, đàn anh ra đàn anh, dù do hoàn cảnh nào đó đàn em có thể có chức vụ cao hơn một tý, nhưng vẫn nể trọng đàn anh. Còn bây giờ … nó lắc đầu.!!! Vô bệnh viện hỏi nhau thì đừng hòng xưng khóa nào, quên đi, “xưa rồi tám”.

Vậy mà, mới đây, trong face book tôi lại biết được có trường hợp niên khóa sau Petrus Ký khi nhận ra người mình mới gọi là “bạn” lại là khóa trước sáu năm, đã vội vàng đánh thêm câu điều chỉnh xin lỗi và tự xưng niên khóa để chứng tỏ mình là đàn em.

Phải chăng cái truyền thống “Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt “ghi trên hai câu đối trước cửa trường ít ra cũng khắc vào xương tủy những học trò Petrus Ký vậy !