CHUYỆN Ở QUÊ TÔI

Tiểu Tử

Má tôi mất vào ngày đưa Ông Táo. Thằng con lớn của tôi đi với má nó về Việt Nam lo ma chay.

Ông thầy làm đám (phái Cổ Sơn Môn thường gọi là thầy cúng) là ông thầy Non.

Cái tên này do má tôi đặt ra để tránh gọi “Thầy Con” vì ổng là con ông thầy Cả, ông này là bà con kêu má tôi bằng cô và là bạn học của tôi từ thời tiểu học ở trong làng.

Kể như vậy để thấy thầy Non đối với gia đình tôi không phải là ngưởi xa lạ.

Sau đám ma, thầy Non lấy Honda chở con tôi đi đầu trên xóm dưới thăm bà con và cũng để xem vùng quê ăn Tết.

chuyen o que toi 01Đang chạy trên đường xóm Nhà máy, thấy một ông lái mô tô đi cùng chiều chở phía sau một chậu mai.

Thầy Non nói với con tôi: “Coi kìa! Cây mai đẹp quá kìa!”.

Rồi thầy chạy kè theo để con tôi thấy rõ hơn. Ông chở mai quay qua nhìn, con tôi nói lớn cho ổng nghe: “Cây mai đẹp quá!”. Ông đó nói: “Ờ! Mà không có bán!”.

Vì tiếng máy mô tô ồn quá nên con tôi phải nói lớn hơn cho ổng nghe: “Không! Tôi chỉ muốn nói là cây mai của ông đẹp quá hà!”. Ổng có vẻ bực mình: “Ờ! Người ta nói không có bán là không có bán!”.

Rồi ổng vọt ga chạy thẳng, làm thầy Non phải ngừng xe lại để cả hai cùng ôm bụng cười! Sau đó, lại tiếp tục đi.

Một lúc, thấy một ông chạy Honda chở thằng nhỏ ngồi phía sau đâu lưng với ổng, ôm trong lòng một quày dừa tươi.

Con tôi, nhớ lại vụ cây mai, muốn phá chơi nên hỏi chọc: “Dừa có bán không vậy?”

. Thằng nhỏ thúc cùi chỏ vào lưng người lái xe: “Ba! Ba! Thằng chả hỏi có bán dừa không kìa!”

. Người đàn ông làm thinh nhưng có vẻ suy nghĩ. Bỗng, ông ta la lên “Ừa! Bán!” rồi tấp xe vào lề ngừng lại.

Thầy Non nói: “Ở chùa thiếu gì dừa! Mua chi vậy?”.

Hỏi chơi mà đâu có dè ổng bán nên con tôi đành mua một trái.

Ông đó nói: “Dừa tôi mua cho vợ tôi kho thịt ăn Tết. Thấy cậu hỏi mua, tôi nhường một trái cho cậu uống chơi!”

. Con tôi nói cám ơn mà không dám cười!…

Sau hơn ba mươi năm “đổi đời”, cái thật thà chân chất của quê tôi, may quá, vẫn còn nguyên như cũ!

BÁN VÉ SỐ

Trên chiếc bắc Mỹ Thuận. Chiếc bắc chở đầy nhóc xe và người, ùng ục qua sông.

Mấy người bán dạo rao hàng inh ỏi. Vợ chồng tôi đứng ở khoảng trống phía đầu chiếc bắc, nhìn sông nước minh mông với những về lục bình xanh biếc nhấp nhô trên sóng nước.

Mùa này, lục bình bắt đầu nở bông nên thấy có màu tim tím e ấp lấp ló giữa những bựng lá to láng mướt.

Đẹp quá! Sau hăm mấy năm xa xứ, bây giờ có dịp về thăm, chúng tôi thấy cái gì cũng đẹp!

Nước sông đục ngầu phù sa… cũng đẹp!

Chiếc ghe bầu phình bụng chở lúa khẳm lừ tưởng chừng như sắp chìm… cũng đẹp!

Chiếc đò ngang hay đò dọc gì đó dài thòn có cái mui bằng phẳng thấp lè tè, hai bên hông trống trơn không có gì che chắn, lướt sóng chạy bắn nước như giành sông với những ghe thuyền khác… cũng đẹp!

chuyen o que toi 02Bỗng, một bé gái cỡ 10 tuổi đến gần vợ tôi, tay chìa một tấm vé số, năn nỉ bằng một giọng trong trẻo nhưng nói khá to để át tiếng những người bán dạo chung quanh: “Ngoại ơi ngoại! Con còn có một vé số này thôi, ngoại mua dùm con để con còn về phụ má con lo việc nhà”

Con bé mặt mũi sáng sủa dễ thương. Vợ tôi lấy tiền mua vé số rồi vuốt đầu nó, hỏi: “Nhà con ở đâu lận?”.

Chắc bả thấy tội cho con nhỏ, mới có bây lớn tuổi đầu mà bán xong còn phải lội bộ về nhà giúp mẹ! Nó nhìn vợ tôi, mỉm cười rồi mới trả lời:

“Dạ! Ở xóm rạch Ngo gần đây hà!”.

Cái cười của nó có duyên vô cùng. Trước khi đi, nó còn biết nói: “Cám ơn nghe ngoại!”.

Tôi nhìn theo mà thấy mến cái dáng nho nhỏ thon thon của nó trong bộ đồ bà ba vải trắng đã ngả màu bùn non lờn lợt…  Một lúc sau, tôi nghe ở hành lang phía bên kia vang lên tiếng lảnh lót của con bé:

“Ngoại ơi ngoại! Con còn có một vé số này thôi, ngoại mua dùm con để con còn về phụ má con lo việc nhà”.

Tôi nhón gót nhìn sang: đúng là nó! Vợ tôi hỏi: “Nó hả?”.

Tôi gật đầu mà không nén được tiếng thở dài…

Tôi nhìn ra sông nước với vài chiếc ghe thuyền đi lại, nghĩ mà thương cho thân phận người dân bây giờ… Tôi buột miệng nói: “Bây giờ… sao thấy nhiều lục bình quá hổng biết”.

..Chiếc bắc vẫn ùng ục nhả khói qua sông… ráng nhả khói mà qua sông…

Tiểu Tử