Chuyện Những Sạp Báo Lề Đường

Phạm Việt Hùng (bút hiệu Phạm Nga)

chuyen nhung sap bao 01
Một sạp báo gần chợ Gò Vấp, lúc chưa có chiến dịch don dẹp vỉa hè, lề đường. (Ảnh PVH).

Ở Sài Gòn, chỉ ít lâu sau năm 1975, những sạp báo lề đường biến mất hẳn vì báo chí nhà nước hầu hết được phát hành qua bưu điện, còn người dân mãi đối phó, chịu đựng những khó khăn buổi giao thời nên hiếm ai còn tâm trí tìm báo đọc và đa số cũng chưa quen nổi với cách viết của giới báo chí chế độ mới.

Một thời gian sau, đến thời “đổi mới”, báo chí muốn tồn tại cũng phải tự đổi mới cách tiếp cận quần chúng: trên lề đường hay ngã tư hè phố bắt đầu có những sạp báo nho nhỏ.

Một bài viết trên báo TN mô tả các sạp báo ở Sài Gòn thời ấy đôi khi là cái bàn nhỏ, đôi khi chỉ là cái ghế đỡ cho chồng báo. Có người lại để chồng báo dựa vào vách tường trên vỉa hè, còn họ cầm báo đứng ở lề đường rao, vẫy mời khách qua lại. Trên tay họ là những báo đang ăn khách, như tờ  nhật báoTin Sáng ở  Sài Gòn nổi tiếng nhất trong nước với tin, bài về đá banh, hay tờ Công An TP được mua nhiều vì người dân tò mò về loại tin vụ án, tin về các tổ chức tội phạm, xã hội đen mà báo chuyên ngành này gần như độc quyền về khai thác nguồn tin.

Dần hồi, ở một số góc đường tuy chỉ lác đác nhưng cũng có những sạp ra hình dáng sạp báo đàng hoàng.

Đến đầu năm 2017 vừa qua, sau chiến dịch “trả lại lề đường cho người đi bộ”, những sạp báo lề đường vốn đã ít ỏi lại phải “tàng hình” một lần nữa vì lý do “lấn chiếm lề đường”.

Như tại góc đường Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3), từng có một sạp báo to rồi nhỏ dần, nhỏ dần, hiện giờ chỉ còn là một vài chồng báo nằm trên lề đường, được giới thiệu bằng vài tờ báo vắt trên sợi dây dài căng ngang trên một bức tường.

Cách đây không lâu, dù là dã chiến, tạm bợ nhưng sạp nào cũng bày hàng một cách đầy phô trương, màu sắc rực rỡ. Còn hiện nay, được biết nhiều sạp báo đã rút vào trong hẻm, ẩn nhẫn bày hàng sao cho gọn nhẹ nhất.

Nhìn về mặt kinh tế, sạp báo lề đường cũng là một ngành hàng phải bán hàng hóa của mình và vị trí bán hàng thuận lợi nhất là trên vỉa hè để phục vụ khách hàng, tức những người muốn biết về tình hình thời sự, chính trị và văn hóa trong nước và quốc tế. Sạp báo lề đường là một kênh phát hành cho những tờ báo, là bộ phận không thể thiếu được để đưa báo đến tay bạn đọc. Thế mà các sạp báo lề đường bị đối xử ngang với những gian hàng cóc ổi, mía ghim, bò bía, cháo huyết…, bài viết nhận xét.

BỔ SUNG: Thời 1979 và vài năm sau đó, từng có một ki-ốt bán báo, tạp chí nằm ở ngã tư Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, đối diện trường ĐH Kinh tế), rất nhiều người biết, đặc biệt là giới báo chí – văn nghệ, do chủ ki-ốt là anh Cao Huy Vĩnh, tức nhà giáo dạy môn Triết, nhà phê bình văn học (bút danh: Cao Huy Khanh) nổi tiếng thời trước tháng 4-75, sau biến cố 75 chuyển qua viết về thể thao và làm sách Guiness VN…

Phạm Việt Hùng (bút hiệu Phạm Nga)