CHUYỆN NGÀY XƯA

Lâm Thụy Phong

xe-do-thang-chap-2

Sau khi hoà bình lập lại cưa hai đất nước, miền Nam trăng thanh gió mát, lục tỉnh gạo trắng nước trong, xe đò từ Saigon về Hà Tiên chạy ban đêm. Tôi còn nhớ, xe Liên Trung khởi hành khoảng 10 giờ đêm ở bến xe An Đông.

Xe chạy trong đêm mát, gió từ cửa xe ùa vào thật dễ chịu. Rời Phú Lâm, hai bên là ruộng lúa, trời tối đen như mực. Đèn pha xe vừa đủ rọi một quảng không xa quốc lộ đi về miền Tây.

Hành khách trên xe ngủ vùi. Khi tới Hà Tiên, mặt trời đã lên khá cao bên kia Đông Hồ. Núi Tô Châu nhìn vào tỉnh lỵ êm đềm, cây cỏ xanh rì, lơ lửng màng sương mỏng.

Ở Hà Tiên có ba nhà họ Lâm, không dây mơ rễ má gì nhau. Nếu có, chắc tuốt luốt ở bên Tàu, theo Mạc Cửu “bài Thanh, phục Minh“ lập nghiệp. Họ Lâm của tôi là một.

Nổi đình, nổi đám nhứt trong văn học Hà Tiên không ai khác hơn là Ông Đông Hồ Lâm Tấn Phác. Ông góp mặt trong văn chương Việt Nam rất nhiều, chắc có lẽ “Khóc Vợ“ là một trong những bài thơ đã đưa tên tuổi Đông Hồ đi vào văn học.

Sau Ông, những người leo lên xe bông trễ hơn Ông, gặp hoàn cảnh đau thương như Ông, cũng làm thơ , chơi vài ba ly, ngâm bài “Quá Đả“.

Ai biết được rượu ngon “quá đả“ hay là mất vợ … đả quá!

Mất em rồi, anh leo qua xe khác
Giả biệt em, anh leo lẹ kẻo xe dông!

mai truong PK

Thi sĩ Đông Hồ có người con gái là Cô Diễm Diễm dạy Pháp văn của lớp tứ 2 (niên khoá 1967 – 1968). Một năm đầy biến động, chương trình học kéo màn đóng cửa nửa năm, sau Tết Mậu Thân ì xèo, súng nổ, đạn rơi …

Lớp tứ 2 của tôi, trong lục cá nguyệt đầu, “nói tiếng Tây“ với ba Ông (Cô) Thầy:

Thầy đầu năm học là Thầy Trí. Tốt nghiệp Sorbonne, chúng tôi nghe Thầy kể chuyện cà phê, cà pháo ở khu La Tinh mê quá xá. Trong khi đó, ở đây chỉ có “Minh Tuấn“, “quán Con Mùi  hay ráng chịu cực, chịu khổ băng qua bên kia, cà phê “Năm Dưỡng“ cho đời còn chút gì bây giờ mới kể. Để thương và để nhớ!

Thầy Trí giảng bài rất thu hút. Thầy say mê phun châu nhả ngọc tiếng Tây, và Thầy cũng phun luôn … nước miếng, làm khổ sách vở các anh em ngồi bàn đầu.

Được chừng một tháng hơn, Thầy bỏ chúng tôi một mình, may là trời không lạnh quá. Nghe nói Thầy rời bảng đen, phấn trắng, đi làm cho hãng RMK, rờ em kêu hay kêu em rờ gì đó.

Cô Diễm Diễm thay. Chúng tôi tiếp tục ì ạch kéo xe tăng trong cuốn 1 “Ngôn Ngữ Và Văn Minh Pháp“ của Mauger.

Cô nhỏ nhắn người, ốm yếu, nói chuyện rất nhỏ. Có lẽ vì vậy, đi dạy Cô “khiêng“ theo cái loa mà chúng tôi hay nói đùa là loa chiêu hồi, tung cánh chim tìm dìa tổ ấm.

Và, mặc dầu trời nắng như đổ lửa, Cô “ phủ“ nguyên con cái áo “bành tô”.

Sau nầy trở về thăm Bà nữ sĩ Mộng Tuyết, cho hay là Cô Diễm Diễm mất vì bệnh tâm thần.

Cô Diễm Diễm nghỉ dạy. Cô Vân thay thế làm … Thầy pháp (dạy Pháp văn) cho lớp tứ 2. Tất niên  1968, tan hàng và cố gắng. Chia ban, cho lớp đệ tam năm tới.

Chúng tôi đã đi được phân nửa Trường Petrus Trương Vĩnh Ký.

Lâm Thụy Phong ( 1964 -1971)