Chuyện ngày cuối năm

Vưu Văn Tâm

Dem giang theMấy ngày lễ giáng sinh rộn rã cũng qua mau. Trong nhà vang tiếng nói cười bên cạnh bàn tiệc ê hề thức ăn, thức uống. Mùi thơm của thức ăn, bánh trái và ánh sáng đủ màu phát ra từ những bóng đèn treo trên cây thông làm ấm áp cả gian phòng. Tôi ra đi mang theo cái quê nhà xa xôi là những món ăn quốc hồn, quốc túy và mang cả một quê hương trong lòng. Ngoài kia, mùa đông thứ 37 đang về, đất với trời in một màu trắng xóa. White Christmas, giáng sinh trắng mà người bản xứ luôn mong đợi trong đêm Đức Chúa giáng trần.

Tiếng pháo vang lên từ bên nhà hàng xóm như nhắc tôi một năm nữa sắp qua đi. Mọi người có mặt trên cõi dương gian này sắp được thêm một tuổi. Tiếng pháo đì đùng từ xa vọng lại, âm vang như những tiếng bom đạn gầm rú của một thời chiến chinh khốc liệt trên quê nhà. Ngày đó tôi còn nhỏ xíu mà đã biết được cái chia ly ngậm ngùi và nếm được cái mằn mặn của nước mắt. Tôi nhớ anh Sáu đã hy sinh trong trận tái chiếm cổ thành Quảng-Trị khi tuổi vừa 18. Người ta khiêng vào nhà cái quan tài được phủ lá cờ tổ quốc với bốn chữ “Tổ Quốc ghi ơn”. Tôi thương cậu Toul bị băng bó trắng xóa từ đầu đến chân như mummy và nằm bất động trên chiếc giường sắt trong y viện Cộng Hòa. Chung quanh cậu còn biết bao là thương phế binh mới được di chuyển về từ những nơi tuyến đầu khói lửa. Nhìn thấy đôi mắt cậu chớp nhẹ, tôi mới biết cậu còn sống. Cậu mĩm miệng cười thật khó khăn khi thấy ba má tôi ghé thăm. Không khi trầm lặng, u uất trong căn phòng được cảm nhận trong từng hơi thở ngập ngừng, đứt quãng.

Dượng tôi học trường sĩ quan Thủ-Đức, bước chân khỏi cổng nhà trường rồi miệt mài đi theo chiều dài cuộc chiến. Dượng đã góp mặt từ những ngày đầu của thập niên 60 và không may nằm lại nơi vùng hỏa tuyến xa xôi sau 12 năm miệt mài tay súng, quanh năm làm bạn với gió núi mưa rừng và mang trên vai một bầu trời xanh thẳm cùng một lòng nhiệt huyết bảo vệ quê hương của người trai lớn lên trong thời đất nước tao loạn. Cuộc đời của dượng ngắn ngủi quá, dượng sống với binh nghiệp nhiều hơn là với gia đình.

Đầu năm 1972 dượng có về Long-Xuyên thăm nhà đôi ngày và chơi đùa với hai đứa con còn nhỏ xíu. Gương mặt dượng lần ấy cũng buồn bã như cuộc chiến chưa đến hồi kết thúc. Nào ai ngờ được đó cũng là lần sau cuối. Mùa hè đỏ lửa chấm dứt, gia đình nhận được hung tin dượng mất tích. Hai đứa con trai của dượng, đứa lớn chưa tròn sáu tuổi. Mãi đến gần cuối năm 1974, gia đình mới nhận được giấy báo tử của dượng ghi ngày 24 tháng tư năm 1972. Rồi cái tháng tư nghiệt ngã ập đến dù không ai mong đợi. Đất nước rơi vào tay giặc, người sống còn không được yên huống chi người đã khuất núi .. Cô tôi và gia đình cũng phải đương đầu với cuộc sống mới mà tạm quên đi nổi đau của người vợ mất chồng, con côi cút khóc tang cha.

lien-doan-chung-su-4Mấy chục năm dâu biển trôi xa, dượng đã đền xong nợ nước nhưng dượng chưa trả hết cái tình nhà. Thân xác của dượng vẫn còn vùi sâu nơi nào đó xa xôi trong lòng đất mẹ. Nhưng dượng đang ở đâu, nơi Charlie sơn lam chướng khí, đồi Dakto mưa bay gió cuốn, hay Tân-Cảnh mịt mù .. 
Cầm trên tay tờ giấy khai sinh của thằng con lớn, tính được dượng sanh ra ở tuổi Canh Thìn, canh cô mồ quả ! Bởi vậy mấy chục năm rồi, dượng đâu có chịu về sum họp với gia đình. Con cháu của dượng nay đã thành nhân chi mỹ, chúng nó vẫn u hoài một nổi niềm riêng.

Gió lay động mặt hồ làm vỡ tan vầng trăng khuya ra thành nhiều mảnh. Dượng ơi, bây giờ dượng ở đâu ? Về với gia đình nghen dượng. Dượng sống khôn thác thiêng thì giúp cho tụi con ghép lại những mảnh vỡ của vầng trăng năm xưa và cầu mong sao cho mặt hồ thôi gợn sóng !!

 

Ngày cuối năm, 31.12.2018