Chuyện du học của nó

Lê Văn Khoa 6/6 – C8 (PK 1974-81)

(Nguồn: Kỷ Yếu PKLHP 1974-81 Kỷ Niệm 40 Năm 1981-2021)


Nói tới chuyện mấy bố già được đi “du học”, có thằng số may mắn, nhiều lần được tới tận trường để thăm bố, cái trường dạy thủ công nhiều hơn dạy chữ, dạy tới thuộc lòng cái câu “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” !. Cái trường mà hồi đó còn được gọi là “đỉnh cao trí tuệ của loài người” ! .

Đường vào trường của mấy bố già thì đầy gian khổ cho một thằng nhỏ chưa học xong cấp II trung học . Thường thì nó phải đi một mình vì mẹ bận buôn bán xa không về kịp, chị nó phải ở nhà trông coi mấy thằng em nhỏ, anh nó thì cứng đầu đòi đi “TNXP” bị thương đang nằm bịnh viện …

Tự ông bà mình hay đổ thừa “Không có chó, bắt mèo ăn c**” . Thôi thì thương bố, nó đành đi . Đi vì lần thăm nào cũng có thể là lần sau cùng bố con còn trông thấy nhau, được nước mắt lưng tròng, được nhìn nhau trong tủi nhục . Đi vì được bố xoa đầu, thủ thỉ căn dặn “Mầy cố gắng ở nhà ngoan, chờ ngày bố vễ …”. Những buổi thăm bố nó lúc nào cũng không kéo dài được hơn 10 phút, có lúc bị cắt ngắn còn 5 phút vì bố tuần rồi “không thuộc bài” . Bực mình, có lúc thằng con ngây thơ cứ trách thầm, “Bố già lẩm cẩm, hay chắc không thương Mẹ và tụi con nên không cố gắng học hành chăm chỉ hơn …” Bực mình nhiều, vì thằng con phải khiêng nặng trên đầu cái bao thực phẩm khô tiếp tế cho bố, học cái trường nghèo . Bực mình nhất khi phải lội sình bùn ngập tới ngang hông, 4, 5 cây số qua con đường mòn ngoằng ngèo từ Quốc Lộ 1 vào gần tới chân núi, nơi mà cái trường bố nó và các bạn cùng khóa vừa mới xây .

Hôm nào hên lắm thì thằng con mới không phải chui vào bụi cây bắn bi với mấy anh đĩa rừng đen đúa, mập thù lù vì mới ăn no ! Trò chơi mà mấy thằng sinh ra và lớn lên ở thành phố như nó ít khi nào được tận mắt chứng kiến, đừng nói chi là được tham gia . Có hôm vào thăm trễ, ra khỏi cổng trường thì trời đã bắt đầu sập tối . Nhìn qua lại thì chỉ còn mình thằng con với cái bầu trời đen thui thủi từ trên triền núi từ từ mò xuống phía sau lưng . Nó cắm đầu, cong đít chạy không kịp thở … chạy vấp té lăn cù, tay chân rướm máu, lồm cồm đứng lên chạy tiếp . Thỉnh thoảng có tiếng động là lạ thì nó lại gắng sức, tăng thêm một số cho đỡ sợ . Không biết còn sức đâu mà nó cứ lên số đều đều … tờ mờ 5 giờ sáng mò ra bến xe đi miền Trung, sau khi mua vé nó chỉ còn đủ tiền mua gói xôi lót bụng .

Khát nước thì đợi vào uống nước suối “thiên nhiên” ven rừng cho đỡ khát. Uống thì đã cái miệng mà còn mát cái ruột non nữa, nhưng tối về thì bị Tào Tháo rượt cả đêm . Tưởng sợ tởn tới già nhưng mỗi lần cơn khát tới, nó cũng bóp bụng làm đại vài ngụm, vừa uống vừa lẩm bẩm “đau đít còn hơn chết khát giữa rừng …”

Bố nó thì cũng như mấy bố già khác, học hành sau mấy năm bị đủ thứ bịnh hành hạ và mất vài chục ki lô thịt ba rọi, cũng là học sinh tiên tiến . Nào là biết xây nhà để trú mưa che nắng, trồng khoai mì để có cơm trưa, học xài lá rừng làm thuốc ta để tự chữa bịnh, se dây ny-long lấy từ bao cát làm võng, nón lá để đội … Bố nó còn biết làm lửa bằng cây và đá như người tiền sử . Nó phục bố sát đất …

Rồi lần sau cùng, khi được tin nó sắp được đi “du học”, bố ôm chầm lấy nó, giọng run run “Mầy nhớ cố gắng đừng để vợ con phải khổ như tao !” . Bố nói xong, không đợi nó trả lời, ông đứng lên thật vội xoay lưng về phía nó và bước lẹ ra khỏi cái chòi tiếp khách của trường . Nó nhìn theo cái lưng gù gù, bờ vai vuông thẳng cánh của bố mà thương bố lạ . Nó định gào to, chạy theo ôm bố nhưng khuôn mặt lạnh lùng của những ông giám thị đang chăm chú đứng nhìn chung quanh làm nó chột dạ … Thở dài, nó hững hờ nhìn theo cái bóng gầy của bố tan biến sau cái cổng trường âm u . Có tiếng sét đánh to làm nó giật mình, lại càu nhàu “Mưa hoài vậy trời !” . Cắm đầu, cong đít nó bắt đầu chạy như sợ trời sắp tối . Mưa bắt đầu rơi thật đều, lộp độp trên lá rừng héo uá . Nó vừa chạy vừa thè lưỡi liếm nước mưa cho đỡ khát . “Sao nước mưa rừng hôm nay mằn mặn như nước biển của bến bờ tự do”