Chuyện Cuối Năm Trung Học Petrus Ký – 1972

Lê Phước Hải (Hải Gầy)

Tháng 7, 1972.

Chuyện xảy ra lâu rồi, của thời trung học, đã gần 50 năm. Giờ ghi lại, nhớ gì, viết nấy!

Sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân đẫm máu vào tháng Giêng 1968 của quân đội miền Bắc tại hơn 100 thành phố và tiền đồn khắp miền Nam Việt Nam, bao gồm cả Huế và Sài Gòn, chính phủ Mỹ của Tổng Thống Nixon giảm dần lực lượng quân đội Hoa Kỳ tham chiến tại miền Nam Việt Nam, đặt trọng trách chính cho các lực lượng của QLVNCH trong chiến lược gọi là Việt Nam hóa. Quân đội Hoa Kỳ tại VN giảm từ 549,000 người trong năm 1969 còn 69,000 vào năm 1972. Trái lại trong 3 năm nầy, quân đội miền Bắc cho quân ào ạt vào Nam tái phát động nhiều cuộc tấn công quy mô chống lại QLVNCH và các lực lượng Mỹ tại VN. Do nhu cầu chiến tranh, chính phủ VNCH ra lệnh tổng động viên.

Vào cuối năm, năm cuối của trường Trung Học Petrus Ky, sau khi thi Tú Tài Phần 2 xong, như đa số các thí sinh khác, chúng tôi bắt đầu ôn bài chuẩn bị thi vào các Đại Học thi tuyển. Nếu không đậu vào trường “thi tuyển” nào, dù công tư, sẽ đành xếp bút nghiên theo đường binh nghiệp. Hoặc Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức, hoặc “le” hơn – Sinh Viên Võ Bị Đà Lạt.
 
Thời điểm đó, phải “nội công” thâm hậu lắm mới chen chân vào được những ĐH công ở SG, được ưa thích và “có uy” như Y, Dược, Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, Học Viện QG Nông Nghiệp, Kiến Trúc, Sư Phạm. Hoặc vào Học Viện QG Hành Chánh để hy vọng trở thành Phó Quận. Đã nổi tiếng khó lọt vô, nhưng không phải trường nào cũng được đánh giá ngang nhau. Đã vậy, các cô xinh đẹp SG theo tiêu chuẫn của mình còn ra giá: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa, bỏ qua Sự Phạm”… Lúc đó, cũng lạ lớp tôi không ai bàn đến chuyến đi miền Trung xa xôi để thi vào Y, hoặc Sư Phạm của Viện ĐH Huế, cho … dễ hơn. Riêng tôi, đã có ý định xuôi nam để thi vào Cao đẳng Nông nghiệp, Sư Phạm, của Viện Đại Học Cần Thơ, hệ 4 năm.

Trường Đại Học Cần Thơ

Học sinh lớp 12 thời ấy không những phải cạnh tranh với các học sinh đương thời cùng trường, khác trường, khác thành phố, còn cạnh tranh với những “đàn anh” (đậu TT2 những năm trước đó, đang tu luyện lấy các chứng chỉ chuyên Toán, Lý, Hóa hoặc Sinh Vật ở các trường ĐH Khoa Học, v.v.). Và việc tuyển sinh nầy dựa trên khả năng thực sự của thí sinh. Hoàn toàn không xét đến “lý lịch gia đình”.

Bạn lớp tôi, nhóm chơi thân mỗi người đều định cho mình hướng đi riêng, không giống ai. Vũ Văn Vượng, xin học bỗng Colombo đi Úc. Nguyễn Văn Lành chỉ muốn vào Y. Phạm Viên Minh đặc biệt thích ngành Võ Bị Đà Lat. Nguyễn Nhật Trung, Quốc Gia Hành Chánh. Võ Trung Trực, Kiến Trúc. Lê Lam Sơn, Trần Hoàng Nghiệp, Khoa Học (sau nầy, ai cũng đạt nguyện vọng của mình).

Tôi vốn thích vào Phú Thọ (cho “oai”) nhưng năm đó Phú Thọ và Nông Nghiệp thi cùng ngày (Không rõ các năm trước có thi cùng ngày như vậy hay không). Phải chọn 1 trong 2. Không ôm đũa cả nắm! Có lẻ trường sắp xếp như vậy để tránh trường hợp mấy học sinh giỏi đậu cả hai, dành chổ người khác, sau bỏ trống một. Tôi thiển nghĩ cũng dễ giải quyết thôi, bằng cách đôn người đậu dự khuyết lên, khó chi? Như  trường hợp LTP của Petrus Ký đỗ thủ khoa NN năm 72, bỏ đi … du học Colombo Úc, lớp NN vẫn đủ 100. (Tiếc thay, tới Úc có vài tháng rủi ro bị sóng biển cuốn đi, và nước VN mất đi một nhân tài). Trái lại, Vương Hồng Hải cũng của Petrus Ký đỗ thủ khoa Thủy Lâm năm 72, theo luôn, không bỏ. (Phần tôi, đậu hạng 6 vào NN, sau nầy về quê, ông bác hỏi học ngành gì, nói học Canh Nông, ổng cười “Mầy  hết ngành để chọn rồi hả. Tao đây có học 1 chữ nào về nghề nông đâu, mà năm nào vựa lúa nhà tao cũng dư đầy…”. Đành méo miệng cười theo nhưng lòng .. có vướng chút tủi thân. Lỡ dốt thì đành chịu!).  

Nhớ năm đó, Phú Thọ nhận vào 300 sinh viên (50 cho mổi ngành KS), Y 100, Dược 100, Sư Phạm 100, Nông Nghiệp 300 (Nông 100, Thủy Lâm 40, Thú Y 60, Sư Phạm NN 100)… Tổng cộng số sinh viên vào các đại học thi tuyển khoảng hơn 1000. Còn các ĐH ghi danh điều kiện dễ hơn không cần thi như Khoa Học, Luật, Văn mổi trường lấy vào khoảng 1000 (Dễ vào, nhưng không dễ “ra”!). Nhưng ghi danh vào đây không đạt tiêu chuẩn miễn “quân dịch”.

Cũng may, năm đó các phân khoa của ĐH tư đều tổ chức thi tuyển cả – như Văn, Khoa Học, … Phật Học. Một lối thoát “hợp pháp” cho các học sinh lớp 12 không muốn rời ngưỡng cửa thơ mộng của học đường, và … của lứa tuổi mộng mơ!

Năm 1972 ĐH Minh Đức ra đời với 5 khoa – Y, Canh Nông, Khoa Học, Kinh Thương, và Nhân Văn. Theo bước chân các ĐH tư khác như Viện ĐH Đà Lạt (1957), Vạn Hạnh (1964), Phương Nam (1967), An Giang (Hòa Hảo) (1970), Cao Đài (1971). Tổng cộng nhận vào năm thứ nhất cũng hơn 1000. Ngày thi “tuyển” của mổi trường khác nhau cả, nên các thí sinh tha hồ ghi danh “thi”. (Sau năm 1975, Y Khoa Minh Đức nhập vào Y Khoa SG, Canh Nông Minh Đức nhập vào khoa Nông Nghiệp của ĐHNN SG).

oOo

1.
Vì ĐH Sư Phạm Cần Thơ (thành lập từ năm 1966) như thông lệ, mở kỳ thi tuyển sớm hơn các ĐH ở SG, nên tôi cũng ghi danh thi, hờ có chỗ “dung thân” nếu trượt vào một trong những ĐH ở SG. Nhưng trong thâm tâm, tôi không hề thích nghề dạy học. Nếu ngày nào cũng phải cầm phấn đứng trước tấm bảng đen, giãng bài cho đám học sinh bên dưới (đa số ngỗ nghịch như …lớp tôi) (*1), không thú vị gì. Thà cầm cuốc đào kênh, đào mương, hay vác đá đi xây đập giữa không khí trong lành của bầu trời bao la còn thích hơn.

Gần đến ngày thi rủ rê mấy người bạn “nối khố” PK – Phạm Viên Minh, Phạm Trung Tín và Nguyễn Văn Lành cùng đi một chuyến “xuôi nam” cho đỡ cô đơn nơi xứ lạ. Nhưng chỉ có PV Minh (như đã nói trên, vì quyết tâm vào Võ Bị Đà Lạt nên không ghi tên thi vào các trường khác) và PT Tín  (gia cảnh một trai trong gia đình, miễn nghĩa vụ quân sự, nên “vui” trước lo sau) cùng đi. NV Lành từ chối: “Tụi mầy thông cảm. Lý do thứ nhất, lo gạo bài thi vào Y Khoa, và thứ hai không đành lòng xa cách cô em hàng xóm xinh xắn dễ thương mới quen – dù chỉ một ngày”.

Hôm ấy, sáng sớm đón xe đò từ SG xuống Cần Thơ dù cách 220 km nhưng phải qua 2 chiếc phà Mỹ Thuận qua sông Tiền và phà Cần Thơ qua sông Hậu đến 4 giờ chiều mới tới (nếu phà không phải dành ưu tiên cho 1 đoàn xe quân sự; bằng không, có khi 9 – 12 giờ đêm mới đến nơi) (*2).
Tới nơi, đi dọc sông tìm khách sạn nào trông sạch sẽ, bước vào để đặt phòng. Rồi theo nhân viên hướng dẫn, bước lên những bậc thang lên tầng 2, vào phòng. Kéo màn cửa sổ nhìn ra ngoài, bên kia đường, nước trên sông Hậu đầy phù sa màu vàng đục chảy lững lờ, và những lá lục bình xanh tươi đang trôi. Cảnh vật yên tỉnh. Phố đã lên đèn. Với tay, mở chiếc quạt trần, tiếng kêu rè rè, mát rượi. Nằm vật xuống giường. Phút giây khoan khoái.

Bến Ninh Kiều

Rời phòng, chúng tôi rũ nhau đi dọc bờ sông bến Ninh Kiều. Tấp vào gánh hàng rong bán bánh xèo. Bánh vừa chín thơm, vàng tươi, nhân thịt heo lát mỏng, tôm, đậu xanh lột vỏ. Ăn với nước mắm. Rau sống. Rồi ghé vào quán cốc, kêu món chim nướng, và kêu bia (Khoảng thời gian nầy, ở 2 tỉnh Cần Thơ và Bạc Liêu, món chim nướng và rượu nếp than rất thịnh hành. Nhất là ở Bạc Liêu, dọc theo 1 con đường lớn của tỉnh, mỗi ngày cứ sau 4 giờ chiều, các quầy bình dân bán món nhậu đặc sản nầy mọc lên kế sát nhau. Mỗi quầy có 1 lò than nướng chim, một hai cái bàn nhựa tròn nhỏ và vài cái ghế nhỏ nhựa chung quanh. Khói bay đầy trời. Quầy nào cũng có lẻ tẻ đôi ba khách. Mãi đến gần nửa đêm, hết khách, các quầy lần lượt thu dọn ra về). Lúc học lớp 12, chỉ biết tập uống bia mà thôi. Nhâm nhi đến gần 11 giờ đêm, ngà ngà say quay về khách sạn (Đúng là … hư sớm).

Sáng hôm sau, Minh và Tín trở về SG. Tôi đợi tới trưa, đón xe ôm tới trường ĐH Cần Thơ thi ban Toán. Bài thi có 2 câu hỏi, làm trong 3 giờ. Làm xong nộp bài, còn sớm nên ở lại, đi loanh quanh ngắm cảnh vắng vẻ đến buồn tênh, tự hỏi liệu mình sẽ lập nghiệp nơi đây chăng. Ở đây, quen với 1 thí sinh từ Cà Mau tới thi. Hắn rủ về chổ nhà trọ của ông anh hắn, đang học Nông Nghiệp, ĐH Cần Thơ. Nhà trọ cách trường chừng 1 cây số. Lúc đó, đang mùa hè, ông anh hắn đã về quê nhà. Nhưng vẫn còn 1 sinh viên ở trọ không về.  

Tới giờ cơm chiều, ông chủ nhà trọ hiền lành mời dùng bửa cơm “đạm bạc” chung với gia đình. Một bàn tròn với cái ghế đẩu đặt chung quanh. Canh chua cá lóc, lá sua đũa. Nước mắm tươi, vài lát ớt đỏ. Tôm riêm. Nồi cơm trắng trên cái rế tre vẫn còn bốc khói, thơm phức. Một bửa cơm ngon miệng vô cùng.     

Buổi tối, vợ ông đem ra bình trà nóng, mấy cái tách, dĩa bánh in, kêu ông và đám học trò ra ngồi nói chuyện vu vơ, bên ngọn đèn dầu leo lét. Đứa con gái nhỏ ngồi yên lặng học ở bàn viết góc phòng. Khoảng 9 giờ tối, hai ông bà kéo nhau vào phòng. Trước đó, ông chỉ bộ ván dài, có sẳn mấy cái chiếu xếp và mùng chống muỗi, bảo khi nào muốn ngủ thì trải chiếu ra và tự căng mùng ngủ. Dân quê miền Nam hiền hòa quá. Đối xử tốt với mọi người, dù lạ và nhỏ tuổi hàng con cháu.

Sáng hôm sau, tôi đón xe đò về SG một mình.

Tới bây giờ, sau gần 50 năm, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh rộng lượng và cử chỉ ấm áp của gia đình nầy.

Đường Ngô Quyền – Cần Thơ

oOo

2.
Ngoài việc xuống Cần Thơ thi vào Sư Phạm, tôi cũng có kỷ niệm vui đáng nhớ.
Hai tháng sau kỳ thi TT2 lần 1, thì đến ngày thi TT2 lần 2 dành cho những thí sinh rớt đợt trước. Có bạn trong nhóm rủ rê họp lại giải đề thi Toán kỳ nầy để bán cho các thí sinh ngay sau buổi thi, trước cửa các trường thi. Bạo gan, chúng tôi hưởng ứng liền. Tôi đã  ghi lại … ngày “trọng đại” nầy của bọn tôi trong bài viết khác –  Giải đề thi Toán TT2 kỳ 2.

oOo

3.
Tuổi học trò, ngoài chuyện thi cử vào các đại học chán phèo như đã kể trên, tôi còn lâm le nhảy ra … làm báo. Nói đúng hơn, tập tành viết bài đăng báo.

Sau kỳ thi Tú Tài 2, đọc báo Chính Luận, tôi để ý thấy có mấy bài “Chuyện Phiếm” và “Phóng Sự” tên tác giả quen thuộc, nhận ra là GS hoặc học sinh của trường Petrus Ký, viết về những đề tài liên quan học đường, như chương trình “Đố Vui Để Học”, hoặc các kỳ thi cử vừa qua. Có bài viết của thầy Lê Đức Sơn về một thí sinh trường PK đậu TT2 ban B hạng tối ưu. Điểm Toán 20. Lý Hóa 16.5. Triết 16.5 . Sinh ngữ I 19.25. Sinh ngữ II 19.5. Vạn Vật 17.5. Sau nầy biết hắn du học chương trình Colombo, ở Melbourne, Úc.

Nỗi hứng, tôi cũng bắt chước lấy bút mực, viết 1 mạch nói về Sài Gòn, không khí chiến tranh, khung cảnh trường thi, tâm trạng và mối lo âu của 1 thí sinh dự thi TT2, tuổi lính, lấy tên “Sau khi đỗ Tú Tài 2” rồi gửi bài tới tòa soạn báo Chính Luận mục “Phóng Sự”, ký tên “Hải Gầy”. (Trước đó có 2 bài đăng, tác giả là Hải Đinh, học sinh PK). Có lẻ bài viết đạt tiêu chuẫn “thời sự” nóng bỏng cấp thời nói lên những ưu tư của nhiều phụ huynh học sinh thời điểm đó, nên được đăng liền trong số báo ngày hôm sau.

Cầm tờ báo trên tay, lật nhanh qua trang giữa, thấy bài báo đầu tiên của mình, mừng quýnh (hơn cả lúc thấy tên mình trong danh sách thi đậu sau nầy). Liền lấy xe đạp phóng nhanh ra tới tòa soạn báo Chính Luân, đường Phạm Ngũ Lão. Tới nơi, được chỉ đi thẳng tới phòng của ông Thư Ký Tòa Soạn. Ông đang ngồi bên bàn hí hoáy viết lách gì đó, tóc thưa, gương mặt nhỏ, dài, đôi mắt kiếng dầy, xệ trên sống mủi, ngưng viết, xoay lưng lại nhìn tôi. Trên kệ chung quanh chất đầy sách, tạp chí, báo. Giấy tờ chồng chất bừa bãi đầy hơn nửa bàn viết. Tay cầm tờ báo gấp 4 với trang “Phóng Sự” nằm phía ngoài, tôi nói “cháu có bài đăng trên trang phóng sự, tới xin lãnh tiền nhuận bút”.  Nghe xong, không buồn hỏi tên tôi hoặc đòi xem giấy tờ chứng minh, ông lặng lẽ xoay trái chìa khóa hộc ngăn trên của bàn viết, lấy ra 1 xấp tiền, đếm đúng 800 đồng đưa cho tôi, để số tiền còn lại vào hộc, không nói một lời. Xong ông xoay lưng lại, viết tiếp.

Trên đường về, tôi lấy làm lạ, tại sao ông không hỏi tôi tên thật là gì, nhà cửa ở đâu, hoặc đưa ra biên nhận đòi ký tên, v.v. Nếu cứ trả tiền bất cứ ai tới nhận đại là có bài viết đăng báo như thế, chắc không bao lâu báo sẽ phải đóng cửa. Giống như bị thuốc kích thích, tôi cứ đạp xe quanh thành phố, lên Thảo Cầm Viên, chạy mấy vòng quanh dinh Độc Lập, rồi mới quay về nhà hướng xa cảng miền Tây.

Một ngày vui.

(Nhưng sau nầy, không có động cơ nào hối thúc nên tôi quên hẳn …”nghề” viết báo!)

Lê Phước Hải

(30/10/2021)

 
(*1) Chuyện bên lề
Nhớ năm học lớp 9, sau giờ nghỉ giải lao, trước khi trở lại lớp học 1 giờ của thầy Quỳ, ở công viên Văn Lang kế trường, vì mãi mê nghe 1 bạn trong lớp đứng trên bụt cao của công viên thao thao giảng thuyết về “Vấn đề sinh lý lứa tuổi học trò”, cả lớp quên luôn giờ học. Kết quả gần cả lớp bị cấm túc cuối tuần hôm đó.

(*2) Sau nầy, nhờ có 2 cầu bắc ngang sông Tiền và sông Hậu, việc di chuyễn nhanh chóng và dễ dàng hơn:
– Cầu cáp treo Mỹ Thuận dài 1,535m nối liên đôi bờ sông Tiền của tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Được chính phủ Úc viện trợ, cầu khởi công xây dựng vào năm 1997 và hoàn thành vào năm 2000 với kinh phí AUD $91 triệu. 
– Cầu cáp treo Cần Thơ dài 2,750m bắc ngang sông Hậu. Được chính phủ Nhật tài trợ, cầu khởi công xây dựng vào năm 2004 và hoàn thành vào năm 2010 với kinh phí U
S $200 triệu.