Chuyện của một người California!

Mark Twain

Đoàn Xuân Thu (phỏng dịch)

Stanislau California
Stanislau, California

“Hồi còn trẻ, tôi đến California tìm vàng. Số vàng kiếm được không đủ để làm tôi trở nên giàu có. Nhưng bù lại, tôi đã phát hiện ra được một vùng đất tuyệt đẹp của xứ sở này: Stanislau.

Stanislau đúng là thiên đường hạ giới với những ngọn đồi xanh mướt và những cánh rừng sâu, nơi cơn gió dịu dàng mơn man cành lá.

Những người khác tìm vàng đã đến vùng đồi Stanislau, California trước tôi nhiều năm. Họ xây dựng thị trấn dưới lòng thung lũng với đường đi, cửa hiệu, ngân hàng, trường học. Họ cũng xây dựng những căn nhà nho nhỏ, xinh xinh cho chính gia đình mình.

Mới đầu, họ tìm được rất nhiều vàng trên những ngọn đồi Stanislau. Nhưng vận may chẳng được bao lâu. Sau vài năm, vàng cạn kiệt. Lúc tôi đến, họ bỏ đi hết cả rồi.

Cỏ, bây giờ, mọc đầy trên đường thị trấn. Hoa dại che phủ mất những căn nhà nho nhỏ. Chỉ có tiếng côn trùng vo ve bay đầy trời khi tôi bước qua thị trấn vắng lặng mùa hè nơi đó cách đây đã rất lâu. Rồi tôi lại nhận ra là thị trấn không phải chỉ còn có một mình tôi.

Một người đàn ông đứng trước một căn nhà nhỏ và mỉm cười với tôi. Căn nhà này không bị hoa dại che khuất. Một khoảng vườn nho nhỏ, xinh xinh đầy hoa hồng vàng và xanh thẫm. Những tấm màn trắng muốt mắc trên khung cửa sổ lay bồng bềnh trong cơn gió mùa hè nhè nhẹ.

Vẫn nở nụ cười, ông ấy mở cửa rồi mời tôi vào. Tôi bước vào nhà mà không thể nào tin được ở chính mắt mình. Tôi cùng những người tìm vàng khác đã sống vất vả nhiều tuần lễ liền trong bãi đào vàng. Chúng tôi đã ngủ trên nền đất cứng, ăn đậu đóng hộp, đựng trên các chiếc dĩa sắt lạnh ngắt và suốt cả ngày quần quật, cực khổ tìm, đãi vàng.

Còn ở đây, trong căn nhà nhỏ xinh xắn này, tôi thấy lòng mình ấm lại.

Tấm thảm màu sáng trên sàn nhà bằng gỗ bóng láng. Tranh, ảnh treo đầy phòng. Những chiếc bàn nhỏ trên có vỏ sò, sách, và những chiếc bình hoa bằng sứ. Người phụ nữ nào đó đã biến căn nhà này thành tổ ấm.

Niềm vui tràn ngập tim tôi, chắc hiện lên nét mặt. Ông ấy nhận ra điều đó.

“Đúng vậy!” ông cười nói. “Cô ấy làm mọi thứ đấy. Tất cả đồ vật trong căn phòng này đều do bàn tay cô ấy chăm chút”.

Một bức ảnh trên tường treo không được ngay ngắn lắm. Ông để ý thấy và sửa lại. Ông bước tới, rồi lui lại nhiều lần, nhìn, ngắm để đoan chắc là nó ngay hàng thẳng lối. Xong việc, ông dịu dàng chạm nhẹ tay vào bức ảnh.

Ông cắt nghĩa: “Cô ấy luôn luôn làm như thế. Nó cũng giống như người mẹ vuốt nhẹ mái tóc con sau khi chải gỡ xong tóc rối vậy mà”.

“Tôi thấy cô ấy chỉnh sửa những đồ vật trong nhà này nhiều lần đến nỗi nhập tâm luôn, nên khi làm tôi làm giống hệt như cô ấy làm mà không biết tại sao.”

Khi ông ấy nói, tôi có cảm giác rằng có cái gì đó trong căn phòng này mà ông muốn tôi phát hiện ra. Tôi nhìn quanh quẩn. Khi mắt tôi chạm đến góc phòng gần lò sưởi, ông bật ra tiếng cười hể hả và xoa hai bàn tay với nhau, vẻ mãn nguyện.

“Đúng rồi!” ông kêu lên. “Anh đã tìm ra rồi! Tôi biết chắc là như vậy. Đó là ảnh của cô ấy”.

Tôi bước tới cái kệ nhỏ màu đen: trên đó là bức ảnh của một người phụ nữ cực kỳ xinh đẹp, trên khuôn mặt biểu cảm một vẻ dịu dàng, thân ái mà tôi chưa từng được thấy bao giờ.

Ông ấy lấy bức ảnh khỏi tay tôi rồi nhìn chăm chú. “Sinh nhựt rồi, cô ấy được mười chín tuổi. Đó là ngày mà tụi tôi thành hôn. Khi anh gặp cô ấy… Ôi! khoan… hãy chờ đến khi anh gặp cô ấy đã.”

Tôi hỏi: “Bà nhà đâu rồi?” “Ô! cô ấy vắng nhà.”ông thở dài, đặt bức ảnh trở về chỗ cũ.

“Cô ấy đi thăm ba má mình ở cách đây khoảng 40, 50 dặm. Tính tới bữa nay cô ấy đi đã được hai tuần rồi.”

“Chừng nào bà ấy về?” Tôi hỏi. “À! bữa nay là thứ Tư,” ông chậm rãi nói.

“Cô ấy sẽ về vào chiều tối thứ Bảy.”

Tôi nói: “Thiệt là tiếc! bữa đó thì tôi sẽ phải đi rồi” “Đi? Không! Sao anh lại đi? Đừng đi. Cô ấy sẽ buồn lắm đó. Anh biết mà, cô ấy rất hiếu khách, thích người ta đến thăm và ở lại chơi lắm”.

“Không được, tôi phải đi thôi.” Tôi cương quyết.

Ông ấy lấy bức ảnh đưa trước mắt tôi. Ông nói: “Nè! bây giờ anh hãy nói tận mặt cô ấy rằng: anh có thể ở lại để gặp cô ấy nhưng mà anh không làm.”

Khi tôi nhìn bức ảnh lần thứ hai, thì có điều gì đó làm tôi đổi ý. Tôi quyết định ở lại.

Ông ấy cho tôi biết tên ông là Henry. Đêm đó Henry nói với tôi đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, nhưng chủ yếu là về vợ mình. Ngày kế êm đềm trôi qua.

Tối thứ năm chúng tôi có khách. Tom là thợ mỏ, to con, tóc bạc.

“Tôi chỉ ghé vài phút để hỏi chừng nào chị ấy về. Có tin tức gì không?”

“À! có…có.” ông đáp lại.

“Tôi nhận được thư. Anh có muốn tôi đọc cho nghe không?”

Ông ấy lấy trong túi áo sơ mi một bức thư đã ngả màu vàng ố và đọc cho chúng tôi nghe. Bức thư đầy lời lẽ yêu thương, chăm sóc dành cho ông và những ân cần thăm hỏi láng giềng, bằng hữu. Khi đọc xong, ông ấy nhìn bạn mình.

“Ô! Thôi đi! Tom! Anh lại làm như thế rồi. Anh luôn luôn khóc khi tôi đọc thư cô ấy, kỳ này tôi sẽ nói cho cô ấy biết.”

“Không, đừng làm vậy, Henry,” người thợ mỏ tóc bạc nói.

“Tôi già rồi, chỉ buồn một chút cũng đủ làm tôi chảy nước mắt. Tôi thực sự hy vọng là tối nay chị ấy sẽ về tới.”

Ngày kế, thứ Sáu, một người thợ mỏ già khác đến thăm và xin được nghe đọc bức thư. Lời thư cũng làm ông khóc. Ông nói: “Chúng tôi nhớ chị ấy lắm.”

Thứ Bảy cuối cùng rồi cũng đến. Chốc chốc, tôi lại nhìn đồng hồ. Henry để ý thấy.

“Anh nghĩ chắc hỏng có chuyện gì xảy ra cho cô ấy chứ?” ông ấy hỏi tôi.

Tôi cười nói: “Bà nhà chắc bình an mà!”. Nhưng dường như ông không tin lời tôi lắm.

Tôi rất vui khi gặp lại hai người bạn của ông: Tom và Joe, từ đầu thị trấn xuống chơi, lúc nắng chiều thoi thóp tắt.

Hai người thợ mỏ già mang theo đàn ghi ta. Họ cũng mang theo hoa và một chai rượu uýt-ki. Họ chưng hoa trong bình rồi bắt đầu chơi đàn ghi ta với những bản nhạc có tiết tấu nhanh, sống động.

Bạn bè Henry cứ liên tục rót và giục ông uống cạn. Khi trên bàn chỉ còn lại hai ly rượu, tôi lấy một cái. Tom ngăn tay tôi lại. Anh thầm thì: “Đừng uống ly này, hãy uống ly kia đi”.

Chiếc ly tôi mới vừa bỏ xuống Tom đưa cho Henry nốc cạn đúng vào lúc đồng hồ vừa điểm nửa đêm. Mặt Henry trắng, trắng bệch ra.

“Ê! Mấy bồ!” ông nói: “Chắc tôi bị bịnh rồi. Tôi phải đi nằm mới được.”

Henry hầu như chìm ngay vào giấc ngủ trước khi lời nói cuối cùng thoát ra khỏi miệng.

Hai người bạn đỡ ông lên, khiêng ông vào phòng ngủ. Họ đóng cửa lại rồi quay ra. Dường như họ thu xếp để ra về.

Thấy thế, tôi nài nỉ: “Xin quý vị ở lại. Bà ấy sẽ không biết tôi là ai. Tôi là khách lạ mà.”

Họ đưa mắt nhìn nhau. Tom nói: “Vợ anh ấy chết đã 19 năm rồi” “Chết!” Tôi há hốc, thều thào. Tom nói: “Chết! Mà còn chết thảm nữa…”

“Sau khi lấy chồng được sáu tháng, chị ấy về thăm cha mẹ. Trên đường trở lại vào chiều tối thứ Bảy tháng Sáu năm đó, khi gần tới nhà thì thổ dân da đỏ bắt được chị ấy. Từ đó không ai còn gặp chị nữa.”

“Henry mất trí. Anh ấy nghĩ vợ mình vẫn còn sống. Khi tháng Sáu về, anh ấy nghĩ vợ mình về thăm cha mẹ rồi trở lại. Anh nôn nóng đợi chờ và mang tờ thư cũ chị ấy đã gởi, ra đọc cho chúng tôi nghe.”

“Vào chiều tối thứ Bảy theo dự định chị sẽ về tới, chúng tôi xuống với anh ấy. Chúng tôi bỏ thuốc ngủ vào rượu cho anh uống để anh ngủ qua đêm. Sáng hôm sau anh ấy sẽ trở lại bình thường cho đến tháng Sáu năm tới.”

Joe nhặt nón và đàn lên. “Chúng tôi làm như thế mỗi tháng Sáu suốt 19 năm liền. Năm đầu có tất cả hai mươi bảy người. Bây giờ chỉ còn lại hai đứa tôi thôi.”

Ông mở cửa căn nhà nhỏ rồi hình bóng hai ông già thợ mỏ từ từ loãng vào đêm rất sâu Stanislau.

Đoàn Xuân Thu.
Melbourne
(phỏng dịch)

Chuyện của một người California

của tác giả Mark Twain do Đoàn Xuân Thu phỏng dịch

Trần Vũ đọc trong tiết mục Chuyện Trong Ngày của đài truyền hình Quê Hương