Chút kỷ niệm mùa thi

Phan Văn Thạnh

chut ky niem mua thi 01Nhìn lại có thể nói đời dạy học, tham gia công tác quản lý trường phổ thông nhiều năm qua gần như không mùa hè nào tôi được thoải mái ngắm hoa phượng cháy lửa trên cành. Vừa bế giảng năm học là tôi nhận luôn quyết định của Sở GD điều động làm nhiệm vụ coi thi và chấm thi các kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh lớp 10 công lập.

Công việc tổ chức điều hành kỳ thi mang tính chất quốc gia thu hút sự chú ý của toàn xã hội, trách nhiệm khá nặng, áp lực căng thẳng. Dù đã bao phen trận mạc nhưng quả thật không bao giờ tôi dám chủ quan khinh suất. Cẩn tắc vô ưu – các cụ nói chí phải, tôi rà lại các văn bản hướng dẫn qui chế thi cử, xem kỹ những qui định sửa đổi (nếu có), hoạch định công việc cụ thể, rút kinh nghiệm những sai sót của giám thị nhiều năm qua, phán đoán những tình huống có thể gặp và dự phòng biện pháp xử lý. Cuộc thi diễn ra trong tích tắc (ba ngày, sáu môn ,sáu buổi)(*). Tôi hình dung giống như phóng phi thuyền lên quỹ đạo, chỉ một sơ suất nhỏ là con tàu bay luôn vào không gian! Xong một buổi, qua một ngày, hoàn tất đợt thi suôn sẻ là xoa tay thở phào nhẹ nhõm !

Công tác thi cử lưu động địa điểm hằng năm đã có dịp cho tôi đến làm việc nhiều trường và lưu chữ ký trách nhiệm dưới khuôn dấu đỏ sở tại (hồ sơ biên bản, danh sách thí sinh, tờ ghi tên ghi điểm). Những cái tên trường còn tươi nguyên trong sổ tay nhật ký công tác: Trưng Vương, Trần Đại Nghĩa (Q1), Nguyễn Thị Minh Khai, Bàn Cờ, Lê Lợi, Mari Curie (Q3), Lê Hồng Phong, Mạch Kiếm Hùng (Q5), Gia Định, Võ Thị Sáu, Hoàng Hoa Thám, Bình Quới Tây, Lam Sơn (Q.Bình Thạnh), Thủ Đức, Nguyễn Hữu Huân, Giồng Ông Tố (Q.9), Ngô Quyền (Q.Tân Bình), Bình Phú(Q6)…- Những ngôi trường gặp mặt chớp nhoáng trong đợt thi, nhưng hằn vết sâu đậm kỳ thú!

Tôi không quên được lần về công tác TS lớp 10 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (02/7/2001), gặp lại ngôi trường thân thương mang tên nhà Bác học, nhà Văn hóa Pétrus – Trương Vĩnh Ký (1837-1898), của một thời gắn bó ròng rã bảy năm trời mài đũng quần trên ghế nhà trường(61- 68). Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, tôi lang thang dài theo hành lang, ngày hè im vắng, bạn bè dạo ấy đâu rồi chỉ mình tôi đi tìm tôi cái thời niên thiếu xa ngái. Thuở ấy hồn nhiên lắm được tin đậu vào Đệ Thất (Lớp 6) ngôi trường danh giá nhất Saigòn, lòng vui khôn tả, náo nức sắm sửa cặp vở, đồng phục phù hiệu, mong đến hôm khai trường. Ký ức vẫn còn thủ thỉ bên tai: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm hoang mang của buổi tựu trường” (“Tôi đi học” -Thanh Tịnh (1911-1988).

Trí tưởng tượng lôi sệt tôi theo Anatole France (1844-1924) với bài thuộc lòng “La Rentrée des classes”. Hình ảnh khu vườn Luxembourg (thủ đô Paris) mở ra cùng chú bé mang ba lô tập vở, chân sáo tung tăng đến trường đầy chất thơ, xao động trong tôi :

“Je  vais  vous  dire ce que me rappellent, tous les ans le ciel agité de l’automne, les premiers dïners à la lampe et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent. Je vais vous dire ce que Je vois quand  je traverse le Luxembourg dans les premiers jours d’Octobre, alors qu’il est un peu triste et plus beau que jamais, car c’est  le temps où les feuilles tombent  une à une sur les blanches épaules des statues.
Ce que je vois dans ce jardin, c’est un petit bonhomme qui, les mains dans ses poches et sa gibecière au dos, s’en va au collège en sautillant comme un moineau. Ma pensée seule le voit, car ce petit bonhomme est une ombre: C’est l’ombre du moi que j’etais il y a vingt cinq ans.
Il y a vingt cinq ans, à pareille époque, il traversait, avant huit heures, ce beau jardin pour aller en classe. Il avait le coeur un peu serré: C’etait la rentrée.
… C’est pourquoi, à mesure que je vieillis, je m’interesse de plus en plus à la rentrée des classes”.

Tạm dịch : Ngày tựu trường – Hàng năm khi bầu trời lay động sang thu, tôi kể cho bạn nghe những gì tôi nhớ lại về những buổi cơm chiều đầu tiên ăn dưới ngọn đèn và đám lá vàng rung động trên cây. Tôi sắp kể cho bạn nghe  những gì tôi thấy khi đi qua công viên Luxembourg trong những ngày đầu tháng 10, lúc ấy trời hơi buồn và đẹp hơn bao giờ hết vì đó là lúc từng chiếc lá vàng rơi trên vai những pho tượng trắng. Những gì tôi thấy trong khu vườn này,đó là một chú bé hai tay đút túi quần,lưng đeo cặp sách đi đến trường nhảy nhót như một con chim sẻ.Chỉ có trí  tưởng tượng của tôi mới thấy được chú, bởi vì chú bé ấy chỉ là một cái bóng.Đó là cái bóng của tôi cách đây hai mươi lăm năm.Hai mươi lăm năm trước,cũng vào thời kỳ này,chú bé đã băng qua khu vườn  xinh đẹp này trước tám giờ để đi đến trường,lúc đó lòng chú hơi se lại: vì đó là ngày tựu trường…Cho nên tại sao, càng về già tôi lại càng chú ý đến ngày tựu trường.

Pétrus Ký – ngôi trường như một tượng đài trong tôi – hình ảnh thầy HT Phạm Văn Lược năm học đầu tiên (61- 62), cung cách nghiêm nghị, học sinh chúng tôi rất kính nể. Nề nếp kỷ luật trường qui thật nghiêm. Học sinh đến trường vào cổng bên phải, để xe đạp đúng chỗ, xếp hàng dưới tàn cây dầu di chuyển đến trước cửa lớp chờ Giáo sư – được phép, từng hàng vào lớp trật tự. Các bạn thử tưởng tượng chúng tôi bị quần thảo bảy năm liền, thành tập quán tính cách. Sau này vào đời khi cần xếp hàng cũng rất kiên nhẫn và cảm giác khó chịu khi thấy ai chen lấn xen ngang. Phải chăng nhà trường đã thực hiện giáo dục cái điều mà nhà văn Anh William Makepeace Thackeray(1811-1863)đã đúc kết: “Gieo hành vi, gặt thói quen; gieo thói quen, gặt tính cách; gieo tính cách, gặt số phận” !

Ngôi trường vẫn vẹn nguyên chỉ có cái tên trường Pétrus-Ký là không còn nữa. Tôi ngậm ngùi, bâng khuâng đi tìm dấu vết ngày cũ – Thật vô cùng hạnh phúc khi được trở về nơi mình ra đi (làm công tác tuyển sinh). Tôi chợt bắt gặp cái ngày hôm qua hóa thân trong nhân cách tri thức, đã giúp tôi tự tin đứng thẳng trên đôi chân làm Người. Nói sao hết lòng tri ân Thầy Cô – ngày trở lại …

Mùa thi, mùa nhớ lan man . Tôi bây giờ ngồi ‘nhấm nháp’ kỷ niệm .

“Chào ta về dưới điền viên

Hỏi mây viễn xứ bay miền lãng du”(PVT)

______________________________________

PHAN VĂN THẠNH

 (Saigon,20.4.2012)

(*)Trước năm 2001, các kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ có 4 môn. Sau đó, Bộ GD&ĐT quyết định nâng số môn thi lên 6, với 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, các môn còn lại được Bộ công bố 2 tháng trước khi kỳ thi diễn ra. Đến năm 2014, cuộc thi tốt nghiệp THPT một lần nữa có sự thay đổi lớn.

Cụ thể, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ bao gồm 4 môn. Trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 2 môn tự chọn nằm trong 6 môn thi Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ.