Ngày 9-8-1971, tôi lên máy bay của Hãng Hàng Không Pan Am rời phi trường Tân Sơn Nhứt để đi du học tại Hoa Kỳ trong hai năm (1971-1973).  Trước đó khoảng 2 tuần lễ tôi đã khá vất vả mới lấy được cái Nghị Định của Bộ Giáo Dục cho phép rời Việt Nam đi du học.  Bài viết này cố gắng ghi lại những gì mà ở tuổi 83 này, sau hơn nửa thế kỷ, tôi còn nhớ về cái việc lấy cho được cái Nghị Định đi du học Hoa Kỳ đó. 

Được Học Bổng của USAID

Xuất thân là một Giáo Sư Trung Học Đệ Nhị Cấp, tốt nghiệp Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (ĐHSPSG), Khóa 3, Ban Sử Địa (1963), tôi đã giảng dạy tại hai trường trung học là Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa (môn Sử Địa, 1963-1966), và Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức (KMTĐ, môn Kiến Thức Xã Hội, 1966-1971).  Năm 1970, tự nhiên tôi “lạc đường” vào ngành thư viện vì tình nguyện nhận làm Quản Thủ Thư Viên tại Trường KMTĐ thay thế cho bạn tôi, Anh Nguyễn Ứng Long, một trong những người đầu tiên tốt nghiệp Bằng Cao Học về Thư Viện Học (Master of Library Science – MLS) từ một trường đại học của Hoa Kỳ, có thể rời Trường đi nhận một chức vụ cao cấp, xứng đáng với Anh hơn, là Giám Đốc Nha Văn Khố và Thư Viện Quốc Gia. [1] Mấy tháng sau, Giáo Sư Phạm Văn Quảng, Hiệu Trưởng Trường KMTĐ, gởi tôi đi học một khóa huấn luyện cấp tốc về thư viện trong 3 tuần lễ do Cơ Quan Phát Triển Thư Viện (Library Development Authority – LDA), một đơn vị của Cơ Quan Viện Trợ Hoa Kỳ USAID (United States Agency for International Development), do ông Cố Vấn John Lee Hafenrichter đứng đầu,  tổ chức ở Sài Gòn.  Với kiến thức cơ bản về thư viện học này, tôi đã làm khá tốt việc điều hành và phát triển Thư Viện của Trường KMTĐ, đưa đến việc ông Hafenrichter quyết định đề nghị và được sự chấp của USAID để cấp cho tôi một học bổng du học Hoa Kỳ trong hai năm (1971-1973) để lấy bằng MLS.  Theo kế hoạch của USAID, tôi phải rời Việt Nam vào khoảng đầu tháng 8-1971 để dự một Khóa Huấn Luyện Tiền-Đại Học (Pre-University Workshop) trong 3 tuần lễ tại Trung Tâm Đông-Tây (East-West Center) của Đại Học Hawaii, và sau đó mới nhập học Khóa Mùa Thu 1971 (1971 Fall Semester) tại Trường Thư Viện Học của Đại Học Syracuse (School of Library Science, Syracuse University) ở thành phố Syracuse, thuộc tiểu bang New York.  Để có thể thực hiện được việc đi du học Hoa Kỳ này, chuyện đầu tiên là phải cầm cho được trong tay cái Nghị Định cho phép đi du học.   

Nha Du Học của Bộ Giáo Dục

Thời gian này việc đi du học của công chức và sinh viên đều do Nha Du Học thuộc Bộ Giáo Dục quản lý. 

Các chức năng quan trọng của Nha Du Học bao gồm:

  • soạn thảo Nghị Định với tên của người được đi du học
  • đệ trình Nghị Định lên cho Ông Bộ Trưởng Giáo Dục ký tên
  • in Nghị Định ra nhiều bản,
  • phân phối Nghị Định: 5 bản cho đương sự để sử dụng, và rất nhiều bản khác cho các cơ quan liên hệ

Không có bản Nghị Định này trong tay thì tất cả các bước kế tiếp sẽ không thể nào làm được như: lấy Giấy Phép của Tổng Nha Công Vụ (nếu đương sự là công chức), lấy Giấy Phép của Bộ Quốc Phòng (nếu đương sự là giáo chức biệt phái), lấy Giấy Phép của Nha Động Viên (nếu đương sự là sinh viên), lấy Thông Hành (Passport), lấy vé máy bay, đổi tiền ngoại quốc, vv và vv.  Vì vậy, Nha Du Học, cơ quan then chốt nắm giữ cái chìa khóa mở cửa cho người đi du học, đã trở thành một đơn vị của Bộ Giáo Dục nổi tiếng về tham nhũng hối lộ.  Việt Nam là một nước đang trong thời gian chiến tranh, các gia đình có con trai trong tuổi quân dịch phải nhập ngũ rất lo lắng, và tìm đủ mọi cách để giúp cho con mình tránh được cái chuyện bị động viên vào quân đội.  Đối với các gia đình có phương tiện tài chánh dồi dào thì chuyện lo cho con đi du học là biện pháp tối ưu, và, dĩ nhiên, Nha Du Học là chỗ mà họ sẵn sàng “biết điều.”  Những gia đình lo cho con hay các cá nhân tự lo cho mình mà “không biết điều” thì sẽ gặp nhiều khó khăn với Nha Du Học.

Vì cái khuyết điểm “không biết điều” này tôi đã gặp khó khăn với Nha Du Học.  Đến đầu tháng 8-1971, tôi vẫn không nhận được Nghị Định đi du học.  Chuyện này tới tai ông Cố Vấn John Hafenrichter và, dĩ nhiên, ông rất tức giận.  Một buổi sáng ông đi xe với tài xế và một thư ký người Việt đến nhà tôi và mời tôi cùng đi với ông đến Nha Du Học.   Sáng hôm đó, Ông Giám Đốc Nha Du Học đi công tác,không có mặt tại Nha nên chúng tôi chỉ gặp ông Phó Giám Đốc (sau đây xin ghi tắt là PGĐ) trong văn phòng trên lầu.   Ông Hafenrichter bảo người thư ký trình cho ông PGĐ xem sổ công văn của USAID cho thấy hồ sơ đi du học của tôi đã được Nha Du Học nhận từ 2 tháng trước đó, và hỏi ông PGĐ tại sao đến ngày hôm đó USAID vẫn chưa nhận được Nghị Định đi du học của tôi.  Ông PGĐ trả lời là ông không rõ tại sao và mời mọi người cùng ông đi xuống lầu để ông hỏi lại Phòng Công Văn của Nha xem hồ sơ đó ở đâu.  Ông PGĐ ra lệnh cho ông Trưởng Phòng Công Văn (sau đây sẽ ghi tắt là TPCV) phải tìm cho được hồ sơ của tôi, xong rồi ông quay sang ông Cố Vấn Hafenrichter xin lỗi vì có việc cần làm tại văn phòng và đi trở lên lầu.  Lúc ông PGĐ đã đi rồi, tôi nhìn thấy mặt ông Hafenrichter có vẻ không vui nên tôi đề nghị với ông ấy trở về cơ quan, để tôi ở lại một mình để lo cái chuyện này cũng được rồi.  Ông Hafenrichter đồng ý và cùng với nhân viên của ông ra về.  Lúc đó tôi mới quay sang nói với ông TPCV là để tôi phụ một tay với ông để tìm cho nhanh, và ông TPCV đã đồng ý cho phép.  Tôi để ý thấy ông ấy chỉ nhìn các tên họ được đánh máy dán bên ngoài các sơ-mi hồ sơ chớ không bao giờ giở ra xem bên trong.  Tôi thì khác, hồ sơ nào tôi cũng giở ra xem bên trong, và, đúng như tôi đã nghi ngờ, khoảng hơn 10 phút sau đó thì trong một hồ sơ của tên họ một người nào đó tôi đã tìm thấy cái hồ sơ của chính tôi.  Đây đúng là một cách ém hồ sơ, không phải tiêu hủy hồ sơ, nhưng cố tình làm cho hồ sơ bị thất lạc, khó mà tìm cho được.   Hồ sơ của tôi có cả cái Nghị Định đã được đánh máy vào giấy sáp (stencil) xong rồi, sẳn sàng để trình lên cho Bộ.  Tôi đưa cho ông TPCV và nói may quá nó chỉ bị để lộn chỗ thôi.  Ông TPCV cố cười vui tuy có hơi ngượng ngùng và chúc mừng tôi. 

Sau Nha Du Học Mọi Việc Đều Êm Xuôi

            Ông TPCV cầm tờ stencil đưa cho một người tùy phái để mang sang Bộ trình cho Ông Bộ Trưởng ký tên.  Tôi đi theo anh tùy phái sang Bộ vì Nha Du Học nằm ngay bên cạnh Bộ.  Anh tùy phái vào ngay Sở Công Văn của Bộ để vào sổ công văn.  Tôi vừa bước vào Sở Công Văn của Bộ thì gặp ngay ông Chánh Sự Vụ Sở là ông Cao Văn Khánh.  Ông Khánh có 2 đứa con trai học Trường KMTĐ và lại có chân trong Hội Phụ Huynh Học Sinh, thường lên Trường họp nên đã có gặp gỡ và nói chuyện, làm việc với tôi nhiều lần trước đó.   Ông Khánh chào tôi và hỏi ngay tôi có cần ông giúp gì không.  Tôi trình bày câu chuyện cái Nghị Định.  Ông ra lệnh cho nhân viên lập tức ghi Nghị Định vào sổ nhập công văn và sổ xuất công văn ngay, và cho tùy phái mang lên phòng ông Bộ Trưởng liền.  Khi vào Bộ, người tùy phái mang tờ Nghị Định lên lầu trình cho văn phòng ông Bộ Trưởng.  Tôi vào căn phòng đối diện với phòng ông Bộ Trưởng và xin gặp ông Tổng Thanh Tra Bộ Giáo Dục là anh Nguyễn Thái Long, bạn học cùng lớp (và cũng là Trưởng Lớp) và rất thân với tôi ở Trường ĐHSPSG (Xem thêm thông tin ở phần Phụ Đính).  Một người tùy phái ngồi tại một cái bàn nhỏ bên ngoài phòng Tổng Thanh Tra hỏi tôi đã có hẹn trước không.  Tôi trả lời là không và nói với anh ta như sau: “Anh cứ vào trình với Ông Tổng Thanh Tra là có tôi là Giáo Sư Lâm Vĩnh Thế xin gặp có chuyện cần.”  Anh tùy phái đi vào phòng, và chỉ độ hơn một phút sau, Anh Long ra gặp tôi và mời tôi vào phòng nói chuyện.  Tôi nói cho,Anh Long biết vụ cái Nghị Định và Anh Long đi ngay sang phòng ông Bộ Trưởng.  Chừng 5 phút sau, anh Long trở về phòng và cho tôi biết là ông Bộ Trưởng đã đi họp và bà bí thư của Ông Bộ Trưởng đã cho biết chiều về bà sẽ ghé nhà đưa Nghị Định cho ông Bộ Trưởng ký tên.

Sáng hôm sau, độ sau 10 giờ, tôi đến phòng anh Long và Anh Long đưa ngay cho tôi bản Nghị Định đã đánh máy trên giấy stencil mà Ông Bộ Trưởng đã ký tên.  Tôi cám ơn Anh Long và cầm tờ Nghị Định đi sang phòng anh Đỗ Thành Chỉ, một đồng môn ĐHSPSG cùng Ban Sử Địa nhưng ra sau tôi một năm, Khóa 4 (1964), lúc đó đang giữ chức vụ Phó Tổng Thư Ký của Bộ Giáo Dục, để anh Chỉ phó thự vào tờ Nghị Định.  Sau khi rời phòng của anh Chỉ, tôi mang tờ Nghị Định sang Nha Du Học để nhờ in ra nhiều bản để Nha phân phối đi các nơi, phần tôi thì giữ lại 5 bản để sử dụng.

Với bản Nghị Định trong tay, tôi đi ngay sang Tổng Nha Công Vụ ở đầu đường Tự Do.  Vừa bước vào Tổng Nha, rất may mắn, tôi gặp ngay Bác Hai Hòa, một người bạn thân của nhạc phụ tôi.  Bác Hai hỏi tôi đến Tổng Nha có chuyện gì và tôi thưa với Bác Hai ngay về cái Nghị Định đi du học.  Chỉ hơn 15 phút sau, tôi đã cầm được cái Giấy Phép của Tổng Nha Công Vụ.  Sau khi cám ơn Bác Hai Hòa, tôi đến Nha An Ninh Quân Đội ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần Sở Thú, để lấy giới thiệu với Bộ Quốc Phòng.  Tại đây, tôi gặp một vị Đại Úy phụ trách cấp giấy giới thiệu đó.  Nhờ đã có sự gởi gắm trước đó của anh Võ Thành Đức, anh chú bác ruột của bà xã tôi, Thiếu Tá Chánh Sở F22, Khối Cảnh Sát Đặc Biệt, Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, với ông Đại úy, vốn là một sĩ quan đàn em của anh Đức, ông Đại Úy đã cấp ngay giấy giới thiệu cho tôi.  Trước khi tôi rời Nha An Ninh Quân Đội để sang Bộ Quốc Phòng, ông Đại Úy đã chỉ dẫn cho tôi rất cặn kẽ mọi việc phải làm và đồng thời gọi điện thoại sang văn phòng cần liên hệ ở Bộ Quốc Phòng để gởi gắm tôi.  Nhờ vậy tôi cũng đã lấy được Giấy Phép của Bộ Quốc Phòng rất nhanh chóng.

Kế tiếp, tôi đi ngay sang Bộ Ngoại Giao, vào Phòng Thông Hành, trình một bản của Nghị Định và hai tờ Giấy Phép của Tổng Nha Công Vụ và của Bộ Quốc Phòng để xin cấp Thông Hành Công Vụ.  Thật không ngờ Trưởng Phòng Thông Hành lại là chị Trương Hoàng Lem, bạn học cùng Khóa 3 với Chị Hai của tôi tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.  Mười lăm phút sau, tôi đã cầm trong tay Thông Hành Công Vụ của Chính phủ VNCH.  Nội trong buổi chiều hôm đó, chính Chị Hai tôi đã đích thân lái xe đưa tôi đi làm các thủ tục nhỏ còn lại: lấy giấy chích ngừa, lấy vé máy bay, đổi tiền Mỹ, vv.

Thay Lời Kết

Trước năm 1975, tôi chỉ rời Việt Nam đi Hoa Kỳ có một lần duy nhứt đó thôi, và suốt đời này tôi sẽ không bao giờ quên được những sự giúp đỡ quý báu của bao nhiêu người trong việc lấy cho được cái Nghị Định của Bộ Giáo Dục cho phép tôi đi du học đó.     Và, dĩ nhiên, tôi cũng sẽ không bao giờ có thể quên được cái kinh nghiệm không vui tại cái Nha Du Học quỷ quái với nhiều tiếng xấu kia.

GHI CHÚ:

1. Lâm Vĩnh-Thế, Một ngã rẽ bất ngờ và may mắn, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế: Một Ngã Rẽ Bất Ngờ và May Mắn (tuyen-tap-vinh-nhon-lam-vinh-the.blogspot.com)

PHỤ ĐÍNH

Tháng 3-2013, được tin tôi sang California để dự đám tang của Giáo Sư Bùi Trọng Chương, Thầy của tôi hồi tôi học ở Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký, Anh Nguyễn Thái Long đã tổ chức một buổi họp mặt với các bạn cùng khóa, cùng ban, để kỷ niệm 50 năm ngày tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Ban Sử Địa, Khóa 3 (1963). 

Họp mặt Khóa 3 Ban Sử Địa, ĐHSPSG (1963) – Sacramento, Bắc California, Hoa Kỳ, Tháng 3-2013

Từ trái qua là các Giáo sư: Huỳnh Hữu Dụng, Đàm Khắc Hoàn, Huỳnh Tấn Nhàn, Lâm Vĩnh Thế, Nguyễn Hữu Phước (đã mất), Nguyễn Thái Long, Lâm Quang Hồng, và Nguyễn Thái An.