Chủ nghĩa tư bản hoang dã

Kinh Bồng (Trần Công Bình)

Khi đọc Minxin Pei, giáo sư khoa chính trị học ở đại học Claremont McKenna (California-Hoa Kỳ) viết về “Tư bản thân hữu Trung Quốc”, tôi học được một từ mới: đó là từ “chủ nghĩa tư bản hoang dã”.

Câu chuyện lý thú sau đây kể lại công cuộc làm ăn của một công ty vào những năm 1987, lúc mà đất nước mới  mở cửa nhằm để bạn đọc có chiêm nghiệm và hình dung tình hình hoạt động kinh doanh ở Việt nam lúc đó.

Do thường xuyên công tác tại Hà Nội, tôi quen với một anh Giám đốc một công ty Lương Thực ở thị xã  Long Xuyên tỉnh An Giang. Dấu ấn của  khái niệm Giám đốc công ty lúc đó còn rất to tác, uy thế trong mắt nhiều người, kể cả các Ban Ngành Sở hay Vụ ở Bộ. Thế nhưng, do quen thân, tôi biết được công ty của anh là một sáng tạo của Ủy Ban Tỉnh cho phép thành lập một đơn vị kinh doanh, có quyết định của Ủy Ban, có mộc dấu hẵn hoi, nhưng, hoàn toàn không có một đồng vốn cấp phát (!?). Đơn vị phải tự huy động, xoay sở để có vốn hoạt động ban đầu. Anh Giám đốc công ty tên M. , một người cực kỳ linh động, nhạy bén nhưng rất giảo hoạt đã biết xử dụng cái “bùa” hộ mạng là mộc đỏ công ty, dùng  cái tài miệng lưỡi trong giao dịch quan hệ, chuyên “mượn đầu heo nấu cháo” để kinh doanh nghành lương thực. Tứ giác Long Xuyên là  kho thóc của Đồng bằng sông Cửu Long. M mua gạo đem ra Bắc xuất bán cho Trung Quốc. Trước thì còn phải qua trung gian là công ty lương thực miền Bắc, nhưng sau anh ta đã tìm  cách bán thẳng, bán nhiều đến độ chính Bộ Kinh Tế Đối Ngoại phải có chủ trương xuất hàng theo kiểu “tiểu ngạch”.

Doanh số mua bán của công ty M lớn dần, lớn mãi theo thời gian, các tỉnh lân cận Long Xuyên nghe tiếng tăm xuất hàng của M đã lần lượt tìm đến M để xin được …xuất hàng đi Trung Quốc ! Thế là cái “đầu heo” của M bây giờ lên đến hàng triệu triệu cái đầu, đồng vốn cứ lớn mãi bằng cách lấy vốn của các công ty “nhờ xuất hàng”. Một điều lạ lẩm là các công ty “nhờ” xuất hàng đều là công ty quốc doanh vốn Nhà Nước 100%. Đấy là những con bò  sữa cực béo mà M đánh giá là cần vắt để có nguồn vốn cho “công ty không vốn” của mình.  Các vị Giám đốc công ty quốc doanh là các quan chức nhà nước được Ủy ban bổ nhiệm. Các ông không quan tâm đến con bò cung cấp sữa cho ai mà chỉ quan tâm đến cái biệt thự của các ông có to không, tài sản riêng của các ông có phình lên hay không. Chiêu độc của M là dấm dúi  riêng cho giám đốc quốc doanh để mấy ông này cứ rót hàng, ứng vốn vô tội vạ cho công ty của M. Một vài ông lo xa, biết chuẩn bị cuộc “hạ cánh an toàn cho mình khi về hưu” thì đã tìm người kế nhiệm phải chịu lãnh những tồn tại và im lặng, gói ghém những hậu quả ông đã gây ra trong quá trình điều hành công ty. Công thức đó được bày vẻ, bí mật truyền cho nhau giữa các giám đốc quốc doanh hay kể cả những bậc thầy dây mơ rễ má có quan hệ chằng chịt trong hệ thống nhũng lạm nhằm dạy bảo, che đậy, bảo vệ lẫn nhau. Chính vì thế, cái “con bò sữa” ốm, teo dần theo năm tháng, còn cá nhân người đứng đầu con bò cứ mập lên, tài sản tích lũy tăng theo lũy tiến, không cơ mang nào kể siết.

Riêng M lại có hành động rất “ngọt” với địa phương của mình. Anh dùng tiền nhựa hóa các con đường và bê tông hóa các cây cầu trong cái Phường anh ở. Phường của anh được Thị Xã vinh danh là Phường sạch, đẹp điển hình cả Tỉnh. Đó là một điều không thể có được vào những năm 1988, khi mà ngân sách nhà nước chưa có chủ trương cấp vốn cho hạ tầng cơ sở. Người ta không biết số tiền đổ vào công trình này là bao nhiêu bởi mọi sự tính toán, chi tiêu đều chỉ một mình anh biết. Riêng nhà cửa, tài sản của M cũng lớn theo cái doanh số của công ty của anh.

Một điều đặc biệt là M rất miệt mài trong công tác xuất khẩu gạo. Năm này qua tháng nọ, chỉ có Tết là anh về nhà, còn thì anh đóng đô mãi ngoài Hà Nội. Anh ở Bắc đến độ nói tiếng lai giọng, pha đệm âm sắc Hà nội, dù không chuẩn !.

Đến năm thứ ba của công ty đã thấy có dấu hiệu sụt sịt trong việc “mượn vốn”. Công Ty lương thực tỉnh kế bên do thay đổi giám đốc, đã tiến hành đòi nợ của M. Hẹn lần, hẹn lựa, lấy đầu này đắp đầu kia vẫn không dứt điểm dù thời hạn thanh tra của công ty tỉnh bạn đã chấm dứt. Tin đồn lây lan đến mấy công ty khác và con cờ domino bắt đầu sụp. Nhưng chỉ có công ty ở Minh Hải do họp thống nhất nội bộ quyết cử Công An trực tiếp ra Hà Nội bắt M đem về Tỉnh xử, mục đích là làm cho ra lẽ việc tính toán nợ nần dây dưa.

Bấy giờ người ta mới bật ngữa, toàn bộ việc mua bán của M đều chỉ có duy nhất một cuốn sổ tay ghi chép và chỉ mình y giữ. Y còn dõng dạc chỉ số tiền tiêu xài vào việc xây dựng cầu đường của Phường của Y, theo y báo thì cũng tròm trèm bằng số nợ mấy nơi (?!).

Tôi đem câu chuyện này kể cho một anh bạn Việt kiều Mỹ từng cố vấn cho công ty nước ngoài ở Việt nam thì anh lè lưỡi nói rằng chuyện tưởng như đùa !.

Riêng tôi lại cực thấm hai chữ “hoang dã” , chỉ có điều chắc là phải kể thêm nhiều chuyện thì bạn đọc mới hình dung được như người trong cuộc !