Chủ nghĩa “hoàn hảo” của tinh thần người Đức

Đinh Anh Tuấn

Ít ai biết chỉ 2 năm sau khi thống nhất hai miền Đông và Tây (1990) nước Đức đã là quốc gia xuất cảng hàng hóa lớn nhất thế giới mặc dù với dân số chỉ có 80 triệu người.

Thành phố Frankfurt, trung tâm tài chính của cộng đồng Âu Châu

Đứng đầu ngôi vị thế giới về xuất cảng suốt 17 năm đến 2009 Trung Quốc mới qua mặt nước Đức vì rất nhiều sản phẩm của nước này là tài nguyên thiên nhiên, những nguyên liệu sẵn có trong khi hàng xuất cảng của Đức là sản phẩm công nghệ cao cấp như xe hơi, máy móc, dược phẩm …(xếp theo thứ tự giá trị hàng xuất cảng của Đức), tạo dựng bởi kỹ thuật cao và bộ óc thông thái.

Mang chuông đi đấm xứ người !

Hiện tại (2020) nước Đức với dân số 84 triệu có tổng sản lượng GDP (gross domestic product)  xếp hàng thứ 4 thế giới, vẫn tiếp tục là quốc gia có xuất cảng cao cùng nhóm với Trung Quốc và Nhật. Đối với các xứ công nghệ tiên tiến, Đức sản xuất món hàng gì họ cũng có thể cạnh tranh làm ra hàng tương tự nhưng tại sao sản phẩm của Đức thường được đánh giá cao hơn ? phải chăng vì họ không đặt nặng mức độ toàn thiện trong guồng máy sản xuất như Đức ? 

Bravo Perfectionism !

Xét về yếu tố geopolitics trên bản đồ Âu Châu, nước Đức trở thành trái tim của lục địa này với nền kinh tế mạnh nhất. Định nghĩa chính xác về địa lý của nước Đức: nước Đức nằm ở phía đông Tây Âu và phía tây của Đông Âu, trung tâm điểm giữa bắc và nam Âu Châu. Bao quanh bởi 9 quốc gia, ngoại trừ Pháp tương đối là nước ngang hàng với Đức, tất cả còn lại bị thu hút vào vòng xoáy kinh tế của Đức, có nghĩa là “nhận việc” của nước đàn anh !

Nước Đức, trái tim của lục địa Âu Châu

Vào một nhà người Đức chúng ta khó phát hiện một sản phẩm nào mà không phải “Made in Germany“. Thậm chí những thứ tầm thường như đồ ngoáy tai (q-tips), cái viết ….cũng làm ở Đức mặc dù đắt gấp mấy lần đồ làm từ Trung quốc. Khác với chúng ta bên Mỹ, nhà lắm đồ nhưng đa số là “Made in China” !

Khi Trung quốc trở thành cái công xưởng vĩ đại với tài nguyên nhân lực vô giới hạn, tư bản ngoại quốc đổ xô vào đầu tư nên mới có từ “global economy” có nghĩa là sản xuất hàng hóa ở nước ngoài rẻ tiền xong mang về nước mình tiêu thụ có lợi hơn. Nói như thế có thể hiểu Trung quốc sản xuất hàng hóa theo khối lượng và túi tiền đúng nhu cầu của đại đa số người tiêu thụ trên thế giới, từ cấp bình dân trở xuống .  

Nhưng nước Đức thì không như vậy, định hướng sản xuất của Đức có tính cách chọn lọc hơn vì “của tốt tuy tốn tiền nhưng dùng lâu hơn” và dễ phát huy “dân tộc tính” của xứ này. Họ vẫn tiếp tục sản xuất từ cái nhỏ đến cái lớn, từ cái xe đạp cho đến đồ công nghệ trung cấp và cao cấp, mặc dù giá thành của sản phẩm cao hơn, vì đã có sẵn một phần thị trường riêng của họ: đó là những khách hàng thích dùng riêng đồ của Đức vì khó tính; trên thế giới biết bao nhiêu người hân hoan đón nhận hàng hóa “Made in Germany” mà không cần thắc mắc nhiều về giá cả.

Volkswagen beetle

Những người lớn tuổi mấy ai quên được xe hơi Volkswagen beetle (VW con bọ) đã từng vang danh khắp thế giới vì xe vừa rẻ, vừa bền, ít sửa chữa, ít ăn xăng, chạy đường nhựa cũng như đường đất, bắt đầu có mặt từ thập niên 30’s … một thành công vẻ vang của công nghệ Đức .

Chỉ là cái thau nhựa thôi nhưng vì “Made in Germany” nên tuy để ngoài mưa nắng màu sắc vẫn rực rỡ; bộ dao kéo sản xuất ở Đức có thể dùng cả đời chưa chắc bị rỉ sét vì chúng thuộc một đẳng cấp khác; những ai học về Kiến Trúc cũng cần có bộ viết để vẽ “Made in Germany” vì nhu cầu đòi hỏi chuyên nghiệp. Ai có muốn bắt chước cũng hơi khó vì muốn hát giọng giống Thái Thanh đâu có dễ ? Toyota của Nhật cố tạo ra xe Lexus để cạnh tranh với BMW của Đức nhưng cái màu mè hào nhoáng bề ngoài không thể mua được lòng người đặt tự tin vào một sản phẩm đã có truyền thống lâu đời.

Sản phẩm của Đức , từ cái tầm thường cho đến cái phi thường

Người Đức khắc khe trong vấn đề giáo dục. Trong lớp học người thầy giáo tỉ mỉ chấm bài, sửa chữa cho học sinh từng lỗi chấm, phẩy … giúp học sinh tập thói quen làm việc đúng nguyên tắc không phải chỉ trong học vấn mà trong mọi sinh hoạt ngoài đời sau này. Tiếng Đức vốn khó học, không thể xuề xòa đại khái cho qua nên cần nghiêm túc với chính mình.

Người Đức quan trọng chuyện giờ giấc, đi học hay đi làm phải đúng giờ. Khi chuông nhà trường điểm, thầy và trò mang sách vở ra học, cổng trường đóng lại.

Trường trung học có chỗ như thế này !

Tại sao nước Đức dễ trở thành nước độc tài ? xin trả lời: vì kỷ luật là chuyện quan trọng đối với người Đức. Bất kỳ nội qui của trường học hay cơ sở làm việc phải được tôn trọng tuyệt đối. Cha mẹ gửi con vào trường công lập Đức hay hệ thống trường quốc tế Đức ở ngoại quốc phải ký giấy cam đoan con họ không được gian lận trong thi cử, làm bài tập. Nếu vi phạm lần đầu sẽ bị phạt “cấm túc” ngồi trong lớp cả ngày, nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị đuổi ngay và ghi vào sổ đen nhiều trường công khác không nhận, Học trường tư thì tốn tiền và không bằng trường công (như kiểu miền Nam VN ngày xưa) .

Tóm tắt, dân Đức có cái nhìn hướng thượng về chủ thuyết “hoàn hảo” trong cuộc sống của họ. Chẳng thế mà những lúc kinh tế thế giới chao đảo nhưng không gây nhiều tai hại nặng cho kinh tế nước họ. Nước Nhật cũng rất ngưỡng mộ sinh hoạt kiểu Đức, kế tiếp là Nam Hàn và cả hai là bản sao tốt của mô hình nước Đức. Phải chăng vì thế cả hai đều thành công ?

Hệ thống kim tự tháp

Khởi điểm từ cá nhân nghiêm chỉnh đưa đến đơn vị gia cư tốt, hợp đoàn thành một khu vực hay công sở đứng đắn, đi xa hơn sẽ là một thành phố một tiểu bang có qui củ, tận cùng là nước Đức vững như bàn thạch theo đúng hệ thống “kim tự tháp” kẻ dưới nâng đỡ và làm đẹp mặt kẻ trên. Nước Đức đáng được thế giới kính nể, hiên ngang như những con chiến mã trên cổng Brandenburg của thủ đô Berlin .

Chúng ta có thể không ưa người Đức, nhưng chúng ta phải biết nể nang họ !

Brandenburg Gate – Berlin , Germany

Câu chuyện bên lề

Đức thắng Argentina 1-0 trong giải tranh vô địch World Cup 2014 tổ chức ở Ba Tây (Brazil) .

Trong suốt các trận banh đối diện với đối phương, đội bạch y của Đức thi thố tài năng một cách bình thản, không mất tinh thần vì tiếng là hét của khán giả trong vận động trường. Kết quả chung cuộc, Đức vào chung kết và thắng Argentina.

World Cup 2014

Mấy ai biết được 4 năm trước đó người Đức đã sang Brazil để xây một khu resort cho cầu thủ Đức sang luyện tập cho quen với khí hậu nhiệt đới mua hè ở Brazil. Từ bác sĩ, đầu bếp, lao công đều là người Đức … vì thế cầu thủ Đức thong dong và hợp thủy thổ khi ra sân cỏ tranh tài .

*********

Hàng năm tại Mã Lai có tổ chức giải bóng tròn cho các nước vùng Đông Nam Á gọi là giải Merdeka. Đoàn cầu của VNCH đã đoạt chức vô địch năm 1966 sau khi thắng Miến Điện 1-0. Thủ quân của đội banh là hậu vệ Tam Lang (chồng của cải lương chi bảo Bạch Tuyết) .

Mấy ai còn nhớ huấn luyện viên của đội banh là một người Đức !

*********

Đinh anh Tuấn