Chó và Người!

Đoàn Xuân Thu

Nhà văn Hoa Kỳ, John Steinbeck, năm 1937, có viết truyện tựa là: ‘Of Mice and Men’, Chuột và Người. Tui nghi rằng ông thai nghén cuốn tiểu thuyết nầy vào năm Bính Tý, năm con chuột, tới năm Đinh Sửu, 1937, viết mới xong.

cho va nguoi 01Thấy người sang tui hay bằng quàng làm họ. Thấy nhà văn nổi tiếng là tui bắt chước theo hè. Nên năm nay năm Tuất, Mậu Tuất, tui xin viết về ‘Of Dogs and Men’, nghĩa là “Chó và Người” vậy!

Trong 12 con giáp: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Chó đứng gần hạng bét, chỉ trên được con Heo, tức Hợi.
Năm rồi, năm 2017, là năm Đinh Dậu, con gà, thì năm nay, năm 2018 là năm Mậu Tuất năm con chó. Cẩu hay khuyển, tiếng Hán Việt, còn tiếng Nôm là con chó.

Đừng viết về con chó lửa là cây súng lục. Tết mình cử! Vì móc chó lửa là móc súng ra sủa đằng mồm; thì anh em mình dẫu đang ngồi nhậu vui như Tết cũng phải bỏ hết mồi ngon, rượu quý , lồm cồm trốn dưới gầm bàn; rồi chạy mất dép mới mong bảo toàn được tính mạng.

***

Hồi thời tạo thiên lập địa, chó sói sống trong rừng. Thấy con chó nó khôn, siêng năng giỏi dắn nên con người bắt về thuần hóa để làm nô lệ cho mình.

Con người chơi cha con chó không hè! Như bắt chó đi săn, đi chăn cừu, kéo xe trượt tuyết. Bắt chó chạy đua để đánh cá ăn tiền gọi là đua chó. Rồi bắt chó đi kiếm tiền bằng cách dạy chó làm xiếc.

cho va nguoi 02Ở Melbourne có mấy thằng Úc làm biếng, khoái chơi xì ke ma túy hoặc ăn nhậu tối ngày nên cần tiền, bắt chó đi ăn xin.

Ngồi trên hè phố, nằm chày bày, con chó cũng nằm chắp tay lạy ông đi qua lạy bà đi lại; kế bên có cái nón lật ngửa đầy những tiền xu, tiền cắc có cả tờ 5, 10 đô Úc nữa. Thu nhập cũng đủ cho hai thầy trò phè phởn sống! Chó và Người, cuối ngày, cười hề hề lượm tiền của thiên hạ.

Người ta thương tình cho tiền; không phải cho cái thằng làm biếng đó mà cho con chó; vì sợ nó đói.

(Chó Úc dạo nầy than phiền chánh phủ Úc dữ lắm vì vật giá gia tăng, thức ăn đóng hộp dành cho chó đã lên giá tới 10% lận đó.)

Ngoài ra, con người còn huấn luyện chó dẫn đường cho người khiếm thị.

Ngoài đường phố Melbourne, ngựa xe như mắc cửi, mỗi lần lái xe đi làm, thỉnh thoảng tui cũng thấy con chó dẫn đường!

Đèn đỏ chó biết dừng, chờ dấu hiệu đèn xanh dành cho người đi bộ kêu lốc cốc nó mới dẫn ông chủ khiếm thị của nó băng qua lộ. Hay hết biết!

Rồi Cảnh sát cũng huấn luyện chó để lùng sục xì ke ma túy hay để cắn mấy thằng tội phạm hung hãn mà mấy Thầy đội cũng ngán không dám nhào vô; bèn suỵt chó cho vô trước, gọi là Cảnh khuyển.

Quân đội cũng huấn luyện chó đánh hơi tìm bom mìn, lùng sục bọn khủng bố đang trốn dưới hầm gọi là Quân khuyển.

Chính vì vậy mà hồi chiến tranh Việt Nam, VC ghét chó lắm. Vùng xôi đậu, ban ngày quốc gia, ban đêm CS, là chó bị tụi nó bắt mần thịt, rựa mận, chả chìa, dồi chó… ăn nhậu ráo trọi.

***

Nghĩa là ở đâu có người là ở đó có chó! Chó đối xử với con người rất tốt ngay cả hi sinh thân mình biến thành cầy tơ bảy món, a đây rồi; còn con người chỉ biết lợi dụng lòng tốt của chó mà thôi!

Chó tốt nhứt là lòng trung thành. Ai cũng biết!

Chuyện rằng chú chó Hachiko sáng đều ra nhà ga xe lửa Shibuya tiễn ông chủ Eizaburo, một giáo sư Khoa Nông Nghiệp trường Đại học Tokyo đi làm. Hachiko ngồi đợi tới chiều để đón ông chủ về.

Nhưng ngày 21, tháng Năm, năm 1925, ông chủ không về nữa vì bị đột tử trong lúc làm việc do bị một khối u trong não.

Thiệt là: “Hẹn cùng ta: Lũng Tây nham ấy/ Sớm đã trông, nào thấy hơi tăm?

Ngập ngừng, lá rụng cành trâm/ Thôn trưa nghe dậy tiếng cầm lao xao!”

cho va nguoi 03Rồi suốt 10 năm sau đó, Hachiko vẫn tiếp tục đến nhà ga vào buổi sáng đợi cho tới buổi chiều, ngay đúng giờ tàu đi và đến để chờ ông chủ mình về trong vô vọng.

Năm 1934, dân Nhật cho đúc một tượng đồng ngay trước cổng nhà ga khi Hachiko vẫn còn sống. Hachiko tuổi già, sức yếu chết một mình, cô đơn trên đường phố gần nhà ga Shibuya vào ngày mùng 8, tháng Ba, năm 1935.

Đây là một câu chuyện cảm động về một nghĩa khuyển tri tình nhưng tiếc thay sau đó chánh quyền quân phiệt Nhựt lại lợi dụng lòng trung thành tuyệt đối vô điều kiện của con chó Hachiko để kích động lòng yêu nước cực đoan, mù quáng trung thành vô lối với Thiên hoàng nhằm xô đẩy nhiều thế hệ thanh niên Nhựt Bản gia nhập vào quân đội Phù Tang, gây biết bao nhiêu tội lỗi cho dân các nước vùng Đông Nam Á trong đó có nước Việt Nam mình vào Thế chiến thứ Hai.

***

Chó Nhựt trung thành là vậy; chó Tàu Thời Tam Quốc cũng chơi ngon, dám hi sinh thân mình để cứu chủ nữa đó.

cho va nguoi 04Chuyện rằng: Lý Tín Thuần nuôi con chó tên là Hắc Phong. Một hôm, Lý ra ngoài thành nhậu xỉn, loạng choạng về nhà không nỗi, bèn nằm phê ngay dưới bãi cỏ.

Xui cái là quan Thái thú đi săn, đốt cỏ để đuổi thú, khiến quần áo Lý bén lửa cháy.

Hắc Phong đến kéo chủ dậy nhưng chủ không động đậy. Chó bèn đến ngòi nước cách đó 35 bước, dầm mình cho ướt chạy về dập lửa cho chủ.

Cứ như vậy, chó chạy đi chạy lại nhiều lần, cuối cùng  mệt quá, kiệt sức, Hắc Phong nằm thè lưỡi chết ngắc.

Khi Lý tỉnh cơn say, thấy chó chết vì cứu mình thì báo cho quan Thái thú biết. Quan Thái thú phán: “Đúng là sự báo ân của loài chó còn hơn sự báo ân của con người. Con người đôi khi không bằng được con chó?”

Bèn cử hành đám tang cho Hắc Long rất long trọng và tôn làm nghĩa khuyển để răn dạy mấy chú ba Tàu khác đừng có manh tâm phản loạn. Hãy trung thành tuyệt đối với chủ mình, trung thành với chế độ phong kiến, với tầng lớp quan lại như là chó trung thành, xả thân vì chủ vậy!

Mấy ngàn năm sau, bà Tôn Nữ Thị Ninh, từng làm Đại sứ VC tại Liên Âu cũng học theo cái chiêu màu mè, ý đồ thâm độc của quan Thái thú Tàu hồi xưa!

Bà Ninh nầy nghe nói cũng có ăn học tiếng Tây, tiếng U rốp rốp như bẻ mía mà không hiểu về dân chủ, tự do, nhân quyền gì hết ráo mà mở miệng ra là tán láo.

cho va nguoi 05Năm 2004, khi bị báo chí phương Tây chất vấn về tình trạng vi phạm nhân quyền trong nước thì bà Ninh phán một câu xanh dờn là: “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi”.

Ê! Nói nghe kỳ quá he? Chánh quyền là đầy tớ của dân, phục vụ dân, dân làm chủ.

Chánh quyền đâu phải là cha là mẹ dân mà đóng cửa, bộp tai, đá đít nó rồi hàng xóm nhẩy vô can; còn tru tréo là chuyện nội bộ của tụi tui đừng có chỏ mỏ vào sủa nhe! Nghe sao đặng hè?!

Vì cái cặn bã lợi danh mà muối mặt trung thành với bọn CS cầm quyền cho mình ăn nhậu thì cứ làm. Đừng dạy đời những người bất đồng chánh kiến trong nước là: “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo!”.

Dân ngu khu đen, người làm chủ đất nước thấy chánh quyền tức đầy tớ của mình làm không chịu làm; mà chỉ ăn không, thì họ có quyền rầy đấy chớ!

Con chó trung thành với người chủ vì người chủ yêu thương chăm sóc nó.

Đó là một quan hệ hổ tương và rất công bằng!

Còn chánh quyền gì hở ra là bóc lột, áp bức, đàn áp nhân dân mà mở miệng ra là ra rả kêu gọi lòng trung thành làm sao được?

W.R. Koehler, một bậc sư tổ trong nghề dạy chó, đã từng phán rằng:

“Những con chó thông minh ít khi làm vui lòng những ai mà chúng không tôn trọng” “Intelligent dogs rarely want to please people whom they do not respect.”  –

***

Tui thì yêu chó; nhưng em yêu của tui thì ghét chó! Vì nhém chút nữa con chó đã làm tan vỡ tình mộng với anh yêu tức là tui đây nè!

Chẳng qua hồi xưa cách đây hơn gần nửa thế kỷ tui đeo đuổi, trồng cây si ngay lối đi, trước cửa nhà em mỗi chiều, chờ em tan trường về anh theo Ngọ về!

Tía em thấy vậy, nhà đã kín cổng cao tường mà ổng còn hù tui bằng cách treo trước cổng nhà hình con chó Berger, nhe hai hàm răng nhọn lễu với hàng chữ tiếng Anh là: “Beware of the Dog!”

cho va nguoi 06Tui đâu biết tiếng Anh, tui chỉ biết tiếng em; nên một ngày bạo gan chặn em lại giữa đường để cho anh hỏi tận tường: “Beware of the Dog là gì vậy em Hai?”

Thì em cầm cái vạt áo dài đưa lên miệng cắn, e thẹn cắt nghĩa là: “Coi chừng chó dữ:”

Sau đó, em lại cố vấn cho tui là: “Never mind the Dog, beware of the owner!”

Tui không hiểu gì ráo! Về nhà giở từ điển Lê Bá Kông chổng mông ra tra mới hiểu lỏm bỏm là: “Đừng kể số gì tới con chó mà hãy coi chừng chủ của nó!”

Ối tưởng cái gì! Khi yêu, em là sư tử, tui còn chưa sợ huống hồ gì đem con chó ra hù tui chớ?!

Đẹp trai không bằng nói dai mà! Nói hoài cũng lọt lỗ tai. Em đồng ý ưng tui để hai ta vầy duyên can lệ.

Ngày rước dâu tui xin nhà bên vợ cho tui cái bảng: “Beware of the Dog”, “Coi chừng Chó dữ” về treo trước cửa nhà tui.

Em yêu hỏi nhà mình đâu có chó mà anh cần cái bảng nầy? Tui cười he he trả lời rằng: “Treo để hù thằng khác! Nhứt là thằng cha bưu tá phát thư; vì như em thấy đó con chó lúc nào thấy thằng chả là nó ùa ra sủa. Con chó còn hỏng tin thì mình ngu sao mà tin hé?

Đời mà em! Mình có vợ đẹp là đừng tin ai hết. Treo bảng coi chừng chó dữ cho nó chắc ăn.”

Kết luận: Chó và người! Chó luôn bị con người lợi dụng. Thiên hạ lợi dụng chó cho mưu đồ chánh trị xấu xa. Còn tui lợi dụng chó chỉ để bảo vệ tình ta thôi mà!

Happy New Year!

đoàn xuân thu.

melbourne