Chợ Trường-An

Vưu Văn Tâm

ChoTruongAn

Mỗi lần thấy bông ô-môi điểm hồng trong gió chướng
Mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang
Mỗi lần có dịp về Vĩnh-Long, đi ngang Tân-Ngãi, thấy nhà chợ Trường-An
Là mỗi lần tôi nhớ tới đầu năm của mùa xuân binh lửa

Mấy câu nói lối đượm đầy ý, tình của cậu Mười Út Trà Ôn trong vở tuồng “Tuyệt tình ca” mà dân ghiền cải lương, ai nấy nghe qua cũng mê, cũng thích và thuộc lòng từng chữ, từng câu. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, tác giả cũng như những nghệ sĩ hữu danh ngày đó đã lần lượt xa rời cõi tạm và ngôi chợ Trường-An bên bờ sông Cái-Côn đã bao lần đổi thay theo hai mùa mưa nắng.

co giao Lan

Chiếc xe đò lặng lẽ rời khỏi Xa cảng miền Tây lúc trời chưa sáng hẳn và hứa hẹn một chặng đường dài qua phà, kẹt bắc. Lần đó, tôi vể Rạch-Giá để tìm đường đi vượt biển. Đến Bắc Mỹ Thuận, rồi xuống phà qua bắc, chiếc xe cũ kỹ lại tiếp tục lao mình về phía trước. Xe đi ngang tỉnh Vĩnh-Long, bầu trời đã ngã bóng hoàng hôn. Còn đang lim dim mệt mỏi với bao nỗi sợ lo, tôi tỉnh hẳn khi xe lướt qua cái cái bảng nhỏ đã phai màu, trên đó ghi mấy chữ “chợ Trường-An”. Đây là ngôi chợ làng quê nhỏ xíu nằm dọc theo con đường quốc lộ liên tỉnh. Chợ đã tan và bỏ lại nơi đó cái không gian lặng lẽ không một bóng người. Ngoáy lại nhìn, tôi chỉ kịp thấy ánh nắng chiều leo lét còn vương vãi trên nóc chợ. Chiều rơi mênh mang trên vùng đất hiền hòa, êm ả. Một ngày nữa sắp sửa đi qua.

Trong dòng chảy cuộc sống, có nhiều danh nhân, điển tích đã được ghi vào văn học và sử thi. Chợ Trường-An thuộc xã Tân-Ngãi, tỉnh Vĩnh-Long được soạn giả Hoa Phượng đưa vào một vở tuồng cải lương và lạ thay, nó sống mãi trong lòng người mộ điệu cho đến bây giờ. Chỉ cần nhắc đến cái tựa, người ta có thể kể lại rành mạch từng chi tiết của câu chuyện tình buồn thương giữa thời buổi nhiễu nhương, ly loạn. Họ nhớ đến ông cò quận 9, người đối diện lương tâm, và bùi ngùi thương cảm cho cô giáo Lan với kiếp chồng chung thiệt thòi giữa cái xã hội lễ giáo nhưng chinh chiến nhập nhằng. Chiến tranh là nguyên nhân của những đổ vỡ, mất mát và cái hệ luỵ đó hình như chưa bao giờ chấm dứt trên cái xứ sở đau thương này.

Bong nguoi thuong 0439 năm trôi đi lặng lẽ, tôi chưa có dịp đi ngang chợ Trường-An lần nữa nhưng mỗi lần nghe lại vở tuồng này, vùng ký ức năm xưa chừng như sống lại mãnh liệt hơn bao giờ hết. Hôm nay, tình cờ thấy được bức ảnh chợ Trường-An trên mạng Internet, lòng tôi sắt se nhớ những ngày đi vượt biển không thành.

Ái nữ của soạn giả Hoa Phượng đang cố gắng ghép lại những mảnh vỡ của bức tranh năm xưa để phác thảo chân dung “cậu bé Thoại-Sơn” ngày ấy với những bước chân dung rủi trên đường đời cũng như “liên danh Hà Triều & Hoa Phượng” một thời nức tiếng ở các sân khấu ca kịch miền Nam tự do. Riêng tôi vẫn nhớ hoài cái văn phong tuyệt vời và ngôn ngữ đầy ắp kinh nghiệm sống của soạn giả tài danh Hoa Phượng.

Mùa xuân năm đó đã cuốn trôi tan tác những mộng mơ ngày mới lớn. Sách báo của chế độ trước bị tịch thu và đốt sạch. Họ muốn xóa đi cái chính thể cộng hòa để thay vào một chế độ phi nhân và tàn ác. 45 năm cái xấu, cái ác đã lên ngôi và cái Sài-Gòn mỹ miều đã trôi xa vào dĩ vãng.

Ở một nơi xa không phải là quê nhà, và cũng không là chốn cũ nhưng cái tâm tình năm xưa dường như vẫn chưa phai nhạt cho dù cuộc sống đã bộn bề thay đổi. Ngôn ngữ xứ người chưa kịp thông thạo mà chữ quốc ngữ đã dần dà mai một. Nếu có được một điều ước, tôi chỉ mong sao cho quê hương mình sớm được tự do, thanh bình và người dân được no cơm, ấm áo. Ngày đó chắc còn xa xôi lắm.

06.02.2020