Cho Lần Cuối

Vưu Văn Tâm

Sinh và Ánh là một trong những đôi tình nhân đẹp nhất trường trung học. Sinh học giỏi, con nhà khá giả và có ngón đàn guitar tuyệt vời. Ánh xinh đẹp, duyên dáng, thích làm thơ và sở hữu một giọng hát thật truyền cảm. Đôi “thanh mai, trúc mã” là đề tài bàn tán xôn xao cho bạn bè cùng trang lứa, vì quý mến cũng có và tị hiềm cũng không hề thiếu. Trong chương trình văn nghệ “cây mùa xuân”, Ánh và Sinh đã góp tiếng hát ca ngợi tình yêu thật đẹp, thật thắm thiết như mối tình học trò của họ :

Bàn tay năm ngón suông đem vào nhau, hẹn sau

Bàn tay năm ngón suông đem vào nhau, mộng mau (*)

Chưa hết niên học cuối, Sinh phải âm thầm từ giã mái trường, chia tay người yêu để xuống tàu đi vượt biển. Bao nhiêu kỷ niệm ngày thơ đành vỡ tan theo muôn trùng sóng nước.

Đến nơi định cư, Sinh cũng như bao nhiêu đồng hương khác, bắt đầu từ con số không, học ngôn ngữ mới và lo toan cho một tương lai còn đang mịt mù trước mặt. Sinh đã gửi bao lá thư về cho người thương nhưng vẫn biệt vô âm tín. Hồi âm chỉ là sự đợi chờ trong tuyệt vọng của Sinh và những cánh thư hờ hững bị trả về vì không tìm ra được người nhận. Dọ hỏi bạn bè còn ở lại, không một ai biết được tin tức của Ánh. Cuộc sống bộn bề trên xứ lạ đã cuốn Sinh theo “cơm áo, gạo tiền” và ít có thời gian nghĩ đến chuyện ngày xưa.

Ánh cùng gia đình vượt biên nhưng không thành. Nhà cửa bị tịch thu. Cả nhà bị đày lên vùng kinh tế mới để khai khẩn đất hoang. Nhiều năm sau đó, Ánh cũng được định cư ở Hoa Kỳ theo diện gia đình cựu quân nhân.

Tình cờ qua tin tức của một người thân, Ánh đã tìm ra tung tích của Sinh sau nhiều năm cách biệt. Một lần có dịp đến tiểu bang đó, Ánh đã quyết định tìm gặp lại người xưa.

Mấy mươi năm vật đổi sao dời, Sinh giờ đây đã có một gia đình êm ấm. Vợ chàng giỏi giang, con cái đề huề, tưởng không còn hạnh phúc nào hơn. Nơi cư ngụ của Sinh là căn biệt thự sang trọng ở một thành phố ven biển nổi tiếng. Gặp lại nhau trong một hoàn cảnh quá ngỡ ngàng, Sinh không nhận ra Ánh, hoa khôi năm nào của ngôi trường trung học. Mối tình đầu đời của chàng đã bay theo những cánh thư xưa lơ xưa lắc không người nhận, không tin tức hồi âm. Giờ đây trước mặt chàng là một thiếu phụ nửa chừng xuân, với đôi mắt thật đẹp nhưng chất chứa một nỗi sầu khó nguôi. Ánh đã ly dị với chồng vì không chịu được sự hờn ghen và những trận đòn thừa sống, thiếu chết. Một mình nuôi con tận một tiểu bang xa xôi bên miền đông nước Mỹ nhưng Ánh vẫn còn lưu luyến trong tim mối tình thời trẻ dại.

Nghĩa cũ tình xưa, tình cũ không rủ cũng tới, cái gì đến cũng phải đến. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đã khoét một vết thương vào trái tim người vợ thủy chung. Đứa trẻ ra đời có gương mặt khôi ngô và giống hệt Sinh ngày còn đi học. Vợ của Sinh là người phụ nữ hiểu biết và rộng lượng. Nàng đã thông cảm cho người bạn thuyền quyên cũng như mối tình không đoạn kết của tuổi học trò một thuở.

Gặp lại nhau trong hoàn cảnh quá ngỡ ngàng, Ánh không vì muốn chiếm hữu một thân cây mà phải phá nát khu rừng đang xanh tốt. Ánh bùi ngùi ra đi với đứa con trên tay là kỷ niệm của một mối tình vượt thời gian và vượt cả một đại dương. Nàng phải về lại với mấy đứa nhỏ còn bên bờ Đông, trở về với bổn phận người mẹ đơn thân vì mấy đứa trẻ rất cần tình thương của mẹ. Cuối mùa hạ, lá trên cành đã bắt đầu rơi nhiều dù cây biếc, cành xanh. Gió heo may trở mùa mang theo hơi lạnh, Ánh nghe trong lòng vấn vương một nỗi sầu thiên cổ :

Giờ này còn nhìn nhau, nhìn đắm đuối như suối bền

Nhìn suốt kiếp như chết mòn, nhìn hấp hối thương đau

Ngày mai ta không còn thấy nhau (*)

Ánh tuyệt vọng nhủ thầm, phải chi ngày xưa mình hát với nhau những khúc ca đoàn viên thì giờ đâu nên nỗi, anh và em quyến luyến làm chi cái điệp khúc buồn bã để ngày nay phải nói với nhau lời chia tay lần cuối. Vĩnh biệt anh, vĩnh biệt mối tình đầu của một thời hoa mộng cũ !

05.07.2020

(*) Cho lần cuối, Lê Uyên Phương