Chó Dingo trên Lục Địa Úc Châu
Tiền Lạc Quan
(Nguồn: Đại học Khoa Học Sài gòn – Xuân Mậu Tuất 2018)
Chó Dingo Canis lupus dingo
Chó Dingo là một loài chó sống hoang dã trên Lục Địa Úc Châu, nhưng chó Dingo không phải là loài thú có tự nhiên (native fauna) của Lục Địa này.
Tên tiếng Anh thông thường là Dingo, Wild Dog, Warrigal, hay có khi chỉ gọi đơn giản là Dog.
Nhiều di tích những bộ xương chó chứng tỏ loài chó Dingo đã được du nhập vào Lục Địa Úc Châu khoảng từ 3.500 dến 5.000 năm nay, có lẽ theo những thương thuyền đến từ Châu Á. Một bộ xương đã hóa thạch của chó Dingo hầu như còn nguyên vẹn có niên đại 3.000 năm. Nhưng lại cũng có nhiều xương hóa thạch được định tuổi một cách chính xác là 8.000 năm.
Nhiều tài liệu khác cho rằng chó Dingo đã có mặt trên Lục Địa Úc Châu từ khoảng vài chục nghìn năm trước. Rất nhiều hình vẽ chó Dingo trên vách đá (Rock Art) và trong những hang động của người thổ dân Úc (Aborigines) đã chứng tỏ điều này.
– Thí dụ hình vẽ chó Dingo trên vách đá ở Bán Đảo Burrup (Burrup Peninsula) có niên đại khoảng 10.000 năm về trước. Burrup Peninsula, còn có tên là Murujuga, thuộc vùng Pilbara, Tiểu Bang Tây Úc, là một vùng có tầm quan trọng đặc biệt về mặt Môi Trường Học và Khảo Cổ Học vì trong vùng này có khoảng hơn một triệu hình vẽ khắc trên vách đá (Petroglyph), một di sản văn hóa khổng lồ, có thể nói lớn nhất và quan trọng nhất thế giới, có niên đại khoảng 10.000 năm về trước, tức vào khoảng Kỷ Băng Hà cuối cùng (Last Ice Age). Do đó có nhiều giả thuyết cho rằng chó Dingo từ Châu Á (Nam Dương) đã băng qua khối đất liên lục địa (land bridges) và những vùng biển cạn để đến Lục Địa Úc Châu vào thời kỳ này.
Hình vẽ chó Dingo trên vách đá ở Quinkan, có niên đại khoảng từ 15.000 đến 30.000 năm
Hình trên vách đá ở Quinkan, vẽ chó Dingo cùng với một người đàn ông và một người đàn bà, có niên đại khoảng từ 15.000 đến 30.000 năm. (Hình này cho thấy chó Dingo đã từng sinh sống với người)
– Vùng Quinkan nằm giữa dãy núi Great Dividing Range (chạy dài hơn 3.500 cây số dọc bờ biển phía Đông Lục Địa Úc Châu) và Laura, một thị trấn nhỏ phía Bắc Tiểu Bang Queensland, cũng là một địa điểm văn hóa được bảo tồn do có nhiều hình vẽ trên vách đá có niên đại khoảng từ 15.000 đến 30.000 năm, đã được UNESCO đưa vào danh sách 10 địa điểm nổi tiếng về Rock Art hàng đầu trên thế giới.
Chó Dingo đã có nhiều ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa và đời sống của thổ dân Úc.
Thổ dân Úc có nhiều truyền thuyết, truyện thần thoại, chuyện cổ tích, v.v… về chó Dingo. Các bộ lạc Pitjantjatjara and Yankuntjatjara thuộc Bộ Tộc Mala (Linh thú biểu trưng cho bộ tộc là Hare Wallaby, hình dạng như thỏ và kangaroo), tin rằng Hung Thần Dingo (Devil Dingo) vẫn ngự trên đỉnh Hòn Đá Đỏ Uluru (Ayers Rocks), một địa điểm thiêng liêng và cũng là một địa điểm du lịch nổi tiếng nằm giữa Lục Địa Úc Châu, gần Thành phố Alice Springs thuộc Lãnh Thổ Bắc Úc). Có nhiều chuyện thần thoại và truyền thuyết về Hung Thần Devil Dingo này đã được kể lại từ nhiều thế hệ thổ dân, như Truyện Thần Thoại về Ayers Rocks (Uluru).
Dingo speared for food at Burrup Peninsula rock art
[Photo provided by Robin Chapple, MLA, Western Australia]
Hình vẽ chó Dingo bị đâm bằng mũi giáo để lấy thịt trên vách đá ở Burrup Peninsula, có niên đại khoảng 10.000 năm, cho thấy chó Dingo là một nguồn thực phẩm quan trọng.
Hình do ông Robin Chapple cung cấp cho Hội Bảo Tồn Chó Dingo ở Úc (Australian Dingo Conservation Association Inc)
http://www.dingoconservation.org.au/aboriginal.html
Hình tượng chó Dingo cũng được tìm thấy trên nhiều vật biểu tượng cho các bộ lạc (Totem) và nhiều vật dụng khác, nhất là những sản phảm nghệ thuật.
Hình vẽ một con chó Dingo bị đâm bởi một mũi giáo cho thấy người thổ dân đã săn bắt chó Dingo, như vậy loài chó này cũng là một trong những nguồn thực phẩm quan trọng. Nghi thức trong nhiều Lễ Hội của thổ dân Úc, bao gồm những điệu nhảy múa diễn tả việc săn bắt chó Dingo, trong khi nhảy múa các vũ công phát ra những tiếng hú bắt chước theo tiếng hú của chó Dingo.
Mô tả – Một số đặc tính Động Vật Học
Hình dáng
Hình dáng chó Dingo tương tự như chó sói, nhưng kích thước nhỏ hơn, chân dài hơn, mõm cũng dài hơn, hai vành tai nhọn.
So với chó nhà mõm chó Dingo hẹp hơn, túi bao thính giác to hơn (auditory bullae), răng nanh (canine) to hơn nhưng thon hơn, răng nhai thịt (carnassial teeth) cũng dài hơn.
Đối chiếu với những di tích hóa thạch, những đặc tính của chó Dingo ngày nay không khác biệt mấy với những đặc tính vào khoảng 3.500 năm về trước.
Màu lông
Màu lông tiêu biểu là màu hơi hung hung đỏ (ruddy yellow) với những đốm trắng, đôi khi có màu nâu nhạt (colour tan) hoặc màu đen, nhưng rất hiếm khi thấy chó có màu lông trắng hoàn toàn.
Kích thước
Thân mình (không kể chiều dài đuôi)
Chó đực: 860 – 980 mm
Chó cái: 880 – 890 mm
Chiều dài đuôi
Chó đực: 290 – 380 mm
Chó cái: 290 – 380 mm
Chiều cao (đo từ mặt đất cho tới vai): 520 – 600 mm
Trọng lượng
Chó đực: 11,8 – 19,4 Kg
Chó cái: 9,6 – 16.0 Kg
Tuổi thọ của Chó Dingo khoảng 10 năm, nhưng một số chó đã được nuôi có thể sống lâu hơn, từ 13 đến18 năm.
Chó Dingo và chó nhà khác nhau thế nào?
Tuy cùng Họ Chó (Canidae) và cùng một Chi (Giống, Genus) Canis, chó Dingo có một số đặc tính Sinh Học khác chó nhà.
– Mõm chó Dingo dài và hẹp hơn mõm chó nhà
– Túi bao thính giác (auditory bullae) chó Dingo to hơn
– Răng nanh (canine) to hơn nhưng hình dáng thon hơn
– Răng nhai thịt (carnassial teeth) dài hơn
– Sinh sản: Chó Dingo mỗi năm chỉ sinh sản một lứa, trong khi chó nhà có thể sinh hai lứa.
– Chó Dingo không sủa như chó nhà mà chỉ hú hay tru hoặc phát ra những tiếng kêu “ẳng ẳng” …
Phân Loại Học
Lớp (Class): Mammalia – Lớp Hữu Nhũ
Bộ (Order): Carnivora – Loài thú ăn thịt
Phân Bộ
(Bộ phụ – Suborder): Caniformia hay Canoidea
Nghĩa đen: “thú ăn thịt có hình dạng giống chó” (“dog-like carnivore”)
Họ (Family): Canidae – Họ Chó
Chi (Genus): Canis
Loài (species): Canis lupus
Phân Loài (sub-species): Canis lupus dingo
Tên khoa học đồng nghĩa:
Chó Dingo sống hoang dã trên Lục Địa Úc Châu có khá nhiều tên khoa học đồng nghĩa:
Canis antarticus (Kerr, 1792)
C. australiae (Gray, 1826)
C. dingo (Blumenbach, 1958)
C. dingoides (Matschie, 1915)
C. familiaris australasiae (Desmarest, 1820)
C. familiaris dingo (Blumenbach, 1780)
C. familiaris novaehollandiae (Voigt, 1831)
C. hallstromi (Troughton, 1957)
C. harappensis (Prashad, 1936)
C. lupus dingo Meyer, 1793
C. macdonnellensis (Matschie, 1915)
C. papuensis (Ramsay, 1879)
C. tenggerana (Kohlbrugge, 1896)
Tuy nhiên, hiện nay các nhà Động Vật Học có khuynh huớng dùng danh pháp ba phần, do Meyer đặt từ năm 1793.
Gần đây, năm 2014, những nghiên cứu về Động Vật Học và Di Truyền Học đã tìm thấy và đã tuyên bố rằng chó Dingo là một loài (species) riêng biệt, do đó có đề nghị dùng danh pháp hai phần cho tên khoa học của chó Dingo là Canis dingo (Theo Jacqueline Outred, tháng Tư năm 2014, “Dingo declared a separate species” http://www.australiangeographic.com.au/topics/wildlife/2014/04/dingo-declared-a-separate-species).
Tên khoa học Canis lupus dingo ám chỉ rằng chó Dingo có liên hệ gần gũi với chó sói (lupus), còn Canis familiaris dingo ám chỉ chó Dingo liên hệ gần gũi hơn với chó nhà (familiaris).
Nguồn gốc:
Nhiều tài liệu cho rằng chó Dingo thuộc dòng dõi loài chó sói Châu Á (Asian wolf), có bà con họ hàng với các loài chó nhà và sói đồng cỏ ở Bắc Mỹ (Coyote, American jackal, tên khoa học: Canis latran).
Phân bố
Ngoại trừ Đảo Tasmania (Tiểu Bang Hải Đảo Tasmania), cách Đại Lục Úc khoảng 240 cây số về phía Nam, chó Dingo được phân bố khắp nơi trên Lục Địa. Do đó chó Dingo sinh sống ở nhiều môi trường sống khác nhau, từ vùng sa mạc khô cằn, những đồng cỏ, rừng thưa, cho đến những khu rừng mưa nhiệt đới. Hình dạng và kích thước cũng thay đổi tùy theo môi trường sống.
Chó Dingo chiếm lĩnh một vùng đất và ít khi rời bỏ khu vực nó sinh sống.
Săn mồi
Cũng như chó và những thú ăn thịt thuộc Họ Canidae, chó Dingo săn mồi theo kiểu cơ hội (opportunistic hunter). Có thể săn mồi đơn độc, hoặc nếu có con mồi to lớn hơn, hai hay nhiều con Dingo có thể hợp tác để săn.
Con mồi thường là thỏ rừng, các loài gậm nhấm, các loài chim (ngay cả đà điểu!), kangaroo và nhiều thú có túi khác, cùng những loài bò sát, v.v… Dingo còn có thể ăn các loại trái và lá cây. Ngoài ra Dingo còn tấn công các thú nuôi ở những trang trại, nhất là cừu và bê.
Rất ít trường hợp Dingo tấn công người, nhưng sự việc này cũng đã xảy ra, nhất là đối với trẻ nhỏ.
“Vạn lý trường … rào” ngăn chận chó Dingo
Trong 200 năm qua, ngoài những động vật hoang dã, con mồi chính của chó Dingo là cừu. Một nông trại nuôi cừu ở Nam Úc đã bị mất mát hơn 11.000 con cừu mỗi năm do chó Dingo tấn công.
Nhằm bảo vệ những trang trại chăn nuôi cừu và các gia súc trong khu vực phía Nam Tiểu Bang Queensland, “Hàng Rào Vạn Lý” (Dingo Barrier Fence, Dingo Fence, Dog-proff Fence) đã được xây dựng từ năm 1930 và hiện nay vẫn còn được bảo quản, trùng tu và nâng cấp.


Nếu Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc là một trong bảy Kỳ Quan của thế giới mới thì “Vạn Lý Trường … Rào” ở Lục Địa Úc Châu, một hàng rào dài nhất thế giới, cũng là một kỳ quan do con người tạo dựng.
Theo bài viết “Travelling the Australian Dog Fence” của Thomas O’Neil đăng trong Tạp Chí National Geographic, Bộ 191, số 4, tháng Tư năm 1997, cái “Hàng Rào vạn lý” này dài hơn cả Vạn Lý Trường Thành đến hàng ngàn dặm! Cho đến năm 1980, chiều dài Hàng Rào được ước lượng khoảng 8.614 km (5,352 mi). Tuy nhiên, sau này chiều dài Hàng Rào đã được thu ngắn lại còn 5.614 km (3,488 mi) và chiều dài Vạn Lý Trường Thành ngày nay cũng đã được cập nhật hóa là 8.851 km (5,500 miles).
Khởi đầu từ hai Thị Trấn Jimbour và Dalby thuộc nông trại Darling Down vùng Surfers Paradise bên bờ Thái Bình Dương, cách Thủ Phủ Brisbane khoảng 236 cây số (147 miles) về phía Tây, hàng rào chạy ngoằn ngoèo về hướng Tây, rồi quẹo xuống hướng Nam đến biên giới Tiểu Bang New South Wales, lại quẹo theo hướng Tây chạy dọc theo ranh giới Tiểu Bang Queensland và New South Wales, tiến thẳng vào Sa Mạc Strzelecki, ngang qua Cameron Corner là nơi giáp giới của 3 Tiểu Bang Queensland, New South Wales và Nam Úc, rồi tiếp tục chạy xuống hướng Nam dọc ranh giới Tiểu Bang New South Wales và Nam Úc, và cuối cùng dừng lại tại những vách đá cheo leo của một bờ biển thuộc Nullarbor Plain gần Thị Trấn Nundroo, một thị trấn nhỏ cách Thủ Phủ Adelaide khoảng 1.000 cây số về phía Tây, trên bán đảo Eyre Peninsula nhìn ra Vịnh Great Australian Bight (Vịnh Đại Úc) thuộc Tiểu Bang Nam Úc.
Hàng Rào chạy qua Thị Trấn Coober Pedy thuộc Tiểu Bang Nam Úc, là khu hầm mỏ khai thác ngọc opal. Đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng. Du khách đến đây để tận mắt ngắm nhìn một đoạn Hàng Rào vĩ đại, được chạm tay vào Hàng Rào và chụp hình lưu niệm, … Có người còn bắt chước chó Dingo thử trèo qua Hàng Rào xem sao.
Hàng Rào phân chia phía Nam Lục Địa Úc Châu thành hai khu vực:
– “bên ngoài” Hàng Rào, phía Bắc, là những vùng sa mạc mênh mông của Lục Địa Úc Châu, những vùng đất hoang vu, trơ trụi, không dân cư, khô cằn sỏi đá, …
– “bên trong” Hàng Rào, khu vực phía Đông Nam Lục Địa đất đai tương đối mầu mỡ, dân cư đông đúc. Khu vực “bên trong” Hàng Rào bao gồm những đô thị, thành phố, thị trấn, những nông trại trù phú, những đồng cỏ xanh tươi bát ngát, nơi có những đàn cừu béo tốt …
Khu vực “bên trong” Hàng Rào, chó Dingo chính thức bị coi là loài dịch hại, bị bắn giết, gài bẫy hoặc bị bỏ thuốc độc và bị tiêu diệt một cách không thương tiếc!
Xác chó Dingo bị giết chết bị treo dọc theo hàng rào như những “chiến tích” trong cuộc chiến chống chó Dingo. Chó Dingo là loài chó hoang dã giết hại các đàn cừu một cách hung hãn tham lam. “Chó Dingo và cừu không thể cùng tồn tại” (“Sheep and dingoes do not mix!”). “Vạn Lý Trường … Rào” mang thông điệp này trên từng cây số.
Năm 2009, Hàng Rào ngăn chận chó Dingo được công nhận là một trong những biểu tượng “Q150” của Tiểu Bang Queensland với danh hiệu là “Sự đổi mới và sáng tạo” (an iconic “innovation and invention”).
“Cuộc chiến chống lại chó Dingo” được bắt đầu ngay từ khi những chuyến tàu di dân đầu tiên có chở theo những đàn cừu Merino Sheep cặp vào bờ biển phía Nam Lục Địa Úc Châu vào năm 1788.
“Australia was built on the Sheep’s back” and “on the inside of a fence!” – “Nước Úc được xây dựng trên lưng cừu” và “bên trong cái Hàng Rào!” Thật vậy, đàn cừu của Úc đứng hàng thứ nhì trên thế giới về số lượng: khoảng 123 triệu con cừu, chỉ sau Trung Quốc. Trị giá của riêng một công ty xuất cảng lông cừu khoảng 4 tỷ Úc kim. Sự sống còn của công nghiệp nuôi cừu lệ thuộc vào cái Hàng Rào dài vạn lý này, nếu không có “Vạn Lý Trường … Rào” thì có lẽ nước Úc đã không thể giàu mạnh được như ngày nay!
Ảnh hưởng của chó Dingo đối với sự cân bằng sinh thái
- Ảnh hưởng của Hàng Rào Ngăn Chận Chó Dingo đối với các quần thể động vật
Người ta ghi nhận rằng ở những khu vực “phía ngoài Hàng Rào”, tức phía Tây Bắc, nơi có chó Dingo, số lượng kangaroo, đà điểu (emu), cùng nhiều loài thú ăn cỏ khác ít hơn nhiều so với số lượng các loài thú này “phía bên trong Hàng Rào”. Như vậy, chó Dingo đã săn bắt những loài thú này, đóng góp vào việc kiểm soát và cân bằng sinh thái các quần thể đọng vật.
Chó Dingo cạnh tranh sinh tồn với những loài thú có túi ăn thịt (carnivourous marsupial) có tự nhiên trên Lục Địa Úc Châu như Tasmanian Devil và Tasmanian Wolf (Chó sói Tasmania, hay còn gọi là hổ Tasmania, chó sói túi, tên khoa học Thylacinus cynocephalus) hiện nay đã bị tuyệt chủng).
Có thể nuôi chó Dingo làm “pet” như nuôi những giống chó nhà dược không?
Chó Dingo có thể được nuôi làm “pet” từ khi còn nhỏ như nhiều giống chó nhà khác. Nhiều tài liệu ghi nhận thổ dân Úc đã nuôi chó Dingo. Đem chó Dingo về nuôi và cần phải ra sức huấn luyện để thuần hóa chúng từ khi chúng còn nhỏ dưới 6 tuần tuổi. Tuy nhiên khi trưởng thành, chó Dingo có thể trở về đời sống hoang dã (Theo Flood, Josephine ,1983. Archaeology of the Dreamtime. Collins).
Mặc dù ít có người nuôi chó Dingo, nhưng nói chung ở Úc, việc bắt một loài thú hoang dã về nuôi là bất hợp pháp, do đó cần phải xin giấy phép để được nuôi Dingo.
Theo Trang mạng của Australian Dingo Foundation “Dingo Discovery – Sanctuary & Research Centre (http://www.dingofoundation.org/owning.php) và theo bài viết “Is It Legal To Own A Dingo In Australia?” của Chris Jager trong Trang “Life Hacker”, tháng 5/2017 (https://www.lifehacker.com.au/2017/05/is-it-legal-to-own-a-dingo-in-australia/), tùy mỗi Tiểu Bang và Lãnh Thổ mà có những quy định khác nhau về việc nuôi chó Dingo.
– Ở các Tiểu Bang Queensland, Nam Úc và Tasmania, việc sở hữu riêng chó Dingo bị ngăn cấm hoàn toàn.
– Ở các Tiểu Bang Victoria và Tây Úc, cũng như ở các Lãnh Thổ ACT và Bắc Úc, muốn nuôi chó Dingo cần phải xin giấy phép, theo đó có những quy định chặc chẽ về khu nuôi Dingo như chuồng phải rộng tối thiểu 30 thước vuông, phải có những phương tiện ngăn ngừa chó Dingo vượt thoát, như hàng rào cao tối thiểu là 3 thước, v.v…
– Chỉ riêng Tiểu Bang New South Wales là nuôi chó Dingo không cần phải xin giấy phép. Ở Tiểu Bang này, những quy định về việc nuôi chó Dingo và nuôi những giống chó nhà như nhau, với điều kiện là không được bắt chó Dingo đang sống hoang dã trong rừng về nuôi.
Việc bảo tồn chó Dingo thuần giống
Hiện nay có nguy cơ chó Dingo lai giống với nhiều giống chó nhà khác, do việc chó nhà thất lạc ra rừng càng ngày càng nhiều. Do vậy những thế hệ chó Dingo càng vế sau càng không thuần chủng nữa.
Những Khu Bảo Tồn (Sanctuary) dành cho chó Dingo cùng nhiều Hội như Hội như Australian Dingo Foundation, Australian Dingo Conservation Association, … đã được thành lập có mục đích bảo tồn giống chó Dingo thuần chủng.
Một số tài liệu tham khảo
O’Neil, Thomas. 1997. “Travelling the Australian Dog Fence”.
Tạp Chí National Geographic, Bộ 191, số 4, tháng Tư năm 1997 (Trang 19-37)
Strahan, Ronald (Ed.) 1983. The Australian Museum Complete Book of Australian
Mammals – T he National Photographic Index of Australian Wildlife.
Angus & Robertson Publishers (Trang 483)
Websites:
Dingo
https://en.wikipedia.org/wiki/Dingo
https://en.wikipedia.org/wiki/Dingo_(taxon)
http://www.australiangeographic.com.au/topics/wildlife/2014/04/dingo-declared-a-separate-species
Australian Dingo Conservation Association Inc.
http://www.dingoconservation.org.au/aboriginal.html
Australian Dingo Foundation “Dingo Discovery – Sanctuary & Research Centre
http://www.dingofoundation.org
http://www.dingofoundation.org/owning.php
https://en.wikipedia.org/wiki/Wallace_Line