Chim Phượng Hoàng gãy cánh

Vưu Văn Tâm

Đầu thập niên 70 phong trào Việt hóa âm nhạc Âu Mỹ ở Sài-Gòn phát triển cực thịnh và lan tràn đến những đô thị lớn phía dưới vĩ tuyến 17. Vì muốn “phá cách” và ước mong nền nhạc trẻ Việt-Nam có dịp được lên ngôi, hai nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà, hai con chim đầu đàn và cũng là linh hồn của ban nhạc, đã sáng tác những ca khúc trẻ trung, phù hợp với tuổi trẻ Việt-Nam cũng như hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ. Ban nhạc Phượng Hoàng được thành lập để giới thiệu đến khán thính giả những sáng tác mới, không mang âm sắc vong bản mà đậm đà hương vị xứ mình, “made in Vietnam”, lời ca Việt thuần túy được dệt trên những điệu nhạc thịnh hành của nước ngoài như slow rock, tango, soul, v.v.. Từ đó, những nhạc phẩm chứa chan ý tình, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống cùng những ưu tư về tình người giữa cuộc chiến ngày một dâng cao lần lượt ra đời như Tôi muốn, Yêu người và yêu đời, Phiên khúc mùa đông, Hãy nhìn xuống chân, Hãy ngước mặt nhìn đời, v.v..

Ở những vùng hỏa tuyến thường xảy ra những trận đánh kinh hoàng để giữ gìn từng tấc đất cũng như nền hòa bình non trẻ. Nơi đô thị, đêm đêm tiếng súng vọng về mỗi lúc một gần. Người dân bàng hoàng, cuộc sống lao đao. Tuổi trẻ mất dần niềm tin vào cuộc sống, chưa xong bậc trung học phải rời ghế nhà trường, lên đường nhập ngũ. Âm nhạc Phượng Hoàng là một dòng suối trong mát, ngọt lành chảy qua bao ghềnh thác và thấm vào những con tim trẻ trung nhưng sớm vương vấn muộn phiền.

Thấp thoáng trong cõi nhạc Phượng Hoàng ít nhiều những nỗi buồn trong bạn, trong ta, trong cuộc sống này nhưng bao giờ cũng điểm son những nét lạc quan để người ta tiếp tục sống và mạnh dạn bước tới. Hãy cứ yêu thương người, dù người không yêu ta. Hãy nhìn xuống chân để thấy bao nhiêu người thua mình. Niềm vui và nỗi buồn bao giờ cũng song hành trong mỗi con người, nhưng sống vui vẫn hơn thì tại sao lại mang mểnh những u buồn không lối thoát. Sách vở vẫn khuyên bảo, sống lạc quan bao giờ cũng là liều thuốc tiên.

Phượng Hoàng chưa hề mỏi cánh và đang bay cao, bay xa thì không may gặp phải bão giông. Mùa xuân ngập tràn gió chướng, tai ương khiến cho chim Phượng Hoàng gãy cánh. Cũng như hoàn cảnh của mấy chục triệu người thua trận, số phận người trong cuộc lâm vào vòng lao lý. Âm nhạc Phượng Hoàng bị đánh giá là tiểu tư sản, là cái gai trong mắt người thắng cuộc. Sau lần tù tội, nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang qua đời trong bệnh tật và nghèo đói dù trái tim yêu vẫn nồng nàn, vẫn còn yêu em mãi như thuở ban đầu bên nhau chưa biết hận hờn. Nhạc sĩ Lê Hựu Hà cũng ra đi trong niềm cô đơn tột cùng, dẫu tóc chưa xanh một lần nhưng tim nghe đã thương thân.

Nửa thế kỷ trôi qua, dòng nhạc Phượng Hoàng vẫn sống và luôn tồn tại trong trái tim người yêu nhạc. Dù đang ở một nơi rất xa, không phải là quê nhà, cũng không là chốn cũ, người ta nghe nhạc Phượng Hoàng để lấp đầy những khoảng trống mênh mông cũng như ủi an, xoa dịu trái tim xa xứ thường hay nặng lòng với quá khứ. Ở trong nước, một số ca khúc được “cho phép” hát lại và lạ lùng thay, nó vẫn được yêu chuộng và đón nhận nồng hậu như thuở mới ra đời, cách nay ngót năm mươi năm về trước. Khán thính giả nghe được lời trái tim muốn nói và nhận ra được giá trị nhân văn trong từng tác phẩm. Cuộc sống dù buồn bã đến mấy, người ta vẫn vui cười, dù nước mắt rớt trên vành môi hay tìm đến thiên nhiên để quên đi nỗi đau thương một thuở, một đời.

24.11.2020