Thi sĩ Tô Thùy Yên

Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên (1938-2019). Ông bắt đầu đăng thơ trên báo Đời Mới vào thập niên 50 và cùng với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, họa sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng sáng lập nhóm Sáng Tạo vào thập niên 60. Ông là người miền Nam duy nhất trong nhóm Sáng Tạo. Cuối năm 1963 ông nhập ngũ, phục vụ ngành chiến tranh chính trị. Chức vụ cuối cùng là thiếu tá, trưởng phòng văn nghệ cục Tâm lý chiến. Miền Nam thất thủ, ông bị cầm tù ba lần, gần 13 năm. Cuối năm 1993, ông cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư theo dạng tù nhân chính trị ở Minnesota rồi sau chuyển về sống ở Houston, tiểu bang Texas.

CHIỀU TRÊN PHÁ TAM-GIANG

Hình bìa tờ nhạc “Chiều trên phá Tam-Giang”

Huế trầm mặc, uy nghi với những đền đài lăng tẩm và Huế cũng có một vùng đầm phá mênh mông sóng nước. Phá Tam-Giang là nơi gặp gỡ của nhiều nhánh sông trước khi xuôi chiều ra biển lớn. Nơi đây thường có sóng to, gió lớn vì nước xoáy nên thuyền bè lưu thông không được dễ dàng mà ca dao ngày xưa vẫn thường hay nhắc nhở ..

Đường vô xứ Huế quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

Thương em anh cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam-Giang

Mùa hè đỏ lửa năm 1972, cuộc chiến quốc cộng đến hồi khốc liệt nhất, ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh cùng với nhạc sĩ Phạm Duy, nhà thơ Tô Thùy Yên và một số chiến hữu, thân hữu từ Sài-Gòn ra thăm vùng Quảng-Trị – Thừa-Thiên. Chiếc trực thăng bay là mặt nước giữa khi hoàng hôn ngã bóng trên phá Tam-Giang. Nhà thơ Tô Thùy Yên đã ‘tức cảnh sanh tình’ và bài thơ “Chiều trên phá Tam-Giang” được ra đời trong hoàn cảnh đó.

“Chiều trên phá Tam-Giang” là một bài thơ khá dài do Tô Thùy Yên sáng tác theo thể thơ tự do và được chia làm 3 khổ. Không chỉ ca ngợi tình yêu thủy chung đôi lứa, mà thấp thoáng đâu đó những ray rức về thời cuộc, về chiến tranh đã đi qua và ở lại đất nước này thật lâu cùng những suy nghĩ của tác giả về số phận mong manh của những con người giữa cảnh loạn ly ..

Phá Tam-Giang, phá Tam-Giang

Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát

Cát hôn mê, nước miệt mài trôi

Ngó xuống cảm thương người lỡ bước

Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi

Người với ta cùng màu da và tiếng nói nhưng ai mới thật sự quên mình và hy sinh cho sự tự do trên mảnh đất đau thương này. Ta thương người và ta cũng thương ta khi những nghĩ suy bị quay cuồng theo vòng quay lịch sử ..

Ta thương ta yếu hèn

Ta thương ngươi khờ khạo

Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng

Nên cả hai cùng mắc đường lịch sử

Cùng mê sa một con đĩ thập thành

Chiều trên phá Tam-Giang nhìn con nước xiết chảy băng bờ bãi ngổn ngang mà nghĩ tới những công trình dang dở và kiếp người đang lỡ độ đường. Tuổi thanh xuân đã hư hao theo ngày tháng và tuổi già cùng cái chết kéo dài thêm nỗi héo hon. Người ta lo sợ chủ nghĩa vô thần gây ra cảnh tương tàn khiến cho máu đổ, thịt rơi. Sách sử rồi sẽ ghi chép lại, tiếng đời ngàn năm còn bia miệng loài ác thú xâm lăng ..

Gió thổi thêm đi, gió thổi thêm đi

Cho cỏ cây mau chết, mau hồi sinh

Mày mặc kệ

Chiều trên phá Tam-Giang

Có gã hề cuồng buông tiếng cười lạnh rợn

Khiến bầy ác thú mà lịch sử sanh cầm cũng chợt hãi hùng

Dớn dác ngó

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh chỉ chọn ra một số câu thơ của Tô Thùy Yên để soạn thành một khúc diễm tình ca giữa khi chiến cuộc lan tràn, người nơi biên cương ngày đêm gìn giữ từng tấc đất, bảo vệ quê hương để cho người nơi hậu phương được hưởng một cuộc sống yên lành. Câu chuyện tình yêu bị ngăn cách bởi chiến tranh, chàng nơi tiền tuyến và nàng nơi hậu phương ..

Ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh 

Chiều trên phá Tam-Giang

anh chợt nhớ em

nhớ, ôi niềm nhớ, ôi niềm nhớ

đến bất tận

em ơi, em ơi

Giờ này thương xá sắp đóng cửa

người lao công quét dọn hành lang

giờ này thành phố chợt bùng lên

để rồi tắt nghỉ sớm

ôi Sài-Gòn, Sài-Gòn giờ giới nghiêm

ôi Sài-Gòn, Sài-Gòn mười một giờ vắng yên

ôi em tôi, Sài-Gòn không buổi tối

Những tưởng cuộc sống sẽ mãi mãi êm trôi như ngày tháng, nhưng giông bão từ xa kéo về khiến Sài-Gòn lâm lụy. Sài-Gòn bị giới nghiêm, thương xá đóng cửa sớm. Sài-Gòn mười một giờ vắng im và phố phường chỉ chợt bùng lên khi ánh nắng ban mai rạng rỡ báo tin ngày mới đang về, thềm hoang tô thêm màu nắng. Mẹ bùi ngùi thương nhớ đứa con xa hay vợ nghĩ tới chồng đang xông pha ngoài trận mạc để rồi giọt buồn pha giọt tủi, dòng lệ nghẹn ngào tuôn thành suối, thành sông. Điều duy nhất mà ai nấy đều không dám nghĩ tới là lo sợ cho người đi giữa chiến tranh, giáo gươm và súng đạn vốn dĩ vô tình ..

Giờ này thành phố chợt bùng lên

em giòng lệ bất giác chảy tuôn

nghĩ đến một điều em không rõ

nghĩ đến một điều em sợ không dám nghĩ

đến một người đi giữa chiến tranh

lại nghĩ tới anh, lại nghĩ tới anh

nghĩ tới anh

Nếu lời thơ của Tô Thùy Yên khắc họa cuộc chiến tàn bạo và hủy diệt đi mọi thứ thì nét nhạc và lời ca của Trần Thiện Thanh khiến ai nấy đều nuôi dưỡng một tình yêu đẹp đẽ cũng như niềm tin vào buổi sum vầy. Buổi chiều rơi lặng lẽ trên phá Tam-Giang khiến cho nỗi nhớ thêm dâng cao và kẻ đầu sông, người cuối biển vẫn bền bỉ thủy chung, một lòng chờ đợi nhau dù cho hai phương trời cách biệt.

TV, 26.03.2024