Chiều Hè Xóm Nhỏ

Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế

chieu he xom nho 01.jpg

“Dê rô … ô … ô, vít “, tiếng hô lớn của thằng Bảy Bò làm Hưng giựt mình choàng dậy. Tụi nó bắt đầu rồi ! Hưng nhảy cái rột xuống khỏi giường và quỵ luôn tại chỗ. Cái đau từ chân truyền lên tới óc trong một phần triệu giây làm Hưng muốn tắt thở luôn. Lồm cồm ngồi dậy, hai tay ôm lấy bàn chân trái đang băng tùm lum, nó ngước lên coi giờ ở cái đồng hồ treo tường. Gì mới đó mà hơn ba giờ rưởi rồi, vậy là mình làm được một giấc khá quá, hơn hai tiếng lận. Nó nhớ lại sau khi ăn cơm trưa xong, nó leo lên cái giường kê sát cửa sổ trổ ra sau hè, ôm cuốn “Nhạc Phi diễn nghĩa”, định coi cho qua thì giờ, không dè nó ngủ quên luôn lúc nào không hay. Mặc dù cái chân mới bị đứt vì miểng chai chiều hôm qua, hậu quả của một trận đá banh ở cái bãi đất trống đằng sau vựa củi của ông Tư, nó vẫn hẹn với tụi bạn sẽ chơi đánh trỏng chiều nay. Nó nhảy cò cò bằng chân mặt, định vọt ra cửa sau, thì bị má nó kêu giựt lại: “Mày đi đâu đó Hưng ? Ra đây biểu chút coi !”. Nó đành trở lui vào buồng sau, mặt mày bí xị. Má nó, bà Năm, một bà sồn sồn độ trên bốn mươi đã bắt đầu hơi phát phì với cái tuổi đó, tuy khuôn mặt còn nhiều nét trẻ, đuôi mắt chưa nhăn, da mặt còn trơn láng, với nhiều nét phúc hậu. Bà Năm đang nằm trên chiếc võng bằng vải bố sọc đỏ vàng căng trên một cái khung bằng gỗ mà mỗi lần bà đưa hơi mạnh một chút thì cái chân khung lại bị nhóm lên nhóm xuống kêu lạch cạch. Hưng ngồi xẹp xuống ngay bên cạnh cái võng, giọng thiểu nảo: “Dạ, má biểu gì con ?”. Bà Năm cầm cây quạt xếp phất bằng giấy tím mỏng, khẻ đập vào đầu Hưng, vừa cười vừa nói một hơi: “Cái mặt thấy ghét ! Mỗi lần sai mầy đi đâu là y như vậy. Chơi hết cả buổi sáng rồi còn chưa đã sao ? Mầy còn tính ra đánh trỏng với tụi thằng Bò nữa hả ?Cái chân mầy vậy mà chạy sao được. Mầy hổng nhớ bửa nay mấy tây rồi sao ? Mười lăm tây rồi đó ! Mầy đi qua Dì Sáu lấy tiền đi !”. Hưng đặt điều kiện: “Nhưng má phải nói chị Hai cho con mượn cái xe máy nha. Con đi bộ đâu nổi”. Bà Năm lại cười, chiều con: “Ừ, thì mầy lấy xe đi đi, lát nữa tao nói với nó cho, nhưng vậy thì một lát nữa mầy không được lấy năm đồng à”. Thằng Hưng thiếu điều nhảy dựng: “Ðâu được má, má đã hứa tiền công năm đồng cho con mỗi tháng mà”. Bà Năm chấm dứt cuộc mặc cả giữa hai mẹ con: “Ừ, thôi được rồi, mầy đi đi, rồi về liền nghe, thằng quỷ, lần nào cũng vậy”.

Thằng Hưng lại nhảy cò cò ra khỏi buồng, lần nầy nó tiến về hướng cửa trước, đẩy cái xe máy đầm hiệu St. Etienne của chị hai nó ra cửa. Cái xe nầy má nó mua để thưởng cho chị nó lúc thi đậu vô Ðệ Nhất Niên (về sau gọi là lớp Ðệ Thất) trường Gia Long cách đây hai năm. Hình như má nó phải xuống cái tiệm gì ở đường Boulevard de la Somme dưới Chợ Cũ, chuyên nhập cảng xe đạp của Pháp mới mua được cái xe đó. Chị nó cưng xe lắm, ngày nào đi học về cũng chùi lau, nên xe mua đã hơn hai năm mà vẫn còn như mới. Thằng Hưng khoái cái xe nầy lắm nhưng dễ gì chị nó cho mượn, thành ra khi có cơ hội là nó chớp liền. Ngồi trên yên, nó phải hơi nhón chân một chút, lại gặp bửa chân bị đau, nhưng nó vẫn cảm thấy sung sướng vô cùng. Nó đạp xe chậm chậm, thỉnh thoảng liếc nhìn hai bên đường xem có thằng bạn nào không để cho cái sung sướng của nó tăng lên thêm. Nhưng nó thất vọng vì không thấy đứa nào cả, đột nhiên nó thấy giận mấy thằng bạn quá chừng nhưng rồi nó chợt nhớ ra là tụi nó đang đánh trỏng đằng sau nhà. Vậy lát nữa về mình phải chạy một vòng ra đằng sau mới được, nó chợt thấy khoan khoái với ý nghĩ đó, và vừa lách tránh một cái xích lô đạp chở nặng đang chạy trước mặt, nó vừa nhỏm dậy đạp mạnh thêm để leo lên dốc Cầu Bông.

Dốc ngắn nên chỉ một chập là nó đã qua cầu và đỗ dốc để qua Bà Chiểu. Gần sát chân cầu, hai bên đường chỉ có vài mươi căn nhà. Bên trái là vựa cát, bán gạch ngói, ống cống, kế bên là tiệm bán đồ tre, thúng gióng, rổ rá, nia tràng chất cao nghệu, có cả thang tre nữa. Bên mặt, thụt vô trong khá xa, có đường cho xe hơi vào là một trại cưa lớn, nơi thằng Lợi, bạn nó, chết cách đây gần một năm vì bị súc đè. Mỗi chiều khi có xe ben chở súc mới về, thằng Lợi và một đám bạn thường ra đó, cạy gở lớp vỏ súc đem về chụm lửa. Chủ trại cưa không phản đối mà còn khuyến khích vì khỏi mướn người làm mà súc, sau đó, đem ngâm dưới sông còn mau thấm nữa. Hôm đó thằng Lợi ngồi cạy vỏ một cây súc cũ còn sót lại có một mình nó, xe ben mới về mà nó không hay, lơ và tài xế xe ben cùng mấy người làm ở trại cưa cũng không để ý thấy nó, người ta hạ súc xuống và tai nạn xảy ra. Bây giờ, mỗi lần qua dốc cầu, ngang trại cưa, Hưng đều nhớ lại cảnh hôm đám tang thằng Lợi, lúc sắp hạ huyệt, má thằng Lợi cứ ôm cứng cái hòm, vừa khóc vừa kêu “con ơi, con ơi, sao con bỏ má mà đi như vầy” làm bà con đi đưa đám ai nấy đều mủi lòng khóc theo.

Qua khỏi dốc cầu một đổi, nhà cửa, tiệm buôn thưa dần, và khi qua khỏi trại cưa Trần Pháp bên tay trái, thì hai bên đường toàn là bãi đổ rác và ruộng rau muống. Ði thêm độ một trăm mét nữa là tới xóm Khăn Ðen Suối Ðờn. Người ta gọi như vậy là vì ở giữa ruộng rau muống bên tay phải có dựng một tấm bảng gỗ có vẽ một mũi tên chỉ hướng vô trong và bốn chữ Khăn Ðen Suối Ðờn, bảng hiệu của một nhà sản xuất khăn đóng. Hưng đạp xe rẽ vào một con lộ đất nhỏ, đúng hơn là một bờ đê đắp rộng ra giữa hai ruộng rau muống, tiến vào xóm theo hướng mũi tên chỉ. Xóm nằm cách mặt đường đi vô Bà Chiểu chừng một trăm mét, gồm toàn nhà ván, mái tôn ọp ẹp, có cả nhiều nhà sàn. Nhà Dì Sáu nằm ngay lộ nhỏ, phía bên trái, cách cổng xóm chừng hai chục mét, là một tiệm tạp hóa nhỏ. Dì Sáu là em bạn dì ruột của mẹ Hưng, cùng cỡ tuổi nhưng, khác hẳn với mẹ Hưng, dì ốm nhom, tóc bới nhưng lại uốn quăn ở phía trên. Nghe nói dì lấy chồng là người ở Dĩ An, sau khi sanh được ba đứa con gái thì chồng dì chết trong một tai nạn xe đò. Dì ở vậy nuôi con, nhưng sau vì xích mích gì đó với bên chồng, dì mới bỏ Dĩ An về đây mở tiệm hàng xén nhỏ nầy. Ðứa con gái lớn của Dì, lớn hơn chị hai của Hưng đâu ba, bốn tuổi gì đó, đã có chồng và về ở bên chồng trên Lái Thiêu. Hai đứa nhỏ còn ở với dì và phụ dì trông coi cửa tiệm. Chính mẹ Hưng giúp tiền cho dì mở cửa tiệm, không lấy tiền lời mà còn cho trả góp, mỗi tháng hai trăm. Tuy làm bộ cằn nhằn mỗi khi bị mẹ sai đi lấy tiền góp, thật ra Hưng rất thích vì lần qua nhà dì thế nào cũng được dì cho ăn đủ thứ, khi thì bánh bao chỉ, khi thì kẹo hột điều, có khi dì còn kêu mì hoành thánh của gánh mì Chú Tắc bên cạnh nhà cho Hưng ăn, đã vậy về nhà còn được mẹ thưởng công cho năm đồng.

Hưng dựng xe đạp, bước vào tiệm và lập tức ngửi thấy ngay cái mùi đặc biệt của bất cứ tiệm tạp hóa nào, cái mùi pha trộn của nhiều thứ mùi, mùi nước mắm, mùi dấm, mùi tương, mùi các thứ gia vị khác như đường, tiêu, cà ri và nhiều thứ khác nữa. Dì Sáu đang ngồi đếm tiền trên cái bộ ngựa nhỏ kê ở góc trái phía trong, đằng sau dãy kệ cao, dài, bằng gỗ chất đầy các thứ đồ dùng trong nhà như chén đũa, nồi niêu, xoong chảo, bàn chải, dây nhợ, các loại chổi, xà bông cây, xà bông cục… Thấy Hưng vào, dì bước xuống và bảo: “Con ngồi đây đi. Nè, tiền dì mới đếm xong đó, con đếm lại đi. Má con có khoẻ không ? Bửa nay dì có nấu chuối chưng, con ăn nha ?”. Nói xong, không đợi Hưng trả lời, dì đi ra buồng sau và bưng ra cho Hưng một chén đầy. Hưng đã đếm xong tiền và cất vào túi, nó đứng dậy cầm lấy chén chuối chưng, cám ơn dì, và bước ra ngoài, vừa đi vừa múc ăn. Những miếng chuối khá dày, cắt theo chiều dài của trái chuối, màu hồng hồng, vừa bùi vừa béo, nuốt vào nghe ngọt lịm và trơn tuột vì trộn lẩn trong một thứ nước sệt sệt làm bằng nước cốt dừa pha bột mì, có lẫn những viên bột báng trong trong nhỏ nhỏ và những thanh bột khoai dài và dẽo.

Ðạp xe trở ra khỏi xóm rồi mà Hưng vẫn còn liếm mép và tiếp tục nghe cái vị ngọt, bùi và béo của những miếng chuối trong nóc giọng của mình. Nó cảm thấy tiếc vì đã từ chối không ăn thêm một chén nữa để về cho mau, kịp đánh trỏng với mấy thằng bạn. Lúc xuống dốc Cầu Bông, chợt nhớ tới một chuyện, nó quẹo trái qua Chợ Ðakao, và dừng lại ở một gian hàng ngó mặt ra đường. Gian hàng nhỏ xíu nầy, chỉ chừng hai thước vuông, bán đủ thứ đồ chơi cho trẻ con, nào truyện hình in trên giấy cạc-tông mỏng để cắt ra chơi tạt, nào các loại súng cao su, nào các thứ xe để đẩy, nào nồi niêu chén dĩa cho con gái chơi trò nấu cơm, nào hình các loại lính đúc bằng chì và đủ các loại đạn. Bán hàng là một ông cụ già người Bắc, tuổi trên sáu mươi, lúc nào cũng thấy mặc chiếc áo dài bằng the đen, cái quần trắng và đội khăn đóng. Ông cụ, chừng như đã quen mặt Hưng lắm, hỏi Hưng bằng một giọng chẩm rải, ấm áp và thân tình: “cháu, hôm nay cháu mua cái gì nào ?”. Hưng đáp ngay không suy nghĩ: “Thưa bác, cháu muốn mua đạn nhôm”. Hưng đã quyết định mua đạn nhôm vì sáng nay nó bị mất khá nhiều đạn chai trong trận đụng độ với phe thằng Huê. Khí giới lợi hại của tụi thằng Huê là những viên đạn bằng đá xanh mà tụi nó đã bí mật, khổ công đập, đẽo, mài cả tháng trời mới thành.

Sáng hôm nay, cũng tại sân đất ở đằng sau nhà, phe thằng Hưng đã bị phe thằng Huê bắn bể và mẻ không biết bao nhiêu đạn chai. Trước khi về nhà ăn cơm trưa, nó với thằng Bò ngồi tính mãi mà không ra kế. Ðến trưa, lúc ăn cơm, nó mới tình cờ tìm ra biện pháp đối phó. Như mọi bữa, nó bưng dĩa cơm ra sau hè ngồi ăn chung với hai anh em thằng Răng và thằng    De nhà kế bên. Nhà hai thằng nầy theo đạo Thiên Chúa, tên tụi nó là gọi theo tên mấy ông thánh bổn mạng. Hai thằng nầy ăn bằng muỗng và dĩa nhôm vì ba má tụi nó sợ tụi nó làm rớt bể mấy cái dĩa đá.  Nhìn mấy cái dĩa nhôm đó, Hưng mới nghĩ ra được cách đối phó với đạn đá xanh của phe thằng Huê. Bây giờ nó lựa và mua luôn năm viên đạn nhôm cho phe nó và định bụng sẽ dành cho phe thằng Huê một ngạc nhiên vào cuộc đụng độ sáng mai.

chieu he xom nho 02.jpg

Về tới nhà, nó đạp xe rẽ vào con hẻm bên cạnh nhà thằng De để vòng ra sân sau luôn. Trên bãi đất kéo dài, nối tiếp vào bãi đất trống cạnh vựa củi, bốn thằng bạn nó đang chơi đánh trỏng, thằng nào thằng nấy ở trần trùng trục. Tụi nó chia hai phe, thằng Bò và thằng De một bên, bên kia là thằng Răng và thằng Nhựt. Phe thằng Bò đang cầm trỏng và đang thắng thế. Thằng Răng và thằng Nhựt đứng tuốt đằng xa, chuẩn bị đón bắt con trỏng. Thằng Bò đang chơi một đòn rất khó. Cây tán dài độ bốn, năm tất nằm vắt vẻo trên vai trái nó, tay mặt nó cầm con trỏng dài độ một gang tay, vừa hô “tám mươi sáu, gánh” nó vừa co chân mặt lên, luồn tay mặt xuống dưới chân mặt, liệng con trỏng lên cao, hạ chân mặt xuống đất, bàn tay mặt chụp cây tán trên vai, và vừa lúc con trỏng rơi xuống, nó dùng hết sức tán thật mạnh vào con trỏng. Một tiếng cốc vang to lên, con trỏng bay vút về phía tụi thằng Răng. Thằng Nhựt tung mình bay lên, tay phải nó hết sức vói lên cao nhưng con trỏng bay cao hơn tầm tay của nó tới gần nửa sải. Vừa rớt xuống đất, thằng Nhựt còn ngoái lại, nhìn theo con trỏng đang tiếp tục bay thêm cả chục thước nữa rồi mới chịu rơi xuống. Thằng De khoái chí, vỗ tay đôm đốp, trong khi thằng Bò vừa quơ quơ cây tán lên vừa hô lớn: “Thôi khỏi đo nữa há, tụi bây thua rồi!”. Nói xong nó day lại hỏi Hưng: “Hồi trưa tới giờ mầy đi đâu vậy ?Tao chờ mầy hoài hổng được phải kêu thằng De vô phe đó. Cha, bửa nay mầy ngon dữ há, dám lấy xe của chị hai mầy đi hả? Cho tao mượn chạy một vòng nha?mà quên, khoan, để tụi nó u đã”. Theo lệ ở xóm nầy, tụi nó thường chơi một trăm điểm, bên nào đo được một trăm trỏng trước thì thắng, và phe thua phải chạy u một khoảng cách bằng ba tán. Chạy u là vừa chạy vừa kêu u u liên tục. Muốn làm được như vậy thì phải nín thở nên khó mà chạy xa được. Nếu tắt tiếng u trước khi chạy xong    khoảng cách ba cái tán thì phải chịu thêm một cái tán nữa. Cách kiểm soát duy nhất là thằng thắng cũng phải chạy kèm theo bên cạnh thằng thua. Sau gần hai mươi phút phe thằng Răng thằng Nhựt mới thi hành xong hình phạt. Tụi nó xúm lại bên cạnh Hưng và cái xe đạp, nói tới nói lui mãi, sau cùng thằng Hưng phải chịu để cho mỗi đứa chạy môt vòng. Khi đứa chót là thằng De đã chạy xong, Hưng mới móc túi lấy ra mấy viên đạn nhôm, phát cho mỗi đứa một viên và nói về kế hoạch phục thù phe thằng Huê sáng mai. Trước khi đẩy xe vào nhà bằng cửa sau, Hưng còn hẹn tiếp: “Tụi bây nhớ sáng mai dậy thiệt sớm nha, phải trước năm giờ đó, mình ra đường Norodom bắt dế cơm, tụi nó nói giờ đó dế cơm bay ra nhiều lắm, có khi bắt được cả thùng thiếc đó, để tao mang thùng cho, tụi bây nhớ nha”. Ði gần tới cửa, chợt thằng Nhựt gọi giựt nó lại: “quên nữa Hưng, tối nay mầy hổng đi với tụi tao qua đường Mayer đá lon với tụi thằng Giắc Cô sao?”. Hưng quay lại, lắc đầu, giọng tiếc rẻ: “Má tao cấm! Vì cái chưn tao còn đau”.

Vừa đẩy xe vô nhà nó vừa tự an ủi, thôi kệ, tối nay mình coi tiếp cuốn Nhạc Phi, coi thằng Ngưu Cao nướng thịt trâu ăn rồi có bị thầy nó đuổi không, mà hổng biết sau nầy nó có gặp lại  Nhạc Phi không?