Chiều cuối Đông đọc thơ Chu Trầm Nguyên Minh (*)

Phan Văn Thạnh

(chia sẻ với chị Tùng Vân)

chieu cuoi dong 01

May mà thời gian đã có độ lùi khá xa – 1975 đến nay hơn 40 năm – cách nhìn dù muốn hay không đã chuyển hóa rất nhiều, không cứng ngắc cực đoan dẫn đến phủ định sạch trơn  các vấn đề thuộc phạm trù “thương tầng kiến trúc” cũ. Tôi mở bút, viết theo những gì mình nghĩ về thi phẩm “Lời Tình Buồn” của anh Chu Trầm Nguyên Minh .

Nhốt mình trong thư phòng im vắng chiều cuối đông,dành trọn thời gian nhẩn nha xem lại toàn tập bản thảo photo – (gồm 67 bài, 49 trong số đó đã được in tái bản tháng 11/2012- nxb Thanh niên) –  anh gửi qua bưu điện tặng tôi thời điểm tháng Giêng 2013 –  như một ký thác nhờ giữ hộ. Tôi đọc từng bài kể cả những bài anh cho không phù hợp (tô bút dạ xanh lá), khi đưa in lại – để có thể hiểu chút gì về “cái tôi trữ tình” nhất quán trong thơ Chu Trầm Nguyên Minh giữa tư bề thời cuộc ngổn ngang những năm cuối  thập niên 1960. Bởi dẫu sao nhà văn-nhà thơ là một người nào đó cụ thể của lịch sử – ghi chép hiện thực chung quanh mình và phát đi thông điệp gì đó về phía cuộc sống ngay lúc bấy giờ hay mãi mãi cho ngàn sau…

Bước vào không gian thơ CTNM, người đọc gặp lại bút pháp, phong cách tư duy đặc trưng Saigon đẫm chất trữ tình phóng khoáng – không bị câu thúc, e dè sợ sệt bởi bất cứ rào cản nào. Câu thơ dài ngắn, dòng nối dòng, mô tả, giãi bày, chẻ nhỏ cái tôi cảm xúc trước hiện thực khách quan. Người đọc nhận ra nhiều chiều kích tâm trạng – nỗi cô đơn, niềm hạnh phúc mong manh, bi kịch chứng kiến “cuộc hành quyết bản thân trong thế trận bên này/bên kia giữa hai lằn đạn” – nếu đứng lệch một phía nào đó giữa lúc chạng vạng, người ta giống như thể “chột mắt”. Khởi đi từ chỗ chênh vênh đó, thơ CTNM là tiếng thở dài của phận người trầm luân  đầy những băn khoăn, trăn trở:

-huyệt tôi dọn sẵn cuối đường

lúc nghiêng thân nặng cõi trần gian đau

là khi vĩnh viễn tôi về

tay đưa vốc cháo lú mê kiếp người. (Kiếp người -Tr 3)

gió qua kiếp mỏi luân hồi

tôi còn nhìn lại chỗ ngồi trầm luân

gió đau thương đã vô cùng

tôi đưa tay gõ hỏi chừng đời tôi

gió lên vật vã yên bồi

NGƯỜI treo tôi mãi giữa trời cô đơn. (Gió Tr 65)

Không riêng CTNM, những ai sống trong lòng quê hương ngày cũ đều không tránh khỏi trạng thái tâm lý chán chường, mỏi mệt. Tương lai mù mịt, cuộc chiến sẽ đi về đâu, sẽ kết thúc với dạng thức nào ??? Thất vọng đời cha, tuyệt vọng đời con, nhà thơ không thấy gì ngoài “định mệnh buồn như biển vắng bao la”:

hãy lớn mau trong lòng mẹ đi con

súng AK và M.16

đang bắn ngang, xé dọc quê nhà

con ra đời sẽ giăng tay cầm lấy

định mệnh buồn như biển vắng bao la (Thơ cho con sắp chào đời -Tr 7)

Nhiều bài anh dành cho người thân, cho đồng đội bạn bè – những giọt lệ rơi xuống “Hành lang vĩnh biệt” thật cảm động.

1-Thư cho mẹ

 khi con về đó muộn màng

Mẹ từ dương thế khói vàng lung linh

thuyền đưa bến quá vô tình

sầu con ở lại riêng mình nôi xưa

buổi về hồn Mẹ hay chưa?

chiều trên đồng vắng ai đưa sang bờ?

lệ con dõi bóng mịt mờ

nguyện xin cầu nhẹ ván thiêng Mẹ về

 

2-Thư cho cha

Cha đi, từ ấy, phương trời

tuổi con ở lại giữa đời lửa bom

đèn chong, mắt nhớ, chiều hôm

tình con vọng tưởng núi buồn, mộ Cha.

 

-Em về phố đó

Khăn tang trên đầu

Đường xưa dốc mỏi

Cây lá âu sầu

Chị ơi nào biết

Thương chị ngàn sau

 Em về phố đó khói hương ưu hoài

Trong căn nhà trống

Nước mắt không nguôi

Em quỳ xuống đó

Ôm mặt khóc ròng

Chị ơi em biết

Giờ chỉ một mình (Khi về Phan Thiết để tang chị ,Tr 20,52,53)

chieu cuoi dong 03Riêng bài thơ Lời Tình Buồn đến nay đã tròn 50 năm (sáng tác năm 1967 – Vũ Thành An phổ nhạc) – như một lời chia tay đầy nuối tiếc của kẻ ra đi chẳng biết khi nào về… “Anh đi rồi” vang lên như lời than thở của kẻ đang giã từ đời sống bình yên để bước vào lò lửa chiến tranh. Cuộc ra đi đó như dấu chấm hết đời thư sinh, xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao. Trước mắt anh là bầu trời mù sương. Giọng thơ xem chừng đuối sức tuyệt vọng – Đêm xuống rồi em buồn không hở/ Trời xa mù tầm tay với âu lo. Tiếng thơ dường như là tiếng lòng bi thương của một thế hệ bế tắc, mất phương hướng.

Anh đi rồi còn ai vuốt tóc

Lời tình thơm sách vở học trò

Đêm xuống rồi em buồn không hở

Trời xa mù tầm tay với âu lo

Anh đi rồi còn ai đưa đón

Áo em bay khuất mất thiên đường

Tuổi hai mươi vòng tay chờ đợi

Ngôn ngữ nào anh nói hết yêu thương

Anh đi rồi còn ai chiêm ngưỡng

Cổ em cao tay mười ngón thiên thần

Tóc em xanh trùng dương sóng lượn

Anh chợt buồn đứng ngóng bâng khuâng

Anh đi rồi còn ai tình tự

Đêm đầy trời ru tiếng nhớ bơ vơ

Phúc yêu em dấu lần quá khứ

Nụ hôn đầu rụng xuống hư vô.

Nửa cuối thế kỷ 20 phải nói, trên đất nước này không phút giây nào được bình yên, không người Việt nào không khao khát hòa bình – hòa bình bằng mọi giá, bất kể mọi toan tính đến từ phía nào, miễn sao chấm dứt cuộc chiến thảm khốc mà dân tộc chịu đựng thống khổ nhiều năm qua. CTNM tưởng tượng ngày đình chiến mừng vui, anh la thật to, anh khóc thật to: “hòa bình ơi – đã đến” !

 khi tiếng súng không còn nổ

nhất định anh sẽ xé nát bộ treillis

chạy khỏi giao thông hào

ném khẩu M mười sáu

bỏ những trái lựu đạn

quăng nón sắt

cởi  đôi giầy

và mở cửa tâm hồn

đứng la thật to :

hòa bình ơi – đã đến

 khi máy bay không còn thả bom dây, trái phá

khi người bên này hay kẻ bên kia

không còn gờm nhau nhả đạn

không còn chém giết

chúng ta,tất cả đều biết

là anh em cùng một quê hương

mang chung lịch sử

chúng ta,tất cả đều thấy

tình ruột thịt giống nòi

chịu cùng hờn tủi

nhất định anh sẽ đốt hết

những balô một thời đeo nặng

những mìn bẫy một thủa đã giăng

những căm hờn một lần đã buộc

những poncho,thuốc nổ

những ngọn cờ giới tuyến phân chia

anh sẽ đốt hết tất cả dấu hiệu

ngăn cách chúng ta

và chạy ra đồng ruộng quê nhà

khóc thật to

hòa bình ơi – đã đến.  (Trí tưởng khi hòa bình -Tr 102,103)

Đọc trọn tập bản thảo, hiểu anh hơn – Lời tình buồn phản ánh cảm xúc của những người nhập cuộc, qua đó giúp ta nhìn ra số phận dân tộc, vận nước nổi trôi. Câu chuyện cũ khép lại rồi – điều mà tôi, anh, chúng ta, cả dân tộc này mong muốn hòa bình và hòa bình đã đến – hòa bình cầm trong tay. Chỉ mong sao quê hương này mỗi ngày mỗi thanh tân quang đãng.

***

chieu cuoi dong 02Nhớ Anh

Cõi ngoài mờ mịt

Cõi tôi phiền não đa đoan

Mây khói Niết bàn lãng đãng

Rong ruổi Lời tình buồn

Anh đi rồi còn ai vuốt tóc

Chinh chiến phân ly

Nỗi buồn nào muốn khóc

Anh thương đời

Nên thơ sầu chất ngất …(PVT)

(Saigon, cuối Đông 2017/chỉnh sửa 2019)

(*) Nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh tên thật Phạm Minh Tâm sinh năm 1943 – làng Phú Bình, Hàm Liêm, Bình Thuận – Phan Thiết mất 19.02.2014 tại Saigon .