Chiếc xe mobilette đen

Kinh Bồng (Trần công Bình)

Màu xe thường nói là đen, nhưng thực sự nó không đen tuyền mà ngã một ít sang màu xám. Do đó có người gọi là mobilette xám. Tôi đặc biệt nhớ đến chiếc xe này vì nó theo tôi trong suốt cả quảng đời đi học.

Khi lên lớp đệ Lục trường Petrus Ký, biết yêu cầu cao trong việc di chuyển, tiết kiệm thời gian khi đi học, ba tôi cho tôi chiếc xe mobilette đen mà ông đang đi để hành nghề thương mại. Đó là một hy sinh  lớn của ba tôi cho tôi. Ở tuổi 14, tôi không đủ suy luận là lúc đó ba tôi không có đủ tiền để mua một chiếc xe mới cho tôi, nhưng cũng thấy mobilette vàng là chiếc ba tôi sửa chữa lại để sử dụng thì “démodé” (lỗi thời) so với chiếc ba tôi cho tôi.

Quả thực như vậy, chiếc mobilette vàng có sườn  hai gọng xem “già nua” so với mobilette đen, đời sau, có sườn là một thanh lớn, mạnh mẽ, thanh niên. Chiếc màu vàng, ba tôi “trùm mền” cả năm trời không sử dụng, nay đem ra để thường ngày vô các chành gạo ở bến Bình Đông nắm giá cả và đặt hàng. Với  ý thức “xe cộ” chỉ là phương tiện, ba tôi bình thản xài chiếc xe cũ ! Nghĩa cử ấy, cả đời tôi in sâu, lớn lên tôi cũng nhận thức về việc sử dụng vật dụng, nó không phải là cứu cánh của cuộc sống.

Riêng tôi, đúng là năm đệ Lục, tôi tập trung toàn bộ thời gian cho học hành. Nhín nhút từng giờ, từng khắc, đến độ, khi đang chạy xe đến trường, tôi đã lật cả quyển tập để trên ghi đông xe …dò bài (!). Bây giờ, nhớ lại, tôi cũng không biết do đâu ba tôi hiểu được sự hạ quyết tâm phải hạng nhất cuối năm như  tôi tự hứa với một cô giáo thân yêu. Tình thương của cha thật cao cả và nhất là biết tận ruột gan con cái !

Chiếc mobilette đen coi vậy mà rất dễ chịu, không bao giờ làm khó tôi. Những lúc trời mưa, lớn, nhỏ, tôi chỉ việc trùm áo mưa, chạy ào ào về đến nhà, xe vẫn nổ máy ngon trớn. Còn chiếc Vê lô solex của chị tôi, dáng thanh mãnh, phù hợp với tà áo dài thắng của con gái, lại khó chịu hay dỡ chứng khục khặc cái đầu rồi đứng im, bắt chị tôi phải đẩy bộ vô lề, kiếm ông sửa xe chùi bougie.

Chiếc xe ba tôi cho tôi thế nào, tôi giữ nguyên như vậy. Cái yên sau không có bọc nệm như của mấy thằng bạn học. Khi  lên tới lớp đệ Tứ, tụi bạn trai đã bắt đầu đua chen, đánh bóng, bọc yên xe, thi nhau kiếm bạn gái chở để … khoe  (?!). Chiếc yên sau bằng sắt của tôi cứng đơ như trái tim tôi suốt thời kỳ học thi Tú Tài. Chắc vì thế, chẳng có ai ngó ngàng đến tôi và nhất là cái phương tiện tôi đi !

Tôi yêu chiếc mobilette đen này vì nó còn một kỷ niệm đáng nhớ trong đời học sinh tiểu học của tôi. Bước vào tuổi “nhổ giò” năm lên lớp Nhất (*), tôi cao hẵn khi ngồi xuống yên sau của xe. Một lần đi rước tôi từ trường về, tôi chưa kịp đặt đít ngồi xuống, ba tôi đã rồ máy xe vọt. Tôi phải ôm cặp táp, chạy theo kêu la inh ỏi. Người bên đường thấy vậy  chỉ tay, gọi dùm ba tôi, ba tôi mới hay biết. Năm đó, đảo chánh Ông Diệm, gạo lên xuống giá bất thường, ba tôi hình như bối rối trong việc kinh doanh nên thất thần khi đưa rước tôi đi học (?!).

Người già, nhất là ở độ tuổi của thập niên 50-60, thường quý trọng vật dụng mình xài. Không như tuổi trẻ của thời kỳ vật chất thừa mứa, thay đổi model xoành xoạch. Sống với tôi suốt 9 năm trường, đến sau năm 1975, kinh tế gia đình tụt xuống đáy, ba tôi phải lần lượt bán đồ đạc vật dụng trong nhà để sống; chiếc mobilette dù là một kỷ vật vẫn phải tới lượt mình trong các món đồ ấy. Bán cho ai cũng là bán, nhưng tôi có ngay ý kiến bán cho anh Năm người từng làm công cho ba tôi. Không ai trong nhà có ý kiến khác, giá cả không là vấn đề, bởi cả ba tôi và anh Năm đều không đề cập đến. Tự ba tôi, người làm thương mại cũng biết giá nên không nói cao, tự anh Năm, cũng tin tưởng về người từng làm chủ mình. Một tâm trạng chung của nhau, đó là chiếc mobilette từng ở trong cái tiệm gạo Công Tâm của ba tôi, nay thì thôi về với anh Năm, cũng là người từng có cơ hội sử dụng nó.

Mobilette đen, chuyện không dứt của tôi và nó. Hơn chục năm sau, trước khi bị bệnh mất, anh Năm về Gò Công thăm ngôi nhà thờ ba tôi, tôi được  gặp lại nó do anh cưỡi  từ Long An  qua. Đồ vật coi vậy mà cũng có cái hồn, loanh quanh lẫn quẫn lại gặp chủ cũ, chứ có phải vô tình đâu ?!