Chiếc radio của ba tôi và ông Huyền Vũ

Vưu Văn Tâm

Chiec radio cua ba toi 01

Những khi không có khách đến cắt tóc, cũng như vắng mặt mấy chú bác đến đờn ca, ba tôi thường mày mò những thanh gỗ để trau chuốt cho cái cần của cây đờn kìm, hay mấy con nhạn của cây đờn tranh. Bên cạnh ông lúc nào cũng là chiếc radio hiệu Sony “chạy” bằng bốn cục pin “Con Ó”. Ba tôi cưng chiếc radio này lắm. Ông sắm cho nó một lớp vỏ bọc bằng da màu nâu nhạt, có nhiều lỗ thông hình “careau”, hao hao giống như giỏ đi chợ của mấy bà nội trợ. Có một hôm vì tò mò và nghịch ngợm, tôi gỡ hai cái nút bấm đằng sau và tháo cái vỏ ra để xem tận mắt hình dáng cái radio này. Thì ra cái vỏ này cũng được hãng Sony bên Nhật sản xuất đặc biệt vừa vặn khít khao để giữ cho chếc radio luôn mới và lâu bền với thời gian. Màu bạc lóng lánh sáng rực bên cạnh cái nút màu đen để dò (tìm) đài trông thật đẹp mắt.

Chiec radio cua ba toi 04Ba tôi nghe radio suốt ngày, từ tin tức, phóng sự, bình luận, cho đến những chương trình ca nhạc hoặc truyền thanh tuồng cải lương. Ông vui nhất là những hôm được thưởng thức những chương trình túc cầu được trực tiếp truyền thanh từ sân banh Cộng Hoà qua làn sóng điện của đài phát thanh Sài-Gòn hay đài phát thanh Quân Đội với lối tường thuật vô cùng sống động của ký giả thể thao kiêm bình luận viên Huyền Vũ. Những khi đó, tôi hay ngồi cạnh một bên để nghe ké, nhưng nghe thì ít, mà để vòi tiền mua quà bánh thì nhiều. Ba tôi hay nói :
– Huyền Vũ sở hữu một kiến thức thể thao sâu rộng và có khiếu ăn nói !
Có lần tôi hỏi ba :
– Sao mình không lên sân vận động coi cho đã ?
Ba tôi đáp lại :
– Mình làm sao mua được cái vé thượng hạng, dân chợ đen nó “thầu” hết rồi. Mua được vé hàng “cá kèo” thì cũng phải mang theo cái radio để nghe, chứ làm sao mà thấy rõ được. Thôi ở nhà nghe truyền thanh cũng được, có thêm tiền cho má mày đi chợ !

Chiec radio cua ba toi 02Một buổi trưa đi học về, tôi thấy ba buồn thiu và cũng không nghe radio như mọi khi. Vào nhà sau hỏi má, tôi mới biết, kẻ trộm đã lấy mất chiếc radio “cục cưng” của ba đi mất rồi ! Không lâu sau đó thì đến ngày mất nước 30 tháng tư năm 1975. Ký giả Huyền Vũ theo dòng người di tản, để lại những tiếc nuối vô vàn cho khán thính giả ghiền túc cầu một nổi nhớ mênh mang.

Hơn bốn thập niên đã đi qua rồi, thằng bé 9, 10 tuổi năm xưa vẫn còn nhớ như in giọng nói của ký giả lão thành Huyền Vũ, niềm đam mê túc cầu của ba cũng như những câu nói của ba ngày ấy :
– Không có Huyền Vũ thì trận banh coi như chết !
– Khi trận đấu chưa có đội nào ghi được bàn thắng thì ổng dùng chữ “rất là Huyền Vũ” như “cho đến giờ phút này màn lưới của hai đội vẫn còn trinh bạch” ..
– Trong khi chờ đợi thời gian trống trên sân, với kiến thức uyên bác và trí nhớ hết sức phong phú, ổng thường đưa ra những câu chuyện có liên quan đến thể thao cũng như túc cầu để giữ cho bầu không khí trong sân luôn được sôi động ..

Chiec radio cua ba toi 03

Từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam, từ thành thị đến thôn quê, bất kỳ ai ham mê túc cầu đều biết đến tên tuổi ký giả Huyền Vũ. Họ còn kháo với nhau rằng “trận banh nào mà không có Huyền Vũ thì xem như đó là trận banh tầm thường”. Hơn 20 năm trong vai trò bình luận viên túc cầu, ông đã được hàng triệu thính giả yêu mến và say mê theo dõi các chương trình trực tiếp truyền thanh các trận cầu trong nước cũng như quốc tế từ sân cỏ đến mỗi gia đình qua hệ thống phát thanh của đài quốc gia từ Sài-Gòn.

Cho đến bây giờ, ở trong nước vẫn chưa có một giọng nói nào nghe cho được huống chi là kế nghiệp hay thay thế được ông. Nhiều năm trước, tôi có dịp theo dõi vài trận banh trong mùa tranh giải “Sea Games” trên màn ảnh ti-vi Sài-Gòn. Các bình luận viên tường thuật cho có lệ, làm giảm đi “tiết tấu” của một trận banh đang hào hứng. Tôi nghĩ, đó chỉ là một công việc mà họ làm để kiếm cơm chứ không xuất phát từ niềm đam mê. Khi có hứng thú thì họ chêm vài ba câu nhạt nhẽo. Khi lười biếng hay “cụt hứng” thì họ im lặng hay nói ngắt quãng và để cho quả bóng cứ lăn tròn, trông thật là tội nghiệp !

Mấy mươi năm vật đổi sao dời, đất nước đã vào tay kẻ khác. Cái xấu, cái ác đã lên ngôi, những giá trị nhân văn ngày xưa cũng theo thời cuộc mà biến mất. Cho dù đã xa nhà lâu lắm rồi, nhưng trong tôi vẫn hoài nhớ cái Sài-Gòn hiền hoà những ngày tôi mới lớn, nơi đó đã cho tôi một trái tim mẫn cảm và một tấm lòng nhân hậu.

05.05.2018

1) Sưu tầm từ internet : Lão tướng Quách Hội, 73 tuổi, kể về chiếc Cúp Merdeka năm 1966 như sau: “Năm 1995, một sáng tôi đi ngang một tiệm bán đồ lạc-xon trên đường Hải Thượng Lãn Ông, tình cờ tôi nhìn thấy họ bày bán chiếc cúp vô địch giải túc cầu Merdeka mà đội tuyển túc cầu Việt Nam Cộng Hoà, trong đội có tôi, đoạt được năm 1966 tại Malaysia. Người chủ tiệm nói chắc giá 5 triệu đồng. Không có tiền, tôi đứng trước tiệm ấy từ sáng đến trưa với hy vọng có bạn đồng đội cũ nào đi ngang thì báo tin để kêu gọi anh em góp tiền mua lại chiếc cúp. Chờ mãi không gặp được ai, tôi đi về mà nước mắt ứa ra vì tiếc cho kỷ vật ghi lại chiến tích một thời của anh em chúng tôi. Không biết giờ này chiếc cúp Merdeka của anh em chúng tôi lưu lạc về đâu?” 

Chiec radio cua ba toi 05

2) Hình cầu thủ TamLang và chiếc Cúp Merdeka. Anh TL cũng là cựu học sinh trường PK ..

Chiec radio cua ba toi 06