Chiếc lon chuẩn úy

Kinh Bồng (Trần Công Bình)

Sau ngày 30.4.1975 Liêm Sĩ mới khoe lý lịch thật của mình.

Sĩ sinh năm 1951 tại Long An. Ba anh là cán bộ quân báo trong Quân Khu 9. Khi anh được 3 tuổi, ba anh tập kết ra Bắc. Mẹ anh ở vậy, lên Sài gòn mua gánh bán bưng nuôi 2 đứa con ăn học. Năm 1972, vào “Mùa Hè đỏ lửa”, anh đang học năm thứ 3 Đại học Luật khoa thì bị Tổng động viên phải nhập ngũ ở quân trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Ra trường với lon chuẩn úy, anh không lên đơn vị trình diện mà đào ngũ về trốn lính ở Cồn Phụng của Ông Đạo Dừa. Có một mật ước giữa Chánh quyền Tỉnh với ông Đạo là cứ để Giáo hội tự cai quản địa phận mình, cảnh sát và quân đội không thâm nhập địa bàn của giáo hội để “bắt lính”. Do đó, nhiều lính đào ngũ, trốn quân dịch về đây ẩn núp dưới danh nghĩa đạo Dừa.

Liêm Sĩ là một trong những người đó. Nhưng anh tuyệt đối giữ kín lý lịch của anh. Chỉ đến sau ngày 30.4.1975, ba anh từ Hà Nội trở về, bạn bè mới biết được sự thật về gia đình anh.

Không như những người bạn khác phải lao đao, vất vả với cái lý lịch dính líu với chế độ cũ, anh được đi học trở lại trường, bây giờ là trường Đại Học Kinh Tế. Ba năm sau anh tốt nghiệp Cao Đẳng Kinh Tế về làm việc dưới quyền ba anh, lúc này là Giám Đốc Bưu Điện.

Bạn bè đang mừng cho một hoàn cảnh may mắn của anh cũng như sự hãnh diện của mẹ anh sau 20 năm dài khổ cực vì con trong hoàn cảnh “cha vô danh” của 2 đứa nhỏ ghi trong khai sanh. Một tương lai rực sáng của con một cán bộ tập kết trong một bối cảnh một xã hội rối tung vì kinh tế, thiếu ăn, nạn kiều và vượt biên.

Đột ngột, trong năm 1978 anh đến nhà tôi với điệu bộ thiểu não. Anh phân bua, nè ông thấy không, đâu phải lỗi tại tui, tại ổng đó. Anh lấy nguyên cái lý lịch đưa tôi xem phần gạch bỏ một trang giấy, nơi đó ghi chi tiết về quá trình bị tổng động viên rồi học 9 tháng ở Quân trường Thủ Đức.

– Ổng biểu tui bỏ phần đi học Thủ Đức ra. Ổng nói mầy viết như vầy làm sao tao đưa cho người ta cho mầy đi học lại được. Tui nghe lời, bây giờ mới ra cớ sự.

Tôi thấy trong giọng nói đầy oán trách của anh đối với người cha tập kết khác hẵn với lúc anh được đi học trở lại cũng nhờ ông.

Tôi lặng thinh không nói năng gì vì biết bên trong còn lắm vấn đề rắc rối chung quanh cái vụ “lý lịch” này, mà chưa chắc Sĩ đã nói hết (?!).

Tình cờ, trong một dịp công tác ở Tỉnh, gặp một bạn thân, tôi mới biết rõ cớ sự.

Con đường quan lộ của Sĩ đang ngon trớn, Sĩ được Ban Lãnh Đạo dự kiến là Trưởng Phòng Kế Hoạch. Điều kiện làm Trưởng Phòng phải là đảng viên, Sĩ đồng ý làm đơn xin vô đảng. Cơ quan tiến hành thủ tục kết nạp đảng. Khi đi xác minh thì lòi ra cái đoạn giấu là sinh viên sĩ quan Thủ Đức. Thế là vụ việc bị Phòng Tổ Chức làm lớn chuyện. Lúc đó ba Sĩ lại vừa về hưu.

Mất thế, mất chỗ dựa và chỗ ém cái bí mật lý lịch, Sĩ bị buộc thôi việc vì khai man, một tội rất nặng để trở thành viên chức nhà nước.

Hình minh họa