Chị Năm sạp báo

Vưu Văn Tâm

chi 5 sap bao 01

Trước cửa nhà chừng mươi bước là sạp bán báo của chị Năm. Ba tôi là khách “ruột” của chị. Mỗi chiều chừng ba hay bốn giờ, khi báo vừa được phát hành, chị nhanh tay lẹ chân mang cho ba mấy tờ nhật trình như Đông Phương, Đại Dân Tộc, Điện Tín, Bút Thép, v.v.. để “chú Tư đọc cho mới”. Vì tiệm hớt tóc dành cho nam giới, nên ba tôi chỉ đặt mua báo chí đại loại như vậy. Mấy nhật báo này chủ yếu là những tin tức thời sự nóng hổi, phần tin chi tiết về phim ảnh hay kịch trường thì khiêm tốn hơn và cũng ít thấy.

Sau mỗi bữa cơm chiều, tôi thường ra sạp báo để ngắm nghía những tạp chí được treo lủng lẳng quanh sạp hay đọc ké những tờ tuần báo như Tin, Phụ Nữ Diễn Đàn, Sân Khấu Mới .. Những trang báo này tràn ngập hình ảnh và tin tức tài tử cũng như nghệ sĩ. Hôm nào có vẻ như không được vui, chị gay gắt ..
– Ê nhỏ, đi chỗ khác chơi, báo tui bán nghen, không được vạch coi như vậy, rách báo tui sao !
Đó là những năm tôi chừng bảy, tám tuổi. Có lẽ chị chê tôi còn con nít nên hay la rầy và cũng sợ tôi làm rách báo.

Lớn lên một chút, tôi vẫn thích lê la mỗi chiều nơi chị để được đọc báo, xem hình nghệ sĩ. Tôi để ý và biết được niềm đam mê của chị cũng ít nhiều giống mình. Tôi bắt đầu gợi chuyện về tên tuổi các nghệ sĩ, tài tử đang được yêu chuộng. Khoảng cách giữa hai chị em gần gũi và thân thiện hơn một chút. Chị kể cho nghe rất nhiều chuyện bên lề hay đời tư nghệ sĩ. Chị biết nhiều đến nổi tôi không thể dùng bút mực nào tả cho hết được. Những câu chuyện của chị vô cùng sống động và hấp dẫn. Chị là cái “rạp hát biết đi” hay ít ra cũng là cái “hậu trường sân khấu”.

– Phim “Nắng chiều” hay lắm em ơi. Hình ảnh cố đô Huế đẹp quá trời luôn.
– Trong tuồng “Chuyện Tình An Lộc Sơn” cảnh anh Hữu Phước vẽ chơn mày cho chị Thanh Nga thiệt là có duyên. Lúc anh Hùng Minh tung “ba ngàn thẻ bạc” trên sân khấu, ở dưới khán giả vỗ tay quá chừng luôn. Em ráng xin ba cho đi coi nghen ..
– Mấy tài tử bên Hongkong Lý Thanh, Khương Đại Vệ, Miêu Khả Tú .. mới đến Sài-Gòn để tham dự “đại hội điện ảnh Á Châu”. Họ ở khách sạn Ngọc Lan Đình trong Chợ-Lớn đó cưng ..
Rồi có một chiều chị còn vui hơn nữa. Vừa gặp thằng em, chị khoe liền :
– Hồi nãy, chị Thanh Nga và anh Đổng Lân đi xe hơi ngang qua và có ghé mua báo của chị. Chị Nga cột tóc với cái khăn lụa màu hồng. Chị Nga ngoài đời nhìn dễ thương lắm, trang điểm đơn giản và đẹp hơn trên sân khấu gấp mấy lần em ơi !
Đôi mắt chị Năm lúc ấy long lanh ngời sáng một niềm hạnh phúc khó diễn tả bằng lời ..

Hôm nào chị có dịp đi xem một cuốn phim hay một vở tuồng mới thì bữa sau tôi lại có thêm một đề tài mới mẻ để nghe. Câu chuyện của hai chị em lại sôi nổi hơn bao giờ hết. Những mẫu chuyện về âm nhạc, phim ảnh, kịch nghệ, cải lương .. dường như dài vô tận.

Những tưởng dòng đời cứ phẳng lặng và êm trôi như vậy, để chiều chiều hai chị em lại có được những giây phút trọn vẹn với màn bạc, màn nhung. Nhưng mùa xuân đó đã làm đổi thay mọi thứ. Tất cả các báo chí đều bị đình bản. Không chỉ riêng nơi chị mà các sạp báo khác trên đường Phan Đình Phùng và khắp cả Sài-Gòn trở nên đìu hiu với mấy tờ Tin Sáng, SGGP. Chị Năm giao lại sạp cho mẹ và tham gia vào lực lượng “Thanh niên xung phong”. Thỉnh thoảng, tôi gặp lại chị trong những chuyến “về phép”. Chị gầy hơn xưa và nước da sạm nắng đi nhiều. Chị vẫn vui vẻ và sôi nổi như ngày nào, nhưng câu chuyện chị kể đã khác đi nhiều lắm. Cái màu xanh rêu của bộ đồng phục ấy sao mà xa lạ quá. Hình như nó là “thủ phạm” đã đưa chị đi thật xa các rạp hát nơi đô thành và trôi dạt về những vùng kinh tế mới hẻo lánh, xa xôi.

Bốn mươi mấy năm rồi, dòng sông đời vẫn lặng lẽ trôi. Thời gian đã quá xa và không gian quanh tôi cũng không còn là cái Sài-Gòn yêu dấu cũ. Trong lòng tôi sao vẫn nhớ hoài những tháng ngày thơ ấu đó. Thằng bé đam mê cải lương, kịch nghệ ngày xưa đã quá nửa đời người, chân nó bước đi thật xa và luôn mang theo bên mình một vùng trời kỷ niệm.

chi 5 sap bao 02

27.11.2017