Chỉ với một cuốn sách tập đọc, cô giáo lớp Ba đã gây men tạo đà đam mê môn quốc văn cho đời tôi.

Kinh Bồng (Trần công Bình)

Tôi học  tiểu học ở trường Đỗ hữu Phương (*). Lớp Năm và lớp Tư trôi qua, tôi học dạng trung bình, không dỡ tệ nhưng cũng chẳng có gì đặc sắc.

Nhưng đến giữa năm lớp Ba, một nghĩa cử đột xuất của cô Tân, cô giáo đang dạy lớp tôi làm thay đổi hẵn việc học của tôi. Một hôm, trong giờ  trả bài “học thuộc lòng”  tôi  đọc bài thơ :

“Công cha như núi thái sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Khoanh tay đọc bài xong, đáng lẽ tôi được cho điểm và đi xuống chỗ ngồi, nhưng bất chợt cô hỏi tiếp:

– Con có  biết núi Thái Sơn nằm ở đâu trong nước mình không?

Đây là một câu hỏi khó, vừa có ý “gài bẫy” học trò. Tôi thản nhiên trả lời:

– Thưa cô, núi Thái Sơn không nằm ở nước ta mà nằm ở bên Tàu.

Cô cười vui, thỏa mãn với câu trả lời của cậu học trò nhỏ. Cô đâu biết tôi vốn hay hỏi những điều không biết khi học bài với ba tôi, câu đó ba tôi mới dạy tối qua khi tôi thắc mắc. Bài thuộc lòng đó tôi được điểm 10, một điểm  thực khó đạt với môn này.

Trước giờ tan trường , cô Tân gọi tôi lên bảng. Cô rút trong cặp táp da màu vàng của cô một cuốn sách dầy, bọc nhựa  đưa tôi và nói:

– Cô cho con cuốn sách tập đọc. Cuốn này rất hay, đọc cuốn này mới xứng với sức học của con.

Trời ! Tôi trúng tủ mà cô tôi không biết, lại khen tôi nức nở, còn tặng tôi thêm một cuốn sách to,dầy cộm. Tôi cám ơn cô, ôm cuốn sách vô ngực, bước về chỗ ngồi với bao nhiêu cặp mắt đổ xô nhìn mình. Tôi tràn trề hạnh phúc với niềm vui sướng trong ngày hôm đó.

Về nhà tôi đem cuốn sách khoe ngay với ba tôi. Ba tôi lật mục lục cuốn sách, đọc qua vài chương rồi gật gù nói cuốn sách này hay hơn cuốn tập đọc con đang học nhiều.

Chưa lật cuốn sách, tôi đã nghĩ cuốn sách phải rất đặc biệt so với cuốn mà trường bắt buộc mọi học sinh mua để học. Cuốn này khổ lớn, dầy gấp đôi, có nhiều hình vẻ. Có lẽ một thầy hay cô nào đó mới tặng cô Tân bởi tôi thấy ngày đề tặng cách đó một tuần. Ngoài ra cuốn sách lại được bọc plastic, chứng tỏ người tặng sách đã cẩn thận đem bọc sách xong mới tặng cô mình.

Tối hôm đó, tôi ngồi vào bàn học đọc những trang sách mới. Thực sự đó là món quà đầu tiên trong cuộc đời học sinh của tôi từ một cô giáo của mình.

Cô tôi năm đó đã già, da mặt bắt đầu có những nếp nhăn trên trán, nhưng cô đánh phấn dầy để che lắp. Tôi đoán tuổi cô phải trên 50, bởi tôi so sánh với Dì tôi. Cô thấp người, hơi chút đậm đà. Cô đi dạy mặc áo dài màu, vải trơn, tóc búi tó. Cô đặc biệt xách chiếc cặp da màu vàng, to như đàn ông, chứ không xách túi nhỏ như các cô trẻ hơn. Thầy Hợi, thầy dạy lớp Tư của tôi là bạn chí thân với cô, bởi tôi thấy  gần hết giờ thầy  thường qua lớp chúng tôi đứng chuyện trò cùng cô.

Cuốn sách khoản 300 trang, ngoài các phần giáo khoa được trình bày như cuốn tôi đang học, sách có phần “Bài đọc thêm” vào cuối mỗi Chương sách. Các bài đọc thêm này rất dài, nhưng cực kỳ hấp dẫn. Nó giống như những truyện ngắn trong các cuốn truyện sau này tôi được đọc lúc 12 tuổi. Các bài đọc thêm gồm đủ thể loại: khoa học, nghệ thuật, văn học, kể cả truyện trinh thám…Chính những bài đọc thêm này đã hấp dẫn làm tôi say mê với việc đọc truyện và đó là những bước khởi đầu để tôi ham đọc sách.

Năm ấy tôi 9 tuổi, cái tuổi đang ở thời kỳ mở rộng đầu óc, thâu nạp và phát ra để chứng tỏ sự hiểu biết những điều mới lạ của mình. Trong các bữa ăn chiều tôi thường nói chuyện này, chuyện nọ trong lớp học hoặc trong học hành. Tôi nói đủ thứ, nói  linh tinh, đôi lúc không có đầu có đuôi. Ba tôi điều chỉnh tình trạng này bằng cách cuối tuần cho tôi nói 5 phút  về một đề tài nào đó, nhưng phải có chủ đề rõ rệt.

Lúc đó tôi mới thấy việc nói có đề tài là một điều khó. Nhưng may quá, cuốn sách cô cho đã giúp tôi. Tôi chỉ việc đọc kỹ những “bài đọc thêm”, sắp đặt thứ tự cho phù hợp với cách nói của mình, kiếm vài vật hoặc hình vẻ  minh họa để hấp dẫn. 

Buổi thuyết trình đầu tiên tôi lấy ngay bài tập đọc viết về một thí nghiệm minh họa cho hình ảnh thái dương hệ trái đất xoay quanh mặt trời. Câu chuyện đơn giản như thế này: nhỏ một giọt dầu vào ly nước, dùng chiếc đủa đặt vào giọt dầu xong quấy vòng tròn rồi rút đủa ra. Giọt dầu xoay và bắn các giọt nhỏ ra chung quanh. Trong khi giọt dầu lớn tự xoay tròn quanh mình, thì các giọt dầu nhỏ tiếp tục quay chung quanh giọt dầu to, đó là hình ảnh của thái dương hệ mặt trời!
Từ đó, ngay ở lớp 3 tôi đã thực tập những bài trần thiết mà  mãi đến đệ Thất chương trình mới bắt đầu dạy.

Cuốn sách cô Tân cho, vô hình trung lại là bước đầu để tôi ham thích nghệ thuật thuyết trình và “nói trước công chúng” sau này!

Từ ham thích đến đam mê, tôi bắt đầu học giỏi môn văn từ đó. Năm lớp Nhì và Nhất, tuy không được đứng trong số học sinh được bảng danh dự (từ hạng nhất đến hạng năm), nhưng môn Văn bao giờ tôi cũng ở thứ hạng cao.

Nhớ công ơn của cô Tân, tôi tâm niệm phải có một nghĩa cử gì đó đối với Cô và ngôi trường tôi đã học. Mãi đến năm 1989, trong lúc đương thời là Trưởng Phòng Kế Hoạch của một Công Ty Xuất Nhập Khẩu, tôi có thay mặt đơn vị  trở lại trường Hùng Vương (tên mới của trường) tặng 5 bộ vi tính cho phòng Vi Tính nhà trường. Hôm đó tôi xin phép Ban Giám Hiệu đến thắp nhang ở “Niệm Sư Từ”, nơi có đặt bệ thờ và hình ảnh của các thầy cô từng dạy ở trường Đỗ hữu Phương trước kia.

Cô tôi, cô Tân có hình trong ngôi thờ “Niệm Sư Từ” này. Đây là một nơi thờ độc nhất nằm chính trong trường học đối với các thầy cô từng dạy trong ngôi trường của mình mà tôi biết được ở thành phố HCM.