Hình Chị Hai Chụp Khoảng Năm 2011

Ba Mẹ tôi có được tất cả 8 người con, 3 trai và 5 gái. Ba người chị lớn đều mất khi tôi chưa sinh ra đời, và người anh cả, Anh Lâm Vĩnh Tường, mà trong nhà thường gọi là Anh Hai Tường, mất năm 1944 khi tôi mới được có 3 tuổi. Vì vậy, tôi thật sự không có kỷ niệm gì cả với 4 người con lớn của Ba Mẹ tôi.  Sau này nghe Mẹ tôi kể lại tôi mới biết là cả 3 người Chị lớn đó, Chị Ba Sương, Chị Tư Thu và Chị Năm Diệu, đã mất trong cùng một năm, chỉ cách nhau không tới 3 tháng vì một bệnh truyền nhiễm chưa có thuốc chữa trong thập niên 1920: đó là bệnh sưng màng óc (Tiếng Anh là Meningitis; tiếng Pháp là méningite). Sau khi mất 3 người con gái trong một thời gian ngắn như vậy, Ba Mẹ tôi rất lo sợ, và nghĩ rằng ngôi nhà từ đường của dòng họ Lâm do Ông Cố xây cất (số 14 đường Trần Thanh Cần trong Chợ Lớn; về sau, từ thời Cộng Hòa, được đổi tên thành đường Hải Thượng Lãn Ông) có thể bị ếm bùa ngải gì chăng nên đã xin với Ông Nội tôi rời ngôi nhà đó và ra Sài Gòn mướn nhà ở khu Đakao (số 54 đường Faucault, về sau, từ thời Cộng Hòa, được đổi tên thành đường Nguyễn Phi Khanh, và tên đường này được giữ mãi cho đến ngày hôm nay). Sau đó Mẹ tôi sinh được thêm 2 người con gái nữa, Ba Mẹ tôi vẫn còn lo sợ, nên làm lễ “ký bán” hai người con gái đó cho Má Tư tôi (tức là Chị Thứ Tư của Mẹ tôi; tôi thật sự không biết có phải là do Bà Ngoại đặt ra hay không, nhưng trong gia đình bên ngoại tôi, tất cả các anh chị em chúng tôi đều gọi tất cả các người dì (tức là chị hay em gái của Mẹ mình) là Má hết; do đó chúng tôi có Má Hai, Má Tư, Má Năm (Mẹ tôi), Má Sáu, và Má Bảy). Lúc đó Má Tư tôi đã có tất cả 8 người con rồi, mà toàn là con gái: Chị Hai, Chị Ba, Chị Tư, Chị Năm, Chị Sáu, Chị Bảy, Chị Tám, và Chị Chín, vì vậy Má Tư tôi đã đặt tên cho hai người con gái mà Ba Mẹ tôi “ký bán” đó là Con Mười, và con Mười Một. Tuy nói là ký bán chớ thật ra thì hai chị vẫn do Ba Mẹ tôi nuôi, và vì vậy anh em tôi đều gọi hai người chị đó là Chị Mười, và Chị Mười Một (về sau thì gọi tắt là Chị Một). Mãi về sau, khi hai chị đều đã lập gia đình rồi, Mẹ tôi mới quyết định bảo anh em tôi sửa lại, gọi hai chị là Chị Hai (tên trong giấy khai sanh là Lâm Nguyệt Anh, sinh ngày 2-9-1933) và Chị Ba (tên trong giấy khai sanh là Lâm Nguyệt Phương, sinh ngày 11-3-1936). Chị Hai, Lâm Nguyệt Anh, đã mất vào ngày 10-7-2015, hưởng thọ 83 tuổi. Bài viết này cố gắng ghi lại những gì mà tôi, ở tuổi 82 này, còn nhớ được về người Chị Hai mà tôi rất thương yêu này.

Chị Hai Lúc Còn Đi Học

Lúc Chị Hai đi học ở bậc Tiểu Học và Trung Học, đất Nam Kỳ vẫn còn là một thuộc địa của Pháp, và chương trình học đều hoàn toàn bằng tiếng Pháp.  Tên gọi của các lớp học vẫn còn bằng tiếng Pháp như sau:

  • Bậc Tiểu học:

          o Lớp Năm: Cours Enfantin
          o Lớp Tư: Cours Préparatoir
          o Lớp Ba: Cours Élémentaire
          o Lớp Nhì: Cours Moyen
          o Lớp Nhứt: Cours Supérieur

  • Bậc Trung học:

          o Lớp Đệ Thất: Classe Sixième (hay Première Année)
          o Lớp Đệ Lục: Classe Cinquième (hay Deuxième Année)
          o Lớp Đệ Ngũ: Classe Quatrième (hay Troisième Année)
          o Lớp Đệ Tứ: Classe Troisième (hay Quatrième Année)
          o Lớp Đệ Tam: Classe Seconde
          o Lớp Đệ Nhị: Classe Première
          o Lớp Đệ Nhứt: Classe Terminale

Chị Hai học rất giỏi. Chị thi đậu bằng Certificat d’Études Primaires (Bằng Tiểu Học) vào năm 1945. Nghe Mẹ tôi kể lại Ba tôi mừng vô cùng. Ba Mẹ tôi càng mừng hơn nữa vì cũng trong năm đó Chị đậu luôn kỳ thi tuyển rất khó khăn vào Trường Áo Tím, là trường nữ trung học công lập đầu tiên của Sài Gòn, lúc đó mang tên là Collège des Jeunes Filles Indigènes, về sau này là Trường Nữ Trung Học Gia Long [1] Bốn năm sau, tháng 6-1949, Chị Hai thi đậu bằng Diplôme (tương đượng với Bằng Trung Học Đệ Nhứt Cấp trong thời Cộng Hòa), hay DEPSI (Diplôme d’Etudes Primaires Supérieures Indigènes). Trường Áo Tím lúc đó, như tên gọi là Collège, chỉ có các lớp đệ nhứt cấp thôi, nên năm sau Chị Hai phải xin vào học Lớp Seconde tại trường Lycée Marie-Curie là trường đệ nhị cấp trong niên khóa 1949-1950. Sau khi học xong Lớp Seconde, Hè năm 1950, Chị Hai được Mẹ tôi cho đi Pháp học lên Lớp Première để thi Tú Tài I Pháp (Baccalauréat, Première Partie). Chị Hai theo học Trường Nữ Trung Học (Lycée) tại Thành phố Besançon, ở phía Đông nước Pháp, sát ranh giới với Thụy Sĩ vì lúc đó gia đình tôi có một người chú, em chú bác với Ba tôi, là Chú Năm Lâm Nhựt Tân (Ba tôi có tên trong giấy khai sanh là Lâm Đình Thâm, nhưng tên trong Gia phả là Lâm Nhựt Thanh), đang học Kỷ Sư Hóa Học tại Trường Đại Học Besançon có thể làm người bảo hộ để trông nom và giúp đỡ Chị Hai. Trong thời gian học Lycée ở Besançon, Chị Hai ở trọ nhà của cha mẹ Chị Denise André là bạn học cùng lớp. Chị Hai và Chị Didi (tên gọi thân mật ở nhà của Chị Denise), trở thành một đội bạn thân cho đến cuối cuộc đời của hai người.  Sau khi đậu bằng Tú Tài I Pháp (1951), nghe tin Mẹ tôi lúc đó bị người quen giựt hụi nên mang nợ, và gặp khó khăn về tài chánh, Chị Hai lập tức trở về Việt Nam để lo giúp mẹ tôi trong lúc khó khăn đó. Sau khi thi đậu Bằng Tú Tài II Pháp (Baccalauréat, Deuxième Partie), Chị Hai xin vào dạy giờ tại Trường Petrus Ký, môn Pháp Văn, cho các lớp đệ nhứt cấp. Chị Hai dạy học tại Trường Petrus Ký được 2 niên khóa (1952-1953, và 1953-1954), và trong thời gian 2 năm đó, bao nhiêu tiền dạy học Chị Hai đều đưa hết cho Mẹ tôi để giúp Mẹ tôi trang trải nợ nần. Vào mùa hè 1955, khi Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, [2] dọn từ Đà Lạt về Sài Gòn, và mở Khóa 3 qua một kỳ thi tuyển mà thí sinh phải có bằng Tú Tài II, Chị Hai nộp đơn thi tuyển và Chị đã đậu. ạt về Sài Gòn, và mở Khóa 3 qua một kỳ thi tuyển mà thí sinh phải có bằng Tú Tài II, Chị Hai nộp đơn thi tuyển và Chị đã đậu. 

Chị Hai Và Các Em Tại Việt Nam

Sau khi Anh Hai Lâm Vĩnh Tường mất vào năm 1944, và Ba chúng tôi mất vào tháng 1-1948, trong nhà chỉ còn Mẹ và 4 chị em tôi (Chị Hai Lâm Nguyệt Anh, Chị Ba Lâm Nguyệt Phương, Anh Tư Lâm Vĩnh-Tế, và tôi Lâm Vĩnh-Thế) mà thôi. . 

Hình Mẹ tôi và Bốn Chị Em Tôi Chụp Khoảng Năm 1953
Hàng trước từ trái qua: tôi, Mẹ tôi, và Anh Tư
Hàng sau từ trái qua: Chị Ba và Chị Hai

Hình Chị Hai Lúc Học Trường Áo Tím

Hình Bốn Chị Em Tôi Chụp Tại Sài Gòn
Từ Trái Qua: Tôi, Anh Tư, Chị Ba, Chị Hai, và Anh Hải (Con trai của Cậu Tám, em Út của Mẹ Tôi)

Chị Ba, Chị Hai và Tôi ở Bến Xe Buýt Sài Gòn

Chị Hai và Tôi Tại Bải Biển Long Hải    

Chị Hai không những nêu gương cho các em về chuyện học hành mà còn luôn luôn để tâm chăm sóc, kiểm tra, và đôn đốc việc học của chúng tôi. Nhờ vậy mà Chị Ba, Anh Tư, và tôi đều học có kết quả rất tốt. Chị Ba thi đậu vào Première Année (Chương trình Pháp) của Trường Gia Long, Anh Tư và tôi lần lượt trước sau đều thi đậu vào Trường Petrus Ký; Anh Tư đậu vào Première Année (Chương Trình Pháp) của Trường Petrus Ký năm 1952 và tôi vào Lớp Đệ Thất (Niên khóa đầu tiên của Chương Trình Việt) của Trường Petrus Ký năm 1953.  Mẹ tôi rất hài lòng và vui mừng với kết quả học hành của bốn chị em tôi.

Chị Ba, Anh Tư và tôi đều cố gắng học tập theo gương của Chị Hai. Chi Ba đậu bằng Brevet (thay thế cho Bằng Diplôme) và ra đi làm. Anh Tế, sau khi thi đậu bằng Brevet năm 1955, Anh đậu luôn cả 2 Bằng Tú Tài Pháp, Tú Tài I (1957) và Tú Tài II (năm 1958, Ban Math-Élem, viết tắt của Mathématiques Élémentaires, tức là Ban Toán).  Sau đó, Anh Tư theo học Đại Học Khoa Học Sài Gòn (Faculté des Sciences, Université de Saigon), và liên tiếp trong 2 niên khóa 1958-1959 và 1959-1960, Anh đậu luôn cả 2 Chứng Chỉ: MPC (Math-Physique-Chimie = Toán-Lý-Hóa) và Chimie Générale (Hóa Học Đại Cương). Anh nộp đơn xin học bổng của Kế Hoạch Colombo (Colombo Plan), và được cấp học bổng du học tại Canada từ niên khóa 1960-1961. Sau khi đậu bằng Cử Nhân Khoa Học (Bachelor of Science = BSc, hạng ưu Magna Cum Laude vào năm 1962; Anh chỉ học cấp Cử Nhân trong 2 năm thôi vì Đại Học Montréal chấp nhận 2 Chứng Chỉ Anh đã đậu ở Đại Học Khoa Học Sài Gòn, và cho Anh ghi danh học thẳng lên năm thứ 3 của bậc Cử Nhân, Anh Tư đậu luôn bằng Master of Science (MSc) năm 1964, và bằng Tiến Sĩ về Hóa Lý (Ph.D. in Physical Chemistry) năm 1967. Sau đó Anh được Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia của Canada (Canada National Research Council) cấp học bổng Fellowship trong hai năm để làm khảo cứu thuộc chương trình hậu-tiến-sĩ (post-doctoral research studies).  Sau khi xong chương trình hậu-tiến-sĩ, Anh Tư làm Giáo sư về môn Hóa học tại Đại Học Sherbrooke của tỉnh bang Quebec trong 2 năm.  Sau đó, Anh Tư về Montréal dạy cho CEGEP Bois-de-Boulogne cho đến khi Anh Tư mất vào đầu năm 2000.   Tôi cũng cố gắng học hành theo gương của Chị Hai và Anh Tư. Tôi đậu bằng Trung Học Đệ Nhứt Cấp năm 1957, Tú Tài I năm 1959, và Tú Tài II năm 1960 (cả 2 bằng Tú Tài I và II đều là Ban A, Khoa Học Thực Nghiệm).  Sau đó tôi đậu luôn vào Đại Học Sư Pham Sài Gòn (ĐHSPSG), Ban Sử Địa.  Tốt nghiệp ĐHSPSG năm 1963 tôi được bổ nhiệm về dạy các lớp Đệ Nhị Cấp tại Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa trong 3 năm (1963-1966).  Sau đó tôi được thuyên chuyển về Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức và dạy môn Kiến Thức Xã Hội tại đây trong 5 năm (1966-1971). Hè 1971, tôi được học Bổng của USAID (United States Agency for International Development) và đi du học tại Hoa Kỳ trong 2 năm (1971-1973) tại Trường Thư Viện Học của Viện Đại Học Syracuse (School of Library Science, Syracuse University), ở tiểu bang New York, và tốt nghiệp vào tháng 5-1973 với Bằng Cao Học về Thư Viện Học (Master of Library Science – MLS). Về nước, tôi ra ứng cử và đắc cử chức vụ Chủ Tịch Hội Thư Viện Việt Nam (HTVVN) 2 nhiệm kỳ 1974 và 1975; trên cương vị Chủ Tịch HTVVN, tôi cũng được các hội đoàn văn hóa tư bầu vào Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục, là một trong 3 Hội Đồng (2 hội đồng kia là Hội Đồng Kinh Tế Xã Hội, và Hội Đồng Các Sắc Tộc) do Hiến Pháp VNCH năm 1967 thành lập và do Phó Tổng Thống làm Chủ Tịch. Sau đó tôi cũng được Viện Đại Học Vạn Hạnh cử nhiệm là Giáo Sư Trưởng Ban, Ban Thư Viện Học, thuộc Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn.  Mọi việc đang diễn ra tốt đẹp thì ngày 30-4-1975 ập đến và cả 3 chị em tôi đều phải chịu nhiều mất mát, cả vật chất lẫn tinh thần.

Chị Hai Khi Đã Lập Gia Đình

Chị Hai lập gia đình lúc đang học năm cuối (1957-1958) tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.  Anh Hai, tên Nguyễn Minh Trí, sinh ngày 30-12-1933, là một Hạ Sĩ Quan Không Quân phục vụ tại phi trường Biên Hòa.  Anh Chị Hai sinh được hai con gái: Nguyễn Minh Phượng, sinh ngày 17-12-1959, và Nguyễn Minh Hoàng, sinh ngày 13-6-1961.

Chị Hai chọn học Ban Tài Chánh và sau 3 năm học, Chị Hai tốt nghiệp Hè 1958 và được bổ nhiệm làm Phó Trưởng Ty Thuế Lợi Tức Pháp Nhân, trực thuộc Nha Trực Thâu, Tổng Nha Thuế Vụ, Bộ Tài Chánh của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.  Về sau, Chị Hai lần lượt thăng cấp lên Trưởng Ty rồi Chánh Sở.  Đầu năm 1975, khi Tổng Cục Đầu Tư được thành lập, Chị Hai, lúc đó đã chính thức vào ngạch Thanh Tra Tài Chánh của Bộ Tài Chánh, đã được điều động sang làm Chuyên Viên Thuế Vụ cho Tổng Cục Đầu Tư. Trong suốt thời gian làm việc toàn thời gian cho Tổng Nha Thuế Vụ, Chị Hai đã cố gắng đi học thêm, Chị lấy được Văn Bằng Cử Nhân Luật, và sau đó cả 2 Chứng Chỉ Cao Học Luật I và II và đang chuẩn bị làm Luận Án Tiến Sĩ Luật thì ngày 30-4-1975 ập đến và chấm dứt luôn việc học của Chi Hai. Cũng trong thời gian này, năm 1972, Chị Hai đã được USAID cấp một học bổng đi tu nghiệp về Thuế Vụ trong 6 tháng tại Trường Đại Học Nam California ở Los Angeles (University of Southern California = USC).   Sau khóa tu nghiệp tại Los Angeles, Chị Hai đã bay sang Syracuse, tiểu bang New York, để thăm tôi lúc đó đang học Cao Học về ngành thư viện tại Trường Đại Học Syracuse.  Được tin này, Anh Tư tôi đã cùng với vợ anh ấy là Chị Raymonde Charron (người Québec) lái xe từ Montreal xuống Syracuse, và nhờ vậy chúng tôi đã có được tấm ảnh chụp chung cả 3 chị em sau đây tại apartment của tôi trong khuôn viên của Đại Học Syracuse:

Từ trái qua: Chị Raymonde, Anh Tư, Chị Hai và tôi

Đối với phần đông phụ nữ Việt Nam trong lứa tuổi của Chị, Chị Hai có thể được xem như là một trong những người học giỏi và có nhiều học vị nhứt. Chị Hai cũng nói thông thạo cả 2 ngoại ngữ Pháp và Anh, nhứt là với tiếng Pháp thì, thú thật, cho tới ngày hôm nay, ở tuổi 82 này, tôi chưa từng gặp được một người phụ nữ Việt Nam nào, ở lứa tuổi của Chị, nói tiếng Pháp trôi chảy, đúng giọng, nhuần nhuyễn, và hay như Chị Hai. 

Chị Hai và Các Em Tại Canada

Năm 1981, gia đình tôi được Anh Tư bảo lãnh sang định cư tại Canada. Sau khi vào công dân Canada, tôi đứng ra bảo lãnh cho gia đình Chị Ba sang định cư tại Canada vào cuối năm 1991. Tháng 12-1999, nhân dịp Anh Tư được 60 tuổi, bốn chị em chúng tôi đã chụp chung một tấm ảnh vào hôm đến mừng sinh nhựt của Anh Tư:

Hình bốn chị em tôi chụp nhân dịp sinh nhựt 60 của Anh Tư vào ngày 12-12-1999
Từ trái qua phải: tôi, Chị Ba, Chị Hai, và Anh Tư

Thật không ngờ đây cũng là tấm ảnh cuối cùng 4 chị em chúng tôi chụp chung vì chẳng bao lâu sau đó thì Anh Tư mất vì bệnh ung thư gan.

Sau khi Anh Tư mất, Chị Hai giữ liên lạc rất chặt chẽ với gia đình của 2 người em còn lại là gia đình Chị Ba và gia đình tôi. Cả 3 gia đình chị em chúng tôi thường gặp nhau trong các sinh nhựt, lễ hộị và thỉnh thoảng cùng tổ chức các chuyến du lịch, đi chơi xa như Punta Cana (Cộng Hòa Dominique), hay Mexico, Cuba.

Sinh Nhựt Thứ 79 Của Chị Hai Tổ Chức Tại Nhà Tôi – Ngày 2-9-2012
Từ trái qua: Victor (cháu ngoại của Anh Chị Hai), Anh Hai, vợ chồng tôi, Chị Hai,
Sau lưng Chị Hai từ trái qua: Minh Hoàng, Lara (bạn gái của Victor), Minh Phượng, và Dũng (con trai lớn của vợ chồng tôi)

Hình Anh Chị Hai Lên Chơi Hamilton Chụp Tại Phố Tàu Mississauga Hè 2011
Từ trái qua: vợ chồng tôi, Chị Hai, Anh Hai, Minh Phượng, và Dũng (con lớn của vợ chồng tôi)

Gia Đình Chị Hai Lên Chơi Hamilton Năm 2013
Từ trái qua phải: Minh Phượng, Nhơn Nghĩa (bà xã tôi), Minh Hoàng, tôi, Anh Hai, và Chị Hai

Chị Hai và tôi tại vườn hoa Royal Botanical Garden của Thành phố Burlington

Chị Hai Sau Ngày 30-4-1975

Thật là may mắn cho Chị Hai, nhờ đã được điều động sang làm Chuyên Viên Thuế Vụ cho Tổng Cuộc Đầu Tư, không còn nắm chức vụ chỉ huy như lúc còn làm Chánh Sự Vụ Sở Thuế Lợi Tức Pháp Nhân ở Tổng Nha Thuế Vụ, thuộc Bộ Tài Chánh nữa, nên Chị Hai đã không phải đi học tập cải tạo tập trung sau ngày 30-4-1975. 

Sau mấy năm sống trong chế độ Cộng sản, người Miền Nam đã thấy rõ là không thể nào sống nổi trong cái gọi là “thiên đường xã hội chủ nghĩa,” và từ năm 1979 trở đi, việc vượt biên đi tìm tự do đã trở nên một phong trào. Từ vĩ tuyến 17 trở xuống phía Nam, đi đến đâu cũng nghe thấy người ta bàn nhau về chuyện “đi.”  và người dân Miền Nam đã “đi” bằng hai cách sau đây: bằng đường bộ xuyên Cam-pu-chia để vượt biên giới sang Thái Lan, và nhứt là bằng đường biển để đến các bờ biển và hải đảo của Mã Lai và Nam Dương. Các tổ chức vượt biên theo 2 cách này đều là bất hợp pháp với rất nhiều rủi ro, mất mát, kể cả sinh mạng. Chính quyền Cộng sản cũng thừa dịp này, tạo ra một kế hoạch mệnh danh là “Phương Án II” để lấy vàng của người vượt biển, mà dân chúng Miền Nam thường gọi là “đi bán chánh thức.” [3] Đối tượng chính của kế hoạch này là người Việt gốc Hoa.  Lý do: mối quan hệ Việt-Trung đã trở nên rất căng thẳng sau khi Việt Nam tấn công và chiếm đóng Cam-pu-chia, và trên thực tế, đã đưa đến cuộc Chiến tranh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc vào đầu năm 1979. Việt Nam muốn tống khứ người Hoa ra khỏi Việt Nam để tránh chuyện “đạo quân thứ năm.” trong lãnh thổ của mình.  Nhờ sự giới thiệu của người quen, gia đình Chị Hai đã được tham gia vào một trong các chuyến “đi bán chánh thức” này trên một chiếc tàu sắt khá lớn có tên là Skyluck. [4] Chẳng may, khi tàu Skyluck đến Hong Kong thì bị chính quyền Hong Kong cấm không cho vào để điều tra, và gia đình Chị Hai phải chịu sống rất khổ trên tàu trong 6 tháng.  Sau khi tàu Skyluck bị bảo đánh, va vào đá, tàu bị bể và nước tràn vào đưa đến nguy cơ có thể bị chìm, chính quyền Hong Kong bắt buộc phải cho mọi người trên tàu lên bờ và đưa vào giữ trong một nhà tù cũ có tên là Chi Ma Wan. Trong thời gian ở Chi Ma Wan, Chị Hai đã bị muỗi cắn làm độc tạo nên một vết thương lớn ở bắp chuối chân phải làm cho Chị bị khó khăn khi đi đứng.  Chị Hai được một cô y tá của trại rạch vết u, nặn mũ và xức thuốc. Vì không có thuốc tê và thuốc giảm đau, nên Chị Hai bị đau nhiều lắm. Về thể chất đã như vậy rồi, lại thêm về mặt tinh thần, lo lắng cho tương lai mù mịt, nên Chị Hai bị sa sút, ốm đi rất nhiều trong thời gian còn kẹt lại ở Hong Kong này. Sau đó, nhờ có giấy tờ bảo lãnh của Anh Tư, nhân viên Sở Di Trú Canada (Immigration Canada) đã đến Chi Ma Wan làm thủ tục cho gia đình Chị Hai được đi ngay sang Canada.  Sau khi chuyến bay đáp xuống Edmonton, thuộc tỉnh bang Alberta, Chị Hai được đưa ngay vào bệnh viện và tại đây các bác sĩ và y tá đã chữa trị rất đàng hoàng cho vết thương ở chân của Chị Hai. Sau đó gia đình Chị Hai mới được đưa về thành phố Montréal, thuộc tỉnh bang Québec, là nơi mà người bảo trợ là Anh Tư đang sinh sống.  Tình trạng sức khỏe của Chị Hai lúc đó rất bết bát.c đó rất bết bát.

Anh Tư đã mướn một apartment có 2 phòng ngủ trên đường Querbes, gần ngã tư với đường Saint-Roch, thuộc khu Jarry, cho gia đình Chị Hai trú ngụ. Vài tuần sau, khi sức khỏe của Chị Hai đã khả quan, Anh Tư mới dám báo cho Chị Hai tin buồn là Mẹ chúng tôi đã mất ở Việt Nam từ hồi đầu tháng 7-1979 rồi [5]. Chị Hai rất đau buồn khi biết tin này và Chị Hai đã làm một bài thơ khóc mẹ thật hay và cảm động như sau:

          Mẹ mất rồi: 4-7-79
          Kính dâng hương hồn Mẹ

          Thôi thế từ nay cách biệt rồi
          Còn gì mong nữa hởi Mẹ ơi
          Đời con như mảnh buồm theo gió
          Như cánh bèo mây, như nước trôi.

          Nhớ thuở ra đi, biệt Mẹ hiền
          Cảnh nhà tan nát, phận đảo điên
          Ly hương vĩnh viễn, lìa bạn hữu
          Bỏ lại Mẹ già, dạ chẳng yên.

          Phút chốc nghe tin Mẹ chẳng còn
          Đất bằng sóng dậy, biển thành non
          Ngày mong gặp Mẹ thành mây khói
          Đầu vở, tim đau, dạ héo hon.

          Mẹ đã yên bề, Mẹ có hay
          Đời con hiu quạnh ở chốn này
          Tìm đâu bóng Mẹ ngày xưa nữa
          Chỉ thấy chân trời bóng nhạn bay.

          Khổ nổi lòng con cứ vấn vương
          Ảnh hình từ mẫu với tình thương
          Ngàn năm ấp ủ lòng con mãi
          Dù ở phương xa ngút dặm trường

          Ngày tháng Mẹ ban quá nhiệm mầu
          Bao năm gánh nặng nghĩa càng sâu
          Giờ đây vắng Mẹ ngàn nhung nhớ
          Khóc Mẹ lòng con ứa lệ sầu.

          Thắp nén nhang lòng gởi Mẹ yêu
          Tình con thương Mẹ biết bao nhiêu
          Cúi xin Thượng Đế Ngài thương xót
          Cứu rổi linh hồn Mẹ thoát siêu.

          Thành phố Montréal
          Tỉnh bang Québec, Canada
          Một ngày thu buồn năm 1979

Sau đó, cả Anh Hai và Chị Hai đều tìm được việc làm tại Montréal. Anh Hai làm làm thợ trang trí vẽ đèn abat-jour cho 1 công ty trên đường Mountain Sight gần xa lộ Décarie.  Anh Hai là người có hoa tay, vẽ rất đẹp, nên rất thích công việc này.  Nhờ vậy mà nhà Anh Hai Chị Hai, nhà của Phượng, Hoàng, và cả nhà của vợ chồng tôi ở Hamilton đều luôn luôn có đuợc những cặp đèn abat-jour rất đẹp. Chị Hai thì làm kế toán cho Công Ty Nivel chuyên cấp hàng hóa cho các cửa hàng tạp hóa trong tiểu bang Québec.  (Tháng 9-1981, gia đình tôi cũng được Anh Tư bảo lãnh sang Canada, trong thời gian đầu, khi chưa tìm được việc làm đúng nghề chuyên môn thư viện của tôi, tôi đã được Chị Hai giới thiệu vào làm lao động trong kho hàng của Công ty Nivel, với lương $4,25 một giờ cho tới khi tôi tìm được việc làm chuyên môn ở Ottawa vào tháng 4-1982).  Hai con gái của Anh Chị Hai, Minh Phượng và Minh Hoàng, được Anh Tư giới thiệu cho vào học tại CEGEP Bois-de-Boulogne.  Sau khi tốt nghiệp CEGEP, Chương trình Hành Chánh Văn Phòng (Office Administration) trong 3 năm, Minh Phượng đã thi đậu kỳ thi tuyển vào làm công chức cho Thành Phố Montréal và Minh Phượng đã liên tục làm việc tại đó cho đến ngày về hưu; Minh Hoàng tiếp tục học lên đại học tại Đại Học Concordia (Montréal) và tốt nghiệp Cử Nhân về Doanh Thương (Bachelor of Business Administration). Minh Hoàng lập gia đình với Nghiêm Xuân Mạnh Hùng, một chuyên viên về IT, nhưng không có con. Minh Phượng lập gia đình với Phan Duy Trung, một kỷ sư công chánh, và có được 2 con, 1 trai và 1 gái. Con trai của Phượng, Victor Phan, tên gọi thân mật ở nhà là Tí, là một Bác sĩ Nha Khoa có phòng mạch tại Montréal, đến nay vẫn chưa lập gia đình.  Con gái của Minh Phượng, Christiane Phan, tên gọi thân mật ở nhà là Bê bê hay Bê, là một sĩ quan cảnh sát của Thành Phố Montréal, đã lập gia đình với Kevin Aissiou cũng là một sĩ quan cảnh sát của Montréal.  Dưới đây là hình Chị Hai chụp với hai đứa cháu ngoại mà Chị Hai rất thương yêu:

Chị Hai với Victor

Chị Hai với Christiane

Hoạt Động Cộng Đồng Tại Montréal Của Chị Hai

Sau khi nghỉ hưu, Chị Hai đã hoạt động rất tích cực trong Cộng Đồng Người Việt Tại Montréal trong các chức vụ Chủ Tịch Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Trung Học Gia Long, Phó Chủ Tịch và Cố Vấn của Hội Tuổi Vàng Rồng Vàng (Cao Niên) Montréal cũng như Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh. Chị Hai đã đóng góp rất nhiều bài vở (truyện ngắn, thơ, bút ký, vv) cho các tập san, đặc san của các hội đoàn người Việt trong vùng Montreál.  Sau đây là một số bài viết tiêu biểu của Chị Hai:

  1. Con người và dòng sông”, Đặc san Quốc Gia Hành Chánh Xuân Nhâm Thìn 2012, tr. 62-63.
  2. Danh nhân Nguyễn Trường Tộ”, Đặc San Xuân Đinh Hợi 2007 Hội Tuổi Vàng Rồng Vàng, tr. 69-71.
  3. Đại nạn và phép lạ”, Đặc San Quốc Gia Hành Chánh Xuân Tân Mão 2011, tr. 59-61.
  4. Để lại tình thương”, Đặc san Xuân Ất Mùi 2015 Hội Tuổi Vàng Rồng Vàng, tr. 50-52.
  5. Đôi dòng tâm sự gởi các bạn cao niên”, Đặc san Xuân Quý Tỵ 2013 Hội Tuổi Vàng Rồng Vàng, tr. 11-12.
  6. Hạnh phúc ở đâu”, Đặc San Quốc Gia Hành Chánh Xuân Đinh Hợi 2007, tr. 77-78.
  7. Lá thư Ban Chấp Hành”, Đặc San Xuân Tân Mão 2011 Hội Tuổi Vàng Rồng Vàng, tr. 8.
  8. ““Một thời Học Viện”, Đặc san Quốc Gia Hành Chánh Xuân Quý Tỵ 2013, tr. 34-36
  9. Tình đồng hương”, Đặc san Xuân Quý Tỵ 2013 Hội Tuổi Vàng Rồng Vàng, tr. 120-122
  10. Xuân cảm tạ” (thơ), Đặc San Quốc Gia Hành Chánh Xuân Tân Mão 2011, tr. 61.
  11. Xuân hoài cảm” (thơ), Đặc San Xuân Tân Mão Hội Tuổi Vàng Rồng Vàng, tr. 8.

Chị Hai Những Năm Cuối Đời

Kể từ khi bước vào tuổi 75, trái tim của Chị Hai bắt đầu có vấn đề, và sau cùng đưa đến việc Chị Hai phải trải qua một cuộc giải phẫu tim để thông mạch và thay van tim.  Tuy sức khỏe không còn được như trước nữa, Chị Hai vẫn giữ liên lạc thật tốt với gia đình các em, và khi có dịp lại tổ chức gặp nhau, và có khi cũng đi chơi xa chung với nhau.   Năm 2013, nhơn dịp cả Anh Hai và Chị Hai (đều sinh năm 1933) bước vào tuổi “bát tuần” cả 3 gia đình ba chị em tôi đã tổ chức đi nghỉ Hè chung với nhau tại Resort Punta Cana (Cộng Hòa Dominica) ở vùng biển Caribbean:          

Đi Chơi Resort Punta Cana (Cộng Hòa Dominica) Hè 2013
Từ Trái qua: Khánh (con trai lớn của Chị Ba), Bạch Mai (con dâu của Chị Ba, vợ Khải), vợ chồng tôi, Chị Ba, Chị Hai, Phương Mai (con gái của Chị Ba), Bà xui gia của Anh Chị Hai, Khải (con trai nhỏ của Chị Ba), một bà bạn của Chị Hai, Anh Hai, và Dũng (con trai lớn của vợ chồng tôi)

Sau chuyến đi nghỉ Hè chung này, sức khỏe của Chị Hai có vẻ khôi phục lại, cả 3 gia đình chúng tôi đều rất mừng. Tháng 6 năm 2015, Chị Hai lại cùng gia đình đi nghỉ mát ở Riviera Maya của Mexico.  Sau khi trở về Canada, Chị Hai rất vui và khỏe mạnh.  Đêm 9-7-2015, Anh Chị Hai nói chuyện với nhau đến khuya mới đi ngủ.  Sáng hôm sau, nghe chuông điện thoại reo, Anh Hai thức dậy, bắt máy, và được biết bên kia đầu dây là một bà bạn muốn nói chuyện với Chị Hai, Anh Hai xoay qua kêu Chị Hai dậy để trả lời điện thoại của bà bạn, mới biết là Chị Hai đã đi rồi, một cách êm xuôi, thanh thản, trong giấc ngủ. Anh Hai đã bị một cơn sốc quá lớn, kéo dài gần cả một năm trời.  Bảy năm sau, ngày 15-11-2022, Anh Hai cũng đã về xum họp lại với Chị Hai:

Thay Lời Kết

Chị Hai của tôi, Chị Lâm Nguyệt Anh (1933-2015), đã xong trọn nhân kiếp của mình, và vĩnh viễn ra đi trong thanh thản, nhưng đã để lại bao tiếc thương, đau buồn cho tất cả những người thân mà Chị đã thương yêu. Đối với riêng tôi, đó thật sư là một mất mát rất lớn: tôi mất một người Chị đã luôn luôn thương yêu, chăm sóc tôi kể từ khi tôi trở thành mồ côi cha lúc chưa được tròn 7 tuổi; tôi mất một người Chị đã nêu gương cho tôi trong việc học hành ngay từ lúc tôi còn đang học tiểu học và trung học; và tôi cũng đã mất một người Chị luôn luôn chỉ bảo, giúp ý kiến tôi những lúc tôi gặp khó khăn trong đời sống và trong công việc làm.     

GHI CHÚ:

1.      Một thoáng nhớ lại Trường Nữ Gia Long Saigon, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Một thoáng nhớ lại Trường Nữ Gia Long Saigon (cochinchine-saigon.com)

2.      Học viện Quốc gia Hành chánh, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: Học viện Quốc gia Hành chánh – Wikipedia tiếng Việt

3.      Huy Đức.  Bên thắng cuộc.  Tập I: Giải phóng.    Sài Gòn, Boston, Los Angeles, New York: OSINBook, 2012.  Tr. 122-125.  Ở tr. 123, Huy Đức ghi rõ: “Người di tản được đóng vàng để công an mua thuyền hoặc đóng thuyền cho đi mà không sơ bị bắt hay gây khó khăn.  Việc thực hiện Phương án II chỉ do 3 người là bí thư, chủ tịch và giám đốc công an tỉnh quyết định.  Công an được giao làm nhiệm vụ đứng ra thu vàng và tổ chức cho người di tản.”

4.      Skyluck, the ship that smuggled 2,600 boatpeople to Hong Khong – and freedom, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn trên Internet tại địa chỉ sau đây: Skyluck, the ship that smuggled 2,600 boatpeople to Hong Kong – and freedom (scmp.com)

5.      Mẹ tôi: một phụ nữ tiêu biểu của Nam Kỳ Lục Tỉnh, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: MeToiPhuNuNamKyLucTinh.docx – Google Docs