“CHÉP TẤT” …

Lâm Thụy Phong

Tôi có may mắn trúng tuyển vào trường Petrus Trương Vĩnh Ký năm 1964 ,  sau một kỳ thi tuyển thật cam go.

Ba năm theo cha về quê nội ở Hà Tiên,  học i tờ trong trường Thái Lập Thành lên tới lớp ba. Về lại Sài Gòn, Ông Hiệu Trưởng tiểu học Phú Thọ, chê tài tôi, “đặc cách” cho tôi hạ tầng công tác tại chức học tập lớp tư, vì không đủ tuổi nhí tài cao. Má tôi có vẻ buồn, cố gắng năn nỉ “con cá sống vì nước”, nhưng vô ích. Tôi vô tư, không sao, mà có ra sao cũng không sao. No star where !

Những ngày thơ ấu ở quê nội,  ngoài giờ xách bút nghiên theo việc bắt cá lia thia, tôi “lưu linh, lưu địa” khắp nơi. Da tôi ăn nắng thật nhanh, lại thêm gió biển đong đầy muối, nên ai cũng “qưở” tôi đen như  Miên.  Nhưng nhờ vậy, sức khỏe tôi rất tốt, không đau ốm, da thịt rắn chắc.

Hà Tiên sau Hiệp Định Đình Chiến thật yên bình trong nắng chiếu và trăng thanh bình miền Nam. Mỗi ngày, chuyến xe thơ “Liên Trung” khởi hành từ bến An Đông,  chạy xuyên đêm qua hai cái bắc Mỹ Thuận, Vàm Cống. Theo trục lộ Lai Vung, Sa đec về Rạch Giá, Hà Tiên.

Tới chưn núi Tô Châu khoảng 1 giờ trưa. Bên nầy bờ cầu bắc, nhìn sang bên kia không xa, chợ trong thành phố nhỏ đang ngủ trưa, thật an lành. Vùng đất mới, cực điểm vo tròn của một cuộc Nam Tiến vĩ đại đầy gian lao và vinh quang của tiền nhân.

Tiên phuông công đầu phải kể đến Mạc Cửu. Chín đời khai phá Hà Tiên rồi tuyệt tự,  nổi bật nhứt là Mạc Thiên Tích, người con mang hai dòng máu Tàu -Việt, hia chế ỷ củ thay cho anh chị dì cậu, húp nước mắm Phú Quốc nhiều hơn chấm xì dầu.

Được Chúa Nguyễn phong Tông Đức Hầu, danh tướng văn võ song toàn họ Mạc đã xây dựng đất Phương Thành (Hà Tiên) một vùng kinh tế trù phú và lừng lẫy văn học với thi đàn Chiêu Anh Các, có thể nói không thua kém gì với Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú của vua Lê Thánh Tôn.

Tôi dần làm quen với nếp sống thủ đô. Sáng học trường Phú Thọ, chiều học thêm. Lên lớp nhứt, tôi học với Cô Hạnh. Cô thường nói với tôi sức em nên ghi danh thi vô Petrus Ký. Ngôi trường mà ba má tôi vẫn ao ước ba anh em trai chúng tôi sẽ được bước qua cửa. 

Năm 1964, anh tôi và tôi may mắn bảng hổ đề tên, tôi cứ tưởng là con đường đi không bao giờ tới.

Tôi được xếp ngồi lớp thất 2. Lớp chúng tôi ở trên từng lầu mới xây, đối diện với hành lang danh dự mà học trò không bao giờ được phép đi qua, trừ khi có chuyện cần hay dự lễ phát phần thường cuối năm.

Trong giây phút đầu tiên vô cùng bỡ ngỡ,  lo lắng, e dè trước vẻ trang nghiêm của ngôi trường danh tiếng, tôi cảm nhận được sức nặng của kỷ luật chặc chẽ trên hoc trò Petrus Ký.

Giáo sư hướng dẫn lớp thất 2 là Thầy Thầm Túc (1964). Thầy dạy Pháp văn trong cuốn “Le Francais Elementaire”.

Giáo sư sử địa là Cô Nguyễn thị Sâm mặc áo dài thời thượng lúc đó, “cắt cổ Bà Nhu”.

Giáo sư hội họa là Thầy Trần Công Hầu, với mái tóc nghệ sĩ bồng bềnh.

Giáo sư quốc văn là Thầy Trần Đại Lộc giảng bài thu hút, hoạt bát, trẻ trung, năng động.

Giáo sư công dân giáo dục là Cô Thu Hà, trẻ đẹp, hiền lành, gạo trắng nước trong của con gái Cần Thơ.

Giáo sư âm nhạc là Thầy Hoàng Lang với bản “Hoài Thu” thật du dương,  truyền cảm.

Giáo sư toán là Thầy Trần văn Thường đã đưa chúng tôi vào một thế giới toán học hoàn toàn mới lạ,  khác xa với các bài toán động tử xe chạy một chiều và xe chạy hai chiều, an toàn trên xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa đầu tiên của Việt Nam, hay các bài toán tính thời gian vòi nước chảy, vòi nước tắt của Sài Gòn Thủy Cục mà các thí sinh chúng tôi phải tranh đua trong kỳ thi tuyển đệ thất vừa qua.

Thầy Thưởng có dáng người cao ráo. Nét mặt mô phạm, trí thức của sĩ phu Bắc Hà. Thầy nói chậm, lớn tiếng, chậm rãi, rõ ràng trong phát âm tiếng Bắc. Chữ cuối của câu kéo dài như để chúng tôi nói theo. 

Ban đầu còn e ngại, rồi thì quen dần, một vài tay thích đùa trong lớp, nhại theo. Thầy cười, trò cười, cả lớp cùng cười. Thoải mái, xả bớt áp lực của kỷ luật !

Vài điều “tâm niệm” phải nhập tâm,  xem như là điều kiện ắt có và đủ để “20 điểm hay zero tất,  chép tất” .  Tiếng “tất” kéo dài hơn bản tình ca ” Thương Hoài Ngàn Năm” của Thầy Phạm Mạnh Cương:

Mỗi bài toán phải viết ra rõ ràng ở đầu bài giải GIẢ THIẾT và KẾT LUẬN. Viết nhầm thành giả thuyết là xem như “zero tất, chép lại tất” cả tập !

Năm 1964, tôi có duyên thọ giáo với Thầy Thường. Từ thế kỷ trước qua đến thế kỷ nầy, làm một bài toán tính ra đã 58 năm. Một khoảng thời gian thật dài mà cũng thật ngắn, tưởng chừng như mới hôm qua. Gặp Thầy một năm rồi mãi mãi hôm nay mất Thầy. Nhưng trong tai tôi vẫn còn vang dội giọng nói “chuẩn” của người Hà Nội, cách phát âm hỏi ngã rõ ràng, từng câu của Tự Lực Văn Đoàn.

Ngôn bất tận. Tiễn Thầy trong tâm tưởng thiên thu an nghỉ nơi cõi Vĩnh Hằng. Em phải “CHÉP TẤT” bao nhiêu lần mới đủ ơn Thầy vô tận ? 

Ngoại ô Paris 23/7/2022
Lâm Thụy Phong
(PK 1964 – 1971)