Châu về hiệp phố

Vưu Văn Tâm

chau ve hiep pho 03Sau hơn một tuần liên lạc tìm thân nhân, suốt ngày tìm tòi đã đành, đêm về tôi cũng không yên, loay hoay, lục lọi, đào bới đến 2, 3 giờ sáng. Có hôm nhìn lại đồng hồ, tôi hoảng hồn, 5 giờ sáng rồi. Lướt trang mạng xã hội này đến trang xã hội khác, hết đài truyền thanh đến đài truyền hình bên Pháp, bên Mỹ, bên Úc, rồi quân sử VNCH và các biệt đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, v.v.. ôm smartphone đến hết pin rồi chụp qua cái iPad, hết email rồi đến nhắn tin và trả lời nhắn tin, càng tìm càng thấy mình lạc vào một cõi mê cung. Tôi đã nhủ thầm “dượng Xênh ơi, dượng phò hộ cho con tìm ra chứ kiểu này chắc phải đành thua”. Nhưng nghĩ đến thâm tình phụ tử, nhìn người con đã hơn ngũ tuần khao khát được biết tin cha mình đã bỏ lại thân xác ở một nơi nào đó xa xôi trong lòng đất mẹ, tôi không cầm lòng được và tự tiếp thêm sức mạnh “mình phải tiếp tục cho bằng được”!

Nhận được rất nhiều lời khuyến khích, động viên và giúp đỡ của nhiều chú bác, anh chị, bè bạn biết tên và không biết tên và có lẽ gặp được duyên may, tôi đã tìm được tung tích thân nhân của mình. Mấy chú bác đã mách bảo cho tôi biết tên một chiến hữu đang cư ngụ ở San Francisco và qua chú, tôi bắt được một nhịp cầu liên lạc được với người sĩ quan năm xưa hiện còn kẹt lại Việt-Nam. Qua điện thoại tôi mới biết được, thì ra chú ấy vừa là bạn đồng môn ở trường Thủ-Đức (chung khóa 17, Nguyễn Thái Học) và khi ra trường lại cùng chung một đơn vị với người thân của mình. Chú đã ngoài 80 nhưng giọng nói vẫn còn sang-sảng và trí nhớ vô cùng minh mẫn. Chú kể tôi nghe ít nhiều về cuộc chiến năm xưa, về mùa hè đỏ lửa, ngày dượng tôi và các đồng đội hy sinh và để lại xác thân trên ngọn đồi Tân-Cảnh. (*)

Cuộc đọ sức không cân sức nên quân ta không ngăn chận được sự tấn công ồ ạt của binh đoàn Việt-Cộng. Phía bên kia được yểm trợ bởi chiến xa T54 đã ào ạt tiến vào hướng Tây của Bộ Tư Lệnh tiền phương của Sư Đoàn 22 Bộ binh tại Tân-Cảnh, cách biên giới Việt-Miên-Lào 5 km. Mưa pháo, hoả tiễn dội liên tục hơn ba tiếng đồng hồ, hầm chỉ huy hành quân bị trúng hoả tiễn, hệ thống điều khiển chỉ huy bị thiêu hủy, rất nhiều sĩ quan chỉ huy bị thương nặng và qua đời, trong đó có người thân của chúng tôi. Một số binh sĩ thoát khỏi quận Dakto đã cho biết, căn cứ Tân-Cảnh đã bị Cộng quân tràn ngập đêm 24 tháng 4 năm 1972.

chau ve hiep pho 01Vì quá xúc động tôi cũng chưa thể thưa chuyện nhiều với chú, và những câu hỏi không đầu, không đuôi khó kết thành một câu chuyện mạch lạc. Tôi đã bộc bạch với chú :
– Con sẽ còn nhiều dịp thưa chuyện với chú. Con sẽ gọi chú nhiều lần nữa để xin được nghe chuyện ngày xưa, chuyện của những anh hùng không tên đã bỏ lại xác thân đâu đó trên quê hương, sau khi đã viết lên những trang sử thật oai hùng !

Hồi tháng mười vừa qua, các chú bác đã có dịp về lại Tân-Cảnh thăm lại chiến trường năm xưa và thắp được vài nén nhang để tưởng nhớ đồng đội của mình. Sau gần nửa thế kỷ đi qua, ngọn đồi Tân-Cảnh không được xây dựng gì mới mẻ, nhìn nơi đâu cũng thấy lạnh lẽo và hoang tàn. Vết tích chiến tranh nơi đó đã bị xóa sạch bởi những nương rẫy trồng khoai, trồng bắp của người dân địa phương.

chau ve hiep pho 02Những ngày đầu năm này, tôi đã nhận được tin tức người thân của mình trong niềm vui hân hoan cũng như nổi buồn đau xé nát cõi lòng. Tôi cảm nhận được tình đồng hương thật bao la trên mặt địa cầu và hơn nữa là tình chiến hữu, tình đồng đội. Bây giờ, thời tiết nơi đây chỉ mới lập đông, nhưng tôi thấy được một chút ấm áp qua màn mưa bụi. Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn quý chú bác, quý anh chị và bè bạn đã hết lòng giúp đỡ, mách bảo để dòng máu năm xưa chảy được về tim và châu về hiệp phố.

Mai này có dịp về lại Sài-Gòn, anh em tôi nhất định phải ngược ra miền Trung bụi mù gió cát, đến Kontum, ghé Dakto và thăm lại ngọn đồi Tân-Cảnh, xin một nắm đất, nơi dượng mình và các đồng đội đã anh dũng hy sinh, một lòng báo đáp ơn nhà, nợ nước.

07.01.2019

(*) Tân-Cảnh nằm trên một ngọn đồi có độ cao 600 m, cách thị trấn Dakto 1 km về hướng Tây Nam, thuộc tỉnh Kontum.